Đi tìm dấu vết người ông nội, gia đình bà Nguyễn Thị Minh Thâm (ngụ ở phường Yên Hòa, thành phố Hà Nội) đã phát hiện mối quan hệ bí mật cách đây 100 năm của Vua Duy Tân.
Đi tìm dấu vết của người ông nội oai hùng
Câu chuyện xin được quay về thời gian cách đây 100 năm ở vùng đất Nghi Lộc (Nghệ An). Đầu thế kỷ 20, theo lời kêu gọi của Phan Bội Châu, thanh niên hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh náo nức ra nước ngoài tham gia phong trào Đông Du, mong muốn cứu nước thoát khỏi ách xâm lược của thực dân Pháp. Chí sĩ Hoàng Trọng Mậu, tên thật là Nguyễn Đức Công, tự là Báu Thụ, sinh năm 1874 trong một gia đình Nho học tại xã Cẩm Trường, tổng Kim Nguyên, nay là xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An - một miền quê nghèo khó nhưng hiếu học và cách mạng. Thân phụ ông là cụ Nguyễn Đức Tân, đậu cử nhân, làm quan Hành tẩu trong triều đình nhà Nguyễn - một nhà nho yêu nước từng tích cực hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp. Hoàng Trọng Mậu được xem là người đặc biệt thông minh, trác việt, thông thạo cổ văn Trung Quốc. Ông đỗ đầu trong kỳ thi toàn tỉnh Nghệ An, nên thời đó gọi là “ông Đầu xứ Công”. Vì ghét thế tục, nặng lòng yêu nước thương dân, ông không màng đến chuyện khoa cử, ngày đêm tâm niệm tìm đường cứu nước.
Gặp lúc phong trào Đông Du nổi lên, ông hăng hái tham gia từ rất sớm. Năm 1908, ông sang Nhật học trường Đông Á Đồng Văn Thư viện tại Tokyo. Ông là người làm ghi chú và viết lời tựa cho cuốn Việt Nam Quốc sử khảo của Phan Bội Châu. Năm 1909, Hiệp ước giữa Pháp và Nhật được ký kết. Theo đó, Pháp cho Nhật vào Việt Nam buôn bán; đổi lại, Nhật không cho các nhà cách mạng và học sinh Việt Nam lưu trú ở Nhật nữa. Sau khi bị trục xuất khỏi Nhật Bản, Hoàng Trọng Mậu sang học và tốt nghiệp trường Võ bị ở Trung Quốc.
Năm 1912, ông tham gia sáng lập Việt Nam Quang phục hội, giữ chức Bí thư và Quân ủy viên (Ủy viên phụ trách quân sự). Hoàng Trọng Mậu cùng với Phan Bội Châu thảo “Việt Nam Quang phục quân phương lược” (Chiến lược cách mạng của Việt Nam Quang phục quân).
Ở Trung Quốc, cách mạng Tân Hợi thoái trào, Viên Thế Khải làm Tổng thống Trung Hoa dân quốc thay Tôn Trung Sơn, Việt Nam Quang phục hội lâm vào tình cảnh vô cùng khó khăn. Trong hoàn cảnh đó, Hoàng Trọng Mậu vẫn tiếp tục kiên trì hoạt động. Ông đến Quảng Tây tìm cách liên kết với lực lượng dân quân Trung Hoa vừa bị giải tán, nhằm chuẩn bị lực lượng cách mạng.
Trong chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tháng 3-1915, theo sự chỉ đạo của Phan Bội Châu, Hoàng Trọng Mậu chỉ huy cánh quân tấn công quân Pháp ở đồn Tà Lùng (cửa khẩu ở huyện Phục Hòa, tỉnh Cao Bằng). Cánh quân này có gần 10 tay súng (theo hồ sơ lưu trữ của Pháp), nhưng cuộc tấn công thất bại. Ngày 28-5-1915, trong khi đang ở Hong Kong đợi tàu đi Thái Lan để tiếp tục hoạt động cách mạng, ông bị mật thám Pháp phát hiện và nhờ cảnh sát Anh bắt. Sau đó chúng đưa ông về giam ở Hỏa Lò, Hà Nội. Sau 8 tháng giam cầm tra tấn, kết hợp với dụ dỗ mua chuộc, thực dân Pháp không thể khuất phục được ý chí kiên cường của nhà chí sĩ yêu nước, ngày 24-1-1916, chúng đã đưa ông ra xử bắn tại trường bắn Bạch Mai. Trước khi hy sinh ông để lại câu đối tuyệt mệnh để tỏ ý chí anh hùng không khuất phục. Nhiều nhà cách mạng ở nước ngoài như Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền đã có những áng thơ khóc thương ông.
Bà Nguyễn Thị Minh Thâm, nguyên Hiệu phó trường cấp III Yên Hòa (Hà Nội) là cháu nội, cho biết trong nhiều năm gia đình đã đi tìm các tư liệu về chí sĩ Hoàng Trọng Mậu. Những thơ văn, các bài văn tế, tư liệu, hình ảnh còn lưu trữ trong thư viện, Sở mật thám Pháp. Đặc biệt vào năm 2016, khi gia đình hoàn thành một quyển sách về thân thế sự nghiệp của ông nội mình để kỷ niệm 100 năm ngày chí sĩ hy sinh, thì đã phát hiện tài liệu bí mật về mối quan hệ của Vua Duy Tân với phong trào Đông Du.
.JPG)
Tờ chiếu của vua Duy Tân
Tờ chiếu của nhà vua nói gì?
