HV126 - Đón “sói” xuống núi buổi hoàng hôn

Từ cửa rừng đi ra, hai anh cán bộ lâm trường đứng nhìn bốn phía núi non ngút ngàn rồi đi đến Cửa hàng ăn uống. Họ dừng lại nhìn người vào ra, nhìn hàng chữ viết bằng vôi trên tấm gỗ: “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” với ánh mắt lạ lẫm. Chị nhân viên phục vụ bước ra mời chào. Vốn thân quen với nhiều người ở lâm trường khai thác gỗ, nhưng nhìn hai anh này có diện mạo lạ, chị đoán chắc là cán bộ từ ngoài Bộ mới vào công tác vùng sơn cước này. Chị giới thiệu các món ăn của cửa hàng với khách lạ: món cơm đĩa giá 5 hào; món miến dong nấu canh cua núi; món phở “không người lái” (không có thịt) nhưng có nước dùng đặc sản thơm ngon lắm, giá 3 hào một bát; các món cháo cá suối, cháo gà rừng, bánh sắn, bánh khoai... Những năm 60 thế kỷ trước, thời bao cấp, bộ đội, cán bộ đi công tác vào ăn các cửa hàng ăn uống quốc doanh ngoài trả tiền rồi còn phải kèm theo phiếu gạo. Hai cán bộ lâm trường ăn hai đĩa cơm. Ăn xong một anh rút tiền ra trả. Chị nhân viên ngỡ ngàng nhìn những tờ giấy 1 hào, 2 hào mới cứng của các anh. Chị cười: “Tờ hào của các anh, chúng em dùng để thái rau được đấy!”. Khi hỏi đến tem gạo thì hai người khách lạ nhìn nhau không hiểu chị nhân viên cửa hàng hỏi cái gì. Chị nói rõ, các anh đã trả tiền rồi còn phải trả tem gạo cho cửa hàng. Bộ đội thì trả 250g, công chức, cán bộ nhà nước như các anh thì trả mỗi suất 225g. Một người khách nhanh trí nói: “Chúng tôi xin trả thêm tiền bao nhiêu cũng được để bù vào cái chị vừa nói mà chúng tôi không có”. Chị nhân viên phân vân “trông các anh cán bộ này lạ quá... có những tờ bạc mới cứng, thơm mùi giấy như mới được đưa ra tiêu dùng lần đầu, lại không biết cả quy định ăn cơm phải trả tem phiếu gạo...”, chị nhân viên trả lời: “Các anh chờ em một chút. Em vào báo cáo với cửa hàng trưởng xem cách giải quyết như thế có ổn không. Theo em thế cũng được đấy. Mời các anh hôm sau lại vào với cửa hàng chúng em...”.

Anh cửa hàng trưởng và một nhân viên bảo vệ đi ra. Họ mời hai cán bộ lâm trường vào văn phòng. Ba hôm sau, cơ quan an ninh thông báo khẩn cấp cho Đồn biên phòng Cầu Treo: Hai “sói điên” vượt biên luồn qua khu rừng đệm Nước Sốt xâm nhập vào vùng rừng nội địa đã bị bắt giữ. Qua khai thác, ta đã xác định những tên gián điệp biệt kích này là quân số của “Toán Sói điên tiên phong Bắc tiến”, chúng được đào tạo ở căn cứ huấn luyện có biệt danh Flying John. Căn cứ này đặt ở một vùng núi vắng trên biên giới Việt - Miên. Ở đó bọn giặc đã tuyển mộ lũ ác ôn, lũ quay cờ trở giáo..., chúng được bọn cố vấn quân sự Mỹ truyền nghề. Khi đã “biến hóa” con người thành “sói điên”, “cọp núi”, “rắn biển”, “cóc tía”... thì chúng tung ra nhằm gây tội ác với các tỉnh phía Bắc và dò la nơi ta giam giữ bọn giặc lái, để giải cứu. “Toán sói điên” này được máy bay lên thẳng Super Cobra của Mỹ - loại chuyên dụng chở biệt kích, thám báo, gián điệp - thả xuống bãi cỏ sát biên giới. Hai “sói điên” này đi trinh sát núi non vùng Nước Sốt và vùng dân cư kề cận để thiết lập hang ổ “sói”. Nơi này là hợp điểm của những con đường từ đèo Keo Nưa xuống, từ đường mòn số Tám cũ về, từ các đường hẻm xuyên rừng... vào ra biên giới. Nơi này lại có suối nước nóng bốn mùa...

Những buổi chiều hoàng hôn mây về sương lạnh, những đêm trăng huyền ảo, các loài thú hoang dã về đây tụ hội. Chúng dầm trong nước ấm, chúng bơi lội săn mồi, chúng tranh giành nhau liếm láp những tảng đá nhẵn bóng, trơn lì như vỏ bưởi vì ở đó có chất mặn như muối.

