Câu hỏi thứ 1: Có phải “vì sự sùng tín” mà các vua đầu nhà Nguyễn cấm đạo?
Nhiều nhà Việt Nam học nước ngoài bác bỏ ý kiến đó. Chẳng hạn:
“Việt Nam là một xã hội đa tôn giáo… trước khi người Thiên Chúa giáo đến, Việt Nam có 3 tôn giáo nổi tiếng toàn thế giới: đạo Phật, đạo Lão và đạo Khổng… Ba tôn giáo đó ở Việt Nam cùng tồn tại, sống hòa bình bên nhau phần lớn thời gian. Trong chừng mức nào đó, các tôn giáo này hòa hợp với nhau làm một, một nơi thờ tự được dựng lên nhằm thờ chung dưới một mái nhà các vị sáng lập 3 đạo sống ấy” (Helen B. Lamb)(4).
“Truyền thống tôn giáo Việt Nam thường mang tính chiết trung và khoan dung một cách rộng rãi đối với những tín ngưỡng khác” (Patrick J.N. Tuck)(5).
“Ở người Việt Nam có một sự khoan dung lớn về mặt tôn giáo” (Philippe Devillers)(6).
“Tại Việt Nam, nơi có tinh thần hòa đồng tôn giáo đã thấm sâu vào xã hội, không có lý do gì, nhất là khi vẫn có trật tự xã hội, lại đi bách hại đạo Công giáo với tính cách là một đạo giáo” (Yoshiharu Tsuboi)(7).
Để hiểu mối quan hệ giữa các vua đầu triều Nguyễn với các giáo sĩ Pháp, chúng ta nhắc lại cuộc gặp gỡ mang tính định mệnh vào năm 1784 giữa Nguyễn Ánh và giám mục Pierre Pigneau khi hai người đang trốn chạy quân Tây Sơn trên các hòn đảo trong vịnh Thái Lan.
Trước tình cảnh khốn cùng của Nguyễn Ánh, Pigneau (còn gọi là Bá Đa Lộc, lúc đó là đại diện tông tòa ở Đàng Trong) đề nghị Nguyễn Ánh cầu viện vua Pháp Louis XVI. Nguyễn Ánh đồng ý. Bá Đa Lộc đòi phải cho hoàng tử Cảnh (con trai trưởng của Nguyễn Ánh, lúc đó mới 4 tuổi) cùng sang Pháp để làm tin. Nguyễn Ánh đành nghe theo.
Nhà sử học Hàn Quốc Choi Byung Wook nhận xét: “Từ quan điểm của Pigneau, đây là một cơ hội hoàn hảo để tạo dựng nên một ông vua tương lai theo Thiên Chúa giáo ở Việt Nam”(8). Jean Raoul Clémentin giải thích thêm: Các giáo sĩ Pháp muốn “đưa Việt Nam trở lại đạo Gia Tô từ trên xuống [người trích nhấn mạnh] bằng cách làm cho nhà vua theo đạo trước, rồi nhà vua sẽ áp đặt tín ngưỡng mới của mình cho các sĩ phu, và qua các sĩ phu, đến tận nhân dân”(9).
Mục tiêu cải đạo đầu tiên mà Pigneau nhắm đến là Nguyễn Ánh. Có một lúc, Pigneau đã tạo được cảm tình ở Nguyễn Ánh. Linh mục Louis Eugène Louvet kể: “Thánh lễ được cử hành thường xuyên [vào] ngày chúa nhật trong cung [của Nguyễn Ánh] cho các viên chức của triều đình và các quan lại Công giáo”. Tuy không phải là giáo dân nhưng Nguyễn Ánh “thường tham dự và cung kính lắng nghe các bài giảng của giám mục [Pigneau]”(10).
