* PV: Hoa hậu, tiến sĩ sử học Thu Trang đã khẳng định bà là một công chúa thuộc hoàng tộc Chăm, không phải hoàng tộc ở Huế như nhiều báo đã viết. Chi tiết này chính xác tới đâu, thưa bà?
- Đạo diễn XUÂN PHƯỢNG: Tôi chỉ nhớ lúc tôi khoảng 6 tuổi, cha tôi có dắt tôi đến diện kiến một bà hoàng Chăm và kêu tôi quỳ xuống gọi bà là bà cố. Bà cố mặc áo màu vàng, lấp lánh. Trong trí nhớ non nớt của tôi, bà rất đáng sợ vì mọi người đều quỳ trước bà. Chỉ một lần đó thôi, dường như đó là việc riêng của gia đình, chẳng có sử sách nào ghi lại. Quê tôi ở Phan Rí và tôi biết mình thuộc hoàng tộc Chăm… Chi tiết tôi thuộc hoàng tộc Huế vì mẹ tôi là một Tôn nữ.
* Bà đã sống trong nhung lụa từ bé, học trường đầm và được giáo dục theo khuôn mẫu hoàng tộc, hoàn toàn xa lạ với tầng lớp dưới… Lúc ấy, bà có chút suy nghĩ gì về đất nước và sự đô hộ của người Pháp chưa?
- Tôi được cha tôi gửi vào trường dòng Couvent des Oiseaux, đây là trường do Hoàng hậu Nam Phương sáng lập. Tôi đã học chương trình Việt đến lớp ba, bước sang lớp nhì (lớp 4 bây giờ) thì cha tôi thả tôi vào đó. Lần đầu tiên vào lớp, tôi ngơ ngác như người lạc vào một thế giới khác, vì xung quanh tất cả đều nói tiếng Pháp. Tôi còn nhớ giờ đầu tiên, bà thầy đọc ám tả, tôi đã viết theo kiểu phiên âm tiếng Việt, vậy mà đọc lên rất đúng âm làm bà kinh ngạc quá. Nhưng chỉ trong 6 tháng là tôi đã leo lên dẫn đầu lớp, và suốt trong nhiều năm học sau, tôi luôn đứng đầu. Từ đó, tôi nghĩ cha tôi đã đúng khi bắt tôi phải bơi như vậy trong môi trường mới. Có thế nó mới bắt tôi nỗ lực hết sức và phải tự lực vượt qua, nếu không muốn mình bị chết chìm. Lúc ấy Hoàng tử Bảo Long cũng được gửi vào học trường này, dù đây là trường nữ. Biết tôi học giỏi mà cũng là người trong hoàng tộc, nên hoàng hậu đã kêu tôi mỗi thứ bảy, chủ nhật đến Dinh 3 học chung với hoàng tử. Hoàng hậu là người rất nghiêm khắc trong việc giáo dục con cái, khi dùng bữa, bà mặc áo dài và buộc tất cả đều ăn mặc chỉnh tề. Bữa cơm không được phép có tiếng động nào, dù rất nhỏ. Các công chúa và hoàng tử rất sợ bà. Tôi sống hoàn toàn vô tư và cũng không hề quan tâm đến thời cuộc, không hề đặt câu hỏi về sự hiện diện của người Pháp trên đất nước mình.

Bà Marceline Loridan (thứ nhất từ phải sang) và bà Xuân Phượng (thứ hai từ phải sang) năm 1967 tại Xưởng phim Tài liệu Thời sự trung ương
* Sống trong một môi trường đài các như vậy, làm thế nào mà bà đến với Cách mạng quyết liệt như thế ở tuổi 16?
