HV126 - Nhà thơ của nỗi buồn trái đất

Cách đây 6 năm - 2012 - nhà thơ Dũng Hiệp, bút danh Tú Ca, với 86 tuổi đời và 65 tuổi Đảng, đã rời khỏi chốn trần gian để đi vào cõi vĩnh hằng.

Kể như thơ văn đã được gắn bó xuyên suốt cuộc đời Dũng Hiệp. Con một nhà nho yêu chuộng thơ văn, sống bên tả ngạn sông Thi trong xanh, êm đềm ở xã Duy Thành, thuộc huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, từ lúc mới 6, 7 tuổi Dũng Hiệp đã làm “thằng nhỏ sai vặt” phục vụ trà, rượu cho những ông đồ bạn học ngày nào của thân phụ mình, thường đến gặp nhau bàn chuyện văn chương, thế sự, nhân tình. Trong thời khoảng đó, cậu bé đã được nghe lỏm để mà thuộc lòng hơn chục bài thơ tứ tuyệt đời Đường. Nhờ vậy cậu đã tập tễnh làm được những bài thơ ngắn.

Khi vừa lớn lên Dũng Hiệp đã tiếp nhận được từ cuộc Cách mạng tháng Tám thành công vào năm 1945 một quan niệm sống tuyệt vời, như về sau anh đã nói: “Không có Cách mạng tháng Tám, cuộc đời tôi sẽ tối tăm biết là chừng nào”. Và liền sau đó, bọn thực dân Pháp được đế quốc Mỹ hỗ trợ đã quay lại mong tái chiếm Việt Nam thì nguồn thơ của Dũng Hiệp mới được khơi dậy để anh góp phần chiến chiến đấu qua nhiều bài viết chống bọn thực dân, kêu gọi lính Việt trong quân ngũ giặc quay về với quê hương mình. Và lẽ dĩ nhiên những bài thơ ấy chỉ được tồn tại bằng sự truyền miệng.

Rồi Pháp thất bại nặng nề ở Điện Biên Phủ phải ký Hiệp định Genève vào năm 1954, tạm thời chia đôi đất nước Việt Nam để chỉ 2 năm sẽ tổng tuyển cử, nhưng liền sau đó Pháp đã phản bội hiệp định đem trao miền Nam cho Mỹ để trả món nợ của 9 năm qua, và Mỹ đưa tên tay sai là Ngô Đình Diệm về làm tổng thống ở miền Nam với cái tham vọng thực hiện chính sách được gọi là thực dân mới. Lập tức, bài thơ chống Diệm của anh Dũng Hiệp - có lẽ đấy là bài thơ sớm nhất trên toàn quốc - đã được truyền miệng rộng rãi ở miền quê mình trước khi lan tỏa đến các nơi khác. Bài thơ đã khéo vận dụng cái lối phát âm phần nào thô kệch của người Quảng Nam, ao nói thành ô - như cháo nói là chố, gạo nói là gộ - để mà chửi Diệm một cách thậm tệ, đồng thời vạch rõ được mối liên hệ chủ tớ giữa Mỹ và Diệm. Về sau, khi được lên sách, bài thơ có nhan đề là Tiếng Quảng Nam:

Tiếng Quảng Nam mình nói rõ thô

Vần ao mà đọc hóa vần ô

Rằng ông khách Mỹ đi rông phố

Dắt chó ngao mà hóa chó Ngô!

Về tên ác ôn tồi tệ bậc nhất xuyên suốt mấy ngàn năm qua, Dũng Hiệp còn đề cập đến trong nhiều bài khác. Chẳng hạn:

Đi bắt sâu Ngô

Người xách mo đài, kẻ xách bô

Rủ nhau ra ruộng bắt sâu Ngô

Giết cho sạch hết loài ăn hại

Con cháu ngày sau mới ấm no.

Hoặc bài:

Xem hát bội

Đầu năm hát bội diễn tuồng pho

Giang Tả cầu hôn, Thục đến Ngô

Ngô dụng mỹ nhân làm kế độc

Tưởng là đớp lớn, hóa thua to.

*

Lại về xem nốt truyện Quan Công

Đêm ngủ nằm mơ cũng thấy ông

Ông múa thanh đao và thét lớn:

“Chém đầu Ngô - cẩu vứt bên sông!”

Dũng Hiệp còn viết nhiều bài, ông không nói rõ họ tên song người nghe thơ vẫn biết là nói về Diệm. Chẳng hạn:

Con chó chết

Chẳng biết từ đâu tấp đến đây?

