HV130 - Vài suy nghĩ khi đọc tiết “Quân Pháp đánh Đà Nẵng” trong sách Việt Nam sử lược (tiếp theo và hết)

Câu hỏi thứ 2: Có phải vì nhà Nguyễn cấm đạo “cho nên người Pháp mới dùng binh lực” đánh chiếm Đà Nẵng?

Theo nhà sử học Pháp Philippe Devillers, vua Minh Mạng thường kể cho các quan trong triều nghe mẩu đối thoại giữa một quan chức Nhật Bản với một người Tây Ban Nha năm 1600:

“- Làm sao một ông vua [tức vua Tây Ban Nha] có thể chiếm được nhiều đất đến thế trên thế giới?

- Bằng tôn giáo và bằng vũ khí. Các nhà tu hành của chúng tôi mở đường bằng cách quy đạo Thiên Chúa cho các dân tộc. Sau đó, bắt họ thần phục nước Tây Ban Nha chỉ còn là một trò chơi đối với chúng tôi”(1).

Trong tác phẩm Dương Từ Hà Mậu, nhà thơ Nguyễn Ðình Chiểu cho thấy các giáo sĩ Pháp hành động cùng một kiểu với các đồng đạo Tây Ban Nha:

Chước khôn chẳng những một phương

Muốn gồm muôn nước theo đường làm tôi.

Dân người về đạo Tây rồi

Nước người, Tây lấy mấy hồi nhọc lo.

Các giáo sĩ “thay vì giới hạn vai trò của mình trong lĩnh vực tôn giáo, lại đã xen vào chuyện chính trị”(2). Một mặt, các giáo sĩ “yêu cầu người Công giáo Việt Nam đừng thừa nhận quyền lực nhà vua và pháp luật nước họ. Các giáo sĩ nói với các con chiên: Ðức giáo hoàng ở La Mã (Rome) mới là vị vua tối cao duy nhất của họ, họ chỉ tuân phục quyền lực Tòa thánh Vatican”(3). Mặt khác, các giáo sĩ “tìm cách kích động các người theo đạo chống lại chính quyền hợp pháp để chuẩn bị một chế độ có thiện cảm với Ki Tô giáo”(4). “Vậy đây không còn là vấn đề truyền giáo nữa mà đơn giản là một mưu đồ làm cho chính quyền của xứ sở này bị mất ổn định”(5).

Mưu đồ công khai đầu tiên là việc giáo sĩ Joseph Marchand tham gia cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi năm 1833 ở Gia Ðịnh.

Về chuyện Marchand, Trần Trọng Kim gieo hoang mang cho người đọc khi viết: “Việc ông cố Marchand thì đã nhiều người bàn đi bàn lại: người thì bảo ông ấy có ý muốn làm như ông Bá Đa Lộc [tức Pigneau] để giúp Lê Văn Khôi lập nên một nước theo đạo Thiên Chúa ở Gia Ðịnh; người thì bảo ông ấy bị Lê Văn Khôi bắt vào trong thành.

Việc ấy vẫn phân vân không rõ hẳn ra thế nào”(6). Nếu tác giả họ Trần đọc lá thư do chính Marchand viết hay lời khai của đồng đảng của ông ta, thì ông chẳng còn nên phân vân nữa.

Lưu Hằng Tín, một người trong nhóm cầm đầu cuộc nổi loạn, thừa nhận: “Khôi nổi dậy là do sự xúi giục của Marchand và các giáo sĩ nhằm đưa lên ngôi [hoàng tôn An Hòa], người con của hoàng tử Cảnh, môn đồ cũ của giám mục Bá Đa Lộc. Vị hoàng tôn này hứa sẽ theo đạo Thiên Chúa và Marchand ở lại xứ này [Gia Ðịnh] cốt để tập hợp giáo dân thực hiện mưu đồ đó... Marchand là linh hồn cuộc nổi loạn ở trong nước”(7).

Trong thư ngày 24-9-1834 gửi giám mục Taberd, đại diện tông tòa tại Nam Kỳ(8), Marchand tự xưng mình là “chiến sĩ của những người nổi dậy” (soldat des révoltés) và gọi thủ lĩnh cuộc nổi loạn Lê Văn Khôi là “ông hoàng” (le prince)(9).

Marchand không giấu diếm mục đích của cuộc nổi loạn: “Nhờ ơn Thượng đế mà những người nổi loạn thắng cuộc thì chúng ta có thể hy vọng được trông thấy Vương quốc An Nam này hoàn toàn biến thành một quốc gia Thiên Chúa giáo”(10). “Hy vọng” đó của Marchand được nhiều sử gia Pháp ghi nhận:

Cuộc nổi loạn nhằm “tách các tỉnh Nam Kỳ ra khỏi xứ An Nam để lập nên ở phía Nam một quốc gia độc lập, dựa vào Hội truyền giáo, nghĩa là liên kết với nước Pháp” (M. Gaultier)(11).