- Sau ngày Độc lập 2-9-1945, trường đóng cửa, tôi trở về Huế học trường Khải Định (Quốc Học bây giờ), ở nhà dì dượng, dượng tôi là Phan Tây đang hoạt động cách mạng cùng với anh Tạ Quang Bửu. Rồi tôi được các bậc đàn anh như anh Phan Tử Quang, Phan Diếp… rủ vào Hội Học sinh cứu quốc, được đọc rất nhiều bài viết của Nguyễn Ái Quốc. Từ đó, tôi cảm thấy mình như người mù bước ra ánh sáng, tôi bắt đầu vỡ ra rằng từ lâu mình đang sống trong tháp ngà, không hiểu gì đến vận nước. Khi Bác Hồ kêu gọi toàn quốc kháng chiến tháng 12-1946, anh Đào Duy Dếnh - cán bộ Việt Minh đưa Hội Học sinh cứu quốc thoát ly gia đình, đi kháng chiến. Lúc đó tôi mới 16 tuổi. 5 giờ sáng, cậu ruột, em út của mẹ, chỉ lớn hơn tôi 4 tuổi, chở tôi bằng xe đạp, rời nhà đến bến đò Chợ Mai. Nhà cách bến đò 700m, đến nơi cậu mới nhớ ra quên cái bơm xe, mà lên chiến khu làm sao có, cậu bảo tôi dắt xe ra bến chờ, cậu về lấy bơm xe. Đúng lúc đó, Pháp tấn công từ bên sông vào, tôi không chờ cậu được, vội vứt xe đạp, nhảy lên đò, đi. Cùng đi với tôi có 12 đứa, trong đó có Trần Hoàn, Tân Nhân, Hoàng Thi Thơ… Cậu tôi ra không còn ai hết, ở lại, rồi trốn lính, nên gia đình cho sang Pháp, làm nhà báo. Mãi 44 năm sau, khi tôi sang Pháp mới gặp lại cậu. Cuộc đời nghĩ lạ, chỉ mấy phút thôi, số phận đã khác. Ngày tôi ra đi, gia tài chỉ có 2 bộ quần áo, không một xu dính túi. Ngày đó, trong sáng như pha lê, chỉ nghĩ: Đi là để bỏ kiếp nô lệ. Và xác định đã đi là đi đến cùng… Bác Hồ có một lần họp mặt đã hỏi: “Các cháu có biết tại sao Phượng nó từ bỏ tất cả để đi kháng chiến không?”. Đứa nào cũng nói nó được giác ngộ, nhưng Bác cười xòa nói: “Trong mỗi con người đều có máu phiêu lưu. Nếu đã khơi được lý tưởng yêu nước thì máu phiêu lưu sẽ bộc phát, ai cũng muốn mình phải là con người khác trước phong trào yêu nước như sóng dậy. Chính Việt Minh đã khơi dậy được điều đó và hàng triệu người đã đi theo kháng chiến…”.
* Vào chiến khu, chỉ là cô học trò 16 tuổi, bà nghĩ mình sẽ làm được gì cho Cách mạng? Nghe nói bà đã từng làm thuốc nổ, và từng chứng kiến bạn bè bị cháy hết cả người trong lúc pha chế…
- Làm tất cả mọi việc Cách mạng giao, không một chút ngại ngần, lúc mới vào thì được phân đi tuyền truyền cách mạng, chỉ toàn đi bộ mà đói liên tục, cực kỳ gian khổ, nhưng tôi chưa bao giờ thấy ân hận mà còn cảm thấy như mình được lạc vào thiên thai vì tình người quá đẹp, con người ai cũng rạng ngời hạnh phúc. Còn chuyện làm thuốc nổ xảy ra tháng 7-1947, mặt trận Huế vỡ, tôi đi bộ từ Huế ra Việt Bắc 3 tháng trời… Vì Bộ Quốc phòng trên Việt Bắc tìm người biết tiếng Pháp vào Nha Nghiên cứu kỹ thuật Bộ Quốc phòng (NCKT). Tôi là nữ duy nhất được chọn về làm việc ở Quân giới Liên khu 4. Sau được phân công về NCKT, Cục Quân giới, đóng quân ở Phịa Khao, Chợ Đồn, Bắc Kạn. Cấp trên bảo: Cách mạng đang thiếu vũ khí, cần phải chế tạo chất nổ.
