Có bao nhiêu điều đáng để nói, đã được nói, và còn chưa nói hết chung quanh Lưu Quang Vũ - tác giả kịch, hiện tượng xuất sắc, tiêu biểu của kịch trường Việt Nam những năm 1980. Những năm đất nước cực kỳ khó khăn - sau khó khăn hậu chiến lại đến đáy những khó khăn của thời bình, để trổ ra lối thoát trong đổi mới, cũng là những năm thưa vắng, lắm khi hiu quạnh của kịch trường. Và Vũ đã đến đúng lúc, vào thời điểm ấy để góp công lớn làm sống lại các sàn diễn và để nuôi sống sân khấu, trong cả nghĩa đen của nó - nuôi sống biết bao đoàn hằng đêm, hằng năm. Trong 10 năm sáng tác, có những thời điểm như là sự kết tinh đột xuất của tài năng và sáng tạo Lưu Quang Vũ. Năm 1985, trong Hội diễn sân khấu toàn quốc, Vũ đoạt 6 Huy chương vàng và 2 Huy chương bạc. Năm 1988, trước lúc mất Vũ hoàn thành một lúc 4 vở, lại bắt tay vào 4 vở mới. Sức sáng tạo của Vũ khiến tôi nhớ đến thiên tài Balzac, nhà văn Pháp sống trước Vũ hơn một thế kỷ và thọ hơn Vũ một giáp - người mơ ước có hai bộ óc, hai bàn tay cùng cầm bút để cùng lúc tiến hành nhiều bộ tiểu thuyết một lần. Có kết quả nào dồi dào được đến thế, trong giới sáng tác của ta, ở tuổi 30 trước 40? Điều cần lưu ý thêm, là tuổi 30 sau một cơn khủng hoảng kéo dài không chút bình yên nào ở Vũ.
***
Sức sáng tạo ấy bỗng trở nên hết sức chói sáng, rồi đột ngột vụt tắt khiến cho không gian sân khấu bỗng trở nên im lìm và chìm trong ảm đạm, qua tâm trạng nhiều người. Bảy tháng sau ngày Vũ mất, đạo diễn Phạm Thị Thành viết: “Số mệnh anh như ngôi sao sáng, mọc nhanh, sáng rực rỡ và vụt tắt. Bỏ lại đêm tối và chúng tôi trong thầm lặng khóc anh”. Dư âm của mất mát trước hết vọng sâu vào kịch. Kịch trường không còn Vũ, nhưng vẫn còn các vở của Vũ. Những vở đã diễn hoặc còn chưa diễn vẫn tiếp tục sự sống của nó trong nhiều năm sau, và cho đến tận hôm nay, sau khoảng cách 30 năm! Đồng thời khi nỗi đau mất Vũ nguôi dần đi theo thời gian, thì một sự sống khác vốn ẩn ngầm, bỗng trỗi dần lên - đó là sự sống của thơ. Một mạch thơ được khởi động từ 1965 khi Vũ chưa vào tuổi 20, kéo dài suốt thập niên 1970, có thưa đi trong những năm 1980, nhưng không bao giờ dứt, để sau khi Vũ mất, lại có bao nhiêu điều để nói, sau khoảng cách hơn 20 năm - trong cái khoảng lặng đầy u uẩn, bế tắc và xót đau của Vũ. Cái phần u uẩn ấy bỗng lại nói không chỉ về Vũ, mà về cả một thế hệ trẻ như Vũ lúc ấy; về một bối cảnh thời cuộc mà người đương thời là chúng ta không dễ nhận rõ được những mặt khuất chìm của nó; về những gì như là sự chuẩn bị những thuận lý và nghịch lý cho một Lưu Quang Vũ với diện mạo vừa hồn hậu vừa rất gân guốc, vừa khiêm nhường vừa xiết bao quyết liệt, như sau này ta được thấy.