“Có thể Marchand, với nhiệt tình của mình, đã mơ uớc được giúp đỡ Khôi để xây dựng ở Gia Ðịnh một vương quốc Công giáo như mơ ước của Bá Đa Lộc ngày trước” (P.J. Silvestre)(12).

Trong thư gửi Taberd, Marchand cho biết một số hoạt động của mình. Chẳng hạn: “Các thủ lĩnh [cuộc nổi loạn] đã yêu cầu tôi chỉ cho họ cách làm các cờ hiệu giống như cờ hiệu của Constantin(13)... Họ nói rằng giờ đây họ tin ở đức Chúa Trời... [Khôi] cử một phái đoàn gồm các tín đồ Thiên Chúa giáo sang Xiêm(14), đã giao cho tôi viết thư mời các cha phụ trách Xiêm và Nam Kỳ hãy trở về đây [Gia Ðịnh] trong sự yên ổn”(15).

Vua Minh Mạng cử quan quân vào chiếm lại các tỉnh Nam Kỳ, bao vây quân nổi loạn trong thành Phiên An, đến tháng 8-1835 thì hạ được thành.

Marchand bị dẫn ra Huế, bị Tòa án của triều Nguyễn khép vào 3 tội lớn:

“- Ðã vào thành Phiên An bày mưu tính kế cho quân phiến loạn chống lại nhà vua...

- Ðã tự tay viết thư cho người Xiêm và người Anh yêu cầu họ đến cứu viện.

- Ðã xúi giục giáo dân chống lại lời kêu gọi của nhà vua khuyên họ ra đầu hàng”(16).

Ngày 30-11-1835, Marchand bị xử lăng trì.

Việc Marchand và giáo dân tham gia cuộc nổi loạn Lê Văn Khôi “làm cho Minh Mạng thêm xác tín rằng các thừa sai đã đóng một vai trò trong việc gây rối loạn tại quốc gia do ông cai trị và thêm xác tín ở chủ trương ly khai của người Công giáo”(17).

Từ đó, Minh Mạng siết chặt hơn nữa việc cấm đạo. Tuy nhiên, các giáo sĩ và giáo dân vẫn bất chấp lệnh cấm, cố tình vi phạm pháp luật. Do đó một số bị bắt giam, một số khác bị xử tử. Giới Công giáo gọi vua Minh Mạng là “bạo chúa khát máu”, ví vua với Néron(18). “Song trong khoảng hai thập niên duới thời Minh Mạng, không hề diễn ra những cuộc tàn sát lớn đối với dân Công giáo... Số giáo dân bị chết... không nhiều đến mức có thể gọi là những cuộc tắm máu”(19) như một số sử gia Công giáo Pháp phóng đại, “chẳng thấm tháp gì... so với các giàn hỏa của Tòa án truy tà của Ki Tô giáo, các cuộc bách hại sau khi bãi bỏ Chiếu chỉ Nantes”(20).

Thấy dùng luật pháp không ngăn cấm được giáo sĩ, Minh Mạng cử một sứ bộ sang Pháp để thương thảo trực tiếp với Chính phủ Pháp một giải pháp hợp tình hợp lý. Phái đoàn đến Pháp tháng 11-1840. Hội truyền giáo nước ngoài Paris “giới thiệu Minh Mạng như kẻ thù của tôn giáo và đòi có sự can thiệp bằng quân sự”(21) chống Việt Nam. Từ La Mã, giáo hoàng Grégoire XVI đòi đuổi phái đoàn Việt Nam về nước. Trước sức ép của dư luận Công giáo, vua Louis Philippe không tiếp sứ bộ.

Sau khi vua Minh Mạng qua đời (21-1-1841), người kế vị là vua Thiệu Trị, một người có bản tính nhu hòa. “Dưới triều đại của ông, không xảy ra một vụ giết hại người châu Âu nào”(22). Ông thường “giơ cao” nhưng “đánh khẽ”. Chẳng hạn, năm 1841, 5 giáo sĩ Pháp vi phạm luật pháp, bị Tòa án tuyên án tử hình để làm gương cho kẻ khác, nhưng vua ra lệnh giải họ về kinh đô quản thúc, sau đó trao trả cho thiếu tá Hải quân Favin Lévêque trên tàu Héroine ở Ðà Nẵng (17-3-1843). Nhưng sau đó, trong hai năm 1844 và 1846, 2 trong 5 giáo sĩ ấy là Miche và Duclos lại lén trở lại Việt Nam. Nhưng người coi thường luật pháp Việt Nam nhiều nhất lúc đó là giám mục Dominique Lefèbvre. Ông này bị bắt (3-10-1844), bị kết án tử hình (1845) nhưng chỉ bị giam ở Huế, sau đó được trao trả cho Fortier du Plant, thuyền trưởng tàu Alcmène (12-6-1845). Tháng 4-1846, Lefèbvre lén trở lại Việt Nam, mang theo 1 giáo sĩ và 3 chủng sinh. Lại bị bắt, bị kết án tử hình lần thứ hai nhưng chỉ bị trục xuất. Thế nhưng ông ta lén trở lại Việt Nam một lần nữa, sống lẩn tránh ở Nam Kỳ. Khi Rigault de Genouilly đưa quân từ Ðà Nẵng vào Sài Gòn, Lefèbvre bí mật đến gặp viên tướng Pháp (15-2-1859). Nhờ những tin tức do ông cung cấp, de Genouilly tổ chức tấn công thành Gia Ðịnh ngày 17 và hạ thành vào ngày hôm sau.