Trong thư ngày 10-7-1778, Pigneau để lộ ý đồ Công giáo hóa xứ Đàng Trong khi viết: “Tôi rất thân với ông hoàng sẽ lên trị vì [tức Nguyễn Ánh] và các ông quan lớn ở đây. Hãy cầu nguyện Chúa Trời cho việc này, bởi đó có thể sẽ là rường mối cho việc thu phục Nam Hà [tức Đàng Trong] theo đạo Chúa”(11). Trong thư ngày 31-7-1780, Pigneau khoe: “Chính nhà vua và ông quan đầu triều [vào] ngày Tết thường đem quà tặng tôi, điều mà họ không làm cho bất cứ một ai khác”(12). Việc Nguyễn Ánh “tỏ ra có ít nhiều thiện cảm với Công giáo làm cho các thừa sai tràn đầy hy vọng rằng ông sẽ trở thành một Constantin hay Clovis của Việt Nam”(13).
Công giáo hóa không phải là mục tiêu cuối cùng mà là bước đầu tiên để thuộc địa hóa Việt Nam, đúng như giám mục Paul-François Puginier đã viết: “Khi một quốc gia Thiên Chúa giáo nào đó [chỉ nước Pháp] đã thành công trong việc đưa tôn giáo của mình vào các thuộc địa, quốc gia ấy có thể hoàn toàn yên tâm… Sẽ không bao giờ xảy ra tình trạng một thuộc địa đã [được] Thiên Chúa giáo hóa lại phản bội nước mẹ để liên minh với một xứ vô đạo chống lại chính quốc”(14).
Hoàng tử Cảnh là mục tiêu cải đạo thứ hai, dễ thành công hơn vì tuổi đời còn non nớt. Trong thư viết ngày 20-3-1785 khi dừng chân ở Pondichéry (Ấn Độ) trên đường sang Pháp, Pigneau viết: “Tôi muốn dạy [Cảnh] theo truyền thống đạo Thiên Chúa”. Tuy mới sống chung với Pigneau hơn 3 tháng mà Cảnh “đã biết đọc kinh và hết lòng mộ đạo”(15).
Bốn năm sau, tháng 7-1789, Pigneau đưa Cảnh (lúc này 9 tuổi) về lại Việt Nam.
Một sự cố xảy ra: “trong buổi lễ trình diện trước bàn thờ tổ tiên, hoàng tử Cảnh nhất định không chịu lạy, và trước sự chứng kiến của đông đủ triều thần, cứ nhất quyết cho rằng trên đó chỉ là ‘những con quỷ sứ’, bất chấp cái bạt tai của mẫu hậu”(16). Còn Nguyễn Ánh thì “đau khổ, tủi nhục và tức giận, vứt bỏ phẩm phục, mũ miện, nói rằng ông là một người cha bất hạnh”(17). Sau đó, ông phàn nàn với Pigneau về việc Công giáo “dạy người ta quên ông bà” và khẳng định: “Tôi phải giữ tục thờ cúng tổ tiên như tôi đã nói rõ, vì theo tôi, đó là cơ sở của nền giáo dục ở xứ tôi”(18).
Tối nào, Cảnh cũng “lén đọc kinh lầm rầm [trước] lúc đi ngủ… vẫn tiếp tục tiến xa hơn trên con đường bày tỏ đức tin Thiên Chúa [như] Cảnh vạch hai dấu thập tự trên tượng Phật của mẹ, rồi kế đó, lại bày cho bà này lấy phân bò bôi lên tượng Thích Ca”(19).
Không chỉ mộ đạo, Cảnh còn tỏ ra thân Pháp. Trong thư gửi Letondal, Laurent Barisy khen Cảnh: “Đông Cung [tức Cảnh] là người đã ra mặt che chở cho tất cả những người Âu, đã bảo vệ cho đạo Thiên Chúa… đích thực là một người bạn thành thật” của người Pháp(20).
Trước tình cảnh đó, để xóa dần ảnh hưởng của Pigneau đối với Cảnh, Nguyễn Ánh “quyết định cho hoàng tử ra ở riêng”(21). Năm 1793, ông cử các nhà nho Trịnh Hoài Đức và Lê Quang Định làm thị giảng, Ngô Tòng Châu làm phụ đạo để giảng kinh sử cho Cảnh, đặt ra chức thị học để theo dõi việc học hành của Cảnh, “Đông Cung nói câu gì, làm việc gì, thị học chép hết cả”(22) để báo cáo lên Nguyễn Ánh. Mùa đông năm đó, ông dặn dò Phạm Văn Nhơn: “Đông Cung đương tuổi còn trẻ, việc giúp đỡ, bảo ban là trách nhiệm của ngươi…, hằng ngày đem lời nói việc làm chính đáng để bảo ban”(23). Giáo sĩ Le Labousse hằn học gọi các vị quan nói trên là “những thượng thư của Quỷ Satan” (les ministres de Satan)(24).