Một con chó chết, nhặng bu đầy

Thối inh mặt nước dòi nhoi nhúc

Đen kịt bờ sông, quạ lượn bay

Lông mượt, rõ ràng lai giống Mỹ

Mõm dài, hẳn có trộn nòi Tây

Đố ai biết được mi bao chủ?

Bao chủ, rồi mi cũng nát thây.

Trong nhiều bài thơ như thế thì Tiếng Quảng Nam đã được phổ biến rộng nhất. Đồng thời Dũng Hiệp có bài thơ khác được cho ra đời vào ngày sinh nhật Bác Hồ, để tôn vinh Bác. Và trong hoàn cảnh sắt máu của thời Diệm - Nhu, nhà thơ đã biết khéo léo diễn tả như sau:

Cụ ngồi thong thả buông cần trúc

Hồ rộng, trời in ánh nước hồng

Muôn vạn đài sen hương bát ngát

Tuổi già vui thú với non sông.

Chỉ cần tinh ý, chúng ta cũng thấy được sự tôn vinh Bác Hồ ở 4 chữ đầu các câu thơ, đó là Bác Hồ Muôn Tuổi. Bài thơ đã được lan truyền rộng rãi và trước khi bọn địch hiểu được ý đồ của tác giả đã ra lệnh cấm truyền miệng và tịch thu một số tranh vẽ cụ già ngồi câu cá kèm theo 4 câu thơ.

Khi bom đạn đã phải chấm dứt mà cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp tục thì những bài thơ như thế là thứ vũ khí tinh thần sắc bén - và thật vô giá - góp phần nuôi dưỡng niềm tin và sức chiến đấu cho quần chúng.

Khi được tập kết ra Bắc sau năm 1955, Dũng Hiệp học Đại học Tổng hợp khoa Văn, vẫn còn làm thơ, nhưng dành thời gian khá dài để làm sân khấu, viết nhiều kịch bản, nhiều tuồng. Và sau năm 1975, về Nam ông gặp lại vợ - chị Nguyễn Thị Nguyệt, tù nhân bị ngụy quyền bắt vào năm 1969 và được trao trả vào năm 1973 - cùng sống ở khu Bàu Cát, quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh. Suốt thời gian này ông đã dành trọn cho thơ và cho ra đời được nhiều tác phẩm như: Tiếng gọi đò, Vỏ ốc, Màu trái chín, Nỗi buồn của trái đất… Vào khoảng cuối đời ông lâm bệnh nặng, nằm liệt nhiều năm, đã được vợ con chăm sóc tận tình. Ông an nghỉ tại Nghĩa trang Thành phố, quận Thủ Đức.

Tôi được tiếp cận, và cả thân quen với nhiều nhà thơ học rộng, tài cao, có danh vị lớn - và tôi thật lòng mến mộ họ - nhưng chưa gặp được một nhà thơ nào có được đề tài phong phú như anh Dũng Hiệp. Hầu như gặp bất cứ sự kiện gì, vật thể gì, anh cũng gợi được hứng thơ. Từ cái vỏ ốc, đến hạt dưa, hay nón lá, hoặc trái khổ qua, thậm chí đến cái bóng đen, hoặc là chiếc cầu hay ngã tư… và đủ các loại trong mấy trăm bài sáng tạo của anh.

Thơ Dũng Hiệp kết hợp được tính truyền thống và tính hiện đại. Về tính truyền thống, thơ anh - xét về nội dung - luôn ca ngợi lòng yêu nước, tôn vinh lãnh tụ cùng các anh hùng, liệt sĩ, chiến binh… Sự tôn trọng đạo lý cao đẹp ấy còn được thấy rõ trong những bài thơ viết về gia đình, về mẹ, về em, về vợ và con. Còn về hình thức, Dũng Hiệp đã vận dụng khá nhuần nhuyễn các thể loại thơ cổ điển, kể cả các lối chơi chữ và sự nói lái. Về tính hiện đại, thơ anh luôn đậm tinh thần lạc quan cách mạng, và anh luôn biết phá vỡ những khuôn khổ cũ để mà diễn đạt ý tình. Theo anh, kể từ ngàn xưa, ở trong Đường thi rồi đến cái gọi là Thơ mới Việt Nam, Ngưu Lang - Chức Nữ luôn bị ngăn cách bởi dòng sông Ngân, họa hoằn một năm mới được một lần gặp nhau nhờ có cầu Ô. Nhưng anh, qua một bài thơ lục bát đã xây cho họ chiếc cầu - bằng thơ lục bát thơm tho như là hoa ngâu - để họ có thể gặp nhau bất cứ lúc nào. Dũng Hiệp cho biết cái ý bắc cầu ở trong thơ anh đã được hình thành từ những quan điểm cách mạng. Bởi nếu không được thấm nhuần trong không khí cách mạng, chúng ta luôn mãi nhận thức sự việc một cách thụ động.

