HV128 - 70 năm (1948 - 2018) Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam

Kỷ niệm 70 năm thành lập Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam kể từ 1948 tại núi rừng Việt Bắc, chúng ta bồi hồi nhớ lại biết bao chặng đường đã qua, biết bao con người và tác phẩm của nền văn nghệ ấy. Đó là một thời mà văn nghệ đồng hành cùng dân tộc, cùng cuộc chiến đấu giành lại độc lập, tự do, thống nhất cho Tổ quốc với biết bao hy sinh, xương máu. Nền văn nghệ ấy là những sản phẩm tinh hoa của tâm hồn Việt Nam trong gian khổ, chiến đấu. Chúng ta nhớ lại với biết bao xúc động những bài hát, những bản nhạc, những bài thơ, những ký, những truyện ngắn, những bức tranh… của cái thuở ban đầu dựng nước, giữ nước. Làm sao quên được Tố Hữu với Bầm ơi, Cá nước, Nguyễn Đình Thi với Người Hà Nội Đất nước, Chế Lan Viên với Bữa cơm thường trong bản nhỏ, Nguyễn Tuân với những bút ký đi chiến dịch, Xuân Diệu với Ngọn quốc kỳ… Làm sao quên Tô Ngọc Vân, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Lưu Công Nhân trong hội họa, Nguyễn Cao Luyện trong kiến trúc… Làm sao quên Văn Cao với kỳ tích Trường ca sông Lô, Đỗ Nhuận với Du kích sông Thao… mà cho đến nay vẫn sống mãi trong lòng mọi người, mỗi lần nghe là mỗi lần dậy lên tình yêu đất nước. Trong mấy chục năm sau đó, văn nghệ từ hậu phương lớn miền Bắc cho đến chiến trường miền Nam, đô thị miền Nam đã kết tinh bao nhiêu những tâm huyết, khát vọng, khí phách của một thời. Rất nhiều những văn nghệ sĩ như Nguyễn Thi, Trần Quang Long, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Phan Tứ, Ca Lê Hiến, Nguyễn Mỹ, Chu Cẩm Phong, Hoàng Việt… đã mất đi khi trong lòng còn ấp ủ biết bao tác phẩm lớn. Có thể nói, đó là thời vĩ đại đỉnh cao thiêng liêng của tâm hồn dân tộc.

70 năm đã trôi theo dòng thời gian của những biến thiên lịch sử. Chúng ta nhớ lại, tự hào, yêu thương những năm tháng ấy của lịch sử, của văn nghệ. Nhưng chúng ta cũng biết rằng cuộc sống mãi mãi trôi chảy, vô thường, với những vận động phức tạp, khó lường. Chúng ta đang đứng giữa thị trường mà văn nghệ nhiều khi chỉ còn lại chức năng giải trí, thư giãn. Cái tinh hoa, hàn lâm ngày nay chỉ còn là cá biệt. Những cái giải trí lành mạnh không hiếm, nhưng những cái tầm thường, “mì ăn liền” xuất hiện và mất đi chóng vánh cũng không hiếm. Giữa những tiếng rao, bán mua, quảng cáo của hàng hóa dịch vụ, văn nghệ lắm khi bế tắc trong sự phát triển. Chúng ta phải làm như thế nào để văn nghệ vừa là giải trí thực dụng nhưng cũng vừa phát triển theo một đường hướng tinh hoa, hàn lâm, chuẩn mực như ở nhiều nước phát triển cao. Cần nhớ rằng cơm ăn áo mặc, kinh tế, thân xác là rất quan trọng. Nhưng tâm hồn, linh hồn, tình cảm và theo đó là đức hạnh, là khát vọng cũng quan trọng không kém trong mỗi một con người. Văn nghệ của một dân tộc là phẩm giá của dân tộc ấy. Một dân tộc có thể nhỏ, có thể còn nghèo nhưng vẫn có thể có những kiệt tác đóng góp cho dân tộc mình và tự hào cùng nhân loại. Cho nên sự phát triển của văn hóa, của văn nghệ phải kế thừa được khí phách, khát vọng thiêng liêng của bao nhiêu ngày xưa ấy để làm nên những giá trị mới. Đây là một sự nghiệp của toàn dân tộc, trong đó Đảng, Nhà nước, giáo dục… đóng một vai trò rất quan trọng: vai trò sản sinh ra nhân tài và nâng đỡ nhân tài. Còn các văn nghệ sĩ thì không phải đợi ai giục mình mà phải đốt cháy lên ngọn lửa thiêng của tài năng và trí tuệ để tỏa sáng cho chung quanh. Sứ mệnh ấy là một sứ mệnh tự nguyện, dấn thân, dâng hiến.

Dân tộc ta là một dân tộc có truyền thống văn hiến rất lâu đời và ở thời nào cũng có nhân tài kiệt xuất. 70 năm qua là một rừng nhân tài và cái cây nào cũng xanh tươi, bền gốc. Điều đó cho ta hy vọng những thế hệ trẻ ngày nay được học hành và giao lưu rộng rãi sẽ biết phát huy truyền thống dân tộc và tinh hoa nhân loại để đem về cho đất nước những sản phẩm tinh thần vĩnh cửu.

HỒN VIỆT