HV129 - Lật lại hồ sơ vụ án thế kỷ: Nỗi oan hay sai lầm của Mata Hari

Lịch sử đôi khi sửa chữa những sai lầm của con người, song để làm được điều đó cần phải có thời gian. Ai đã phạm sai lầm đối với Margaretha Geertruida? Lịch sử hay con người? Mà cũng có thể chính Margaretha vốn đã đảm nhận không phải cái công việc của mình dưới cái tên Mata Hari?

Cách đây một thế kỷ, tòa án binh của Pháp đã kết án tử hình vũ nữ nổi tiếng Margaretha Geertruida - có nghệ danh là Mata Hari - về tội làm gián điệp cùng một lúc cho ba cơ quan mật vụ của Pháp, Đức và Anh và dường như bị coi là người có lỗi chủ yếu gây nên những thất bại của Pháp trong cuộc thế chiến thứ nhất. Bản án được thi hành ngày 15-10-1917. Trong vụ này người Pháp đã phạm một sai lầm đáng tiếc. Thay vì một nữ gián điệp lợi hại, họ đã đem bắn một cô gái điếm thượng lưu. Và bây giờ họ đang xin lỗi. Thậm chí, theo những nguồn tin khác nhau của các phương tiện thông tin đại chúng, người ta còn định phục hồi nàng đối với lịch sử tương lai. Chí ít, một lá đơn kiện chính thức đòi xem xét lại kết quả của vụ án Mata Hari đã được gửi tới ngài Bộ trưởng Bộ Tư pháp nước Cộng hòa Pháp.

Năm 1968, Đài truyền hình Roma đã tìm được một vài người “quen biết” với Mata Hari hiện còn sống. Một trong số đó là Gaston Rochet, một binh lính trong đội hành quyết từng tham gia vụ xử bắn Mata Hari. Gaston Rochet đã kể lại: “Tôi ở trong số 11 binh sĩ ấy và cho đến nay tôi không thể quên được bộ mặt ngạc nhiên của Mata Hari trước họng súng của chúng tôi, mặc dầu nửa thế kỷ đã trôi qua. Thoạt nhiên tôi tự nhủ rằng, bằng việc thi hành mệnh lệnh tôi đã tiêu diệt được con rắn độc đội lốt người đàn bà. Nhưng điều đó không làm tôi yên tâm. Thế là tôi quyết định phân tích lại từ đầu những sự việc đã biết, sưu tầm nguồn thông tin của mình và những tài liệu trước đây chưa ai biết. Bây giờ thì tôi tin chắc rằng Mata Hari vô tội…”. Những bằng chứng của một cựu binh sĩ lên tiếng phủ nhận tội lỗi của Mata Hari không phải là những bằng chứng duy nhất về phương diện này. Vậy trên thực tế, Margaretha Geertruida là ai?

Margaretha Geertruida sinh ngày 7-8-1876 trong một gia đình buôn bán mũ phát đạt ở thị trấn Leyvarden, Hà Lan. Nhờ có nước da bánh mật, cặp môi dày và đôi mắt to đen láy nên nàng trông giống một thiếu nữ phương Đông. Năm 19 tuổi, nàng kết hôn với một sĩ quan quân đội rồi cùng chồng rời Hà Lan sang đảo Java ở Indonesia. Nhưng cuộc hôn nhân này không mấy tốt đẹp và dẫn tới sự ly dị sau khi hai người trở về Amsterdam năm 1902.

Không tiền bạc, không gia đình, không nghề nghiệp, nhưng với nhan sắc trời cho và với nguồn nghị lực phi thường, người thiếu phụ 26 tuổi ấy tìm đến kinh đô hoa lệ Paris vào năm 1903. Chính ở đây, bằng việc trình diễn những vũ điệu phương Đông mà nàng đã học được khi còn ở Java kết hợp với màn thoát y vũ, Mata Hari (theo tiếng Malaysia có nghĩa là “Ánh mắt ban mai”) đã nhanh chóng nổi tiếng như một vũ nữ huyền thoại của phương Đông và đã chinh phục được đông đảo giới mày râu hảo ngọt thuộc tầng lớp quý tộc ở Paris. Tiền bạc chảy vào túi nàng như nước, nàng trở thành một vũ nữ có tiền cát xê cao nhất Paris và châu Âu thời bấy giờ. Mata Hari sống trong một căn phòng lộng lẫy nhất, có chung quanh mình những người hâm mộ giàu sang nhất, trong số đó có “vua sô cô la” Meni. Trong vòng gần 10 năm, cái tên Mata Hari thường xuyên xuất hiện trên báo chí với những lời tâng bốc đến tận mây xanh, thậm chí nàng còn được đặt cao hơn Isadora Duncan, một vũ nữ Hoa Kỳ nổi tiếng, người tình của nhà thơ Nga Esenin. Nhưng rồi của ngọt ăn nhiều cũng ngấy, những vũ điệu huyền bí phương Đông với những động tác gợi tình lộ liễu của Mata Hari cũng trở nên nhàm chán đối với khán giả chuộng lạ Paris. Mặc dầu nàng vẫn mở rộng vòng tay đón những bậc tu mi nam tử đến với nàng như “những người tình một đêm”, song tiền bạc cạn dần theo năm tháng.

