Các Mác đã từng có luận điểm rất hóm hỉnh về thơ văn trào phúng như sau: “Lịch sử hành động đến nơi đến chốn, và khi đưa xuống mồ một hình thái xã hội đã già cỗi thì lịch sử trải qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn cuối cùng của một hình thái lịch sử toàn thế giới là tấn hài kịch của nó. Vì sao lịch sử lại diễn theo tiến trình như thế? Mác hỏi và trả lời: Điều đó là cần, để cho loài người rời bỏ quá khứ một cách vui vẻ”(1).
Ở nước ta, tiếng cười đã có từ xa xưa trong dân gian, nhất là mỗi khi có một triều đại suy tàn thì tiếng cười lại vang lên, mỉa mai và chế giễu. Kho tàng văn chương truyền khẩu của ta đã lưu lại biết bao tiếng cười thâm trầm ý vị trong tục ngữ, ca dao, ngụ ngôn, tiếu lâm, câu đố, truyện cười… Trong phạm vi hạn hẹp của bài này, chúng tôi chỉ xin nói riêng về thơ trào phúng, dĩ nhiên trong đó có cả ca dao vì ca dao cũng là thơ.
Ca dao Việt Nam có ý tứ thâm trầm và sâu sắc, nhất là về thể loại trào phúng. Có người đã cười cợt, đã lột trần cái mặt thực của đạo phu thê dạy trong nữ huấn, tức là phản kháng mạnh mẽ nền giáo dục phong kiến:
Chồng gì anh, vợ gì tôi,
Chẳng qua là cái nợ đời chi đây.
Mỗi người một nợ cầm tay,
Đời xưa nợ vợ, đời nay nợ chồng.
Ca dao cũng giễu cợt cái chính chuyên của một số các bà lên mặt dạy đời, được mọi người trọng vọng mà chưa chắc đã chính chuyên:
Lẳng lơ chết cũng ra ma,
Chính chuyên chết cũng khiêng ra ngoài đồng.
Hay táo bạo hơn:
Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn,
Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ.
Ca dao cũng thường phê phán những ông đã cao tuổi, lụm cụm mà còn đèo bòng, ham “chơi trống bỏi”:
Cụ già đầu bạc răng long,
Cưới cô con gái còn măng tuổi đào.
Hay:
Bảy mươi, mười bảy bao xa,
Bảy mươi có của, mười ba cũng vừa.
Hết phê phán các ông, ca dao lại phê phán các bà, những bà đã lớn tuổi mà còn ưa thói trăng hoa:
Bà già đi chợ Cầu Đông,
Bói xem một quẻ lấy chồng lợi chăng?
Thầy bói gieo quẻ nói rằng:
Lợi thì có lợi, nhưng răng không còn.
Câu này, ngoài cái nghệ thuật trào phúng, còn có cái nghệ thuật chơi chữ, tức là dùng chữ đồng âm dị nghĩa (lợi trên là lợi ích, lợi dưới là cái nướu răng).
Ca dao trào phúng cũng không tha kẻ tu hành, dĩ nhiên là những ông sư tuy đã đi tu mà lòng còn vấn vương trần tục:
Sư đang tụng niệm Nam mô,
Thấy cô xách giỏ mò cua bên chùa.
Lòng sư luống những ngẩn ngơ,
Bỏ kinh bỏ kệ tìm cô hỏi chào.
Ai ngờ cô đi đường nào,
Tay cầm tràng hạt ra vào băn khoăn.
Và dù đã nương nhờ cửa Phật nhưng lòng sư vẫn chưa dứt được trần duyên:
Ba cô đội gạo lên chùa,
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư.
Sư về sư ốm tương tư,
Ốm lăn ốm lóc cho sư trọc đầu.
Ai làm cho dạ sư sầu,
Cho ruột sư héo như bầu đứt dây?
Nhà thơ Hồ Xuân Hương cũng từng đánh một đòn quyết liệt vào các ông sư còn say mê nữ sắc:
Oản dâng trước mặt năm ba phẩm,
Vãi nấp sau lưng sáu bảy bà.
Khi cảnh, khi tiu(2), khi chũm chọe,
Giọng hì, giọng hỉ, giọng hi ha!
