Câu chuyện này do Sasha Miljukov, đại úy cận vệ về hưu, Anh hùng Liên Xô, kể cho tôi nghe vào năm 1967.
... Trước chiến thắng mấy ngày, tôi bị thương. Ở phía ngoài cửa sổ, ngày nào cũng bắn pháo hoa, còn tôi thì nằm bẹp trên giường quân y viện. Tôi rất muốn trở về với trung đoàn của mình, với các đồng đội của mình để chia xẻ với họ niềm vui chiến thắng không sao chịu nổi đến nỗi tôi cảm thấy như đang ngồi trên đống lửa.
Ngày thứ bảy, chính xác là ngày 8 tháng 5, tôi cảm thấy thời điểm đã đến rồi. Với sự trợ giúp của cô y tá đáng yêu, tôi đã lấy trộm quần áo của mình, rồi hôn cô ta lúc chia tay - “Anh sẽ tìm ra em, thế nào cũng tìm ra!”. Và chuồn khỏi quân y viện.
Tôi đứng ngoài phố, bỗng nhìn thấy một chiếc xe “Hors” cỡ lớn mới toanh, trong xe có một viên tướng Đức và hai sĩ quan. Có lẽ chúng tìm ai đó để xin đầu hàng. Tình hình lúc ấy là như vậy...
Tôi giơ tay ra hiệu, chiếc xe dừng lại. Tôi chỉ tay và bảo: “Cút mẹ chúng mày đi!”. Chúng ấp úng nói mấy câu gì đó. “Schnell, schnell!”. “Nhanh lên, nhanh lên - tôi ra lệnh - Chúng mày đừng cản trở giao thông”.
Thế là tôi ngồi vào lái và phóng đi. Còn đi đâu thì tôi chưa rõ. Trung đoàn của tôi hiện ở đâu? Ở phương Tây thì rõ rồi. Trong năm ngày vừa qua họ đã đi tới đâu rồi?
Thôi được, tôi cho xe chạy theo hướng mặt trời vậy...
Một đoàn tù binh Đức đi thất tha thất thểu ngược về phía tôi. Không phải hoàn toàn là tù binh - nhiều người không có cảnh giới, họ mang theo vũ khí -nhưng rõ ràng là đi quy hàng. Đến sẩm tối thì tôi cũng tìm thấy đơn vị của mình. Ở đó mọi người nháo nhác cả lên! Trên đài phát thanh vừa phát đi lời tuyên bố đầu hàng. Tôi lọt ngay vào bàn tiệc ăn mừng. Chúng tôi uống đủ các loại rượu, uống từ từ cho đến lúc say mềm. Gần sáng, Lenka Eliseev - ở chỗ chúng tôi có một thiếu tá như vậy, người vùng Odessa - nói:
- Này các cậu ơi, tớ nảy ra một ý như thế này. Chúng ta sẵn có ô tô, một chiếc ô tô thượng hạng. Chúng ta hãy vào kho thực phẩm lấy rượu mạnh và xúc xích. Đúng hôm nay là ngày cánh ta trực. Và chúng ta sẽ vù đi Paris!
Mọi người rất khoái ý tưởng đó. Mặc dầu có một tay phản đối, mặc dầu có một tay gãi gáy bảo phải nghĩ đến hậu quả chứ.
- Sợ quái gì, đi thôi!
- Mà ai sẽ giữ chúng ta cơ chứ! Bây giờ chả ai cần đến chúng ta cả.
Và thế là chúng tôi khuân đồ ra xe rồi nổ máy lên đường!
Những chàng trai trẻ say khướt, chả thèm nghĩ gì đến hậu quả cả.
Chúng tôi đến khu vực Mỹ đóng quân. Mấy chàng lính Mỹ giơ tay chào chúng tôi:
- Hê-lô! Các ông đi đâu thế?
- Đi Paris!
- Ồ, Paris à, ka-ra-sô! Tốt! Tốt!
Chúng tôi cùng uống với họ một ly Whisky, ôm hôn nhau lúc chia tay và lại lên đường đi tiếp. Trên đường đi, chúng tôi cứ chì chiết nhau hoài. Chả nhìn thấy nước Pháp mẹ nào cả! Tôi ngủ suốt dọc đường. Khoảng xế chiều thì chúng tôi đến Paris.
Trên con phố đầu tiên, chúng tôi ra hiệu cho một công dân Pháp dừng lại. Bằng thứ tiếng Đức giả cầy pha tiếng Nga và bằng điệu bộ chúng tôi giải thích cho ông ta:
- Này bố già, bố hãy chỉ cho chúng con xem nhà thổ trong thành phố này ở đâu?