Và khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra vào năm 1914, Mata Hari đã rời Paris để đến lưu diễn ở Berlin và chính sự kiện này đã làm đảo lộn hẳn cuộc đời nàng. Vốn ưa những chuyện phiêu lưu mạo hiểm và để có tiền bạc rủng rỉnh, nàng đã nhận lời làm điệp viên cho Cục tình báo Đức với mật hiệu “H.21” (H là tên nước Hà Lan, 21 là số thứ tự của điệp viên được tuyển dụng). Nhiệm vụ của “H.21” là thu thập các tin tức có liên quan đến hoạt động quân sự của Pháp ở Paris và ở những khu vực chiến lược quan trọng, rồi sau đó thông báo cho cơ quan tình báo Đức mà người phụ trách trực tiếp là Elsa Shragmuyller. Nhưng chính bà ta sau này đã viết trong Hồi ký về vụ án Mata Hari: “Không, đó không phải là sai lầm về mặt pháp luật. Bản án xét xử theo đúng những điều ghi trong luật pháp và phù hợp với tinh thần của thời đại. Nhưng tòa án binh của Pháp vẫn cứ mắc sai lầm khi cho rằng bằng việc xóa sổ điệp viên “H.21” Pháp đã giáng một đòn chí tử vào Cục tình báo Đức. Vấn đề là ở chỗ “H.21” không gây tổn thất gì cho nước Pháp bởi lẽ toàn bộ những tin tức mà “H.21” cung cấp cho cơ quan tình báo chúng ta không bao giờ được sử dụng cả. Chúng không có ý nghĩa về mặt kinh tế, chính trị lẫn quân sự. Về phương diện này, số phận của Mata Hari có thể được gọi là một bi kịch. Cô ta đã liều mạng một cách vô ích”.

Xét về tính cách và tư chất, Mata Hari không thuộc loại người có khả năng hoạt động tình báo. Nàng không tuân thủ những quy tắc bảo mật, công khai khoe khoang những mối quan hệ của mình với các quan chức nhà binh và các chính khách cỡ bự của tất cả các nước. Và nàng tỏ ra rất khoái chí và hãnh diện khi moi được tin tức bí mật của những người tình trong những cuộc ái ân vô tiền khoáng hậu. Và hơn nữa, nàng được trả công rất hậu hĩnh.