Chúng tôi dựa theo một cuốn sách dạy chế tạo thuốc nổ ở Pháp, cứ theo công thức mà làm. Trong các chất pha chế có chất diêm tiêu, mà diêm tiêu phải lấy từ phân dơi, chúng tôi phải vào hang dơi, cào phân cho vào sọt, gánh về và hòa với nước, lọc lại mới lấy được diêm tiêu. Khỏi phải nói, cả nam và nữ người đều bốc mùi thối không chịu nổi. Khi pha chế thuốc, mỗi người có một bàn, dưới chân bàn là một hầm. Pha thuốc bằng chiếc lông gà, khói bay mù mịt, nhưng hễ thấy lóe lửa, là phải hất khay thuốc xuống hầm. Thế mà anh Phan Thanh Nam hất không kịp, thuốc phát nổ làm bỏng toàn thân. Tôi phụ trách một tổ Pulmynate (thuốc làm kíp nổ), 2gr = 1 mạng người, mà tôi làm được đến 3kg. Đúng là thấy chết trước mắt mà cũng không biết sợ là gì, vẫn tiếp tục làm như thường. Bây giờ nghĩ lại mới thấy mình dũng cảm thật.
* Nhưng công việc chính của bà không phải trong quân giới mà là một bác sĩ. Từ một Trưởng phòng khám cho cán bộ cao cấp và quốc tế ở Bộ Ngoại giao, đến trở thành môt đạo diễn phim tài liệu, chắc hẳn đó là một bước ngoặt dữ dội trong cuộc đời bà?
- Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên, do cấp trên phân công, tôi được cử đi học y sĩ cao cấp và chuyển về làm việc tại Ủy ban Liên lạc văn hóa với nước ngoài, săn sóc sức khỏe các đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam, nhờ thế mà tôi được tiếp xúc nhiều với các nguyên thủ quốc gia, nhà báo quốc tế.
Do biết tiếng Pháp, nên năm 1967 tôi cùng với một số vị phụ trách xưởng phim Việt Nam được Bác Hồ mời lên để giúp “những chiến sĩ điện ảnh cách mạng” (chữ dùng của Bác lúc đó) là ông Joris Ivens và bà Marceline Loridan tình nguyện đến chiến trường ác liệt nhất làm phim về Việt Nam. Ông Joris Ivens (người Hà Lan) nổi tiếng về làm phim cách mạng, bị trục xuất khỏi Hà Lan, sang Pháp cư trú, phim của ông làm có một giá trị uy tín đặc biệt với quốc tế. Bà Marceline Loridan (người Do Thái gốc Ba Lan), là một nhân chứng sống thoát chết từ lò thiêu xác Auschwitz của phát xít Đức. Một đoàn làm phim được tổ chức khẩn trương, đưa vào Vĩnh Linh - vĩ tuyến 17 (gồm bác sĩ kiêm phiên dịch, hướng dẫn và 7 người quay phim). Phim làm xong có tên Vĩ tuyến 17 - Cuộc chiến tranh nhân dân.
Cũng từ chuyến đi này, cuộc đời tôi bắt đầu xoay sang một hướng khác. Chính ông Ivens là người thầy làm phim đầu tiên của tôi. Sau lần đi với tôi vào Vĩnh Linh, ông gọi tôi ra và bảo: “Nữ bác sĩ ở đâu cũng có, nhưng tìm một nữ làm phim tài liệu thì hiếm. Tôi thấy em rất có khả năng làm phóng viên chiến trường”. Tôi suy nghĩ rất nhiều về lời ông Ivens nói, có nên chuyển ngành không khi đã 37 tuổi mà công việc đang ổn định, lương lại cao, chuyển sang làm phóng viên chiến trường là trở về lương khởi điểm. Nhưng có đi, tôi mới biết dân mình khổ như thế nào trước bom đạn Mỹ. Tôi nhìn tấm gương của ông Ivens và bà Loridan để tự so sánh với mình. Người ta ở đâu đến đây, biết bao lần đối mặt với cái chết để đem được những hình ảnh tội ác của Mỹ đối với nhân nhân Việt Nam ra quốc tế, sao tôi là người Việt mà tôi còn đắn đo? Và tôi quyết định làm đơn xin chuyển, dù chồng tôi rất ngăn cản. Nhưng tôi đã quyết. Năm 1968, tôi chuyển về bộ phận Truyền hình Việt Nam (được thành lập trước khi Đài truyền hình Việt Nam chính thức hoạt động). Tôi được cử đi B (chiến trường miền Nam), là nữ phóng viên chiến trường duy nhất của Việt Nam lúc đó.
