Từ tư liệu do ông Phạm Tôn công bố…
Ông Phạm Tôn trong bài viết về Phạm Quỳnh có nhan đề “Người nặng lòng với nước”, trên tạp chí Xưa và Nay, số 267, tháng 2-2006, đã công bố nhiều tư liệu về ông chủ bút Nam Phong tạp chí.
Liên quan đến cái chết của Phạm Quỳnh ở Huế năm 1945, ông Phạm Tôn đã dẫn tư liệu được cho là lời kể của Tôn Quang Phiệt, Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên-Huế, như sau:
“Bà Phạm Thị Thức, em bà Giá, là vợ cố giáo sư Đặng Vũ Hỷ, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1. Con trai út bà đã kể lại rằng trong một lần cùng đi máy bay sang Berlin (Cộng hòa Dân chủ Đức) chữa bệnh, ông Tôn Quang Phiệt, Chủ tịch UBND cách mạng lâm thời tỉnh Thừa Thiên-Huế hồi Cách mạng tháng Tám, đã cố tìm gặp giáo sư Đặng Vũ Hỷ chỉ để nói một điều là: ‘Tôi đã nhiều lần muốn gặp anh để nói với anh về chuyện cụ nhà (Phạm Quỳnh). Hồi ấy, tôi ở Huế thật, nhưng hoàn toàn không dính gì vào vụ này, chỉ biết khi chuyện đã xảy ra rồi’. Ta không thể không tin lời của một trí thức cỡ lớn nói với một trí thức cỡ lớn như vậy”.
Còn về ông Tố Hữu - Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên-Huế, ông Phạm Tôn dẫn chứng: “Trong hồi ký của mình Nhớ lại một thời, do nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản tháng 8-2000, tại Hà Nội, nhà thơ Tố Hữu, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên-Huế ngày ấy, đã nêu rõ: chính ông đã đề nghị tỉnh ủy, ngay từ khi về đến Huế, là rút khẩu hiệu ‘Đánh đuổi giặc Nhật, tiễu trừ Việt gian’ đã nêu trước đó trong cả nước. Và trong ngày khởi nghĩa tại Huế 23-8-1945, chính ông đã tuyên bố ‘bảo đảm tính mạng và tài sản cho toàn thể đồng bào’ trước đông đảo nhân dân tập trung ở sân vận động Huế. Trong những năm 90 thế kỷ trước, ở chỗ riêng tư, ông còn thổ lộ là: ‘Mấy chục năm qua, tôi vẫn áy náy, day dứt về việc cụ Phạm Quỳnh’”.
Từ tư liệu được cho là của Tôn Quang Phiệt và Tố Hữu, ông Phạm Tôn đi đến kết luận:
“Thế là cả Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa và Chủ tịch UBND cách mạng Thừa Thiên-Huế đều không biết gì về việc ‘xử tử hình Phạm Quỳnh’, nói gì đến xét xử, kết án”.
Ông Phạm Tôn là cháu ngoại ông chủ bút Nam Phong tạp chí. Những tư liệu do ông công bố, người cảm tính sẽ rất dễ tin. Ai chứ, toàn các trí thức lớn của đất nước như ông bà giáo sư Đặng Vũ Hỷ, Tôn Quang Phiệt, Tố Hữu… đã nói ra như vậy. Nhưng các vị nói trên đều đã thành người thiên cổ, bạn đọc khó mà hỏi lại được, vậy thì cứ tạm tin như vậy.
…Đến tư liệu trong hồi ký Tôn Quang Phiệt
Năm 2013, một vị PGS-NGND, chuyên gia nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại, có cung cấp cho tôi một bản hồi ký của Tôn Quang Phiệt đánh máy vi tính lưu hành trong gia đình. Tài liệu này được ông Tôn Gia Huyên, con trai Tôn Quang Phiệt, đề tại Hà Nội, ngày 9-1-1999, nhân dịp 100 năm năm sinh Tôn Quang Phiệt. Trong đó, ông Tôn Gia Huyên ghi rõ lời dặn với các em: “Cha viết chỉ để các con đọc và hiểu cha theo lối kể chuyện nên nói hết sự thật theo suy nghĩ và nhận định của cha, không bị ràng buộc về chính trị và văn chương. Trừ người thân trong nhà ra, không được để người khác đọc toàn bộ tài liệu này…”.