Cũng trong năm 1793, tuy lập hoàng tử Cảnh (con của bà nguyên phi Tống Thị Lan) làm Đông Cung thái tử, Nguyễn Ánh lại đưa hoàng tử Đảm (con của bà thứ phi Trần Thị Đang) làm con nuôi của bà Lan, trong khi bà Đang vẫn còn sống. Việc đưa hoàng tử Đảm từ con dòng thứ lên làm con nuôi dòng đích được nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Chân Quỳnh giải thích: “Phải chăng vì vương [Nguyễn Ánh] nhận thấy hoàng tử Cảnh quá mộ đạo Thiên Chúa, có quá nhiều cảm tình với người Tây Dương, tính tình lại nhu nhược, nếu lên ngôi có thể sẽ đánh mất chủ quyền, nên chọn sẵn hoàng tử Đảm [tức vua Minh Mạng sau này] để phòng hờ trường hợp phải loại hoàng tử Cảnh ra”(25).
Ngoài việc giáo dân bị cấm thờ cúng tổ tiên, còn một lý do khác khiến Nguyễn Ánh dị ứng với Công giáo. Theo linh mục Trương Bá Cần, ông “nghi ngờ và lo sợ là Công giáo sẽ trở thành một tập thể tách rời khỏi cộng đồng dân tộc, một nước trong một nước”(26).
Theo thông lệ hàng năm, vào dịp đầu xuân, tất cả các làng đều cử hành long trọng lễ Kỳ yên để cầu cho quốc thái dân an. Không ai bảo ai, mọi người đều tham gia tổ chức buổi lễ, kẻ góp công người góp của. Nhưng theo linh mục Trương Bá Cần, “người Công giáo cho rằng đóng góp như thế là tham gia vào mê tín dị đoan, nên tìm cách lẩn tránh”. Đích thân Pigneau trực tiếp can thiệp, “xin Nguyễn Ánh ban một sắc chỉ miễn cho người Công giáo không phải đóng góp vào dịp lễ Kỳ yên”. Nguyễn Ánh không muốn một mình quyết định nên đưa vấn đề ra hỏi ý kiến triều thần, nhưng “tất cả đều không đồng ý”. Để không mất lòng cả hai bên, Nguyễn Ánh đưa ra kết luận: “Làng nào muốn tha thì có quyền tha, muốn bắt thì có quyền bắt, vì đây là một tục lệ có từ lâu đời”(27). Kết quả: không có làng nào tha, vì các hương chức đều thấm nhuần văn hóa cổ truyền.
Năm 1794, chính quyền Đàng Trong trùng tu Văn Miếu (nơi thờ Khổng Tử) ở Trấn Biên (Biên Hòa ngày nay). Pigneau và các giáo sĩ lại đề nghị “giáo dân sẵn sàng đóng góp cho quốc gia, nhưng đừng buộc họ phải phụng sự Khổng Tử”. Lần này, Nguyễn Ánh bác bỏ ngay lập tức đề nghị đó “song các giáo sĩ lại gửi thư đi khắp nơi xúi giục con chiên cương quyết không nộp tiền”(28) cho việc trùng tu Văn Miếu.
Càng ngày vua và các sĩ phu càng “nhìn thấy ở Thiên Chúa giáo trước hết là một hệ thống quan niệm chống lại tổ chức xã hội mà họ xây dựng, một chuẩn mực lối sống phủ nhận các quan hệ xã hội mà họ đề cao”(29).
Trong bản tường trình ngày 29-8-1786, giáo sĩ Darcet cũng thừa nhận: “Phần đông [giáo dân] sống như là người ngoại kiều trên quê hương mình: không đi xem kịch [tuồng, hát bội], không tham dự các trò chơi công cộng hay các lễ hội rất quen thuộc đối với những người không Công giáo”(30).