Từ đó, tôi đi khắp các chiến trường ác liệt… Rất nhiều những kỷ niệm khốc liệt và cả những nỗi ám ảnh khôn nguôi khi nhiều lần giáp mặt với tử thần, như lần đầu đi vào tuyến lửa, 6 chiếc xe, 7 quay phim với phó đạo diễn Bùi Đình Hạc, xe toàn đi đêm chỉ để đèn bằng hạt đậu dưới gầm xe, bị bom bi ở Thanh Hóa suýt chết. Rồi trận bom tưởng mất xác ở phà Xuân Sơn, đèo Đá Đẽo - Quảng Bình… Sau giải phóng là chiến trường Campuchia và biên giới phía Bắc với những ám ảnh mà đến giờ mỗi khi nhớ lại tôi còn rùng mình... Khi đi cùng anh Phạm Khắc, Đài truyền hình TP.HCM chứng kiến những xác người đen sì phình to như quả bóng, nghe tiếng động, ruồi bay từ bụng ra, xác xẹp lép; hay khi đến trại nuôi cá sấu của bọn Pol Pot thấy xác, đầu, mình trẻ con bị chặt mấy mảnh, tôi không quay nổi. Tôi đã gặp ác mộng suốt 2 năm trời sau đó, không dám tắt đèn vào ban đêm, phải trị liệu tâm lý.
* Có lẽ bước ngoặt thứ hai trong cuộc đời bà chính là phòng tranh này. Từ một phóng viên chiến trường đối mặt với cái chết, bà đã trở về bình lặng giữa sắc màu trong một phòng tranh lớn ở quận1, chắc bà phải trải qua nhiều thử thách?
- Năm 1986, tôi về hưu. Lương 300 đồng, làm sao sống. Cả đời làm phóng viên, không biết làm gì. Chồng tôi giáo sư Đại học Bách khoa Hà Nội, trước là chiến sĩ Điện Biên Phủ, lý thuyết trong sáng, người rất cương trực, một hôm bảo: Khu phố cho đi giữ xe đạp ở Nhà hát Lớn. Tôi nghĩ việc đó không hợp với mình. Nhưng làm gì bây giờ? Tôi nghĩ mình có rất nhiều bạn bè nhà báo Pháp trong suốt thời gian tôi làm việc, tại sao không làm một chuyến đi? Và tôi vẫn thường tự trào với mình: Bác Hồ đi Pháp tìm đường cứu nước, còn tôi đi Pháp để tìm đường cứu mình. Và tôi viết thư cho họ... Cũng khá vất vả và nhiêu khê tôi mới xong thủ tục để đi Pháp. Ở Pháp, nhờ bạn, tôi được giúp chỗ ở và việc làm: dịch phim Pháp, và cho ý kiến phim này phù hợp với đối tượng nào? Có hãng phim mời tôi đi Liên hoan phim Cannes với công việc là xem phim và tư vấn nên mua phim gì… Tôi đã làm tốt, nên hãng phim đề nghị tôi ký hợp đồng thêm 2 năm với số lương tăng 35%. Nhưng tôi đã từ chối vì quá nhớ nhà.