Chính vì câu “Trừ người thân trong nhà ra, không được để người khác đọc toàn bộ tài liệu này…”, cho nên khi viết bài “Tôn Quang Phiệt và vụ án Phạm Quỳnh (năm 1945)” trên tạp chí Văn hóa Nghệ An, số 269, ra ngày 25-5-2014, tôi đã không công bố những tư liệu liên quan đến hồi ký viết cho các con của Tôn Quang Phiệt.
Năm 2014, NXB Văn học in bộ sách Tôn Quang Phiệt 1900-1973, xuất bản phẩm Nhà nước đặt hàng (3 tập). Trong đó, có công bố hồi ký Tôn Quang Phiệt. Vậy là, hồi ký Tôn Quang Phiệt từ tài sản riêng của gia đình đã được công bố rộng rãi đến công chúng.
Hồi ký của Tôn Quang Phiệt có nhận định về nhiều nhân vật lịch sử: Phan Bội Châu, Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân, Nguyễn Khắc Niêm, Hoàng Văn Khải, Lê Dư, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Nguyễn Đức Bính, Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Diệm, Phạm Quỳnh…
Về Phạm Quỳnh, Tôn Quang Phiệt không có thiện cảm. Những đánh giá của Tôn Quang Phiệt về Phạm Quỳnh là nặng nề.
Trong phần hồi ký mang tên “Làm Mặt trận với Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Diệm”, Tôn Quang Phiệt có câu bình luận: “Tôi sở dĩ đi lại với Diệm vì bằng lẽ này hay lẽ khác Diệm chống lại Pháp và Phạm Quỳnh rõ ràng là tên tay sai đê tiện của Pháp, chứ thực ra tư tưởng của Diệm rất là lạc hậu, nhãn quan của Diệm rất là hẹp hòi” (tr.372).
Trong phần hồi ký mang tên “Khởi nghĩa ở Huế”, được viết tại bệnh viện Bắc Kinh vào khoảng tháng 4-1970, Tôn Quang Phiệt đã kể lại:
“Các ô tô của lục lộ và các cơ quan khác được huy động cho cách mạng dùng. Bắt đầu từ 12 giờ trưa, các đoàn đi bắt Việt gian thân Nhật và thân Pháp, đầu sỏ là Ngô Đình Khôi và con hắn là Ngô Đình Huân, làm thư ký riêng cho tối cao cố vấn Nhật Y-ô-cô-a-ma, Phạm Quỳnh đã về vườn ở An Cựu và con rể hắn là Nguyễn Tiến Lãng, hiện làm Phủ Thừa tỉnh Thừa Thiên, và một số lặt vặt nữa nhất là bọn theo Nhật mà biết có vũ khí.
Nhiều xe khác có vũ trang thì kéo đến chiếm đóng các công sở, các Bộ, Tòa Sứ, Tòa Khâm v.v… Việc đi bắt Việt gian đem về nhà lao Phủ Thừa cũng như việc đi đóng các công sở không gặp khó khăn gì. Các Bộ trưởng đã sắm sửa đi ở tù, nhưng chúng tôi không bắt ai cả” (tr.413).
Phạm Quỳnh trong khởi nghĩa ở Huế
Trong hồi ký Tôn Quang Phiệt, đoạn kết ở chương mang tên “Chính phủ Trần Trọng Kim”, ông viết: “Về cuộc khởi nghĩa ở Huế tôi đã viết một bài khá kỹ in trong tập sách Cách mạng tháng Tám Hà Nội - Huế - Sài Gòn do nhà xuất bản Văn hóa in năm 1958, bài này mang tên Quốc Quang vì có nói đến một số tên các vị hiện đang ở trong Chính phủ, nên tôi không muốn để tên thật của mình” (tr.397).
Chúng tôi đã tìm được cuốn sách này trong Thư viện Quốc gia (31 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Tên cuốn sách chính xác là Hà Nội - Huế - Sài Gòn tháng 8-1945 của 3 tác giả Minh Tranh - Quốc Quang - Nguyễn Văn Trấn.
Nhà nghiên cứu sử học Minh Tranh tên thật là Khuất Duy Tiễn (1915- 2002), từng tham gia lãnh đạo Ban nghiên cứu Văn Sử Địa Trung ương, Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Sự thật, đã viết về Cách mạng tháng Tám 1945 ở Hà Nội.