Linh mục Trương Bá Cần nhận định: “Từ những vụ việc cụ thể đó đã dần hình thành trong tâm trí ông [Nguyễn Ánh] một sự nghi ngờ, một sự lo ngại rằng Công giáo là một mối đe dọa đối với uy quyền của ông và đối với trật tự xã hội” của nước mình(31).
Do đó, Nguyễn Ánh thay đổi thái độ đối với Công giáo. Các giáo sĩ cho biết: “Tôi tin là không bao giờ nhà vua sẽ theo Ki Tô giáo” (giáo sĩ Le Labousse, 1792)(32); “Hiện nay, ông tỏ ra ít dễ dãi với đạo hơn mấy năm trước” (giáo sĩ Lavoué, 1795)(33); “Chúng tôi phải chịu một cuộc bách hại ngấm ngầm… Bách hại do nhiều vị quan đang tìm mọi cơ hội để làm hại chúng tôi và trả thù những người Công giáo mà họ cho là đã xúc phạm đến thần linh của họ khi những người Công giáo không chịa quỳ gối trước các thần linh… Sau hết, bách hại do chính nhà vua, lúc nào có dịp là tỏ rõ sự hận thù đối với đạo chúng ta, ông còn chưa ra tay là bởi còn nể nang đức cha Adran [tức Pigneau]” (giáo sĩ Le Labousse, 1796)(34).
Nguyễn Ánh cũng thay đổi cách đối xử với nhóm người Pháp do Pigneau chiêu mộ: “Vua sai đuổi hết [những người Pháp đánh thuê], không chỉ các lính thủy, mà tất cả sĩ quan, ai muốn đi thì đi, không giữ” (giáo sĩ Le Labousse, 17-6-1792)(35); “Nhà vua bất bình với những người Pháp, cho đuổi tất cả trong những ngày đầu tháng 5; hay là những người Pháp bất bình với vua xin đi và được chấp nhận ngay lập tức” (giáo sĩ Lavoué, 16-6-1792)(36).
Không chỉ Nguyễn Ánh mà các quan văn võ trong triều cũng không ưa Pigneau. Chẳng hạn, vệ úy Trần Đại Luật dâng sớ lên Nguyễn Ánh, tố cáo Pigneau rao giảng Công giáo “để lừa dân ngu không có tình thân cha - con, nghĩa lớn vua - tôi, lại tự cậy là bảo hộ Đông Cung có chút công lao, sinh lòng kiêu ngạo” và đề nghị “chém đầu hắn [Pigneau] treo ở cửa chợ để tạ cả nước mà bỏ được sự mê hoặc của mọi người”. Nguyễn Ánh đồng ý với Trần Đại Luật, nhưng nói: “Tạm hãy để đó” vì giữa lúc còn đang chiến tranh thì “kẻ dối trá và ngu cũng nên dùng”(37).
Ngày 9-10-1799, Pigneau chết. Một năm rưỡi sau, ngày 21-3-1801, hoàng tử Cảnh cũng qua đời. Thế là ý đồ “dựng lên một Constantin hay một Clovis cho Đàng Trong” tan thành mây khói.
Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi ở Huế, đặt niên hiệu là Gia Long. Chỉ hai năm sau, trong chỉ dụ ngày 4-3-1804, vua Gia Long gọi Công giáo là “tà đạo”, là “đạo dị đoan”. Tuy không cấm giáo dân hành đạo, song ông tìm cách ngăn chặn sự phát triển của Công giáo bằng cách ra lệnh “từ nay trong các tổng, các làng có nhà thờ của người Thiên Chúa giáo, cấm sửa chữa hoặc xây dựng lại những ngôi nhà thờ đã bị hư hại; còn cất nhà thờ mới ở những nơi chưa có [thì] tuyệt nhiên cấm hẳn”(38).