“Tưởng Lefèbvre vẫn còn bị giam”(23), phía Pháp cử hai tàu Victorieuse (do trung tá Hải quân Rigault de Genouilly chỉ huy) và Gloire (do đại tá Hải quân Augustin de Lapierre chỉ huy) đến Ðà Nẵng trong hai ngày 17 và 23-3-1847 để yêu cầu thả Lefèbvre. Phía Việt Nam trả lời rằng Lefèbvre đã được vua Thiệu Trị phóng thích và trục xuất, nhưng họ không tin. “Nổi giận vì thái độ do dự của Triều đình Huế, hai chiến hạm pháo kích Đà Nẵng ngày 15-4 và phá hủy năm chiếc tàu Việt Nam”(24). Theo Philippe Devillers, vụ nổ súng này “làm cho 10.000 người [Việt Nam] chết”(25) (Trần Trọng Kim không nêu con số tổn thất nhân mạng này trong sách của ông).

Các sử gia bình luận: “Trận công phá đó đã ghi dấu bước đầu sự xung đột giữa Việt Nam và Pháp”(26). Nó “thực sự đã phá hết những cơ may cuối cùng của một cuộc hòa giải giữa nhà thờ Gia Tô giáo và triều nhà Nguyễn”(27). Theo linh mục Trương Bá Cần, “nó cũng dập tắt ý tưởng tốt đẹp dành cho Ki Tô giáo và phương Tây vừa manh nha trong suy nghĩ của Thiệu Trị”(28). Trước mối đe dọa ngoại xâm ngày càng rõ nét, vua tuyên bố trong một cuộc họp của Viện Cơ mật: “Ðạo Gia Tô là tà giáo, cái hại rồi đến bởi chuyện ngoài biên, mở đường chinh chiến”(29). Vì vậy, trước khi qua đời (4-1-1847), vua quyết định chọn hoàng tử thứ hai Hồng Nhậm (sau đó là vua Tự Ðức) để nối ngôi, loại bỏ người con cả Hồng Bảo vì “bị nghi ngờ quá dễ dãi đối với những người ngoại quốc và người Thiên Chúa giáo”(30).

Trong các dụ cấm đạo, vua Tự Ðức gọi giáo dân trong nước là “những kẻ ngu muội đáng thương... bị các thầy tu [người Âu] mê hoặc”, chỉ thị cho các quan “phải thương xót họ. Vì vậy, trong sự yêu mến nhân dân mình, nhà vua ra lệnh từ nay họ sẽ không bị tội chết, lưu đày hay giam cầm. Các quan sẽ chỉ trừng trị họ một cách nghiêm khắc rồi trả họ về cho gia đình của họ”. Khoan dung với giáo dân nhưng vua lên án “những thầy tu người Âu là những kẻ phạm tội nhất” vì họ “lén lút vào vương quốc [của] Trẫm, đi lại trong các tỉnh, lừa lọc và mê hoặc tâm trí của nhân dân”(31). Theo Philippe Devillers, “tối đại đa số các quan và các nhà Nho đều tán thành phải tăng cường hơn nữa các biện pháp chống những người Thiên Chúa giáo”(32).

Theo lời một quan chức của Triều đình Huế, “khi mới lên ngôi, vua Tự Ðức rất niềm nở [với giáo dân]; ngài cũng đã ra lệnh là đối với những vi phạm nhỏ, những tội nhỏ, các quan địa phương nên rộng lượng với họ. Nhưng những người Gia Tô, được hướng dẫn bởi những thừa sai, đã hỗn xược đến nỗi không cần biết gì đến uy quyền của các quan; họ nổi loạn công khai, tuyên bố rằng tín đồ Gia Tô không thể vâng lời các tín đồ của một tôn giáo khác; họ gây xáo trộn ở khắp nơi... và cứ như vậy, các thừa sai hoặc điều khiển, hoặc nhân danh mình, bao che các cuộc nổi loạn đó; họ lại còn xen vào các tổ chức bí mật chống vua, kể cả các tổ chức đốn mạt nhất”(33).

