HV130 - Người Hà Nội ở Việt Trì

Tôi quen ông Vũ Đình Hiền và gia đình ông đã 50 năm nay. Hồi tôi công tác ở Ty Văn hóa thì ông ở Ty Thông tin. Tôi về Hội Văn nghệ tỉnh, ông lại chuyển sang phụ trách sơn mài ở Công ty Ngoại thương Vĩnh Phú. Hai cơ quan ở kề nhau, ngày ngày ông sang chơi ở Hội Văn nghệ. Ông đọc thơ xem tranh cùng nhà thơ Hoàng Hữu hoặc hát tình ca, hồi ấy gọi là “nhạc vàng” với nhà văn Sao Mai. Ông sành thơ và hát hay, am hiểu hội họa. Ở Hà Nội ông rất thân với ca sĩ Trần Khánh, làm bạn vong niên với tài tử Ngọc Bảo, bạn chí cốt với nghệ sĩ Văn Hiệp, nhà văn Mai Vũ v.v…

Nhà ông ở số 156 Hàng Bông. Ông là con trai đại võ sư Vũ Đình Tuyết. Đó là gia đình “danh gia vọng tộc” tiếng tăm đất Hà thành xưa. Thời bao cấp khó khăn ông vẫn sống vô tư xởi lởi hết mình với mọi người. 50 năm quen biết, tôi chưa bao giờ thấy ông nhăn nhó nặng lời với ai. Lúc nào ông cũng cười. Cười hết mình, cười như rút ruột rút gan. Nhiều khi ở Hội Văn nghệ về, ông chỉ còn mỗi cái quần đùi trên người: quần, áo, giày dép, mũ mãng, cả cái thắt lưng da mới đắt tiền cũng bị bạn bè lột sạch. Rồi ông xin về mất sức, lương chỉ 2 triệu đồng nhưng ông vẫn cười vì ông chỉ ăn chay, cầu kinh niệm Phật. Vẫn luyện võ, dạy võ, ngót 80 tuổi vẫn khỏe, vô tư sống lấy tiếng cười làm trọng.

Trở về già, trời run rủi cho ông chuyển nhà vào trong xóm vắng ở cạnh nhà tôi để tôi thành tri kỷ với ông. Ngày ngày chúng tôi ngồi đàm đạo. Khi ông có khách xa đến tôi lại lặng lẽ rút lui. Đến nhà ông hầu hết là các võ sinh. Họ đến từ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, từ Nga, Ucraina v.v… Năm ngoái có anh từ Ucraina sang. Ông bảo đó là Alếch Tỉnh trưởng. Hằng năm, nghỉ phép dăm ngày anh ta và bạn bè lại sang thăm thầy Hiền và tranh thủ luyện thêm vài bài võ cổ bí truyền của võ thuật Việt Nam mà họ từng theo học.

Các võ sinh quý mến ông. Có khi họ chỉ luyện võ ở nhà ông dăm ba tháng nhưng gắn bó với ông suốt cả đời. Điều này làm tôi khó hiểu: chẳng lẽ chỉ có mấy tháng trời dạy dỗ mà ông “thuần phục” được cả tâm tình đạo đức của họ. Tôi có anh con trai chỉ theo học võ thầy Hiền ba tháng nhưng nó thân quý ông Hiền lắm. Ông Hiền dạy bảo nó có kết quả hơn tôi.

Thỉnh thoảng ông Hiền lại dẫn tôi lên chơi nhà anh trai là ông Vũ Đình Bính, đang công tác ở Nhà máy Dệt Vĩnh Phú. Từ lâu nay dân Việt Trì vẫn tấm tắc khen vợ chồng họ như vợ chồng sam. Lúc nào cũng thấy họ dắt tay nhau sóng đôi ngoài đường hoặc cùng đi chợ, đi thăm thú bạn bè. Bà đi chợ mua bán có ông bên cạnh để xách rau, xách thịt cho bà. Bà mổ cá, ông ngồi cạnh. Bà vào đun bếp ông cũng đứng cạnh phe phẩy cái quạt cho bà đỡ đổ mồ hôi. Bà lúc nào cũng trắng như trứng gà bóc, đẹp như tranh vẽ. Họ yêu nhau bằng tình yêu ngang trái. Họ rời bỏ cuộc sống “vương giả” chốn thị thành, kéo nhau lên non ở cũng vì mối tình sét đánh ấy.

Ông là họa sĩ, học trò lớp họa của họa sĩ Nguyễn Tiến Chung. Ông Hiền em ông cũng là họa sĩ học thầy Hoàng Lập Ngôn. Gia đình mở một xưởng sản xuất tranh sơn mài, thuê dăm bảy chục thợ làm. Ông Bính vừa là họa sĩ vừa trực tiếp phụ trách xưởng tranh. Ông Hiền cũng là thợ vẽ của phòng tranh mở ngay tại nhà mình ở số 156 phố Hàng Bông, Hà Nội.

Khi ấy ông Bính gặp bà Khánh đang cơn thất cơ lỡ vận. Bà vốn con nhà quyền thế được nuôi ăn học tử tế, là hoa khôi trường Trưng Vương rồi là nữ sinh trường Đồng Khánh. Học xong bà yêu chàng nhạc sĩ mặc dù bị cả nhà phản đối. Bà đẻ với ông nhạc sĩ ấy năm lần chỉ còn sống được hai trai, một gái. Giữa lúc bà mới có chửa đốt thứ 5 được vài tháng thì ông chồng bị bắt đi tù về tội phản động chống đối cách mạng, bị bắt lên nhà tù ở Tuyên Quang và mất tại đó. Chính anh em ông Hiền cùng cậu con lớn của bà Khánh lên Tuyên Quang đem xác về. Nay ông được chôn ở Phù Đức, Việt Trì, nằm cạnh bà Khánh và ông Bính. Thời bà Khánh có chửa với ông nhạc sĩ phải vào tù thì ông Hiền, ông Bính phải bồng bế bà Khánh đi sinh đẻ lần thứ năm. Anh em nội ngoại sợ liên quan với phần tử phản động, xa lánh bà. Bà được anh em ông Bính che chở, bao bọc. Đã năm con (có hai con chết) nhưng bà Khánh vẫn đẹp một cách tự nhiên. Da trắng hồng hào, nhất là khi nuôi con thơ sữa về nhiều. Nhìn bà vẫn như gái một con. Trong hoàn cảnh éo le ấy bà phải cho hai người anh em họ xa nuôi hai đứa con nhỏ. Ngày ngày bà đưa con lớn gần 10 tuổi vào vẽ tranh mài ở xưởng tranh của ông Bính. Rồi ông bà mến yêu nhau. Bố ông, cụ Vũ Đình Tuyết, biết chuyện. Cụ vốn là người giàu có, thần thế ở khu Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cụ lại quen thân với nhiều ông lãnh đạo cao cấp của Đảng: từ ông Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Song Hào, Trần Độ… Tiền khởi nghĩa, cụ có công nuôi giấu cán bộ cách mạng tại nhà mình. Cụ ủng hộ cho cách mạng cơ man là tiền vàng, tàu bè và nhiều tài sản khác. Cụ theo đạo Phật, tu tại gia. Các con cụ cũng theo đạo Phật; ông Bính, ông Hiền ngày ngày vừa vẽ tranh, luyện võ vừa cầu kinh.