Trong thư ngày 12-5-1806 gửi cho một giáo sĩ, Jean Baptiste Chaigneau - một trong mấy người Pháp ở lại Việt Nam sau thời nội chiến - viết: “Về tôn giáo, con nghĩ dưới thời vua này thì các giáo sĩ và giáo dân còn được tạm yên, mặc dù cả vua lẫn quan đều không ưa đạo”(39) nhưng ông dự cảm: “Con nghĩ, đến một ngày, ông ta sẽ chiều ý các quan, đàn áp đạo Thiên Chúa”(40).
Cuối đời, vua Gia Long quyết định truyền ngôi cho hoàng tử Đảm (mà ông đã chuẩn bị từ năm 1793), thay vì cho cháu nội dòng đích. Sử gia Pháp A. Schreiner giải thích: “Có lẽ Gia Long sợ rằng tư tưởng của Pigneau có thể ảnh hưởng đến con trai của hoàng tử Cảnh”(41).
Từ khi lên ngôi, vua Minh Mạng tiếp tục chính sách của vua cha đối với Công giáo. Ông tiếp tục phê phán các giáo sĩ dạy tín đồ “không kính thần minh, chẳng thờ tổ tiên”, như thế là “rất trái với chính đạo… trái luân lý, hại phong hóa… phạm đến pháp luật” và kết luận Công giáo “là tà đạo hơn đạo nào hết”(42).
Quan lại và giới sĩ phu tán thành nhận định đó của vua. Nhà nghiên cứu Georges Taboulet chép lại “bản kiến nghị [dâng lên vua] dưới đây tóm tắt những điều mà các sĩ phu trách cứ những người theo Công giáo:
- từ bỏ việc thờ cúng tổ tiên,
- làm đảo lộn phong tục tập quán,
- lỗi lầm về đạo đức,
- hội họp khả nghi,
- lập ra một hệ thống cấp bậc riêng biệt, bên ngoài những hệ thống đã có,
- từ chối tham gia các lễ nghi, vv…”(43).
Với giáo dân trong nước và với các giáo sĩ Pháp, Minh Mạng có những cách đối xử khác nhau.
Theo ông, giáo dân “phần nhiều bị mê hoặc mà không biết hối”(44) nên ông chỉ thị cho Bộ Hình “phải nên một phen khuyên bảo khiến họ biết đường đổi mới”(45) vì “cái đạo dạy dân tất phải dùng giáo hóa trước, dùng hình phạt sau. Nếu chưa dùng giáo hóa mà dùng hình phạt ngay thì thực chưa nỡ”(46). Suy nghĩ như vậy nên ông biên soạn “Mười điều giáo huấn” như trọng luân lý (đôn nhân luân), giữ phong tục cho thuần hậu (hậu phong tục), chuộng học đạo chính (sùng chính học) v.v…
Trong khi đó, ông nghiêm khắc phê phán “các giáo sĩ đã dụ dỗ và làm thác loạn nhân tâm, làm hư hỏng và suy đồi thuần phong mỹ tục. Đó chẳng phải là một tai ương lớn lao cho đất nước chúng ta hay sao? Vì vậy cần phải chống lại những sai lầm đó để đưa dân chúng trở lại con đường chính”(47).
Coi thường các lệnh cấm của triều đình, các giáo sĩ vẫn bí mật xâm nhập vào Việt Nam, lén lút đi truyền đạo nhiều nơi. Do đó, vua Minh Mạng chỉ thị cho các quan địa phương tổ chức canh gác các cảng biển để ngăn ngừa người nước ngoài nhập cảnh bất hợp pháp vào đất liền; đồng thời tập trung các giáo sĩ Pháp đang có mặt ở Việt Nam về kinh đô Huế nói là để giúp triều đình phiên dịch các tài liệu tiếng Pháp. Những giáo sĩ này “được nhà vua tiếp đãi tử tế, phong chức hành nhân”(48), được cấp lương hàng tháng gồm 20 quan tiền và 5 đấu gạo(49) (mỗi đấu khoảng 13 lít).
Trong thư gửi về Pháp tháng 12-1830 (tức 10 năm sau khi Minh Mạng lên ngôi), giáo sĩ M. Marette kể: “Từ khi tôi đến Đàng Ngoài cho đến hôm nay, tôi vẫn được bình yên… Người ta [chỉ vua quan Việt Nam] không ghét đạo Thiên Chúa, mà chỉ ghét người Âu châu; do đó, các linh mục hoạt động rất tự do… Việc hành đạo được phần nào tự do và mọi nghi lễ được người ta [tức giáo dân] cử hành khá trọng thể ngay ở một đất nước ngoại đạo”(50).