Một trong những cuộc nổi loạn đó do Hồng Bảo cầm đầu. Trong thư ngày 26-11-1848, giám mục Pellerin, đại diện tông tòa tại Bắc Ðàng Trong (tức ba tỉnh Bình - Trị - Thiên), viết: “Tôi biết rằng ông ta [tức Hồng Bảo] đã nhiều lần tìm cách lấy lại ngai vàng mà đáng lẽ ông đã được hưởng theo quyền thế tập, và ông đã muốn lôi kéo chủ yếu là giáo dân theo phe mình bằng cách hứa với họ chẳng những quyền tự do hành đạo mà cả sự ủng hộ của chính thế lực của ông để cải giáo toàn thể vương quốc theo đạo Thiên Chúa”(34).

Các nhà nghiên cứu cho biết: “Vị hoàng tử bất mãn này âm mưu chống đối và bí mật yêu cầu các thừa sai Pháp giúp đỡ qua sự trung gian của các giáo dân”(35); “Ðồng đảng của ông trao tiền trước cho các thừa sai hầu được sự trợ giúp của người Tây phương”(36).

Sau mấy năm chuẩn bị, Hồng Bảo định thực hiện âm mưu của mình trong dịp Tết Tân Hợi (cuối tháng 1-1851) nhưng bị bắt tại trận. Linh mục Galy kể: “Người ta tìm thấy nhiều vũ khí và lương thực đủ loại, nên không còn nghi ngờ gì nữa về những ý định của ông hoàng định giành ngôi”(37). Tòa án của Triều đình tuyên xử Hồng Bảo án lăng trì (tương tự hình phạt đối với giáo sĩ Marchand trong vụ nổi loạn nhằm lật đổ ngai vàng 16 năm trước), nhưng vua Tự Ðức nghĩ tình anh em, đã giảm án tử hình thành tù chung thân. Theo nhà sử học Nhật Bản Yoshiharu Tsuboi, “việc Hồng Bảo tìm sự ủng hộ của người Công giáo đã gây ra phản ứng dữ dội của Tự Ðức đối với các thừa sai và giáo dân: đối với chính quyền Tự Ðức, không còn nghi ngờ gì về sự thông đồng chính trị giữa Hồng Bảo và người Công giáo, và từ đó vua coi người Công giáo như một nhóm chủ yếu có tính chất chính trị và chống lại uy quyền của mình”(38).

Chưa hết, “giám mục Retord muốn đưa ra một ông vua theo đạo Thiên Chúa dưới sự bảo trợ của nước Pháp”(39). Người được chọn là Pierre (Phê-rô) Tạ Văn Phụng, từng được “nuôi dưỡng ở trụ sở của giáo hội tại Pinang”(40), “xuất hiện trước mắt các thừa sai như một người Công giáo xuất sắc nhất”(41), mạo xưng là hậu duệ của nhà Hậu Lê dưới cái tên giả Lê Duy Phụng. “Chính giám mục Retord đã khuyến khích Pierre Lê Duy Phụng cầm đầu phong trào nổi loạn chống Tự Ðức”(42).

Giám mục Pellerin nhận xét: sở dĩ vua Tự Ðức đẩy mạnh việc cấm đạo “chính là vì sợ những người Công giáo sẽ giúp cho Pháp chống Việt Nam”(43).

Chính phủ Pháp cử De Montigny sang Việt Nam để bàn việc ký một hiệp ước giữa hai nước. De Montigny cho tàu Catinat tới cảng Ðà Nẵng ngày 16-9-1856 để đưa thư. Khi thấy Việt Nam không trả lời thư, thuyền trưởng Lelieur de Ville-sur-Arc nã đại bác vào các đồn lũy và cho một toán 50 quân đổ bộ lên bờ cướp phá (26-9). Sau đó, tàu Capricieuse lại vào cảng Ðà Nẵng (24-10). Giám mục Pellerin ăn mặc giả lính, trốn xuống tàu. Mãi đến 23-1-1857, De Montigny mới tới Việt Nam. “Nước An Nam tuy có chấp nhận thảo luận về một hiệp ước thương mại và hàng hải, nhưng tuyệt đối từ chối đề cập đến vấn đề tự do tôn giáo là một lĩnh vực mà họ coi là thuộc chủ quyền của họ. Và sức ép từ bên ngoài, nhất là lại có kèm theo những đe dọa vũ trang, chỉ có thể làm kịch phát thêm sự chống đối và coi những người Thiên Chúa giáo là những tay chân của nước ngoài”(44). Thất bại, De Montigny rời Việt Nam ngày 7-2.

