Cùng một màu sắc nhưng do địa lý, phong tục, dân tộc, quan điểm thẩm mỹ khác nhau… nên quan niệm màu sắc cũng khác nhau.
Màu vàng là màu rực rỡ nhất, hàm ý của nó là cao thượng, huy hoàng, cao quý, trong sáng, tình yêu, hoan lạc, chờ đợi, trí tuệ, quang minh, yên tĩnh v.v… Trường thi Iliad của nhà thơ Homer (Hy Lạp) lấy câu chuyện quả táo vàng để tượng trưng cho tình yêu. Thời cổ La Mã, màu vàng là màu không thể thiếu được trong các nghi thức tôn giáo. Trong hội họa Tây phương thời trung cổ, màu vàng tượng trưng cho tương lai, cho mặt trời. Ở Ấn Độ các tăng lữ đều mặc hoàng bào, do đó người ta gọi Ấn Độ là “Phật quốc hoàng bào”. Ở Trung Quốc cổ đại, màu vàng được coi là chúa của màu sắc. Hễ vật gì thêm chữ hoàng vào là trở nên đẹp đẽ. Ví dụ “hoàng tuyền”, “hoàng chung” (chuông vàng)… Rồng vàng chỉ xuất hiện trên lễ phục của đế vương, được gọi là “long bào”, “hoàng bào”, chỉ vua chúa mới được mặc. Màu vàng được điểm tô trên bức tường cung điện của hoàng gia. Cố cung (Trung Quốc) lấy màu vàng là màu trang sức cơ bản. Nhà dân cấm không được dùng màu vàng. Qua đó thấy màu vàng và văn hóa Trung Quốc có quan hệ khăng khít như thế nào, nó tượng trưng cho quyền uy, cao quý.
Vì sao người Trung Quốc lại sùng bái màu vàng đến như vậy? Có thuyết cho rằng da người Trung Quốc màu vàng nên yêu quý màu vàng; có thuyết cho rằng màu vàng là màu ở giữa các màu đen, trắng, đỏ, xanh, nó là màu “trung ương” của bốn màu, “vạn thế không thay đổi” nên được ưa chuộng; có thuyết cho rằng tổ tiên người Trung Quốc vốn ở cao nguyên đất vàng, họ gắn bó với quê hương sâu nặng nên chữ “hoàng” gắn chặt với cuộc đời họ.
Ở thời cận đại, người Mỹ coi màu vàng có hàm nghĩa đợi chờ, nhớ nhung và hoài niệm. Người ta truy tìm nguồn gốc ở thời kỳ chiến tranh Bắc - Nam. Truyền thuyết kể rằng thời bấy giờ có một phụ nữ cuốn chiếc khăn vàng trên cổ, hằng ngày đứng ở bên đường chờ chồng đánh trận trở về. Có thuyết kể rằng một tù nhân trước khi vượt ngục viết thư cho vợ, nói rằng nếu nàng còn mong đợi chồng về thì hãy buộc lên cây trước cửa một dải khăn lụa vàng. Ý nghĩa tượng trưng về chiếc khăn vàng đã được phong tục Mỹ tiếp nhận. Nước Mỹ có bài hát rất được ưa chuộng là Trên cây thắt một dải khăn vàng hình con bướm. Mấy năm trước đây có một người Mỹ bị Iran bắt làm con tin. Khi Iran thả người đó, nhân dân Mỹ mang cờ vàng, dải lụa vàng ra đón. Ở Nhật Bản cũng coi màu vàng là màu chờ đợi.
Hàm nghĩa trái ngược của màu vàng cũng khá phong phú, người ta coi nó là màu tượng trưng cho sự phản bội, đố kỵ, hoài nghi, không tín nhiệm, dâm dật, lo âu, xấu hổ, thiếu lý trí… Ở nước Pháp, cửa nhà tù sơn màu vàng. Trong hội họa phương Tây, tên Judas, kẻ bán đứng Jesus, toàn thân hoặc nửa người mặc màu vàng. Màu vàng ở đây có nghĩa là phản bội và cũng có nghĩa là Jesus nghi ngờ và không tin ở hắn. Thời trung cổ, tên đao phủ Tây Ban Nha khi hành hình thường mặc quần áo nửa đỏ nửa vàng.
Thời cận đại, người ta gọi đệ nhị quốc tế là “quốc tế vàng”; công đoàn cơ hội chủ nghĩa là “công đoàn vàng”; sách báo tuyên truyền sắc dục là sách báo màu vàng. Trong vở kịch Đêm thứ 12 của Shakespeare coi màu vàng là màu của lo âu; những người nghèo ở Luân Đôn (Anh) gọi màu vàng là đố kỵ; khu có bệnh dịch, người ta cắm cờ vàng để cấm người ra vào. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, hoa hồng màu vàng là màu của chia ly. Ở Trung Quốc dùng giấy vàng viết chữ đen để viết lời ai điếu cho người chết. Trong thế kỷ 20, người ta đã làm cuộc điều tra xã hội học. Hỏi màu nào xấu nhất, kết quả 85% người Âu Mỹ đều trả lời xấu nhất là màu hạt dẻ, thứ nhì là màu vàng.