Như chúng ta đã biết, vào giữa năm 1915, Vua Duy Tân và các cận thần của mình đã có một kế hoạch nổi dậy nhằm giành lại độc lập cho đất nước. Thông qua các thị vệ, Vua Duy Tân đã có mối quan hệ với các thủ lĩnh quân sự ở trong và ngoài nước để ủng hộ ngài. Tuy nhiên, do có kẻ phản bội nên kế hoạch bất thành. Một số bị bắt và Vua Duy Tân phải đày đi xa.
Bà Nguyễn Thị Minh Thâm khi tra cứu tại thư viện Médiathèque ở TP.Hồ Chí Minh đã tìm thấy cuốn sách tiếng Pháp nhan đề Les Sociétés Secrètes en Terre d’Annam (Các tổ chức bí mật ở vùng đất An Nam) của tác giả Georges Coulet, xuất bản tại Sài Gòn năm 1926 viết về cuộc khởi nghĩa năm 1915, ở trang 22 có đoạn: “Ngay trong đêm 3 rạng sáng 4 tháng 5, Khâm sứ được báo động về cuộc đảo chính của Vua Duy Tân. Vùng bao quanh Hoàng thành được canh gác ngay. Dưới một tấm gạch lớn của nền nhà, tìm thấy tờ chiếu của nhà vua, kêu gọi mọi người nổi dậy chống quân Pháp và phong tướng cho Nguyễn Đức Công, bí danh là Hoàng Trọng Mậu…”. Trong quyển sách Monarchie et fait colonial au Vietnam (Chế độ quân chủ và thực dân ở Việt Nam), GS Nguyễn Thế Anh đã cho chụp nguyên bản lời kêu gọi của Vua Duy Tân và bốn người được vua phong tướng. Đó là các ông: Nguyễn Đức Công được phong Tả tướng quân thống lĩnh toàn thể, Nguyễn Bùi Lễ ở tỉnh Quảng Nam, Trần Phu ở Bình Định và Vũ Đình Xán ở Nghệ An chỉ huy các cánh quân tại chỗ. Theo nhận xét của GS Nguyễn Thế Anh, qua “lời kêu gọi” này cho thấy “những thành viên của phong trào Phan Bội Châu đã tìm được một đường dây liên lạc với vua…”.
Những chi tiết này đã không hề được chí sĩ Phan Bội Châu nhắc tới trong Hồi ký của mình sau này, có lẽ là do ông muốn bảo vệ an toàn cho những người đang còn hoạt động. Và nó mới được biết đến gần đây khi gia đình chí sĩ Nguyễn Đức Công (Hoàng Trọng Mậu) thu thập các tài liệu của người ông nội oai hùng của họ tộc Nguyễn Đức (xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An).
Trong buổi lễ kỷ niệm 100 năm ngày chí sĩ Hoàng Trọng Mậu hy sinh, giáo sư sử học Lê Văn Lan nói: “Như vậy khi đọc bản di bút này của Vua Duy Tân, chúng ta đã xác định mỗi quan hệ bí mật giữa phong trào Đông Du và cuộc khởi nghĩa bất thành của Vua Duy Tân. Người Việt mình dù ở trong nước hay ngoài nước, nhà vua hay thường dân cũng đều có một tấm lòng yêu nước nồng nàn như nhau. Đó là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam”.
Dịch nghĩa tờ chiếu của Vua Duy Tân:
Kính thừa Thiên mệnh
Hoàng đế truyền rằng:
Trẫm thấy tỏ rằng trong khắp đất nước Đại Nam ta, biết bao những thần dân can trường, dũng cảm, tận tụy, tràn đầy lòng hy sinh cao cả cho non sông đất nước, đang phải trôi dạt lẩn khuất giữa chốn núi rừng. Những thần dân cao cả đó giờ đây đang rời nơi ẩn náu để cùng nhau tiến hành cuộc chiến đấu chống lại bọn người Tây phương.
Hỡi các Ngươi! Các thần dân can trường bất khuất của Vương quốc. Tất cả các Ngươi đều là những thần dân dũng cảm, giàu lòng ái quốc, sôi sục bầu nhiệt huyết cao quý. Nếu các Ngươi muốn thấy gia đình dòng tộc được bền vững dài lâu và còn muốn bảo vệ Đức Vua của đất nước Đại Nam, các Ngươi hãy cùng tụ hội về lãnh địa làng Văn Xá phủ Thừa Thiên. Đó là nơi vốn có một ngọn núi nhỏ.
Trẫm chỉ định các thần dân dưới đây được lãnh trọng trách làm tướng:
- Một người là ông Nguyễn Đức Công ở tỉnh Hà Tĩnh.
- Một người là ông Nguyễn Bùi Lễ ở tỉnh Quảng Nam.
- Một người là ông Trần Phu ở tỉnh Bình Định.
- Một người là ông Vũ Đình Xán ở tỉnh Nghệ An.
Trẫm phong cho ông Nguyễn Đức Công làm Tả quân chính đạo thống lãnh toàn thể các đạo quân cánh trái; phong các ông Lễ, Phu, Xán làm Thư toán, chỉ huy các đạo quân.
Ngày 22 tháng 3 năm Duy Tân thứ 9
Ngự bút
Câu đối tuyệt mệnh của chí sĩ Nguyễn Đức Công (Hoàng Trọng Mậu):
Ái quốc hà cô, duy hữu tinh thần lưu bất tử
Xuất sư vị tiệp, thả tương tâm sự thác lai sinh
Dịch nghĩa:
Yêu nước tội gì? Duy có tinh thần là chẳng chết
Ra quân chưa thắng. Xin đem tâm sự gửi mai sau.