Nhà báo Nguyễn Văn Trấn (1914-1998), từng sáng lập tờ Le Peuple (Dân chúng) trong phong trào đấu tranh báo chí tại Sài Gòn trước năm 1945, Chính ủy Bộ tư lệnh Khu 9 trong kháng chiến chống Pháp và Phó vụ trưởng Ban tuyên giáo Trung ương, đã viết về Cách mạng tháng Tám 1945 ở Sài Gòn.
Còn Quốc Quang là bút danh của Tôn Quang Phiệt, đã viết về Cách mạng tháng Tám 1945 ở Thừa Thiên-Huế.
Tự đánh giá “Cuộc khởi nghĩa ở Huế và Thừa Thiên có một tầm quan trọng đặc biệt”, tác giả Quốc Quang đã phân tích các lẽ quan trọng như sau:
“1. Huế là thủ đô của Trung Kỳ, phạm vi cai trị của vua và của triều đình Huế. Các cơ quan đầu não của Trung Kỳ tập trung ở Huế, như các ngành công chính, thương chính, giáo dục, ngân hàng. Các tỉnh Trung Kỳ nhìn vào Huế là chỗ trung tâm hành chính, chính trị, văn hóa. Những biến cố xảy ra ở Huế nhất định ảnh hưởng đến cả 13 tỉnh Trung Bộ và cả nước, vì trước khi Pháp chiếm, nước ta gồm Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ mà kinh đô là Huế. Dưới thời Nhật thuộc, chính phủ Trần Trọng Kim cũng tự coi như đã chủ tể cả đất nước, phong khâm sai cho Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Vì thế trước ngày khởi nghĩa các đồng chí lãnh đạo khởi nghĩa Huế cho rằng Huế như đầu con rắn, đánh vào đầu là giết chết cả con rắn; Huế bị đổ thì các tỉnh Trung Kỳ không dựa vào đâu nữa.
2. Huế là nơi nhiều quan lại, nhiều công chức hoặc đang tại chức, hoặc đã về hưu. Trong bọn quan lại về hưu có một số trước đã làm quan to trong triều đình. Bọn này phần lớn tư tưởng rất phản động. Vô hình trung họ thành ra một lực lượng phản cách mạng cần phải để ý. Tuy rằng trong đó có các nhân viên cấp dưới thì hoặc muốn yên thân, hoặc có cảm tình với cách mạng.
Vì các lẽ trên nên cuộc khởi nghĩa ở Huế rất quan trọng, không những quan trọng vì bản thân Huế mà lại quan trọng đối với Trung Kỳ, đối với toàn quốc nữa”.
Về việc bắt giữ Phạm Quỳnh, Quốc Quang viết trong chương khởi nghĩa ở Thừa Thiên-Huế, như sau:
“Ủy ban khởi nghĩa Thuận Hóa quyết định ngày 23-8-1945 lãnh đạo nhân dân nổi dậy giành chính quyền.
Sở dĩ lấy ngày 23-8 là vì chính phủ Trần Trọng Kim đã quyết định lấy ngày ấy tổ chức mít tinh mừng việc Nhật trao trả Nam Kỳ cho chính phủ Nam triều. Ủy ban khởi nghĩa định biến cuộc mít tinh ấy thành cuộc biểu tình của nhân dân đánh đổ chính phủ bù nhìn.
Quyết định của Ủy ban khởi nghĩa: Một mặt huy động một số xe ô tô của thành phố, điều động một ít lực lượng võ trang đi bắt một số Việt gian thân Nhật, thân Pháp đầu sỏ là cha con Ngô Đình Khôi (con là Ngô Đình Huân làm thư ký riêng cho cố vấn tối cao Nhật), Phạm Quỳnh và con rể hắn là Nguyễn Tiến Lãng”.
Cuốn này tuy không viết cụ thể quá trình bắt giữ Phạm Quỳnh, Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Huân ra sao, nhưng có một câu quan trọng đáng chú ý: “Việc đi bắt mấy tên Việt gian cũng không xảy ra cản trở gì. Phạm Quỳnh cũng như Ngô Đình Khôi đều ngoan ngoãn theo lệnh đi lên ô tô để vào nhà lao Thừa Thiên chịu tội”.