Thơ là diện mạo tâm hồn con người, là sự chiêm nghiệm tận thâm sâu những buồn vui của cuộc đời. Trong thơ, Vũ đã sống một tuổi 20, rồi 30, với sự trọn vẹn cả hai mặt những vui buồn, những hy vọng và tuyệt vọng, những tin tưởng và hoài nghi, những đam mê và chán nản - điều có khác và hơi lạ so với âm hưởng chung, giọng điệu chung của thơ ca một thời.
Ấy là thời Vũ đã làm rất nhiều thơ, thơ viết dồn rồi để đấy, không thể hoặc chưa thể đưa đăng. Trường ca Đất nước đàn bầu dài 238 câu rất dễ đọc, và đọc rất liền mạch trong một vẻ đẹp dung dị mà rất tài hoa của ý và lời, thuộc trong số những bài rất hay của Vũ, hình như Vũ đã gửi đến nhiều tòa soạn báo, nhưng không báo nào chịu (hoặc dám) đăng:
Trái sung non thì chát
Quả dọc dài thì chua
Em đến cùng tôi như chùm vải đầu mùa
Tóc hoang dại lòa xòa trên ngực nắng
Ngực em sáng như mặt trời sắp lặn
Tôi đầm đìa sương lạnh của bờ đê
Tôi tắm đầy nước mắt của trời khuya
Trăng đã hiện, đêm ca dao vằng vặc
Những cô Tấm thử hài trong tiếng nhạc
Những nàng Kiều hồi hộp bấm dây tơ
Đêm sử thi náo động tiếng quân hò
Sôi trong máu những bầy voi nguyên thủy.
Và, nói đến thơ, không thể không nói đến thơ tình Lưu Quang Vũ như một âm điệu nổi trội và xen cài suốt cả đời thơ hơn 20 năm ở anh, từ Hơi ấm bàn tay trong Hương cây năm 1967 đến Thư viết cho Quỳnh trên máy bay năm 1988... Bởi con người đa tài và đa tình ấy đã trải mấy tình yêu.
Trong Hương cây(1) Lưu Quang Vũ đến với bạn đọc bằng những bài thơ tình anh viết về mình và cho mình. Những bài thơ của một tuổi trẻ rất nồng say với tình yêu và cuộc sống. Một cuộc sống mới vào cuộc chiến mà anh là người học sinh rất sớm mặc áo lính. Anh lính ấy đi trên đất nước, nơi nào cũng đậm hương cây và sắc xanh hoa cỏ. Tình yêu trong thơ do thế như là sự hòa trộn giữa hương cây và tình người:
Dưa hấu bổ ra thơm suốt ngày dài
Em cũng mát lành như trái cây mùa hạ
Nước da nâu và nụ cười bỡ ngỡ
Em như cầu vồng bảy sắc hiện sau mưa.
Trong anh, người yêu cũng tươi mát như cây, cũng lung linh như cầu vồng bảy sắc. Cảm nhận rõ vị thơm mát và hình dung rõ thân hình và gương mặt người yêu, Vũ cũng nhận biết đến thật rành rõ cái vô hình “ríu rít” của tình yêu:
Biết bao điều anh còn chưa nói được
Ríu rít trong lòng một nỗi em.
Tôi thuộc rất sớm hai câu thơ này của Vũ vào cái thời tôi say đọc Phù sa của Đỗ Chu; và cứ bâng khuâng hoài với cái “ríu rít” này - sao nói được nhiều đến thế những chuyện không thể giải trình hết được bằng lời.
Vũ đã sống một tuổi trẻ thiết tha mà rạo rực như thế trong một tình yêu đầu, rồi sớm có một tổ ấm gia đình với vợ và con ở tuổi mới ngoài 20. Chưa kịp cảm nhận đủ cái hạnh phúc được hứa hẹn sau “một nỗi em” “ríu rít”, bỗng ập đến một sự tan vỡ của gia đình và cuộc tình - một sự tan vỡ mà Vũ đã chấp nhận, và dành toàn bộ sự bất hạnh và cam chịu về mình:
Hai ta không đi một ngả đường dài
Không chung khổ đau, không cùng nhịp thở
Những gì em cần anh chẳng có
Em không màng những ngọn gió anh trao
Chiếc cốc tan không thể khác đâu em
Anh nào muốn nói những lời độc ác
Như dao cắt lòng anh như giấy nát
Phố ngoài kia ngột ngạt những toa tàu.
