HV128 - Về vụ việc Đặng Văn Hiến

Theo luật, anh Đặng Văn Hiến chỉ bị tối đa 7 năm tù

Trước năm 2005, nhiều hộ dân trong đó có gia đình anh Đặng Văn Hiến vào khu vực thuộc tiểu khu 1535 xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông để tự khai phá đất làm ruộng rẫy. Năm 2008, công ty Long Sơn xây dựng dự án sản xuất nông lâm nghiệp trên vùng đất mà các hộ dân đang canh tác trong đó có phần đất của gia đình anh Hiến. UBND tỉnh Đắc Nông phê duyệt dự án, giao đất cho Long Sơn với điều kiện phải thỏa thuận việc đền bù cho các hộ dân.

Chúng ta cần biết một thực trạng thế này: do tỷ lệ đất canh tác trên đầu người của người dân Việt Nam thấp nên ở các tỉnh miền núi, người dân thường đến các vùng đồi trọc hoặc rừng thưa tự vỡ hoang rồi tự canh tác, gọi là xâm canh. Đất xâm canh phần lớn không được nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, vì thế khi doanh nghiệp đặt dự án lên đó thì nhà nước luôn phê duyệt cho họ.

Khi nhà nước phê duyệt dự án cho doanh nghiệp, người dân có nguy cơ rơi vào bần cùng hóa vì không có tư liệu sản xuất. Gia đình anh Hiến cũng như thế. Anh đã dồn toàn bộ công sức tiền bạc vào đất đai, nếu công ty Long Sơn lấy đất mà không đền bù thì anh không có con đường sống nào khác. Ở đây tôi cho rằng nhà nước nên thay đổi cách nhìn vấn đề, nếu không sẽ sinh ra thảm trạng rất nhiều người nông dân rơi vào cảnh màn trời chiếu đất khi doanh nghiệp đặt dự án lên đất xâm canh ở các tỉnh miền núi.

Công ty Long Sơn được giao đất với điều kiện phải thỏa thuận đền bù cho người dân nhưng họ không đền bù đưa đến nguy cơ gia đình anh Hiến phải trắng tay là yếu tố thứ nhất dẫn đến tinh thần bị cáo Hiến bị kích động. Sự kích động này kéo dài âm ỉ và ngày càng tăng dần khi càng gần đến thời hạn phải giao đất.

Yếu tố gây kích động thứ hai là công ty Long Sơn tự đưa xe máy ủi đến ủi cây cối trong vườn nhà anh Hiến với giá trị lớn.

Yếu tố thứ ba gây kích động cao độ là người của công ty Long Sơn có ném đá, đem xe ủi tấn công anh Hiến và những người giữ đất, chửi bới, thách thức và thể hiện quyết tâm phá hoa màu đến cùng.

Nghị quyết số 04/ HĐTPTANDTC/NQ của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 29-11-1986 hướng dẫn về các trường hợp tinh thần bị kích động viết: “...có trường hợp do hành vi trái pháp luật của nạn nhân có tính chất đè nén, áp bức tương đối nặng nề, lặp đi lặp lại, sự kích động đó đã âm ỉ, kéo dài, đến thời điểm nào đó hành vi trái pháp luật của nạn nhân lại tiếp diễn làm cho người bị kích động không tự kiềm chế được; nếu tách riêng sự kích động mới này thì không coi là kích động mạnh, nhưng nếu xét cả quá trình phát triển của sự việc, thì lại được coi là mạnh hoặc rất mạnh”.

Như vậy hành vi giết người của anh Hiến thuộc trường hợp tinh thần bị kích động mạnh. Vì gia đình anh bị tâm lý mất tất cả đè nặng một thời gian dài trước đó bởi hành vi trái pháp luật của công ty Long Sơn (không bồi thường theo quy định mà quyết tâm lấy đất) và bùng nổ khi công ty Long Sơn đưa xe vào ủi phá hoa màu, ném đá tấn công, thách thức (chỉ có nhà nước mới có quyền cưỡng chế thu hồi đất). Ở đây chúng ta lưu ý: Những người tham gia vụ phá hoa màu của anh Hiến hôm đó đã bị khởi tố thì rõ ràng hành vi của họ trái pháp luật nghiêm trọng khiến cho tinh thần bị cáo Hiến bị kích động mạnh là điều quá rõ.