Ngày 22-4, vua Napoléon III thành lập Ủy ban Cochinchine(45) để xem xét vấn đề can thiệp vũ trang vào Việt Nam.

Về Pháp đầu tháng 5, giám mục Pellerin kêu gọi nước Pháp mở cuộc viễn chinh chống Việt Nam. Ông ra trình bày trước Ủy ban Cochinchine (16-5) rồi gửi cho ủy ban một bản điều trần chi tiết (21-5). Ông hai lần (21-5 và 30-8) gửi kiến nghị lên vua và được vua tiếp kiến. Tại Pháp, ý kiến của ông được tổng giám mục Bonnechose, linh mục Huc, linh mục Legrand de la Liraye... hưởng ứng. Ông còn qua La Mã để vận động Tòa thánh Vatican và được Giáo hoàng Pie IX ủng hộ.

Pellerin soạn ra một kế hoạch quân sự - chính trị để xâm chiếm Việt Nam. Ông khuyên “quân đội Pháp chọn Ðà Nẵng làm điểm nổ súng mở màn cho cuộc xâm lược, vì theo Pellerin, đó là vị trí dễ chiếm, khí hậu tốt, lương thực nhiều”(46). Sau khi chiếm Đà Nẵng, quân Pháp sẽ tiến ra Huế, “bắt giữ vua [Tự Đức] và để lại cho vua một quyền hữu danh vô thực”, buộc vua phải ký một hiệp ước thừa nhận “một sự chiếm đóng hay một nền bảo hộ của Pháp”(47).

Để thuyết phục mọi người chấp nhận kế hoạch trên, Pellerin quả quyết rằng việc đánh chiếm và cai trị Việt Nam sẽ diễn ra một cách dễ dàng, vì “dân chúng [Việt Nam] bị đè nén dưới sự áp bức của triều đình và quan lại Huế, sẽ đón tiếp người Pháp như những người giải phóng”(48) và “quốc gia An Nam [sẽ] chấp nhận một cách vui mừng sự bảo hộ”(49) của Pháp. Đặc biệt “600.000 con chiên [Việt Nam] sẽ giúp đỡ người Pháp”(50) trong cuộc tiến công này và “những thầy giảng [Việt Nam] - do các thừa sai [Pháp đào tạo] - biết phong tục tập quán và hầu như rành ngôn ngữ của chúng ta [tức tiếng Pháp], có khả năng trở thành nơi đào tạo để chúng ta tuyển những quan lại mới”(51) cho chế độ bảo hộ.

Để khuyến khích giới tư sản ủng hộ cuộc viễn chinh, Pellerin không quên đề cập đến những lợi ích kinh tế khi “nhấn mạnh trên khả năng trồng cà phê và khai thác mỏ vàng, mỏ than, mỏ đồng và mỏ sắt”(52) ở Việt Nam.

Linh mục Trần Tam Tỉnh gọi Pellerin là “người cổ vũ chủ chốt việc Pháp xâm chiếm Việt Nam”, bình luận rằng “chưa từng có luận điệu tuyên truyền tài tình, tinh vi đến mức ấy! Bọn tư sản gặp được nơi những lời khẳng định lặp đi lặp lại đó những cuộc viễn chinh dễ dàng như thế”(53).

Kế hoạch của Pellerin đưa ra trong bối cảnh “Anh chiếm trọn Ấn Độ đến tận Singapore (…), [còn] tàu bè của chúng ta [tức Pháp] hình như đang lang thang phiêu bạt khắp vùng Viễn Đông này”(54) vì Pháp chưa có thuộc địa trong khu vực này.

Tham vọng của giới Công giáo Pháp phù hợp với chính sách thực dân của nền Đế chế thứ II nên cuối cùng vua Napoléon III quyết định mở cuộc viễn chinh ở Việt Nam. Chuẩn đô đốc Rigault de Genouilly được giao quyền chỉ huy với nhiệm vụ “đánh chiếm vịnh biển và lãnh thổ Đà Nẵng” sau đó buộc chính phủ Việt Nam “thông qua một hiệp ước đi đến sự thừa nhận nền bảo hộ của nước Pháp”(55).

Pellerin không chỉ là người đề xuất kế hoạch, ông còn trực tiếp tham dự cuộc viễn chinh. Là người từng sống ở Việt Nam mười mấy năm, hiểu rõ tình hình mọi mặt của đất nước này, nên khi hạm đội Pháp nã đại bác vào cảng Đà Nẵng ngày 1-9-1858, ông có mặt bên cạnh Rigault de Genouilly như một cố vấn của viên chuẩn đô đốc.