Tiểu kết:
Hai sử gia Việt Nam ở Pháp có cùng nhận định:
“Việc truyền đạo trên đất Việt Nam có thể gây nguy cơ đảo lộn phong tục và luật lệ của xứ sở và do đó, đảo lộn luôn cả lâu đài tôn giáo, xã hội và chính trị quốc gia… Vì thế, hành động của nhà vua [Minh Mạng], đối với trách nhiệm làm vua của ông, là hoàn toàn đứng đắn khi ông chống lại hoạt động của một số giáo sĩ Ki Tô… Những sắc lệnh [cấm đạo] nói trên đây thực tế chỉ nhằm mục đích bảo vệ sự thống nhất tinh thần và chính trị của đất nước mà thôi, đó hoàn toàn không phải là một biểu hiện của sự cuồng nhiệt tôn giáo, vì cái cuồng nhiệt tôn giáo này, đối với người Việt Nam, không có gì xa lạ cho bằng” (Nguyễn Xuân Thọ)(51).
“Xã hội [Việt Nam] cũ đặt nền tảng trên ba mối quan hệ then chốt [TAM CƯƠNG], đó là quan hệ vua - tôi, phụ - tử và phu - phụ. Thế nhưng, người ta lại thấy người Công giáo từ chối việc thờ cúng tổ tiên và chống lại bổn phận đối với xã tắc và quốc gia. Không phải là sự cuồng tín tôn giáo - vốn rất xa lạ với tinh thần của người Việt Nam - mà là ước muốn duy trì sự thống nhất luân lý và chính trị đã thúc đẩy nhà vua và triều đình ban các sắc chỉ cấm đạo” (Lê Thành Khôi)(52).
Nhà nghiên cứu người Pháp Georges Taboulet đồng ý với hai giáo sư người Việt: “Các vua ở Huế chống lại tôn giáo của phương Tây không phải vì những lý do thuộc về hệ tư tưởng, mà vì họ thấy trong tôn giáo này mầm mống của sự hỗn loạn và vô chính phủ. Thật vậy, đạo Thiên Chúa làm đảo lộn một cách triệt để tất cả những phong tục và các định chế bản xứ, nó phá hoại đạo thờ Trời Đất - tôn giáo chính thức do nhà vua làm đại giáo sĩ, tục thờ Thành hoàng và tục thờ cúng tổ tiên, nó làm lung lay và có thể làm tan rã các nền tảng mà Nhà nước, gia đình và toàn bộ xã hội Việt Nam đặt trên đó”(53).
Trong khi đó, học giả người Anh G.N. Curzon phân tích hành động của các giáo sĩ: “Các thừa sai lấy thái độ thù nghịch không nhân nhượng đối với tất cả tôn giáo và tất cả luân lý bản xứ… Đạo đức của Khổng giáo bao gồm bổn phận của con đối với gia đình [HIẾU] và bổn phận [của dân] đối với quốc gia [TRUNG]. Các thừa sai buộc họ [giáo dân Việt Nam] cải đạo bằng cách từ khước ngay cả bản chất công dân, buộc họ phải nhận điều kiện tiên quyết là chối bỏ nguyên tắc đầu tiên làm điểm tựa cho mọi đạo đức Khổng giáo”, rồi đặt câu hỏi: “Ví thử có người truyền đạo nào đó của một tôn giáo mới nào đó đổ bộ lên nước Anh… và ví thử họ bắt đầu tuyên truyền bằng cách tấn công vào quyển Thánh kinh và bài xích lòng tin vào các tông đồ, ta sẽ đón tiếp người đó như thế nào nhỉ?”(54).
Câu hỏi đã hàm chứa câu trả lời: trong tình thế đó, người Anh cũng sẽ hành động như người Việt Nam thế kỷ 19.
