HV127 - Quan niệm con người và chủ nghĩa nhân đạo của triết học Marx (tiếp theo kỳ trước)

Thử đối chiếu quan niệm con người của chủ nghĩa Marx và quan niệm con người của các trào lưu triết học khác

Dưới một dạng ngắn gọn nhất, chúng tôi xin đưa ra một số đối chiếu dưới đây.

1. Ở Việt Nam cũng như ở nhiều nước chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa, Khổng giáo đóng một vai trò hết sức quan trọng. Vấn đề Khổng giáo đã và đang được nghiên cứu sôi nổi và phong phú chẳng những ở châu Á mà ở cả châu Âu, Hoa Kỳ… Tựu trung sự đánh giá về Khổng giáo, gắn với sự phát triển kinh tế của các con rồng lớn nhỏ ở châu Á đang là một vấn đề thú vị, đáng được nghiên cứu tiếp tục.

Trước hết cần phân biệt quan niệm của Khổng giáo về con người trong Khổng giáo nguyên thủy - ở đây chủ yếu ta dựa vào hai văn bản thực lục là Luận ngữ và Mạnh Tử - với Khổng giáo thời Hán, Đường, Tống; mỗi thời đều vận dụng Khổng giáo để xây dựng chế độ thống trị phong kiến của mình. Khổng giáo qua Việt Nam là đã được “bứng trồng” qua một đất nước khác, với những “khí hậu” điều kiện lịch sử khác. Nho giáo đã bị “khúc xạ vào Việt Nam”, và từng thời kỳ lịch sử, Nho giáo cũng có những đặc điểm riêng.

Nhưng nói gì thì nói, có hai đặc trưng cơ bản của Nho giáo ở bất cứ thời đại và đất nước nào là nhân nghĩa luân thường - Học thuyết Khổng Tử là học thuyết nhân ái, trong Luận ngữ ông đã nói đến chữ nhân hơn 100 lần, nhân là hạt nhân quan trọng nhất của học thuyết Khổng Tử. Nhưng nhân bị ông gắn liền với lễ, mà lễ tức là quan hệ đẳng cấp và quan hệ tông tộc, quan hệ vua tôi, cha con, anh em, vợ chồng. Nhân là tình cảm mà lễ nghĩa là lý trí. Các triều đại phong kiến tận dụng lễ, nghĩa, trung… mà ít nói nhân, đó là chỗ lợi dụng tinh vi của họ. Nhưng những nhà nho Việt Nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, đều nhấn mạnh trước hết nhân nghĩa trong Nho giáo. Nho giáo vừa có mặt tích cực và dĩ nhiên mặt tiêu cực trong việc xây dựng con người. Nhưng hàng nghìn năm, Nho giáo đã được ông cha ta tiếp nhận để đóng góp vào việc xây dựng nền Quốc học, xây dựng con người Việt Nam. Ngày nay kế thừa những tinh hoa trong nền Quốc học đó cũng như trong Nho giáo để xây dựng con người Việt Nam có bản sắc dân tộc và hiện đại là một việc làm bức thiết. Nếu như ở Nhật, Đài Loan, Triều Tiên người ta đã biết vận dụng Nho giáo vào quản lý kinh tế, và truyền thống chẳng những đã không cản trở, trái lại được biến thành một thứ “mùn” trên đó ươm trồng những cây trái tươi tốt, thì đó là một bài học, ít ra là một gợi ý cho ta. Tôi không nghĩ rằng Nho giáo là cái quyết định quan trọng nhất trong việc đưa các đất nước này tiến lên thành những nước phồn vinh về kinh tế, và “chủ nghĩa tư bản Khổng giáo” đang thắng “chủ nghĩa tư bản Tin Lành”. Chủ nghĩa tư bản nào cũng là chủ nghĩa tư bản với những quy luật lịch sử của nó, dù cho có những đặc điểm vùng, địa phương. Nhưng sự “khôn ngoan” của những nước Á Đông này trong việc vận dụng Khổng giáo là điều đáng cho ta suy nghĩ. Chủ nghĩa Marx trong khởi đầu của nó đã không thể tổng kết những thành tựu triết học phương Đông; ngày nay chúng ta phát hiện, kế thừa, chọn lọc điều đó là đúng với tinh thần giữ lại toàn bộ sự phong phú, sự phát triển của toàn bộ thế giới văn hóa và văn minh trước đây. Và điều này sẽ làm phong phú chủ nghĩa Marx. Chủ nghĩa Marx và Nho giáo, Hồ Chí Minh và Nho giáo, Quốc học là những đề tài nghiên cứu rất hấp dẫn.