Bất hạnh tình yêu càng lớn, càng nặng thêm bởi nó “trùng lai” với bao dồn dập tai ương của cuộc sống: rời quân ngũ, không biên chế, không nghề nghiệp, không việc làm... Hãy cứ thử hình dung, sự sống với chỉ một chuyện không ấy trong bối cảnh “Tối đen thành phố đêm lưu lạc. Máy bay giặc rú ở trên đầu”... Hãy chỉ chịu đựng một trong các bất hạnh ấy thôi cũng đủ u ám lắm rồi, huống nữa lại dồn đến với anh bao bất hạnh cùng lúc. Dễ hiểu những câu thơ đến như tuyệt vọng của Vũ:
Có những lúc tâm hồn tôi rách nát
Như một tấm gương chẳng biết soi gì.
Tình yêu đầu tan vỡ đã bồi thêm một đòn quyết định cho toàn bộ các bi kịch bỗng dồn đến với tuổi 20 của đời Vũ; và mặt khác, các bi kịch ấy lại cũng dồn đẩy cho tình yêu, nếu còn chút hình hài, nhanh chóng bị vùi vào dĩ vãng:
Gương mặt em chỉ còn là kỷ niệm
Mối tình xưa anh cũng đã quên rồi.
Chấm dứt nhanh chóng cuộc tình thứ nhất với cô diễn viên điện ảnh xinh đẹp, lại nhanh chóng đến với anh mối tình thứ hai, nhưng rồi hạnh phúc mới này anh chưa kịp tỏ bày thì đã phải tuôn trào những đắng cay thất bại:
Nghĩ về em bao buổi chiều lặng lẽ
Tìm trong em bao khát vọng không ngờ
Môi tôi run những lời nói dại khờ
Em ẩn hiện sao còn xa lạ thế
Tôi ảo tưởng quá nhiều ư? Có lẽ
Em cần gì gió lốc của đời tôi.
Nỗi đau cứ lặng lẽ như thế mà ngấm dần vào thẳm sâu, mà làm tắt dần mọi niềm yêu. Nhưng đây là cuộc tình thứ hai, cuộc tình dường như đã được đến quá nhanh, để mong khỏa lấp nỗi trống trải, hoang vắng của lòng? Thời gian rồi sẽ càng làm ngấm thêm nỗi đau của nó trong xô đẩy và chen chúc của biết bao sắc màu hình ảnh:
Qua thất vọng tôi hồ nghi mọi chuyện
Tìm trong mắt em náo động những chân trời
Ngõ phố dài hôm ấy mưa rơi
Đã xa vắng trên mặt đường ướt lạnh
Tóc em rối và áo em đỏ thắm
Những bức tranh nổi gió ở trên tường
Thế giới xanh xao những sự thực gầy gò
Em đã đập vỡ ra từng mảnh
Giấu sôi sục trong những đường nét lạnh
Em đi tìm thế giới của riêng em...
Cuộc tình thứ hai này là cuộc tình với một nữ họa sĩ - ở cùng chung cư với anh. Dễ hiểu trong thơ những gam màu, những đường nét, nhưng mảng khối... Cả hai đã đến với nhau mà chưa kịp hiểu nhau chăng? Tôi - quen thất vọng nên hồ nghi... Quen ảo tưởng... Quen những lời dại khờ... Còn em - có lẽ không là người ưa những cơn gió lốc! Cuộc tình tan quá nhanh, và lần này Vũ đã dồn nỗi đau vào những bức tranh mà anh đã vẽ để treo đầy trên tường nhà.