Ông ta đứng ở bậc lên xuống, chúng tôi cùng với ông ta đi qua một khu phố nữa rồi dừng lại cạnh một ngôi nhà. Cửa ra vào đóng im ỉm, cửa sổ không có ánh đèn. Chúng tôi bấm chuông. Bà chủ nhà bước ra. Ông bạn Pháp bèn giải thích cho bà ta hiểu rằng những vị sĩ quan Nga này muốn gì. Bà ta hỏi: Những ngài này sẽ trả bằng gì? Đô-la? Đồng bảng Anh? Chúng tôi ở đây không tiêu tiền Mác của người Đức đâu nhé.
Chúng tôi mở thùng xe và giơ tay chỉ cho bà ta thấy hai can rượu mạnh, một bao tải xúc xích và một hòm thịt hộp...
Thế là mọi sự bắt đầu. Các ngài tỉ phú Rockefeller đã đến! Đèn nến trong nhà thắp sáng choang, nhạc nổi lên xập xình, các cô nương ra nghênh tiếp, nước hoa xức thơm phức, quần áo mỏng dính, trong suốt.
Tôi được đánh thức lúc tảng sáng. Mở mắt ra thấy đứng ngay trước mặt là một sĩ quan Liên Xô, nhìn quân hàm biết ngay là cùng cấp bậc đại úy, từ cơ quan phản gián (ở Paris có bộ tư lệnh quân giải phóng Liên Xô).
Tôi vội vớ lấy áo sống - không phải là của mình. Té ra là ban đêm chúng tôi đã thay đổi các em cho nhau.
Chúng tôi vội vàng phiên phiến chỉnh đốn quân phục, bước ra ngoài phố và chui tọt vào xe của mình. Các chiến sĩ tình báo đi trên xe phía trước, tất cả đều quay trở lại.
Chúng tôi ngồi im như thóc. “Đấy - tôi nghĩ bụng - chúng ta đi dạo chơi đã sướng chưa. Viện bảo tàng Louvre, đại lộ Champs-Élysées, Tháp Eiffel... Chả nhìn thấy mẹ gì cả! Và chuyện gì sẽ xảy ra bây giờ đây?”.
Chúng tôi tiến vào khu vực đóng quân của Mỹ. Chiếc xe đi đầu dừng lại. Viên đại úy bước ra, đi đến chỗ xe chúng tôi, trả lại toàn bộ giấy tờ qua cửa sổ xe hé mở và bảo:
- Thế này các cậu nhé. Tớ chưa hề nhìn thấy các cậu và các cậu cũng chưa nhìn thấy tớ. Nói thế đã rõ rồi chứ gì?
Đoạn ngồi vào xe, vòng lại và đi thẳng.
Chúng tôi trở về đơn vị. Tất nhiên, không ai tóm chúng tôi cả, không ai để ý tới sự vắng mặt của chúng tôi. Suốt cả ngày thứ ba toàn trung đoàn uống rượu và ngủ, ngủ và uống rượu.
Như vậy là hai ngày chúng tôi sống lặng lẽ hơn cả mặt nước, thấp hơn cả ngọn cỏ. Chuyện gì sẽ xảy ra đây? Chẳng nhẽ sự việc được cho qua êm thắm?
Và đùng một cái, như sét đánh ngang tai:
- Miljukov, lên gặp thiếu tướng ngay!
Tôi bước vào phòng, đứng im như trời trồng. Sư trưởng mỉm cười ranh mãnh.
- Miljukov này, thiên hạ đồn rằng cậu có cái xe ô tô Đức mới tinh có đúng không?
- Dạ đúng là như vậy, thưa đồng chí thiếu tướng.
- Thế cậu nghĩ sao khi cấp tướng lại đi xe cà tèng còn cấp dưới thì lại diện xe thật oách vốn dành cho cấp tướng?
- Dạ rất không hay, thưa đồng chí thiếu tướng...
- Có thể chúng ta đổi xe cho nhau nhé.
- Rất vui lòng, thưa đồng chí thiếu tướng...
- Vui lòng cái mẹ gì... Thế nhưng, để đền bù, tôi sẽ báo cho cậu một tin mừng...
Sư trưởng tiến lại phía tôi, ôm lấy vai và nói:
- Trên đã duyệt đề nghị của tôi. Xin chúc mừng! Cậu bây giờ là Anh hùng Liên Xô!
LÊ SƠN dịch