2. Con người trong triết học Phật giáo là con người mơ mộng về một ký ức xa xăm của thời nguyên thủy, trong đó con người sống yêu thương nhau, không có đẳng cấp (và chính là sự phản ứng lại chế độ đẳng cấp khắc nghiệt của xã hội cổ đại Ấn Độ). Vì quan niệm đời là bể khổ nên cần có tình thương. Nhưng cái mâu thuẫn cốt yếu trong triết học này là chủ trương muốn có hạnh phúc thì cần phải diệt dục. Diệt dục tức là giải thoát. Dục không phải theo ý nghĩa thông thường trong tiếng Việt, mà là lòng ham sống. Muốn đi đến nirvana (Niết bàn) thì phải tiêu diệt lòng ham sống (diệt dục). Diệt dục tức là giác ngộ được cái tâm, tâm lặng lẽ và sáng suốt, cuối cùng nhập vào nirvana nirvana này là một bản thể tuyệt đối, hằng thường, vô thủy vô chung. Phật do đó là vô thần, dĩ nhiên về mặt triết học thì nó ở trong phạm vi duy tâm. Phật giáo vào Việt Nam từ đầu công nguyên, và thời Đinh, Lê, Lý, Trần Phật giáo đã giúp dân tộc ta có một quan niệm sống, một chất keo dính gắn bó cộng đồng để xây dựng và phục hưng dân tộc. Đó là những quan niệm về từ bi, bác ái, đại hùng, đại lực, vô úy, phá chấp, khẳng định con người, khẳng định sức mạnh của con người, bản lĩnh của con người, những điều rất cần cho dân tộc. Chủ nghĩa nhân đạo Phật giáo đã hòa làm một với chủ nghĩa nhân ái truyền thống vốn có của dân tộc Việt, hòa làm một với chủ nghĩa nhân ái Nho giáo và cả Lão giáo (quan niệm tam giáo đồng nguyên) góp phần xây dựng con người Việt Nam chiến thắng và tạo nên những Trần Thái Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Tuệ Trung, Nguyễn Trãi, Ngô Thì Nhậm… Hẳn việc đề cao phần đóng góp này của Phật giáo trong việc xây dựng con người Việt Nam quá khứ là một việc cần thiết, đúng đắn.

3. Trước đây ở miền Nam, con người nhiều khi bị nhìn qua lăng kính của học thuyết Freud, học thuyết hiện sinh. Cần làm rõ một cách cốt yếu về vấn đề này để tránh những ngộ nhận. Chủ nghĩa Marx thừa nhận bản năng, vô thức, tiềm thức… trong con người, trong khi vẫn xem ý thức mới là yếu tính cao nhất và cơ bản nhất của con người. Đóng góp của Freud là đã phát hiện và nhấn mạnh mặt bản năng, tiềm thức, vô thức cho ta hiểu con người toàn diện hơn. Đứng ở tầng tâm lý, và ở tầng vận dụng vào y học, học thuyết Freud là có ích. Nhưng khi để nó thành một học thuyết triết học, tuyệt đối hóa con người ở mặt sinh vật, mặt bản năng (bản năng tình dục, bản năng xâm kích) thì chủ nghĩa Freud trở thành phiến diện, tiêu cực và rất dễ bị lợi dụng để biện hộ cho lối sống thác loạn, tội ác.