Tháng 4-1916, Mata Hari lại có mặt tại Paris và tiếp tục cuộc sống trước đây của mình: lại vẫn những cuộc làm quen dễ dãi với những người có hầu bao căng chặt, lại vẫn sự thèm khát những cảm giác mạnh và những cuộc phiêu lưu tình ái. Tháng 8 năm đó, các bác sĩ đã khuyên nàng đi an dưỡng ở Vittel đề hồi phục lại sức khoẻ đã suy giảm. Nhưng đó là khu vực quân sự, muốn vào phải có giấy phép. Và chính ở đây đã diễn ra cuộc gặp gỡ định mệnh của nàng với viên đại úy Ladoux, một trong những sĩ quan của Cục phản gián Pháp. Sau khi trò chuyện với Mata Hari, đại úy đã đề nghị nàng hợp tác với cơ quan tình báo Pháp với nhiệm vụ cụ thể là đến Brussels (Bỉ) vốn bị quân Đức chiếm đóng để thu thập những tin tức bí mật của Đức cho người Pháp. Nàng nhận lời ngay và đến Tây Ban Nha để từ đó đáp tàu thủy sang Bỉ. Nhưng trên đường đi, nàng bị cảnh sát Anh bắt giữ vì tưởng nhầm nàng là một nữ tội phạm khác đang bị truy lùng. Trong cuộc hỏi cung, Mata Hari khai là mình làm việc cho cơ quan mật vụ Pháp và có quen biết với đại úy Ladoux. Nàng được trả lại tự do. Đồng thời họ cũng cảnh báo cho các đồng nghiệp Pháp biết rằng theo tài liệu mà họ có được thì Mata Hari là điệp viên của Đức. Ladoux yêu cầu nàng trở về Paris, song nàng lại đến Madrid. Ở đây, Mata Hari hầu như cùng một lúc làm quen với hai tùy viên quân sự của Pháp và Đức đang hoạt động tại thủ đô của một nước trung lập là Tây Ban Nha. Và những thông tin mà nàng khai thác được ở viên tùy viên quân sự Đức, Mata Hari liền thông báo cho viên tùy viên quân sự Pháp và ngược lại. Cái trò chơi hai mang nguy hiểm này không thể không kết thúc bằng thất bại đối với Mata Hari. Sau khi trở lại Paris vào đầu năm 1917, nàng đã bị bắt với tư cách là gián điệp của Đức. Trong khi đó, đại úy cơ quan phản gián Pháp và Ladoux đã phủ nhận hoàn toàn việc ông ta trao nhiệm vụ cho Mata Hari. Sau 4 tháng thẩm vấn, mặc dầu thiếu những bằng chứng có sức thuyết phục, ngày 25-7 tòa án quân sự của Pháp vẫn cứ tuyên án tử hình Mata Hari với tội làm gián điệp cho Đức, và, như chúng ta đã biết, bản án được thi hành vào rạng sáng ngày 15-10-1917.

Tất nhiên hình phạt này là quá nặng đối với một vũ nữ kiêm nghề mãi dâm. Công bằng mà xét thì trong vụ án từng làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực này, Mata Hari vừa là nạn nhân lại vừa là thủ phạm. Vào thời điểm xảy ra vụ án này, cuộc thế chiến thứ nhất đã kéo dài 3 năm. Tình hình trong nước Pháp hết sức căng thẳng.

Dân chúng rất đỗi bất bình trước những tổn thất về người và của. Sức chịu đựng của mọi người đã đến mức tối đa. Những người cầm quyền của nước Pháp không dám nói sự thật cho dân chúng biết rằng có lỗi trong những trận đại bại, trong việc cung cấp tệ hại về lương thực và vũ khí cho quân đội là những viên tướng bất tài, những quan chức đần độn và bọn tham ô ăn cắp thuộc đủ mọi cấp bậc. Biện pháp tốt nhất để trấn an dư luận và tháo ngòi nổ là đem tất cả các mặt yếu kém và tội lỗi đó đổ lên đầu một người đàn bà nhẹ dạ, Mata Hari, với tội danh phản quốc và cam tâm làm gián điệp cho quân địch.

Không phải ngẫu nhiên chính vị chánh công tố viên từng buộc tội Mata Hari tại tòa án quân sự là trung úy Morne đã phát biểu thực bụng sau khi người nữ tử tù này bị hành quyết được mấy năm: “Các vị có biết không, những bằng chứng trong vụ án của Mata Hari thậm chí không đủ để giết chết một con mèo!”.

Còn viên đại úy Ladoux, người từng đưa Mata Hari ra tòa nhưng không dẫn ra được những chứng cớ thuyết phục để kết tội nàng, đã viết trong cuốn Hồi ký của mình: “Ý nghĩa đích thực của cuộc chiến tranh bí mật là ở chỗ nó mang hình tượng biểu trưng của người vũ nữ đi đôi hài dát vàng, cố khai thác từ miệng gã nhân tình ngẫu nhiên điều bí mật về sự bố trí chính xác của một binh đoàn…”.

Mặt khác, chính Mata Hari với thói đỏng đảnh, thích những trò phiêu lưu mạo hiểm trong những cuộc tình bất tận, với sự hãnh diện trong việc tự huyễn hoặc mình như một nhân vật quan trọng, một “điệp viên siêu hạng”, với sự thèm khát đến mức bệnh hoạn tiền bạc và xác thịt… đã tự tay thít nút dây thòng lọng oan nghiệt vào cổ mình để dẫn tới cái chết mà lẽ ra nàng có thể tránh được một cách hoàn toàn chính đáng.

Đó chính là bài học của Mata Hari để lại cho hậu thế.

 

 

LÊ SƠN (Theo Trud-7 và Echo Planet)