Màu đỏ được nhân dân Thái Lan rất ưa chuộng. Xưa kia người Thái Lan cho quả đất hình vuông, mỗi góc do một hành tinh chi phối: phương Đông là mộc tinh, phương Nam là hỏa tinh, phương Tây là kim tinh, phương Bắc là thổ tinh. Họ dùng màu sắc để tượng trưng. Mộc tinh là màu xám, hỏa tinh màu đỏ, kim tinh màu xám trắng hoặc màu tía, hỏa tinh màu đen. Như vậy phương Nam là màu đỏ, tượng trưng cho hạnh phúc may mắn. Phương Bắc là màu đen, tượng trưng cho đen tối và chết chóc. Các thuyền buôn, ở tay lái thường thắt vải điều, trước cửa buồng thường treo vải đỏ để cầu mong phát tài và hạnh phúc. Ở Trung Quốc, Việt Nam coi màu đỏ là màu của cách mạng, tiên tiến. Ở phương Tây, thế kỷ 15 trở về trước, màu đỏ chiếm địa vị thống trị, hầu như trở thành màu sắc của riêng quân vương, quý tộc. Thời hiện đại, phương Tây coi màu đỏ tượng trưng cho trang nghiêm, nhiệt tình, kích thích, hưng phấn, dũng cảm, nó khiến người ta nghĩ đến lửa, máu, vương quyền và cách mạng. Trong chiến tranh, màu đỏ là màu của cách mạng, của chiến đấu. K. Marx thích nhất là màu đỏ.
Màu đỏ cũng có hàm nghĩa ngược lại, nó tượng trưng cho khủng bố, chuyên quyền, thô bạo, ngạo mạn. Ví dụ, năm 1793, bọn quý tộc bảo hoàng của nước Pháp để tưởng nhớ vua Louis thứ 16 bị lên đoạn đầu đài và những người quý tộc bị giết, họ đều thắt ca vát màu đỏ và dùng khăn tay đỏ. Trong cuộc sống thường ngày, người ta dùng màu đỏ để biểu thị nguy hiểm, cảnh báo. Ví dụ ở các ngã ba, ngã tư đường, đèn đỏ là đèn cấm đi, đèn hậu của xe hơi được quy định màu đỏ mang ý nghĩa nhắc nhở, cảnh báo.
Màu nâu do pha trộn màu đỏ với màu vàng mà thành, mọi người hầu như không có cảm tình mấy. Phương Tây xem thường màu này vì nó do sự hỗn hợp của “màu vàng tà ác” và “màu đỏ vô đạo đức” mà thành. Giáo hội thời trung cổ suốt mấy thế kỷ liền rất có ác cảm với màu nâu. Trong kinh điển tôn giáo, văn học và hội họa ở Tây Âu, kẻ có mớ tóc màu nâu đều là nhân vật tiêu cực: Judas được vẽ với mớ tóc nâu đỏ; trong Kinh thánh và thơ viết bằng chữ La tinh, kẻ có tóc màu nâu là nhân vật bị phủ định. Người Brazil cũng rất ghét màu nâu. Họ giải thích rằng người chết chẳng khác gì lá khô (màu nâu) rụng, cho nên màu nâu trở thành màu tang tóc.
Màu lam là màu thuộc gam lạnh, hướng nội. Nếu như màu đỏ làm người ta liên hệ tới máu, thì màu lam có liên hệ đến hệ thống thần kinh. Màu lam như nước trong xanh, cho người ta cảm giác tĩnh tại, yên định, thuần khiết, trong trắng. Đối với người Trung Quốc màu lam còn tượng trưng cho sự bất hủ. Ví dụ, lăng Tôn Trung Sơn ở Nam Kinh, màu lam là màu chủ yếu của tòa kiến trúc này. Ở phương Tây, màu lam có nghĩa là tín ngưỡng. Từ cuối thế kỷ 12 đầu thế kỷ 13, sau “cách mạng Xanh” màu lam dần dần thay thế màu đỏ, chiếm địa vị thống trị. Thời bấy giờ nông dân, thợ thủ công đi làm việc mặc quần màu lam, quốc vương đại thần lâm triều đều mặc lễ phục màu lam. Còn quần áo xanh lam đã phai màu của người bình dân châu Âu được coi là thời trang rất mốt được bảo tồn và trở thành loại quần bò mài rất thịnh hành ở thế giới ngày nay. Nước Cộng hòa Séc, người Pháp và các nước Tây Âu (trừ Tây Ban Nha) đều rất chuộng màu lam, vì thế người ta gọi màu lam là màu tiêu biểu của văn hóa Âu - Mỹ.
Nhưng màu lam cũng hàm nghĩa xấu, ngay cả người châu Âu cũng có người kiêng kỵ. Ví dụ ở nước Bỉ, người ta cho rằng đêm ngủ nằm mộng thấy vật gì màu lam thì hôm sau sẽ gặp chuyện không may. Ngoài ra có nhiều dân tộc coi màu lam tượng trưng cho sự bi ai, khủng bố, đau khổ và chết chóc.
Màu xanh lục được nhiều dân tộc trên thế giới coi là tượng trưng cho sinh mệnh, mùa xuân, tuổi trẻ, hy vọng, bình tĩnh, phì nhiêu v.v… Màu xanh lục còn là màu an toàn; ở ngã tư, màu xanh là tín hiệu báo cho xe đi an toàn.
Nhưng màu xanh lục ở một số nước lại có nghĩa ngược lại. Ví dụ người Nhật rất kỵ màu xanh lục, họ cho là không tốt lành. Vải liệm người chết ở Anh là vải màu xanh lục. Trong hội họa, nhân vật phản diện thi thể thường được biểu hiện bằng màu xanh lục.