THAY LỜI KẾT

Một học giả viết: “Các giáo sĩ thừa sai và nhà cai trị thuộc địa đã liên kết nhau trong một nỗ lực chung biến Việt Nam thành một mảnh đất [của] Pháp và Gia Tô giáo ở Viễn Đông... Vấn đề thuộc địa và vấn đề tôn giáo dính liền nhau, không thể tách rời được… [Cho nên] viết về lịch sử chiếm thuộc địa của người Pháp tại Việt Nam mà né tránh vai trò của các thừa sai là không viết gì cả… Nếu sự khôn ngoan khuyên hãy nên dè dặt, thì trái lại lòng yêu khoa học thúc đẩy nói lên sự thật”(56).

Vâng, chính lòng yêu khoa học khiến chúng ta không hài lòng với kết luận của sử gia Trần Trọng Kim (“Ấy cũng tại vua quan mình làm điều trái đạo, giết hại những người theo đạo Gia Tô nên mới có tai biến như vậy”(57)) và tìm hiểu đâu là nguyên nhân thực sự của việc Pháp đánh chiếm Đà Nẵng năm 1858.

GS Cao Huy Thuần giải thích: “Bành trướng thuộc địa hồi thế kỷ 19 có lý do chủ yếu là kinh tế (tìm thị trường cho kỹ nghệ đang mở mang) hoặc chính trị (không để cho một nước Âu châu khác nhanh chân hơn chiếm trước)”(58) [người trích in nghiêng]. Charles Gosselin, đại úy trong đạo quân viễn chinh Pháp ở Việt Nam, viết cụ thể hơn: “[Nước Pháp] bị mất Ấn Độ trong thế kỷ 18, địch thủ miên viễn của ta là nước Anh ngày càng bành trướng nhanh ở Viễn Đông, [điều đó] bắt buộc ta phải có chỗ đứng ở biển Đông, nếu không sẽ bị mất hết, nếu không sẽ bị rơi vào tình trạng thấp hèn đáng khinh bỉ”(59).

Tuy nhiên, nhiều sử gia Pháp muốn che đậy bản chất xâm lược thực dân của cuộc viễn chinh năm 1858, nên tìm cách đánh lừa dư luận ở Pháp, như Gosselin đã chỉ ra: “Đồng bào ta [tức người Pháp] không thông hiểu lịch sử, cho rằng nước Pháp đã bị lôi kéo can thiệp vào nước Nam chỉ vì muốn hỗ trợ các giáo sĩ hay muốn trả đũa những hành động gây hấn đối với họ và sự tàn sát đạo Thiên Chúa. Thực ra, những giáo sĩ chỉ là cái cớ [người trích in nghiêng] để chúng ta tấn công nước Nam”(60).

Đến lượt một số sử gia Việt Nam được đào tạo dưới mái trường của Pháp tiếp tục sử dụng cách lập luận lừa dối đó của các đồng nghiệp Pháp nói trên. Họ không biết rằng, ngay từ nửa sau thế kỷ 19, linh mục Đặng Đức Tuấn (1806-1874) đã vạch rõ: “Nay bọn giặc Tây Dương xâm phạm nước ta, lại mượn câu ‘xin bỏ lệnh cấm đạo’ làm danh nghĩa. Chẳng qua bọn nó mượn điều này để lừa gạt công luận của thiên hạ mà thôi. Nhưng xét những việc chúng làm thì đều là cậy sức mạnh hung tàn, ngang dọc lung tung, há người theo đạo Thiên Chúa lại có thể coi bọn đó là đồng tâm, đồng đạo? Chính lý phải coi bọn đó là cừu thù, xông ra ngoài cõi chiến trường, sửa sang giáo mác súng đạn, thề cùng bọn đó không đội trời chung, bay còn thì tao mất, bay mất thì tao còn. Có đánh tan được bọn giặc Pháp thì cái lòng căm giận của người anh hùng mới tiêu tan, đâu lại có thể phản bội nước mình mà làm nội ứng cho bọn đó được sao?”(61).

Ngay như các giáo sĩ Pháp cũng thừa nhận vai trò của giáo sĩ và giáo dân trong việc Pháp xâm chiếm và thống trị Việt Nam: “Người Công giáo… là bạn bè của người ngoại quốc, là kẻ phản bội và phản nghịch, từng kêu gọi quân xâm lăng đến chiếm lĩnh nước mình (linh mục Louvet)(62), “Nếu không có thừa sai và giáo dân thì người Pháp khác nào như những con cua đã bị bẻ hết càng” (giám mục Puginier)(63).

Nhiều sử gia đã đưa ra những nhận định trung thực:

Giáo sĩ thừa sai và giáo dân “là kẻ phục vụ cho lợi ích của nước Pháp, vì giáo sĩ thừa sai không chỉ là linh mục, mà còn là kẻ thừa hành cho cuộc chiếm đóng, vì giáo dân không chỉ là tín đồ, mà còn là kẻ phản bội đối với Tổ quốc mình” (Étienne Võ Đức Hạnh)(64).