Chính vào lúc ấy Xuân Quỳnh đã đến với Vũ; và với cuộc tình thứ ba này Vũ thật sự được bù đắp, hơn thế, còn được tái sinh, được vẹn nguyên trở lại lòng yêu sống. Nếu hai cuộc tình trước đã đẩy anh ra xa cuộc sống thì cuộc tình này đã lấy lại niềm yêu sống nơi anh. Những gian nan anh được chia sẻ, những vết thương lòng anh được bù đắp; kể từ đây, khi có Quỳnh, khi ở bên Quỳnh thơ tình của Vũ sẽ trở lại chân dạng đích thực của nó:
Dành cho em mong từng buổi em về.
Cuộc đời ngỡ ngắn đi vì ngóng đợi
Vải đã hết tu hú còn gọi mãi
Dành cho em nỗi nhớ của mùa hè.
Và:
Bao nhiêu ngày tháng bao đường sá
Biết mấy vui buồn để có em
Em gầy đi đấy đôi vai nhỏ
Lẫn với bờ cây, lẫn với thuyền.
Để rồi dần dần đến với Vũ một tình yêu, có mới và khác, trong gặp gỡ và hòa trộn với ân tình. Ái tình trong chuyển đổi để đạt tới ân tình, hẳn sẽ làm mới đi hạnh phúc trong cả hai chiều rộng và sâu, bồng bột và lắng chìm của nó:
Khi tàu đông anh lỡ chuyến đi dài
Chỉ một người ở lại với anh thôi
Lúc anh vắng người ấy thường thức đợi
Khi anh khổ chỉ riêng người ấy tới
Anh yên lòng bên lửa ấm yêu thương
Người ấy chỉ vui khi anh hết lo buồn
Anh lạc bước, em đưa anh trở lại
Khi cằn cỗi thấy tháng ngày mệt mỏi
Em là sớm mai, là tuổi trẻ của anh
Khi những điều giả dối vây quanh
Bàn tay ấy chở che và gìn giữ
Biết ơn em từ miền gió cát
Về với anh bông cúc nhỏ hoa vàng.
Quỳnh đã từng viết Gió Lào, cát trắng. Là người rất yêu hoa cúc vàng. Chúng ta biết khi viết những câu thơ ấy, chắc Vũ nặng lòng yêu lắm!
Có thể nói với Vũ, Quỳnh đã đóng rất nhiều vai. Là người yêu, yêu Vũ và yêu sự nghiệp của Vũ, chăm nom hết mình cho sự nghiệp ấy. Quỳnh còn rất xuất sắc trong vai người vợ rất giàu phẩm chất hy sinh, trong vai người mẹ của cả ba con, trong vai người con dâu rất thảo, trong vai người chị của khá đông em; và đã là cuối cùng chưa, trong vai người bạn, người đồng nghiệp biết tự mình phải là điểm tựa cho chồng hướng tới các chân trời xa của sự nghiệp. Có thể nói, Vũ biết rất rõ sự nghiệp của mình có đóng góp rất lớn của Xuân Quỳnh.
Thế nhưng sau những năm 1970 nhịp nhàng trong đối thoại tình yêu Quỳnh - Vũ, lại đã đến những năm 1980, Vũ dồn hết tâm sức cho kịch - những hơn 50 vở kịch trong ngót 8 năm - anh còn đâu thì giờ và tâm trí làm thơ, kể cả thơ tình, là cái anh viết khá chuyên cần trong hơn mười năm trước đây. Trong khi đó, cùng với căn bệnh đau tim chớm phát, thơ Quỳnh cũng đã chuyển sang một âm điệu khác, với nhiều khắc khoải và xót xa:
Tôi đã đi đến tận cùng xứ sở
Đến tận cùng đau đớn, đến tình yêu
Giữa những năm 1980 Quỳnh vào ra bệnh viện, lại là những năm sự nghiệp kịch của Vũ lên các đỉnh cao, có năm anh giành một lúc cả sáu Huy chương vàng. Anh bận rộn suốt ngày đêm với các vở, các đoàn, các đêm diễn, các cuộc đi... Bài thơ viết cho Quỳnh trên máy bay rất dễ cho ta hình dung tình cảnh đó:
Từ nơi xa anh vội về với em
Chiếc máy bay bay dọc sông Hồng
Hà Nội sau những đám mây
Anh dõi tìm: đâu, giữa chấm xanh nào
Có căn phòng bệnh viện em ở?
