HV128 - Giai thoại danh nhân

Lumière

Năm 1926, các nhà điện ảnh thế giới đổ về Paris để dự Đại hội điện ảnh quốc tế. Cử tọa được nghe nhiều bài diễn thuyết nói về ý nghĩa của điện ảnh và những chặng đường phát triển của phát minh kỳ diệu ấy của hai anh em nhà Lumière. Một ông già ăn mặc xoàng xĩnh ngồi thu lu ở một góc phòng họp đã thu hút sự chú ý của mọi người.

- Này ông già kia, ông đến đây làm gì? Ông có liên can gì tới đại hội điện ảnh này?

- Thưa các ngài, tôi là Lumière đây.

Thanh minh

Một tên trộm thanh minh trước nhà hùng biện Démosthène của Hy Lạp:

- Tôi không biết cái này là của ngài.

Và hắn nghe được một câu đáp lại:

- Thế anh có biết cái này không phải là của anh?

Nhãn hiệu

Có lần nhà thơ Puskin rất bực mình. Ông đang rất cần tiền, thế mà lại chưa nhận được ngay. Vào giây phút khó chịu ấy có một bác thợ giày người Đức cứ nằng nặc xin gặp Puskin. Nhà thơ hầm hầm bước ra, hỏi sẵng giọng:

- Ông cần gì?

- Thưa ngài Puskin, tôi đến đây muốn mua hàng của ngài - gã người Đức đáp.

- Mua hàng gì? - nhà thơ ngạc nhiên hỏi.

- Ngài làm thơ. Tôi đến xin mua tám chữ trong một bài thơ của ngài. Số là tôi làm xi đánh giày và muốn in lên nhãn hiệu tám chữ “Sáng hơn ban ngày, tối hơn ban đêm”. Vì mấy chữ đó tôi xin trả ngài 50 rúp. Ngài có bằng lòng không?

Puskin tất nhiên là bằng lòng, còn người thợ giày cũng mãn nguyện, bèn đi đặt in những nhãn hiệu mong muốn.

Trở về

Một kỹ sư quen biết nói đùa với nghệ sĩ Akaki Tsereteli vừa bình phục sau một trận ốm nặng:

- Anh từ thế giới bên kia đã trở về nhanh quá.

- May mà con đường từ thế giới bên kia không phải do các kỹ sư làm, nếu không thì đến bây giờ tôi vẫn chưa trở về được - Tsereteli nói.

Siêu hình học

Có người hỏi nhà khoa học Đức Otto Hahn rằng ông nghĩ gì về siêu hình học.

- Siêu hình học - nhà bác học đáp - đó là đi tìm con mèo đen trong căn phòng tối mà trong đó nói chung chẳng có con mèo nào cả.

Trí nhớ đặc biệt

Femistokl, võ tướng nổi tiếng của thành Athens, có một trí nhớ đặc biệt. Một bữa nọ, có một người lạ mặt đến gặp ông và xin ông dạy cho cách nhớ lâu.

Femistokl không nhịn được cười:

- Tốt nhất là anh nên dạy ta cách chóng quên, bởi lẽ trong đầu ta không chỉ có những gì mà ta muốn nhớ, nhưng ta thậm chí cũng không thể quên những điều mà ta cố quên!

Bút tích

Nữ ca sĩ Adelina Patti đã nhiều lần xin thủ bút của nhà soạn nhạc Pháp Berlioz. Không hiểu sao lần nào ông cũng từ chối. Một hôm nàng lại đến gặp Berlioz và khẩn khoản nói:

- Thưa tôn sư, xin tôn sư viết cho mấy chữ vào cuốn album của em. Để đáp lại, xin tôn sư chọn một trong hai món quà sau đây: hoặc là em sẽ hát hầu ngài một bài, hoặc là em xin biếu tôn sư một hộp pa tê gan mà người ta vừa gởi cho em từ Toulouse.

Berlioz đỡ lấy cuốn sổ và viết hai chữ La tinh.

Patti mừng rỡ hỏi:

- Thế chữ này nghĩa là gì ạ?

- Nó có nghĩa: “Hãy mang pa tê đến” - Berlioz mỉm cười.

LÊ SƠN sưu tầm và tuyển dịch