“Người ta không thể phủ nhận vai trò của các giáo sĩ trong việc Việt Nam mất độc lập và việc Pháp đã xâm chiếm Việt Nam làm thuộc địa… Chúng ta đã thấy các giáo sĩ xúi giục nhân dân nổi loạn và thường xuyên ngấm ngầm phá hoại chính quyền nhà Nguyễn, làm cho nó sớm bị sụp đổ, để giúp cho công cuộc xâm lăng của quân Pháp được dễ dàng” (Nguyễn Xuân Thọ)(65).

“Thiên Chúa giáo đã mở cửa cho quân đội Pháp và đã là nguyên nhân trực tiếp của cuộc xâm lược đất nước này” (Georges Coulet)(66).

Ngày càng có nhiều sử gia Việt Nam có những đánh giá khách quan hơn chính sách đối với Công giáo của các vua đầu nhà Nguyễn:

Các giáo sĩ “mở đường cho Pháp tới chiếm Việt Nam. Do đó mà khá nhiều linh mục đã bị kết án, không phải vì họ truyền giáo, mà vì bị cáo buộc làm gián điệp và âm mưu gây mất trật tự xã hội… Ước muốn duy trì sự thống nhất luân lý và chính trị đã thúc đẩy nhà vua và triều đình ban các sắc chỉ cấm đạo” (Lê Thành Khôi)(67).

“Triều đình vẫn duy trì chính sách cấm ngặt Thiên Chúa giáo. Điều này có thể hiểu được, vì… đằng sau nó là mối đe dọa thường trực của một cuộc xâm lược vũ trang, cụ thể là sự xâm lược của thực dân Pháp đang tới gần” (Nguyễn Văn Kiệm)(68).

Cấm đạo “sự thực chỉ là những biện pháp tự vệ mà mọi nước bị ngoại xâm và nội loạn đe dọa đều bị buộc phải dùng đến, nếu nó không muốn nhận chịu nguy cơ sụp đổ” (Cao Huy Thuần)(69).

“Nếu chúng ta tự đặt mình vào địa vị của các vị vua ấy và vào cái khung cảnh tâm lý thời đó thì có lẽ chúng ta khó có thể làm khác hơn” (Lý Chánh Trung)(70).

Trước những kết luận đó, cách lập luận của tác giả Việt Nam sử lược trong tiết “Quân Pháp đánh Đà Nẵng” (không những không lên án tội ác xâm lược của thực dân Pháp, mà ngược lại còn lớn tiếng phê phán vua quan Việt Nam “làm điều tàn ác”, “làm điều trái đạo”) trở nên lạc lõng.

 

_____

(1), (22), (25), (27), (30), (31), (32), (44), (49) Philippe Devillers, Người Pháp và người An Nam: bạn hay thù (Ngô Văn Quỹ dịch), NXB Tổng hợp TP.HCM, 2006.

(2), (4), (17), (21), (67) Lê Thành Khôi, Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ 20 (Nguyễn Nghị dịch), NXB Thế giới, Hà Nội, 2014.

(3), (5), (55), (65) Nguyễn Xuân Thọ, Bước mở đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam 1858-1897, Tác giả xuất bản, Saint Raphael, 1994.

(6), (57) Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Trung tâm Học liệu xuất bản, Sài Gòn, 1971, quyển II.

(7) Louis Eugène Louvet, La Cochinchine religieuse, trích dẫn bởi Nguyễn Phan Quang, Lê Văn Khôi và sự biến thành Phiên An 1833-1835, NXB Văn học, Hà Nội, 2002.

(8) Trước khi cuộc nổi loạn bắt đầu, Taberd cùng một số giáo sĩ Pháp rút sang Chantaboum (Xiêm). Sau khi cuộc nổi loạn thất bại, Taberd không dám quay về Nam Kỳ nữa, sang Singapore rồi Bengale, đến ngày 31-7-1840 thì chết ở Calcutta (Ấn Ðộ).

(9), (15) Georges Taboulet, La geste française en Indochine, tập I, NXB Adrien Maisonneuve, Paris, 1955.

(10) Thư ngày 23-9-1833 gửi giáo sĩ Régéreau, trích dẫn bởi Nguyễn Phan Quang, sđd.

(11) M. Gaultier, Minh Mạng, trích dẫn bởi Nguyễn Phan Quang, sđd.

(12) P.J. Silvestre, L’insurrection de Gia Dinh - La révolte de Khoi, trích dẫn bởi Nguyễn Phan Quang, sđd.

(13) Constantin là hoàng đế La Mã đầu tiên theo đạo Thiên Chúa, trị vì từ năm 306 đến 337.