Hai năm, khi nhắc tới Việt Nam, người ta chỉ nói về chiến tranh và sự nghèo khổ. Và tôi muốn giới thiệu nền văn hóa Việt Nam theo cách của mình. Năm 1991, tôi mở phòng tranh Lotus, để từ tranh, giới thiệu ra nước ngoài. Tôi viết báo, làm biên kịch, đạo diễn phim, viết sách cả tiếng Việt và tiếng Pháp... nhưng tranh - hội họa, là một đam mê của tôi. Mở phòng tranh không những để kiếm sống, mà còn có mục tiêu tìm kiếm tài năng trẻ về hội họa. Từ một phòng tranh nhỏ chỉ có 27 tranh ban đầu, sau 2 năm, tôi đã có tài sản là 600 bức tranh, cứ bán ra, mua vào liên tục. Và tôi sống nhờ tranh.
Thời gian làm ở Đài truyền hình, phiên dịch cho Bộ Ngoại giao, tôi cũng tạo được một số quan hệ với các bạn Pháp trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Vậy là tôi tổ chức triển lãm tranh Việt - Pháp, 2 lần/năm trong suốt 25 năm nay.
* Có lẽ Huân chương Bắc đẩu Bội tinh cấp Hiệp sĩ cao quý của Chính phủ Pháp tặng cho bà chính vì những đóng góp nổi bật của bà trong việc xây dựng cây cầu văn hóa Pháp - Việt, với việc đưa những đoàn nhà báo, nhà văn Pháp sang Việt Nam và 28 đoàn nghệ sĩ Việt Nam sang Pháp... Nhưng còn một việc vô cùng ý nghĩa bà đã làm cho nền điện ảnh kháng chiến Nam Bộ là đưa được bác Khương Mễ và những thước phim làm ở Đồng Tháp Mười sang dự Liên hoan phim Amiens năm 1997?
- Buổi lễ trao tặng được tổ chức long trọng tại TP.Hồ Chí Minh vào tháng 10-2011 trong dinh thự Tổng lãnh sự Pháp, trở thành một sự kiện văn hóa hữu nghị Việt - Pháp. Tôi hạnh phúc vì thấy mình còn làm được việc có ý nghĩa, nhất là với việc đưa được những thước phim mà Điện ảnh kháng chiến Nam Bộ làm năm 1948, một việc mà khi nhớ lại tôi còn trào nước mắt. Năm 1995, anh Khương Mễ mời tôi đến buổi chiếu phim đặc biệt của anh với phòng triển lãm những hiện vật làm phim ở Đồng Tháp Mười năm 1948. Tôi thực sự sửng sốt và quyết định làm ngay bộ phim Những bước đầu của Điện ảnh kháng chiến Nam Bộ. Chúng tôi không có tiền, nhưng tràn đầy nhiệt huyết. Làm xong phim, nhưng không chiếu được ở đâu, Đài truyền hình TP.HCM không dám chiếu vì cho là vấn đề tế nhị. Tôi đem bộ phim cho ông Charroing, tùy viên văn hóa Lãnh sự Pháp bấy giờ, khi xem xong, ông khóc và nói: Viên ngọc quý mà tới giờ tôi mới biết, và ông gợi ý tôi nên gửi phim đi dự Liên hoan phim Amiens.