Điều 95 Bộ luật hình sự 1999 quy định tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh như sau:

1. Người nào giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân đối với người đó hoặc đối với người thân thích của người đó, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.2. Giết nhiều người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

Tôi không rõ căn cứ luận tội của công tố viên và Hội đồng xét xử thế nào để kết tội anh Hiến tử hình?

TRẦN ĐÌNH THU

******

 

Súng sẽ tiếp tục nổ nếu người nông dân bị bần cùng hóa vì tranh chấp đất đai

Nếu có ai đã từng lên những vùng đất rừng này thì mới hiểu cái cảnh “rừng thiêng, nước độc”. Ấy vậy mà, không ít người dũng cảm lên đây theo lời kêu gọi xây dựng kinh tế mới. Họ cần cù, phá từng mảnh đất, cuốc từng ngọn cỏ tranh, nâng niu từng gốc cây, trèo bao ngọn núi để gánh nước chăm bẵm và để rồi những cái cây ấy nằm dưới cái máy ủi sinh sát của công ty kia, còn xót xa nào hơn?

Nguồn sống của họ chỉ trông vào những gốc cây tiêu, cây điều mà họ đã nuôi lớn bằng máu, nước mắt, mồ hôi của mình đằng đẵng mấy chục năm trời, thậm chí trời cho thì có ăn, còn mất mùa thì cả năm nhịn đói, ấy vậy nhóm lợi ích nỡ nào cướp đi của họ. Tôi vẫn nhớ mãi, hình ảnh anh Hiến trước khi ra tự thú run run khóc trong vòng tay người thân với đôi mắt ráo hoảnh. Đàn ông mấy ai rơi nước mắt, mà anh lại khóc hết nước mắt!

Cứ tưởng thời phong kiến đã đi qua lâu rồi, mà nay mầm mống của nó vẫn còn dai dẳng tồn tại ở cái công ty Long Sơn kia và cả chính quyền địa phương tiếp tay lấy đất của dân giao cho doanh nghiệp, áp bức đến nỗi người dân phải dùng súng để tự cứu mình. Cứ tưởng khi anh Hiến bước ra tự thú, thành khẩn khai báo thì công lý sẽ thực thi, nhưng hóa ra….

Niềm tin vào một bản án công minh cho những kẻ cướp đất thay vì chỉ đổ hết lên những người nông dân bần cùng ấy đã không được thực thi. Tính công minh cho một kẻ giết người vì bị ép vào đường cùng, đã đầu thú, đã khắc phục hậu quả, đã được người thân các nạn nhân bị chết hai lần làm đơn xin miễn án tử… là một điều xa xỉ quá lớn đối với phiên tòa này.

Mạng sống của Hiến chỉ còn đếm ngược từng ngày vỏn vẹn ở tờ đơn ân xá. Tôi cầu mong phép màu xảy ra với anh. Nhưng dù anh Hiến có được ân xá hay không thì sau phiên tòa này sẽ xuất hiện một tương lai gần đầy u ám, khốc liệt hơn ở Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung liên quan đến mâu thuẫn đất đai… Sự phản ứng của người dân trước phiên phúc thẩm bị hoãn hồi tháng 5-2018 là một minh chứng rõ ràng nhất.

Phải khẳng định chắc chắn một điều rằng, súng sẽ tiếp tục nổ nếu người nông dân bị bần cùng hóa vì tranh chấp đất đai, Đặng Văn Hiến y án tử hình. Và sự u uẩn này sẽ còn kéo dài chừng nào sự im lặng trước cái xấu, cái ác vẫn tồn tại trong đám đông. Điều đáng sợ nhất của một xã hội chính là người dân sẽ tự đi tìm công lý cho mình…

THU AN

---------------------------------------------

 

* Trong phiên tòa vụ án Nọc Nạn ngày 17-8-1928, Tri phủ Ngô Văn H. bị cách chức vì tiếp tay với cường hào Bang Tắc cướp đất của dân. Công tố viên chẳng những không buộc tội mà còn nói tình cảnh của gia đình Biện Toại (nông dân bị cướp đất) là rất đáng thương, bị những kẻ không có trái tim đến cướp đất, rồi bọn có quyền thế tiếp tay với bọn cường hào. Phiên tòa đã tha bổng Biện Toại và những người trong gia đình anh.