Cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp và đặc biệt chiến thắng Điện Biên phủ lẫy lừng của Việt Nam đã khiến cho cả thế giới ngưỡng mộ. Năm 1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, trong không khí tưng bừng của những ngày hòa bình lập lại, để cảm ơn sự ủng hộ nhiệt tình của bạn bè trên thế giới đối với cuộc kháng chiến của Việt Nam, ta đã cử đoàn Văn công trung ương ra nước ngoài biểu diễn. Chuyến đi biểu diễn dài ngày này để củng cố thêm tình hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, đồng thời để nhân dân thế giới hiểu thêm văn hóa, đất nước và con người Việt Nam.
Những năm tháng này, Xuân Quỳnh là diễn viên trong đội múa của đoàn, và đã cùng đoàn đi biểu diễn ở các nước xã hội chủ nghĩa, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar… và dự Liên hoan Thanh niên thế giới tại Phần Lan và Áo.
Suốt cuộc hành trình Quỳnh thường viết thư về kể những điều mắt thấy tai nghe ở những nơi đoàn đến, niềm xúc cảm, tự hào trước tình cảm đặc biệt của nhân dân các nước đối với Việt Nam, đối với đoàn, đối với Quỳnh.
Thư Quỳnh viết:
Chị Mai yêu,
Đáng lẽ đến Budapest phải viết thư cho chị ngay mới phải nhưng bận quá chưa có lúc nào được rảnh mấy phút.
Kể từ lúc ở Trung Quốc sang Liên Xô, lưu lại Liên Xô 8 tiếng để chờ tàu đi Hung-ga-ri. Mấy hôm nay đã ở Budapest và tới ngày mai em lại đi Viên rồi.
Mấy ngày biểu diễn ở Hung thật là một kết quả tốt đẹp.
Đoàn ta đi đến đâu cũng được người ta hoan nghênh nhiệt liệt mà mình cũng có ưu điểm là rất chủ động tỏ hết nhiệt tình của mình. Chả thế mà đoàn nghệ thuật Triều Tiên nghệ thuât cao hơn mình mà biểu diễn không được hoan nghênh mấy mà đoàn mình diễn thường là được bis.
Ở đây họ rất lạ và thích cái áo dài của mình. Có những lần tàu đỗ có 5, 10 phút họ cứ yêu cầu được gặp các chị Việt Nam.
Họ thích là đoàn mình trẻ và đẹp. Có nhiều người say mê đoàn mình (kể cả nam và nữ), có những khán giả xem xong lại còn đứng ở cổng chờ cho khi nào mình sửa soạn đồ đạc xong để họ nói chuyện được mấy câu mới về. Có chị chờ đoàn từ trưa đến tối để đi chơi với bọn em 15 phút mà không gặp.
Thanh niên ở đây họ rất thích thanh niên Việt Nam, họ thường hỏi em là ‘có phải chị ở đoàn văn công nên chị đẹp không? Chị có thích thanh niên Hung không?’. Em trả lời ‘Những người ở đoàn văn công không phải là đẹp mà chỉ là biết múa và biết hát, tôi rất thích thanh niên Hung cũng như thanh niên Việt Nam’. Nhân dân Hung họ nói là ‘Đoàn thanh niên Việt Nam đã chiếm mất trái tim chúng tôi rồi’”.
Vẻ đẹp ngây thơ trong sáng của Quỳnh đã khiến cho bao trái tim rung động, trong đó có một thanh niên người Áo. Trong một lá thư khác, Xuân Quỳnh viết:
“Em chị mới xa Hà Nội có gần hai tháng mà cảm thấy lâu quá. Hiện nay em đang công tác ở Đức. Kể cũng khá vất vả nhưng mà vui chị ạ. Vì là đi lưu động nên luôn luôn thấy cái mới lạ và đi đến đâu cũng có bạn. Đoàn văn công Việt Nam công tác quần chúng rất giỏi mà được quần chúng rất yêu. Chúng em thường nói với nhau là ‘Mình đi đến đâu cũng được cảm tình và khi từ biệt thì lại mang theo mất một ít nước mắt ở nơi ấy’. (Quay lại chuyện ở Viên một chút nhé)…Chả thế mà khi gặp đoàn đại biểu Pháp thì họ nói ‘Đến với chúng mày vui quá, khi nào rỗi tao đến chơi có được không?’. Còn đoàn Anh thì nói: ‘Tôi đã gặp nhiều bạn thanh niên các nước nhưng chưa đoàn nào vui trẻ bằng đoàn đại biểu Việt Nam’. Còn các đoàn thanh niên các nước thuộc địa mà gặp thì họ không muốn ra về, mình cứ chào từ biệt mấy lần để đuổi họ mà họ cứ ở lại. Sau các anh ấy bảo nghe đánh bài Quốc tế ca thì cứ khoác vai các ông tướng ấy dẫn ra xe thế là xong.