Dành phần cuối cùng với tên gọi “Một vài nhận xét về cuộc khởi nghĩa ở Huế”, Quốc Quang viết:
Về ưu điểm: “Thái độ khoan hồng của Ủy ban nhân dân cách mạng là cứ để cho họ [những quan lại cũ và công chức trong chính phủ Trần Trọng Kim - KMS chú] tự do mà không bắt bớ giam giữ gì là hợp tình thế. Huế lại là một nơi nhiều quan lại to hoặc tại chức, hoặc đã về hưu, nếu ta có thái độ khe khắt đối với bọn Trần Trọng Kim sẽ làm cho một số đông khác hoang mang, dao động, không lợi cho lúc bấy giờ là lúc mà ta cần có một tình hình ổn định. Vì thế ở Huế lúc bấy giờ chỉ bắt những bọn đầu sỏ thân Nhật, thân Pháp như Ngô Đình Khôi, Phạm Quỳnh bị nhân dân oán ghét nhiều và đang có nguy hại trước mắt mà thôi”.
Về khuyết điểm: “Đối với những tên Việt gian đầu sỏ nhân dân quá oán ghét mà phải xử trí cũng nên có sự tuyên bố tội trạng trước nhân dân trong các báo chí để về sau bọn phản động không thể xuyên tạc được sự thực. Điều đó ta không làm công khai”.
Một nét phác thảo về Tôn Quang Phiệt
Tôn Quang Phiệt sinh năm Canh Tý (1900) trong một gia đình nhà Nho tại xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Thuở nhỏ, Tôn Quang Phiệt học chữ Hán ở nhà với cha trong suốt 10 năm. Năm 15 tuổi, ông đi thi hạch và học thêm chữ Hán ở Vinh mà Đốc học là Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm. Năm 1920-1921, Tôn Quang Phiệt vào học bậc Thành chung tại trường Quốc học Vinh.
Năm 1923, Tôn Quang Phiệt ra Hà Nội học Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Năm 1925, ông cùng Đặng Thai Mai, Phạm Thiều... sáng lập tổ chức Việt Nam nghĩa đoàn, tham gia đấu tranh đòi thực dân Pháp thả cụ Phan Bội Châu. Tháng 6-1926, Tôn Quang Phiệt cùng Trần Phú, Vương Thúc Oánh… được Lê Duy Điếm dẫn đường sang Trung Quốc gặp các nhân vật trong Việt Nam Cách mạng đảng. Trên đường đi đến Móng Cái, ông bị Pháp bắt (cùng với Hoàng Tùng), sau đó bị đem về giam tại Hà Nội.
Từ 1936 đến 1945, Tôn Quang Phiệt tham gia Mặt trận Dân chủ, dạy học tại trường tư thục Thuận Hóa (Huế) tham gia Hội truyền bá Quốc ngữ tại Huế do Hồ Đắc Hàm và Nguyễn Khoa Toàn làm Hội trưởng. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, ông hoạt động trong Thành bộ Việt Minh tỉnh Nguyễn Tri Phương (mật danh của Thừa Thiên-Huế).
Cách mạng tháng Tám thành công, Tôn Quang Phiệt làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng và Ủy ban hành chính đầu tiên của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ông là đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa IV; đã từng đảm nhận nhiều chức vụ trong Quốc hội như Phó trưởng ban thường trực Quốc hội khóa I, Tổng thư ký Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa II và IV.
Tôn Quang Phiệt có thời gian hoạt động lâu dài tại Huế. Trong Cách mạng tháng Tám 1945, ông giữ trọng trách trong Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên-Huế. Với vai trò quan trọng của mình, ông biết rất rõ về Phạm Quỳnh cũng như những tình tiết cụ thể của câu chuyện bắt giữ và xử tử Phạm Quỳnh trong Cách mạng tháng Tám 1945.
Những tư liệu do ông Phạm Tôn đưa ra là lời nói gió bay của những người đã mất. Tư liệu “vô sở cứ” dạng này không thuyết phục người nghiên cứu. Với những tư liệu từ hồi ký Tôn Quang Phiệt mà chúng tôi nêu ra trên đây cho thấy: Tôn Quang Phiệt biết rất rõ việc Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên-Huế ra lệnh bắt Phạm Quỳnh trong Cách mạng tháng Tám. Đồng thời, Tôn Quang Phiệt đã hạ bút nhận định: “Phạm Quỳnh rõ ràng là tên tay sai đê tiện của Pháp”.