Liên hoan phim (LHP) được tổ chức từ ngày 7 tới 17-11-1997 với 206 bộ phim và 3.500 đại biểu của hơn trăm nước đến tham dự. LHP được khai mạc bằng những điệu múa của Đoàn Nghệ thuật Di gan tưng bừng, quyến rũ. Và một người Việt Nam với mái tóc bạc phơ trong bộ áo dài khăn đóng truyền thống của dân tộc - anh Khương Mễ - cùng cô nữ diễn viên nổi tiếng Isabelle, hai vị khách danh dự của LHP đã được mời lên lễ đài làm lễ khai mạc. Anh Khương Mễ đứng dưới ánh sáng chói lòa trong tiếng vỗ tay vang dậy mà rưng rưng nước mắt. Và những thước phim kỳ diệu đã thực hiện ở nơi không có điện, không có nước sạch được chiếu lên màn ảnh rộng 800m2. Những hình ảnh mộc mạc đơn sơ trong từng trận thắng La Ban, Trà Vinh và Hết đời đế quốc, người ta nhìn thấy những thanh niên mình trần, mặc quần đùi đen, đi chân trần mà dũng cảm lao vào trận như những kẻ phi thường. Và cả hình ảnh đồn Pháp bị tiêu diệt, các binh lính, sĩ quan Pháp phải giơ cao tay đầu hàng. Đó là tất cả những điều có thật, như một chứng cớ không phai của nửa thế kỷ trước. Rồi bất chợt cả hội trường đứng bật dậy vỗ tay nồng nhiệt. Trong khi các nước khác chỉ được chiếu giới thiệu phim mình một buổi thì Việt Nam được ưu tiên chiếu bốn buổi, trong đó có một buổi dành riêng cho các em học sinh 7-8 tuổi, chưa biết thế nào là chiến tranh. Các em xem phim và khi về lại trường cứ hỏi mãi với thầy giáo: “Nước Việt Nam ở đâu trên bản đồ thế giới? Và vì sao nước Pháp lại đi xâm chiếm nước người ta?...”. Ông Garcia, Giám đốc LHP Amiens, đã viết vào sổ lưu niệm LHP: “Nhờ sự giúp đỡ của bà Xuân Phượng và phát hiện của ông Charroing, tùy viên văn hóa Lãnh sự Pháp tại Việt Nam, điện ảnh thế giới mới được biết một nền điện ảnh độc đáo như thế này, nếu không, chúng ta đã bỏ quên những điều kỳ diệu này trong điện ảnh”. Đêm bế mạc, theo thông lệ, LHP sẽ chọn một đất nước để trao huy chương danh dự, năm nay huy chương ấy được trao cho Việt Nam. Hầu hết báo chí ở Paris đều đăng ảnh anh Khương Mễ và tới tấp đến phỏng vấn anh. Đài truyền hình 5 là một đài rất có uy tín của Pháp, cũng dành ra mấy phút riêng cho đoàn Việt Nam.
Quốc tế gọi đây là một điều kỳ diệu của điện ảnh, và đã gọi anh Khương Mễ là ông “Lumière Đồng Tháp Mười”, ý nói là người khai sinh điện ảnh Cách mạng Việt Nam, chỉ riêng Việt Nam vẫn không công nhận. Vì thế nên ngày khai sinh của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam vẫn là ngày 15-3- 1953, chứ không phải là năm 1947? Đời buồn thế đấy!!
* Gần đây trên mạng xã hội, bà có xem clip bôi nhọ chị Võ Thị Sáu do những nhà văn, nhà thơ có tiếng thực hiện? Theo bà thì vì sao lại có hiện tượng này, và mục đích của nó để làm gì?
- Nói thẳng ra là Nguyễn Duy, trước nay với tôi vẫn khá thân thiết và tôi coi Duy như đứa em của mình. Khi xem xong clip tôi rất buồn, đã gọi cho Duy và nói: Chị hiểu nước Pháp hơn em nhiều lắm, nên chị chỉ nói với em câu này, Pháp nó không có điên mà đem xử tử hình một con nhỏ khùng như em miêu tả về chị Võ Thị Sáu. Nó có đầy đủ hồ sơ, nhưng không dám xử ở Sài Gòn, nên phải đưa ra Côn Đảo xử. Hành động đó là lén lút, vì nó biết đó là một anh hùng của Việt Minh, phải tiêu diệt. Câu hỏi thứ hai của em làm tôi càng buồn hơn. Không biết từ lúc nào mà người ta thích hạ bệ thần tượng đến như vậy?!
* Một câu hỏi cuối có tính chất khá riêng tư, mong bà mở lòng. Được biết bà và nhạc sĩ Hoàng Vân rất thân thiết…
- (Cười) Rất thân thiết, rất hiểu nhau. Nhớ có lần tôi và diễn viên Trà Giang đến thăm anh Hoàng Vân, khi về Trà Giang đã nói nhỏ với tôi: Em ước gì trong đời em có người đàn ông nhìn em với ánh mắt như anh Hoàng Vân nhìn chị vậy…
* Xin cám ơn bà về buổi trò chuyện rất thú vị hôm nay.