Ai ở các độ cao máy bay mà không khắc khoải một chấm xanh nơi ngôi nhà - tổ ấm của mình? Thay vì cái ngõ 96 phố Huế quen thuộc tấp nập bán mua, bây giờ là Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô (tên cũ), nơi Xuân Quỳnh thường vào ra... Người từng định nghĩa tình yêu dứt khoát không phải là Vàng, là Mặt trời mà là Trái tim như trong bài Tự hát, bây giờ lại bị đau chính ở tim, lại phải mang một trái tim đau. Tôi được biết Quỳnh đã rất cảm động khi nhận được bài thơ đó của Vũ:
Trái tim hãy vì anh mà khỏe mạnh
Trái tim của mùa hè, tổ ấm chở che anh
Thơ tình Vũ - Quỳnh, theo tôi, đó là hiện tượng đặc sắc - nếu không nói là đặc sắc nhất, trong thơ Việt nửa sau thế kỷ 20. Bởi ở phần thơ này của hai người, ta có thể tìm một đối thoại của tình yêu, với nhiều điều mới mẻ, sau hai dạng kết tinh ở đỉnh cao là Xuân Diệu và Nguyễn Bính.
***
Vũ mất ở tuổi chẵn 40. Nếu gọi là trẻ thì còn nhiều người trẻ hơn Vũ mà sự nghiệp cũng đã đạt đỉnh cao: Vũ Trọng Phụng, Thạch Lam, Hàn Mặc Tử, Nam Cao... Bốn mươi - chưa là già nhưng cũng không còn là trẻ. Cứ cho là trẻ ở tuổi 40 thì cũng không phải là điều đáng nói nhiều. Cái đáng nói là ở sự ngừng lại quá đột ngột ở tuổi 40 một sự nghiệp đang ở đỉnh cao trên cả hai loại hình thơ và kịch(2) mà không có bất cứ báo hiệu nào của một sự ngừng nghỉ chứ không nói đến một cuộc ra đi vĩnh viễn. Và cũng ngừng với Vũ là hai người thân yêu, như dồn thêm trọng lượng cho một nỗi đau vốn đã lớn, bây giờ là lớn gấp đôi, gấp ba.
Một tuổi mới 40 thế mà cũng gần như hội đủ mọi trải nghiệm của đời người, trong đó phần đời riêng, tưởng là rất riêng của Vũ cũng hóa ra cũng là một mảnh, một phần hữu cơ của cuộc đời chung. Sự thức nhận này đến hơi muộn với chúng ta; phải vào thập niên cuối thế kỷ 20 sau khi Vũ mất, chúng ta mới nhận rõ điều này. Nhưng chính là trong nhận thức ấy mà ta thấy Vũ càng gần gũi hơn, và lớn hơn những gì ta nghĩ về Vũ trước đây.
Đầu những năm 1960, thế hệ chúng tôi rất “mê” hai câu thơ của Bùi Minh Quốc:
Cái tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy
Thì xa xôi gấp mấy cũng lên đường.
Đầu 1970, thêm 10 năm cho sự trưởng thành của đời người, quả khó lặp lại âm hưởng ấy, giọng điệu ấy. Nhưng như thế nào là một giọng thơ mới?
Ấy là những năm Vũ vừa rời quân ngũ sau những va vấp không bình thường; sớm lập gia đình, đến với một cuộc tình quá chóng tan vỡ; không biên chế, không việc làm, làm đủ thứ nghề để kiếm sống: vẽ pa nô, làm áp phích, in bưu thiếp, bồi giấy làm bìa, chấm công cho đội làm đường, trưng bày triển lãm, hợp đồng biên tập cho xuất bản...