(Giễu sư)
Ca dao trào phúng cũng phóng mũi tên độc vào bọn quan lại tự xưng là “dân chi phụ mẫu” mà thiếu tư cách, những ông nghè (tiến sĩ) đàng điếm:
Em là con gái đồng trinh,
Em đi bán rượu qua dinh ông nghè.
Ông nghè sai lính ra ve,
- Trăm lạy ông nghè, tôi đã có con.
- Có con thì mặc có con,
Thắt lưng cho giòn mà lấy chồng quan.
Dưới triều vua Minh Mạng có lệnh cấm phụ nữ mặc váy, buộc phải mặc quần. Trước chợ có quân lính canh gác, ai mặc quần thì cho vào chợ, ai mặc váy thì bị đuổi về, bởi thế nhân dân phản ứng bằng câu ca dao:
Tháng tám có chiếu vua ra,
Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng.
Không đi thì chợ không đông,
Đi thì phải mượn quần chồng sao đang.
Có quần ra quán bán hàng,
Không quần ra đứng đầu làng trông quan.
Năm 1933, ngày 2 tháng 5, một biến cố chính trị nổ ra trong triều đình nhà Nguyễn: Bảo Đại cho một số quan lại cũ về vườn để đưa bọn người mới ra lập nội các và gọi là “cải lương tân chính”. Trong cuộc cải tổ này có năm cụ là các bậc đại thần đã từng làm quan lâu năm từ các triều đại trước, nay bỗng nhiên mất chức, hỏi sao không tiếc nuối miếng đỉnh chung. Một nhà thơ Huế - Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn - đã làm bài thơ trào phúng để giễu năm cụ ấy như sau:
Năm cụ
Năm cụ khi không rớt cái ình,
Đất bằng sấm dậy thảy đều kinh.
BÀI không đeo nữa, xin giao LẠI(3),
ĐÀN chẳng ai nghe, khéo dở HÌNH(4).
LIỆU thế không xong, BINH chẳng được(5),
LIÊM đành giữ tiếng, LỄ đừng rinh(6).
CÔNG danh thôi thế là hưu hĩ(7),
ĐẠI sự xin nhường kẻ hậu sinh(8).
Dưới thời Pháp thuộc, do cái “văn minh” phương Tây tràn vào, xã hội nước ta bị đảo lộn, nhiều cảnh lố lăng diễn ra trước mắt khiến các nhà thơ trào phúng có dịp vung tay múa bút. Nào là cảnh nịnh bợ người Pháp để thăng quan tiến chức, phụ nữ lấy Tây, nào là đạo đức xuống cấp, trật tự xã hội bị đảo lộn…
Ở miền Trung, người Pháp lập ra một Viện dân biểu bù nhìn để gọi là “dân chủ”, kỳ thật những ông nghị viên trong cái viện dân biểu ấy hầu hết chỉ là nghị câm, nghị gật, nhất nhất đều tuân theo mệnh lệnh của chính phủ bảo hộ, chẳng bao giờ
dám nói một câu trái ý quan thầy, vì thế tốt hơn là nên ngậm miệng ăn tiền. Nhà thơ trào phúng Tú Mỡ (Hồ Trọng Hiếu) đã có lời nhắn nhủ các ông nghị như sau:
Mấy lời nhắn nhủ cùng ông,
Có ra hội đồng thì miệng phải to.
Xin đừng khúm núm co ro,
Nói không ra tiếng, họ cho rằng đần.
(Nhắn nhủ ông nghị)
Ra nghị trường thì câm miệng hến, mà về địa phương thì hách xì xằng khiến dân chúng oán ghét:
Có hai ông nghị ma bùn(9),
Nghị câm, nghị gật, cũng môn nghị hề.
Tưởng mình to gớm to ghê,
Thiêng như thần ở gốc đề gốc đa.
(Tú Mỡ - Hách)
Chế giễu một người đàn bà lấy Tây rồi sau đó bỏ đi tu, Tú Xương viết:
Tháo nhẫn ma-dê(10) liệng xuống sông,
Thôi thôi tôi cũng mét-xì(11) ông.