Còn nói về những người mẹ, những người đảng viên, đoàn viên Thanh niên Tự do Áo thì không sao nói hết được họ tốt và yêu mến mình như thế nào. Trước khi bước chân đến thành Viên thì em tưởng rằng mình sẽ có một khoảng cách riêng biệt và chắc rằng khi về cũng chẳng có gì đáng nhớ. Ấy thế mà cái ấn tượng tốt đẹp và sâu sắc nhất lại chính là ở Viên. Có bà mẹ đưa đứa con chừng 15, 16 tuổi đến tiễn đưa đoàn em mà khóc từ sáng đến chiều. Cô gái tặng em cái tượng con hươu, bà mẹ nói rằng ‘em nó tặng chị con hươu này, chị đừng bao giờ quên nó’. Chúng em thường có rất nhiều bạn và những người mẹ như thế đấy. Có những đồng chí đảng viên thức suốt đêm bên cạnh nhà tiêu để gác cho chúng em ngủ. Có những đoàn viên khoác tay làm hàng rào cho bọn chúng khỏi chen lấn vào đoàn mình khi đi dự mít tinh.
Trong số thanh niên đó em có một người bạn tên là Berti Lahner rất tốt. Anh ấy làm ở nhà máy cơ khí... Berti nói rằng hắn rất yêu em và không bao giờ quên được, mẹ Berti bảo với em rằng ‘con có thể ở lại Viên với mẹ không?’. Tất nhiên là em trả lời là không, và em có nói rằng nếu có dịp qua đây con sẽ vào thăm mẹ. Bà cụ khóc và nhắc lại mãi rằng ‘con đừng quên rằng con đã nói nếu có dịp con sẽ trở lại nhé’.
Hôm tiễn đưa, Berti khóc nhiều quá, và cả bà mẹ nữa. Tất nhiên là em chị không yêu Berti rồi nhưng em cảm thấy thương Berti quá đi mất. Bây giờ và sau này mãi mãi em vẫn nhớ những con người mà không bao giờ gặp lại…”.
Chàng thanh niên người Áo ấy có một tình yêu đơn phương đối với Xuân Quỳnh: Khi Xuân Quỳnh cùng đoàn sang biểu diễn ở Tiệp Khắc, Berti cũng muốn đến Tiệp để mong gặp được Xuân Quỳnh, nhưng đoàn vội đi sang nước khác, không thể nào gặp lại! Berti có viết cho Xuân Quỳnh một lá thư, Xuân Quỳnh kể:
“Em mới nhận được lá thư của Berti (người bạn Áo) viết như thế này:
‘Xuân Quỳnh thân mến
Trước hết tôi cảm ơn Quỳnh đã viết thư cho tôi. Tôi rất sung sướng nhận được ảnh của Quỳnh. Mỗi ngày tôi hôn lên ảnh của Quỳnh một lần.
Ở đây mỗi khi chúng tôi gặp nhau thường nói chuyện hàng tiếng đồng hồ về các bạn.
Các bạn thật là những người bạn tốt của chúng tôi, những người bạn mà chúng tôi không bao giờ có thể quên được, nhất là Xuân Quỳnh.
Hằng ngày tôi vẫn nghe tin chiến sự ở Lào. Tôi hy vọng rằng sự căng thẳng sẽ mau chấm dứt để nước các bạn có thể sống trong hòa bình. Chúng tôi, những người cộng sản trẻ tuổi luôn đứng về phía các bạn, mặc dầu chúng ta ở cách xa nhau 15.000km.
Được tin các bạn về dự đại hội thể thao ở Tiệp, tôi cũng ghi tên đi. Nếu Quỳnh biết việc đoàn có đi hay không thì viết thư cho tôi biết.
Cuối cùng, tôi muốn nhắc lại với Xuân Quỳnh rằng: nước Áo cũng là tổ quốc thứ hai của Quỳnh, ở đó có một người bạn Xuân Quỳnh là Berti mà không bao giờ có thể quên Xuân Quỳnh được’”.
Tuy không yêu người thanh niên Áo ấy nhưng tình yêu đơn phương của anh khiến Xuân Quỳnh xúc động và thương cảm.
Chuyến lưu diễn của đoàn Văn công trung ương ra nước ngoài trong những năm tháng ấy, qua lời ca, điệu múa đã khiến nhân dân các nước không chỉ biết đến cuộc kháng chiến chống Pháp mà còn hiểu thêm về văn hóa, tâm hồn Việt Nam, từ đó thêm yêu Việt Nam, có những tình cảm đặc biệt đối với con người Việt Nam.
Riêng đối với Xuân Quỳnh, cô văn công non trẻ, chuyến lưu diễn đã mở ra một chân trời mới lạ, đem lại cho Quỳnh những hiểu biết, những cảm xúc dạt dào và hồn thơ thêm nảy nở. Đến dự Liên hoan Thanh niên thế giới ở Phần Lan, Xuân Quỳnh đã xúc động viết nên những vần thơ giản dị nhưng chân thành, đó là một trong những sáng tác đầu tay của Xuân Quỳnh:
Về đại hội
Phần Lan! Phần Lan!
Những con tàu bay về đại hội
Bài hát tuổi xanh náo nức bánh xe vần
Từ bốn phương những đàn chim én
Đang bay về dệt một mùa xuân
Cô văn công Việt Nam đêm nay thao thức
Cũng như tàu lưu luyến trăm ga
Từ trái tim cất cao tiếng hát
Những tiếng lòng dân tộc bay xa
Tiếng hát em có chàng trai đan nón lá
Có cô gái mắt huyền cởi nhẫn trao duyên
Có nỗi đau những mối tình chia cắt
Sóng cửa Tùng thương nhớ ngày đêm.
Bước múa em có triệu bước chân hối hả
Vượt thời gian rầm rập tới tương lai
Bàn tay em có muôn bàn tay dày dạn
Bỏ súng cầm bay xây dựng những lâu đài