Trên mặt trận văn học, Dũng Hiệp xứng đáng là một chiến sĩ thuộc loại hàng đầu. Toàn bộ thơ anh sáng tỏa một tinh thần chiến đấu, kiên trì, quyết liệt nhưng dầu trong cảnh trạng nào thơ anh vẫn đọng lại tình người. Ngay với cây hoa giấy, loại hoa quen thuộc, thường tình, cái nhìn của anh cũng đậm sắc màu… “Dũng Hiệp”:

Dù người ta gọi em là cây hoa giấy

Mặc người ta, em chẳng mất công buồn

Đời lắm chuyện lập lờ như thế đấy

Không bận lòng em cứ nở hoa luôn

*

Vừa làm hoa, vừa làm giàn che mát

Dưới bóng em có hàng triệu con người

Thế cũng đủ làm em vui lắm chứ?

Chỉ đáng buồn những bóng lẻ đơn thôi…

Giá trị của cây hoa giấy không chỉ dừng lại ở đấy. Nó còn cho thấy, ở những đoạn sau, vẫn luôn giúp ích cho đời với chiếc thân gai và khi tàn rụng.

Đánh giá thơ văn Dũng Hiệp, ở trong lời bạt Màu trái chín - ấn hành vào năm 1988, GS Trần Thanh Đạm đã có nhận định chính xác rằng: “Thơ Dũng Hiệp là thơ của một nhân cách, của một tấm lòng”.

Đối với cuộc sống còn quá nhiều những nỗi khổ đau, lắm cảnh bi thương, Dũng Hiệp đã có khát vọng lớn lao là được làm… Trời. Trong bài Nếu tôi làm Thượng đế, nhà thơ mong có quyền năng thay đổi cuộc đời nhân loại để cho tất cả đều được yên vui. Nhiều người vẫn nói rằng thơ Dũng Hiệp luôn có nụ cười hóm hỉnh, nhưng ở nơi anh, vẫn có nỗi buồn. Và đó cũng là nỗi buồn của trái đất đang còn đầy cảnh đối nghịch, hận thù. Không chỉ ghét nhau màu da, ghét nhau tiếng nói, không chỉ nghịch nhau vì đạo, oán hận vì tiền, vẫn còn vô số những điều nghịch lý giữa người với người. Và đúc kết bài Nỗi buồn của trái đất, Dũng Hiệp đã buông câu hỏi như một lời than:

Bao giờ trái đất có đôi?

Bao giờ mới thấy loài người thương nhau?

Trong khi loài người vẫn còn mê muội như vậy, thì năm 2012, nhà thơ qua đời, tạp chí Hồn Việt có sự tiếc thương và đã đăng tải một bài tiêu biểu của ông - bài Điếu văn gởi người đang sống - ý nói đang có những người béo tốt, phởn phơ, lầu son, gác tía nhưng kể như là đã chết vì đã phản bội lý tưởng của mình. Và với Dũng Hiệp, dẫu đã vĩnh viễn đi xa, nhà thơ luôn sống với dân tộc mình.

Vào năm 2001, Câu lạc bộ thơ nhạc của Trung tâm Văn hóa quận Tân Bình tổ chức buổi họp vinh danh Dũng Hiệp và tôi được mời thuyết trình về nhà thơ mà tôi hết sức mến yêu, kể cả nhân cách cũng như tài năng. Với một khối lượng thi phẩm phong phú và một nhiệt tình cách mạng cao độ, hầu như Dũng Hiệp chưa được xã hội đánh giá đúng mức về giá trị mình. Có lẽ do hai nguyên nhân sau đây: Một là, tất cả bài thơ chống Pháp rồi đến chống Mỹ của anh bấy giờ đều chỉ truyền khẩu, mãi về sau này khi đã hòa bình mới được anh ghi chép lại. Nhân đây xin được nhắc lại trong cuộc kháng chiến trường kỳ kéo dài mấy thập niên qua có một khối lượng thơ văn yêu nước - trong vùng địch chiếm - chỉ được truyền miệng, nhưng sau ngày đã hòa bình không thấy có một công trình sưu tầm, chọn lọc những sáng tác tiêu biểu nhất để quảng bá cho toàn dân và lưu lại cho đời sau những giá trị tuyệt vời ấy, vốn là vũ khí tinh thần thường trực tiếp sức chiến đấu cho những người dân ít học, hoặc những vùng quê không có báo, đài. Và trong kho tàng dân học dân gian ấy không chỉ có những nhà thơ tài năng mà còn không ít tác giả là người dân thường, khá nhiều bài vè, câu thơ của người dân tộc thiểu số, của những tù nhân trong cảnh đọa đày. Sự không lưu trữ kịp thời sẽ để tro bụi thời gian xóa mờ tất cả. Và nguyên nhân thứ hai, như GS Trần Thanh Đạm đã nhận xét, rằng thời kháng chiến rồi thời hòa bình “so với thường tình, Dũng Hiệp đều có vẻ như lạc điệu. Thời người ta sợ sự thật, anh nói thẳng sự thật. Thời người ta chế nhạo đạo lý, anh khẳng định đạo lý. Đạo lý dân tộc, đạo lý cách mạng… Ở anh, đây là một sự nhất quán đúng đắn, cao quý”. Nhưng nhất quán ấy, của anh, lại không phù hợp với những lớp người thực dụng.