(Còn tiếp kỳ sau)
_____
(1), (2), (3) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Trung tâm Học liệu xuất bản, Sài Gòn, quyển II.
(4) Helen B. Lamb, Vietnam’s Will to Live, Monthly Review Press, New York, 1972.
(5) Patrick J.N. Tuck, French Catholic Missionaries and the Politics of Imperialism in Vietnam 1857-1914 - A Documentary Survey, Liverpool University Press, 1987.
(6) Philippe Devillers, Người Pháp và người An Nam: bạn hay thù (Ngô Văn Quỹ dịch), NXB Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, 2006.
(7) Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (Nguyễn Đình Đầu và nnk dịch), Ban Khoa học xã hội Thành ủy TP.Hồ Chí Minh, 1990.
(8) Choi Byung Wook, Vùng đất Nam Bộ dưới triều Minh Mạng (Lê Thùy Linh và nnk), NXB Thế giới, Hà Nội, 2011.
(9) Jean Raoul Clémentin, Thái độ chính trị của các tổ chức Công giáo ở Việt Nam, trích dẫn bởi Nguyễn Xuân Thọ, Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam 1858-1897, Tác giả xuất bản, Saint Raphael, 1994.
(10) Louis Eugène Louvet, Mgr. Adran, notice biographique, trích dẫn bởi Trương Bá Cần, Công giáo Đàng Trong thời giám mục Pigneau 1771-1799, Tủ sách Đại Kết, TP.Hồ Chí Minh, 1992.
(11), (35), (36), (39), (40) Thụy Khuê, Vua Gia Long & người Pháp, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2017.
(12), (13) Trương Bá Cần, sđd. Constantin (trị vì từ năm 306 đến 337) là hoàng đế La Mã đầu tiên theo đạo Thiên Chúa. Clovis I là vua đầu tiên của Vương quốc Frank (từ năm 481 đến 511) cải đạo. Cả hai ông đã giúp đạo Thiên Chúa phát triển mạnh ở nước mình. Ở Việt Nam, Pháp tạo điều kiện để vua Bảo Đại cưới một thiếu nữ Công giáo mang quốc tịch Pháp (Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Thị Lan, tên thánh là Marie Thérèse). Các con (trai cũng như gái) của Bảo Đại đều rửa tội ngay khi sinh ra. Nếu chế độ quân chủ không bị Cách mạng tháng Tám 1945 chấm dứt thì Bảo Long sẽ là vua đầu tiên theo Công giáo khi nối ngôi Bảo Đại. Bản thân Bảo Đại vào cuối đời cũng theo Công giáo với tên thánh Jean Robert.
(14) Puginer, Notes sur le Tonkin trích dẫn bởi Nguyễn Văn Kiệm, Góp phần tìm hiểu một số vấn đề lịch sử cận đại Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003.
(15), (20), (21), (25) Nguyễn Thị Chân Quỳnh, Đông Cung nhật trình, chimviet.free.fr/lichsu/chquynh_dongcungnhattrinh.htm
(17), (19), (24), (33), (28), (29) Cao Tự Thanh, Nho giáo ở Gia Định, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1996.
(18), (26), (27), (30), (31), (32), (34) Trương Bá Cần, sđd.
(22), (23), (37) Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam chính biên liệt truyện, NXB Thuận Hóa, Huế, 1993, tập II.
(38) Phan Phát Huồn, Việt Nam giáo sử, Cứu Thế tùng thư, Sài Gòn, 1958, tập I.
(41) A. Schreiner, Abrégé de l’histoire d’Annam, Sài Gòn, 1906.
(42), (44), (45), (46) Quốc sử quán Triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tập XI.
(43), (47), (49), (53) Georges Taboulet, La geste française en Indochine, NXB Adrien Maisonneuve, Paris, 1955, tập I.
(48), (50) Nguyễn Văn Kiệm, Góp phần tìm hiểu một số vấn đề lịch sử cận đại Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003.
(51) Nguyễn Xuân Thọ, sđd.
(52) Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX (Nguyễn Nghị dịch), NXB Thế Giới, Hà Nội, 2014.
(54) G.N. Curzon, Problems of the Far East trích dẫn bởi Cao Huy Thuần, sđd.