Những năm cảm nhận đến tận cùng vị đắng chát, cùng là sự vô vị và vô dụng của đời mình. Thế nhưng ở đây, cũng như bất cứ mọi lĩnh vực nào của sự sống vật chất và tinh thần, phép biện chứng vẫn hiện diện như một quyền năng tối thượng: tất cả sự sống đắng chát và tưởng như vô dụng ấy lại trở thành hành trang đường dài cho Vũ, lại làm nên cái vốn lớn cho anh đến với một sự nghiệp dồn dập bao là tác phẩm, cả trên sân khấu và trên trang viết, và rất nhanh vươn đến sự thăng hoa - một sự nghiệp rất xứng đáng nhận một Huân chương Lao động hạng nhất do chính nhân dân trao tặng.
Hướng nội rất sâu trong thơ và hướng ngoại mạnh mẽ đến quyết liệt trong kịch - gắn nối được hai dạng biểu hiện khác nhau ấy trong sự nghiệp sáng tạo của mình, Vũ trở thành hiện tượng, thành sự kiện trong đời sống văn chương nghệ thuật những năm 1980. Và, ở cả hai phương diện, hướng nội và hướng ngoại, gần như Vũ đã tự bộc lộ, tự phát hiện mình đến tận cùng - để trở thành một sự chói sáng, rồi đột ngột vụt tắt... Rồi, để trong bàng hoàng của sự vụt tắt ta chợt cảm thấy có cái gì như là dự cảm - trong kịch, với mở đầu Sống mãi tuổi 17, và kết thúc: Điều không thể mất và Chim sâm cầm không chết... Và cả trong thơ, với Bài hát ấy vẫn còn là dang dở…
Linh cảm cho giờ vĩnh biệt, Vũ dường như cũng đã tiên liệu sớm cho một tổng kết của đời mình:
Anh là kẻ suốt đời tất bật
Suốt đời vội đi, suốt đời nóng ruột
Em tới nơi mùa gặt đã xong rồi
(Chiều chuyển gió)
Vũ đã đến sớm với những mùa gặt bội thu - không phải chờ sau khi anh mất mới chứng nghiệm điều đó. Còn cuộc đời thì hết vụ này lại sang vụ khác, trong sự sống vĩnh hằng của nó.
***
Ba mươi năm về trước, vào đầu thu 1988, đám tang Vũ - Quỳnh là thuộc trong số những đám tang đông chật người đưa tiễn. Điều đáng chú ý không phải chỉ ở số đông - có lẽ là đông hơn cả, mà còn là ở các thành phần đưa tiễn. Đó là cả một xã hội - những người biết anh, đọc anh, xem anh, nghe chuyện về anh - từ các bà, các chị tiểu thương chợ Hôm, đối diện số nhà 96 phố Huế của anh đến các tỉnh xa, rất xa, những đoàn diễn, những người xem diễn... Một đám tang như thế, hội nhập đông đủ bao lớp người kể cũng là rất hiếm.
Vào hè 2018
_____
* Nguyên Viện trưởng Viện Văn học. (H.V)
(1) Phần thơ in chung với Bằng Việt trong tập thơ có tên Hương cây - Bếp lửa (1968). Các tập thơ sau, gồm nhiều trăm bài tác giả viết mà không in, hoặc chưa thể in, đều được xuất bản ngay sau khi qua đời: Mây trắng của đời tôi (1989), Bầy ong trong đêm sâu (1993), Thơ tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ (1994).
(2) Nói cho đầy đủ về sự nghiệp của Vũ, còn phải kể đến văn xuôi, với ba tập truyện, như là dấu nối giữa thơ và kịch: Người kép đóng hổ (NXB Hà Nội, 1983), Mùa hè đang đến (NXB Tác phẩm mới, 1983), Truyện ngắn Lưu Quang Vũ (NXB Hội Nhà văn, 1994).