Âu đành chùa đó, âu đành bụt,
Cũng chẳng con chi, cũng chẳng chồng…
(Cô Tây đi tu)
Trong gia đình thì “chồng chung vợ chạ”, cảnh thi cử thì “đậu lạy quan xin”, chẳng còn ra thể thống gì cả:
Chồng chung vợ chạ kìa cô Bố,
Đậu lạy quan xin nọ chú Hàn.
(Tú Xương - Phố Hàng Song)
Khi người Pháp thiết lập xong nền đô hộ trên toàn cõi Việt Nam, họ buộc Vua Khải Định ra lệnh bỏ thi chữ Hán để thi cử bằng chữ Pháp, cốt đào tạo một lớp tay sai mới, thế là nền Nho học ở nước ta từ nghìn xưa đã bị xếp xó, các sĩ tử phải bỏ bút lông, cầm bút sắt:
Muốn sống phải chăm mài bút sắt
Cho mau, chớ chậm đổ hòn chì.
(Tú Xương - Bảo học trò đi thi)
Thi hỏng đã nhục, mà thi đỗ cũng chẳng vinh gì. Mụ đầm ngồi trên cao, các ông cử tân khoa quì lạy ở dưới thấp, hỏi còn cái nhục nào bằng :
Một đàn thằng hỏng đứng mà trông,
Nó đỗ khoa này có sướng không?
Trên ghế bà đầm ngoi đít vịt,
Dưới sân ông cử ngỏng đầu rồng.
(Tú Xương - Giễu người thi đỗ)
Cái nhục diễn ra khắp nơi, không chỉ ở trường thi mà còn ở các trò chơi nhân dịp Hội Tây (Quốc khánh của nước Pháp vào ngày 14 tháng 7 hằng năm):
Cậy sức, cây đu nhiều chị nhún,
Tham tiền, cột mỡ lắm anh leo.
Khen ai khéo vẽ trò vui thế,
Vui thế bao nhiêu, nhục bấy nhiêu!
(Nguyễn Khuyến - Hội Tây)
Thực trạng xã hội lúc bấy giờ thật đáng chê trách. Người ta chỉ biết có tiền, tiền là trên hết, tiền mua gì cũng được, chẳng kể gì đến tư cách hay nhân phẩm:
Thối om sọt phẩn, nhiều cô gánh,
Tanh ngắt hơi đồng, lắm cậu yêu.
Quần tía, đùi non, anh Chiệc vỗ,
Rừng xanh cây quế, chú Mường leo.
(Tản Đà - Sự đời)
***
Thơ trào phúng là vũ khí lợi hại của các nhà thơ. Tuy không phải là gươm súng, nhưng thơ trào phúng đã khiến bọn vua quan làm tay sai cho giặc, những kẻ giàu sang bằng con đường bất chính phải cau mày nhăn mặt, chẳng khác nào bị mũi tên độc bắn vào. Khi nào xã hội còn những điều xấu xa nhố nhăng, khi nào còn những kẻ coi trọng tiền tài hơn nhân phẩm, xem thường cả đạo đức luân lý và tư cách con người thì các nhà thơ trào phúng hãy còn đất dụng võ.
_____
(1) Thơ văn trào phúng của Vũ Ngọc Khánh (NXB Văn học, 1974).
(2) Cảnh, tiu: những thứ nhạc khí giống như loại chiêng nhỏ.
(3) Nguyễn Hữu Bài, Thượng thư bộ Lại, trao quyền cho Ngô Đình Diệm.
(4) Tôn Thất Đàn, Thượng thư bộ Hình, phải nghỉ, giao cho Bùi Bằng Đoàn.
(5) Phạm Liệu, Thượng thư bộ Binh. Bộ này bỏ, việc quân sự trong nước do Pháp nắm giữ.
(6) Võ Liêm, Thượng thư bộ Lễ. Bộ này nhập với bộ Công và giao cho Thái Văn Toản.
(7 - 8) Vương Tứ Đại, Thượng thư bộ Công.
(9) Ma bùn: từ chữ Pháp maboul (đần độn, dở hơi).
(10) Nhẫn ma-dê: từ chữ Pháp marier (kết hôn), là nhẫn cưới.
(11) Mét-xì: từ chữ Pháp merci (cảm ơn).