Khi viết bài này tôi muốn có một ảnh nhỏ của anh Dũng Hiệp để đưa lên báo và tôi đã gọi điện thoại đến nhà chị Nguyệt để hẹn giờ. Nhưng mấy lần đến nhà gặp chị, vẫn luôn được chị trả lời: “Thôi đừng nhắc lại chuyện đã qua rồi”.

Tôi hiểu nỗi buồn của người phụ nữ nay đã 91 tuổi, yếu đuối, mệt mỏi đang sống quạnh quẽ một mình vì hai người con đã có gia đình và ở riêng. Vào năm 1985, khi chị chữa trị ở bệnh viện Chợ Rẫy, Dũng Hiệp có làm một bài thơ dài - gọi là Cầu nguyện - để tặng vợ, với hai câu đầu:

Đau thì đau, em chớ bỏ đi luôn

Anh ở lại một mình buồn biết mấy…

Và chị đã không đi luôn. Chỉ có mình anh đi xa và đi thật xa. Lần đầu khi còn trẻ trung, tưởng chỉ xa vợ 2 năm, nào ngờ kéo dài đến 20 năm. Còn lần sau này, anh cũng đi xa chị 6 năm rồi, và sự ly biệt sẽ là vô tận.

Tôi cố gắng gọi điện thoại một lần nữa, được chị Nguyệt cho biết sẽ gọi con gái về tiếp khách. Đó là cô giáo Nguyễn Thị Thúy Nga, nguyên Hiệu trưởng trường Võ Thành Trang, nay đã nghỉ hưu. Vốn biết tôi là người bạn thân tình của phụ thân mình, cô đã sốt sắng lục tìm trong chiếc tủ kiếng nhỏ những gì lưu giữ về người cha mình. Cuối cùng cô cũng tìm ra được một mảnh bìa dán 4 hình nhỏ của anh Dũng Hiệp, từ năm 1955 đến 1985. Tôi thật xúc động được gặp lại anh qua những tấm hình. Tấm hình chỉ mấy phân vuông là của một người đã từng ôm cả nỗi buồn của trái đất này vào trong lòng mình. Đó còn là một người “lính biệt động”, như anh từng gọi thơ mình là “biệt động thơ”:

Lúc giặc xua quân chiếm cõi bờ

Ta cần du kích, đợi thời cơ

Chúng quen dùng sức, ta dùng trí

Biệt động quân và biệt động thơ.

 

---------------------------------

Nếu tôi làm Thượng đế

DŨNG HIỆP

Nếu tôi làm Ngọc Hoàng thượng đế

Phép thần thông cải tạo gấp nhân gian

Tất cả đàn bà đều hóa ra XINH ĐẸP, DỊU DÀNG

Tất cả đàn ông đều hóa thành KIÊN CƯỜNG, TRUNG DŨNG

Cả nhân loại đều TỰ DO, BÌNH ĐẲNG

Tất cả mọi nhà đều NO ẤM, VĂN MINH

Cuộc sống ĐÓI NGHÈO, TỘI ÁC, GIAN MANH…

Phải khẩn cấp tiêu diệt từ cội rễ

Vốn là những đứa con sanh ra từ một mẹ

Nhân loại thương nhau như máu mủ, ruột rà

Chẳng cần nói HÒA BÌNH, BÁC ÁI… cao xa

Vì chẳng có CHIẾN TRANH

Và những điều PHI LÝ

Là THƯỢNG ĐẾ, tôi sẽ làm như thế

Việc làm xong

Xin TỪ CHỨC, để làm thơ.

VŨ HẠNH