Gần đến suối nước nóng, hai “sói điên” mang giày dưới đế gắn chân sói đi qua đồi nương, vào khu rừng nội địa. Cơ quan an ninh đã chuyển đôi giày kỳ quặc ấy đến đồn biên phòng. Đó là đôi giày có đế đúc bằng cao su, người đi sẽ in lại dấu vết trên đất rừng giống hệt bàn chân sói. Loài sói có bàn chân năm ngón. Bàn chân và các ngón đều có móng vuốt nhọn hoắt, sắc lẹm dài 2-3cm. Lúc bước đi, sói co gọn móng vuốt giấu vào trong lớp lông nên chỉ để lại trên đất rừng những vết lõm.

***

Loài sói hoang dã thuộc bộ thú ăn thịt là kẻ săn mồi đáng sợ. Từ xa xưa, sói đã có hai đặc trưng nổi trội vượt các loài thú trong rừng. Một là, sói sống thành bầy đàn 8-10 con, có đàn đông đến 20 con, có con “cầm đầu” nên càng tạo sức mạnh tàn phá khủng khiếp. Hai là, những đêm rừng hoang núi vắng sương trắng mịt mùng hoặc đêm trăng suông lạnh lẽo, sói đứng nghếch mõm nhìn những vì sao xa xanh mà tru như gọi tổ tiên nó đã hòa lẫn trong bụi tàn. Tiếng tru của sói nghe rùng rợn là nỗi ám ảnh kinh hoàng cho cả trăm loài. Tiếng tru ấy cứ rền rĩ kéo dài có lúc nghe như tiếng thổn thức tức nghẹn. Có nhà nghiên cứu về sinh vật nói rằng, có lẽ đó là dư âm tiếng rên xiết đau thương của biết bao sinh linh tổ tiên các loài thú rừng đã bị sói đày đọa từ cổ xưa!

Hình tượng con sói đã được phổ biến trong các truyền thuyết, huyền thoại, truyện ngụ ngôn, truyện cổ tích… của các nền văn hóa và tôn giáo nhiều nước trên lục địa Á, Âu, Bắc Mỹ. Họ thần thánh hóa loài sói, xem sói là vật tổ. Họ tôn sùng các đặc điểm về bản năng tự nhiên, về sức mạnh, sự dũng cảm, tính kết tụ bầy đàn và khả năng sinh tồn nòi giống tuyệt vời của sói. Nên rất nhiều người đã xăm hình sói lên mình để biểu thị sức mạnh. Người thời đó tin vào truyền thuyết, sói đã nuôi nấng Romulus và Remus là con trai của vị thần chiến tranh Ares(1), những người sáng lập thành La Mã cổ đại. Người ta cũng lưu truyền một câu chuyện mà họ cho là rất thú vị. Chuyện rằng trong rừng vắng một con sói đói chỉ còn da bọc xương bước đi xiêu vẹo tìm mồi, gặp con chó săn béo tốt mượt mà. Chó săn nói với sói đói: “Muốn béo tốt như tôi, anh hãy bỏ rừng mà chẳng phải làm gì, chỉ chạy đi xin ăn và chỉ cần xun xoe nịnh bợ, làm cho con người vui”. Chó sói đói nhìn thấy lông trên cổ con chó săn rụng nhiều, hỏi ra mới biết vì nó phải đeo vòng xích cổ không thể đi lại tự do, sói liền nói: “Nếu có thức ăn mà phải trả cái giá như thế thì tôi không cần…”. Sói tu lên một tiếng khinh bỉ rồi phóng đi…

Ở nước Anh, hình ảnh con sói thường xuyên xuất hiện trên nhiều tấm huy chương, huy hiệu, biểu tượng. Hình ảnh sói hoặc đầu sói được dùng để biểu thị về tên tuổi của đức vua và các quan đầu triều trong các triều đại nước Anh thời 1442-1461. Thị trấn Passan (Bavaria) ở nước Đức, người dân dùng biểu tượng một con sói đỏ hùng mạnh mang tấm lá chắn màu trắng che đỡ mọi tai ương, giữ bình yên cho dân lành. Quốc huy của lực lượng ly khai nước Chechnya mang hình con sói, dòng khẩu hiệu nổi tiếng nhất của họ là “Tự do và bình đẳng như những con sói”.