(14) Phái đoàn gồm 23 tín đồ Công giáo, trong đó có 15 người Pháp. Tất cả đều bị chặn bắt ngoài khơi Hà Tiên.

(16) Nguyễn Phan Quang, sđd.

(18) Néron là hoàng đế La Mã, cai trị từ năm 54 đến năm 68, tàn sát nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo.

(19), (68) Nguyễn Văn Kiệm, Góp phần tìm hiểu một số vấn đề lịch sử cận đại Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003.

(20) Tòa án truy tà (còn gọi là Tòa án dị giáo): do Giáo hội Công giáo lập ra để kết án những người có ý kiến khác với giáo lý Công giáo. Các nạn nhân thường bị tra khảo dã man, bị giết hay bị đưa lên giàn hỏa. Ðiển hình là nhà toán học - thiên văn học nổi tiếng Giordano Bruno (1548-1600) bị tòa án này thiêu sống.

Chiếu chỉ Nantes: Trong thế kỷ 16, nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo tách khỏi Giáo hội Công giáo, lập ra đạo Tin Lành. Nhiều tín đồ của giáo phái mới này bị giết (riêng tại Paris, từ ngày 24-8 đến 17-9-1572, có khoảng 20.000 người bị tàn sát), nhiều người khác phải chạy trốn ra nước ngoài. Ngày 13-4-1598, vua Henri IV ban hành Chiếu chỉ tại Nantes cho phép người Pháp tự do theo đạo Tin Lành. Nhưng từ năm 1621, tín đồ Tin Lành bị khủng bố trở lại. Đến năm 1685, vua Louis XIV bãi bỏ Chiếu chỉ Nantes, ấn định Công giáo là tôn giáo duy nhất ở Pháp. Tín đồ Tin Lành lại bị bách hại khiến khoảng 1 triệu người phải lưu vong sang các nước khác.

(23), (24), (26), (34), (35), (37), (38), (39), (40), (41), (42), (43) Yoshiharu Tsuboi, Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (Nguyễn Đình Đầu và nnk dịch), Ban Khoa học xã hội Thành ủy TP.HCM, 1990.

(28) Trương Bá Cần, Hoạt động ngoại giao của nước Pháp nhằm củng cố cơ sở tại Nam Kỳ 1862-1874, NXB Thế Giới, Hà Nội, 2011.

(29) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục chính biên, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tập XXVI.

(33), (36), (47), (48), (50), (51), (52), (56), (58) Cao Huy Thuần, Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam 1857-1914 (Nguyễn Thuận dịch), NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2014.

(45) Trước năm 1802, từ Cochinchine chỉ Đàng Trong hay Nam Hà. Sau 1802, người Pháp tiếp tục dùng (một cách không chính xác) từ này để chỉ nước Việt Nam thống nhất.

(46) Nhiều tác giả, Một số vấn đề lịch sử đạo Thiên Chúa trong lịch sử dân tộc Việt Nam, Viện Khoa học xã hội và Ủy ban Tôn giáo TP.Hồ Chí Minh xuất bản, 1988.

(53) Trần Tam Tỉnh, Thập giá và lưỡi gươm (Vương Đình Bích dịch), NXB Trẻ, TP.HCM, 1988.

(54) Trích thư của linh mục Legrand de la Liraye gửi vua Napoléon III (tháng 12-1857), trích dẫn bởi Cao Huy Thuần, sđd.

(59), (60) Charles Gosselin, L’Empire d’Annam, trích dẫn bởi Thụy Khuê, Vua Gia Long & người Pháp, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2017.

(61) Nhiều tác giả, Vấn đề phong thánh tử đạo và lịch sử dân tộc Việt Nam, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam và Ban Tôn giáo của Chính phủ xuất bản, Hà Nội, 1988.

(62) Louis Eugène Louvet, La Cochinchine religieuse, trích dẫn bởi Yoshiharu Tsuboi, sđd.

(63) Louis Eugène Louvet, Vie de Mgr Puginier, trích dẫn bởi Yoshiharu Tsuboi, sđd.

(64) Étienne Võ Đức Hạnh, La place du Catholicisme dans les relations entre la France et le Vietnam de 1851 à 1870, trích dẫn bởi Nguyễn Văn Kiệm, Sự du nhập của Thiên Chúa giáo vào Việt Nam từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam xuất bản, Hà Nội, 2001.

(66) Georges Coulet, Cultes et religions de l’Indochine annamite, trích dẫn bởi Nguyễn Văn Kiệm, sđd.

(69) Cao Huy Thuần, Đạo Thiên Chúa và chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam, NXB Hương Quê, Los Angeles, 1988.

(70) Lý Chánh Trung, Tôn giáo và dân tộc, NXB Lửa thiêng, Sài Gòn, 1973.

TS PHAN VĂN HOÀNG