Quan niệm triết học hiện sinh về quan hệ giữa con người và xã hội cũng đã từng có ảnh hưởng lớn ở Sài Gòn, ở miền Nam, nhất là trong sinh viên, trí thức. Cần nhấn mạnh đến những điều kiện ra đời chủ nghĩa hiện sinh sau đại chiến II, cần nhấn mạnh đến việc các ông tổ triết thuyết hiện sinh như Sartre, Camus là những trí thức “khuynh tả”. Hiện sinh là sự nổi loạn chống lại trật tự và đạo lý tư sản, nhưng sự chống đối này lại là sự chống đối từ “phía hữu”. Ảnh hưởng của nó vào miền Nam, trong hoàn cảnh chiến tranh, cũng có mặt phức tạp và không nên cường điệu, rồi nó cũng qua nhanh sau khi in dấu ấn trong một số tiểu thuyết và chuyên luận. Một số trí thức sinh viên tiếp nhận “hiện sinh” cũng là trên tinh thần “chống đối”, “nổi loạn”, trong một tâm trạng mệt mỏi và rối bời vì chiến tranh và hiện trạng xã hội miền Nam khi ấy. Dù sao, điều đó không làm thay đổi bản chất chủ nghĩa hiện sinh là một thứ chủ nghĩa cá nhân. Theo Jasper, cá nhân là điểm xuất phát, nó được tuyệt đối hóa thành “cái duy nhất”. Quan niệm của chủ nghĩa hiện sinh về con người là một quan niệm bi quan, nó không tin ở mặt xây dựng và bản tính con người, con người là một hạt cát nhỏ thảm hại trong cơn lốc quay cuồng của những lực lượng tự nhiên và xã hội xa lạ - theo Heidegger. Tồn tại của con người chỉ được xem như sự tồn tại trước cái chết. Cái chết là hư vô. Đứng trước sự hư vô, bản thân con người cũng chứa đựng hư vô, do đó quan niệm vè tính chất phi lý của cuộc sống đầy sợ hãi và lo âu (Camus đưa ra khái niệm “phi lý”, Sartre đưa ra khái niệm “buồn nôn”). Trước tình hình đó, con người có quyền tự do nổi loạn chống lại giáo điều của mọi thứ luân lý, đấu tranh cho giá trị cao nhất của sinh tồn là đấu tranh cho tự do của “cái duy nhất” - cá nhân. Chỉ có cá nhân là tối thượng, còn “địa ngục - đó là người khác”.

KẾT LUẬN

Ôn lại một vài luận điểm của triết học Marx về con người, chúng tôi muốn khẳng định giá trị của nó, trước hết về mặt triết học. Đồng thời cũng để thấy là trong thực tiễn, con đường đi tới một chủ nghĩa nhân đạo như vậy là dài lâu nhưng không phải bế tắc, mất phương hướng. Chủ nghĩa Marx là một học thuyết đang phát triển, nó không phải là một hệ thống khép kín; nó không phải là một mớ giáo điều mà là “kim chỉ nam” cho hành động trên ý nghĩa đó, thế kỷ 21 đích thực là thế kỷ của chủ nghĩa Marx. Mặt khác, lý thuyết và thực hành đều là do con người, con người quyết định và chịu trách nhiệm. Quy luật lịch sử được phát hiện dù đúng và hay đến mấy, nhưng chủ quan con người thực hiện làm hư hỏng thì quy luật phải đi đường vòng, và nhân loại phải chịu nhiều tổn thất để điều chỉnh. Thực tiễn thì phong phú, mà lý thuyết thì “màu xám”, nhưng nếu không còn niềm tin ở lý thuyết thì chỉ làm hỗn loạn thêm thực tiễn. Đó là điều chúng tôi muốn bày tỏ nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh của một con người vĩ đại: K. Marx (5-5-1818 – 5-5-2018).

MAI QUỐC LIÊN