Ở châu Á, người Mông Cổ tự nhận mình là hậu duệ của loài sói, tổ tiên họ có nguồn gốc từ một con sói và một con hươu. Thành Cát Tư Hãn được tôn xưng là “Đại Mạc Thương Lang” có nghĩa là con sói xanh của trời. Ở Mãn Châu - Trung Quốc có vùng người dân đặt tên bộ tộc của mình theo tên sói. Nhiều thành viên thị tộc nước đó đua nhau đổi sang họ Lang có nghĩa là họ sói. Trong văn hóa dân gian và tín ngưỡng truyền thống của nước Nhật, hình tượng con sói được thờ phụng cùng với các Thần Núi, Thần Đạo. Thần Sói được đưa vào thờ tại Miếu thiêng Mitsumine - tỉnh Satama.

***

Vùng non ngàn Nước Sốt buổi hoàng hôn huyền ảo như trong truyện cổ tích. Hơi nước từ dòng suối nóng ấm chảy dưới chân đồi bay lên bảng lảng khói sương. Đặc biệt dòng suối biên thùy này có loài cá “văn công”. Tên thực của nó là cá lấu, cá bộp. Nhưng nhiều người nói rằng Mẫu Thượng Ngàn đã ban màu “nước biếc non xanh” nên nó có môi hồng má trắng, vằn lưng màu lá núi chấm sao trời, bộ vây quạt nước được nhuộm vàng phơ phất như những dải lụa. Nhìn đàn cá bơi, lính biên phòng nói vui với nhau “Cá văn công múa đấy”. Trong các hõm đá bên bờ suối, nước sủi bọt bốc hơi như luôn được đun nóng. Lính biên phòng thả vào đó những quả trứng chim, trứng rùa nhặt được trên đường tuần tra, một lúc sau thì chín; những con thú bẫy được ngâm vào đó một lúc là có thể cạo sạch lông.

Những người già ở xóm núi Kim Cương còn kể lại rằng thập niên 40 thế kỷ trước, bên dòng Nước Sốt này có xóm bản trù phú. Nhưng rồi nạn đói năm Ất Dậu (1945) bọn cướp đã tràn về cướp của, ác thú trong rừng xông vào tận nhà bắt người. Xóm bản điêu tàn. Giờ đây sau những trận mưa rừng suối dâng đất lở, trên bãi cỏ hoang lăn lóc xương người, xương thú. Đêm đêm những bầy ma trơi(2) vất vưởng lập lòe đốm lửa xanh yếu ớt như đùa giỡn trong làn gió lạnh làm tăng vẻ hoang sơ rùng rợn....

... Hai “sói điên” đã sa lưới khai rằng, máy bay trinh sát của chúng đã chụp ảnh vùng núi non này. Chúng đã tính toán đến địa chất, bình độ các đỉnh cao. Chúng biết các loài thực vật sống ở vùng này. Chúng biết trên núi có bãi đất bằng. Nơi đó sẽ tiếp nhận được hàng từ máy bay thả xuống, và chân núi bên kia biên giới có bãi cỏ, trực thăng có thể đưa người xuống, đón người lên... Chúng tính đến cả việc nơi này có dòng nước ấm nóng “bầy sói” có thể dung thân được. Lập “ổ sói” ở đây, trên đầu dòng Nước Sốt này là nơi đắc địa. Chúng sẽ đưa thêm “sói” đến...

Đồn biên phòng Cầu Treo dàn quân “đón sói”, cả hai bờ dòng Nước Sốt. Đồn trưởng Mạnh Chung, người lính từng đánh trận đồi A1 Điện Biên, đón hướng cụ thể. Đội trưởng Uy Hồ chỉ huy đội tuần tra đón hướng có thể, chốt chặt “đường Thần Đạo” (theo lời “sói” nói) là nơi hợp điểm các ngả đường từ biên giới đi vào đất Việt. Đồn trưởng kiểm tra vị trí chiến đấu của từng chiến sĩ. Với linh khiếu của người chỉ huy, anh nói với họ “Muốn ngăn dòng sông thì ta phải chặn ngay từ mạch suối...”.

Tàn buổi hoàng hôn, dưới suối nước nóng ấm tiếng voi còn rống gọi đàn, tiếng vòi phun nước còn ào ạt tắm cho nhau... Rừng vào đêm thâm u mù mịt. Ma trơi hiện hình. Những đốm lửa xanh lập lòe...

Ba “sói điên” xuất hiện. Bóng chúng lãng đãng chập chờn trong làn sương núi. Tiếng chân “sói” lạo xạo đất rừng...

 

_____

(1) Trong thần thoại Hy Lạp, Ares làm vị thần chiến tranh có khả năng quyết định thắng lợi của mọi cuộc chiến.

(2) Ma trơi: hiện tượng chất phốtpho trong xương người thoát ra gặp không khí cháy thành những đốm lửa xanh yếu ớt lúc ẩn lúc hiện.

 

TRẦN HỮU TÒNG