Đúng, nếu chúng ta nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tiêu cực bằng những hình ảnh tiêu cực như trên thì việc xây một nhà hát giao hưởng ngay tại Thủ Thiêm, nơi vừa xảy ra những vụ khiếu kiện lớn, dân bị mất đất phải sống màn trời chiếu đất, phải khóc hận suốt 20 năm nay, thì quả đó là một điều khó hiểu. Và mạng xã hội đã cho chúng ta thấy sức mạnh ghê gớm của nó. Chỉ cần một lời nói không thuận hay trái chiều với những gì mạng tung ra thì lập tức nhân vật đó bị vùi dập không thương tiếc. Đó chính là trường hợp của Mỹ Linh. Cô ca sĩ này đã viết trên Facebook của mình: “Ngày xưa nhà mình thiếu đói quanh năm, gạo ăn đong từng bữa mà đến kỳ lương mẹ vẫn mua hoa về cắm, lọ hoa bé giản dị thôi mà nó ngời lên. Cả góc nhà hy vọng, Tết thiếu miếng thịt nhưng chả thiếu cành đào đón xuân, tất thảy chỉ vì yêu cái đẹp thôi. Ai dám phán xét người nghèo không có cái quyền yêu cái đẹp?”. Không chỉ ném đá, mắng chửi không thương tiếc, cả thương hiệu gốm sứ Minh Long, niềm tự hào của người Việt, cũng bị kêu gọi tẩy chay vì Mỹ Linh là hình ảnh đại diện…
Thiên thời, địa lợi, nhưng nhân chưa hòa. Vì không cần dân biết…
Sau cơn bão phản đối dữ dội này, thành phố mới có thông tin đến dân về dự án 20 năm xây dựng nhà hát. Mà những thông tin này có gì mà không công khai trước dân để “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”? Điều đó chứng tỏ lâu nay câu khẩu hiệu này chỉ là chữ viết trên giấy mà không hề được thực thi. Bởi vì gần như khi thông qua đề án xây dựng nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm, các cấp lãnh đạo thành phố đã không hề quan tâm đến cảm nhận của người dân thành phố khi “đại án” Thủ Thiêm vẫn còn chưa được giải quyết rõ ràng, công khai và minh bạch. Những hình ảnh người dân Thủ Thiêm với những gương mặt khắc khổ, những giọt nước mắt 20 năm khiếu kiện khi tiếp xúc với bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP.HCM và ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, vẫn còn in đọng trong lòng người dân thành phố như một vết cắt khó phai, thì bỗng nhiên cái đề án nghìn tỉ rơi đúng vào nơi vết thương còn ứ máu ấy, bảo làm sao lòng dân không dậy sóng. Và đó cũng đúng là “thiên thời” cho mạng xã hội áp đảo mọi thông tin chính thống khác.
Đáng ra, trước khi đưa thông tin về việc HĐND biểu quyết thông qua đề án xây dựng nhà hát giao hưởng ở Thủ Thiêm, động thái đầu tiên của lãnh đạo thành phố là phải có thông tin đầy đủ cho người dân về quá trình xây dựng nhà hát này để dân hiểu rõ tiến trình dự án. Bởi đây không phải là công trình mới mà ngay từ năm 1999, TP.Hồ Chí Minh đã chủ trương cho phép xây dựng nhà hát ở số 23 Lê Duẩn, quận 1, nhưng do diện tích quá hẹp nên năm 2009 dự án nhà hát chuyển về công viên 23-9. Mãi đến 2016 mới quyết định chuyển dự án nhà hát từ công viên 23-9 về Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đến tháng 5-2017, UBND TP.HCM bán khu đất 23 Lê Duẩn với giá 1.430 tỉ đồng để lấy kinh phí đầu tư cho dự án xây dựng nhà hát.
Ở đây, vấn đề quan trọng nhất là phải nói rõ, tiền đầu tư nhà hát là bán từ khu đất 23 Lê Duẩn, quận 1, nơi lẽ ra sẽ xây dựng nhà hát trên đất ấy. Và mới đây, trong Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM lần thứ 18 (ngày 16-10-2018) ông Nguyễn Thiện Nhân đã nói rõ vấn đề đền bù cho dân Thủ Thiêm là lấy từ ngân sách, đây là hai chuyện khác nhau, không phải vì xây dựng nhà hát mà không có tiền đền bù cho dân. Cũng cần nói thêm, trong Quyết định số 3165 về phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị Thủ Thiêm tỷ lệ 1/2000 ngày 19-6-2012, UBND TP.HCM đã quy hoạch các khu chức năng; không gian thiết kế cảnh quan và kiến trúc đô thị; trong đó có trung tâm hội nghị triển lãm, công viên bờ sông, trung tâm tài chính, nhà bảo tàng, Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP.HCM, trường học, trung tâm sinh hoạt cộng đồng, bệnh viện và các công trình dân sinh khác. Nghĩa là nhà hát chỉ là một trong những công trình cần xây dựng ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Chiều 11-10, bên lề hội thảo Quản lý đô thị trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết Thủ tướng vừa đồng ý cho phép thành phố xây 3 bệnh viện, đặt tại huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi và quận Thủ Đức với tổng mức đầu tư 5.664 tỉ đồng. Vốn đầu tư xây dựng sẽ từ ngân sách của thành phố. Tổng mức đầu tư của Bệnh viện đa khoa khu vực Thủ Đức là 1.915 tỉ, Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn là 1.895 tỉ, và Bệnh viện đa khoa khu vực Củ Chi là 1.854 tỉ. Cả ba sẽ cùng có khu khám điều trị ngoại trú, khu cận lâm sàng và chẩn đoán y khoa, khu hành chính hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ đảm bảo công suất quy mô 1.000 giường, khu điều trị nội trú 500 giường bệnh. Ba dự án xây dựng bệnh viện này sẽ bắt đầu khởi công từ năm 2018, đến năm 2023 đưa vào khai thác sử dụng.
Nhưng tất cả những thông tin này không hề được hé lộ trước khi đề án xây dựng nhà hát được thông qua. Chỉ khi dân thắc mắc, và mạng xã hội tung bao nhiêu tin thất thiệt thì các vị có chức trách mới thông tin: Trong 5 năm nay, thành phố đã đầu tư xây trường học là 22.094,841 tỉ đồng, đầu tư xây bệnh viện là 12.538,591 tỉ đồng, tổng đầu tư cho giáo dục và y tế là 34.633,433 tỉ đồng; trong khi dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP.HCM chỉ hơn 1.500 tỉ đồng, cũng không phải là tiền lấy từ ngân sách.
Nỗi lòng nghệ sĩ, những người trong cuộc
Vậy lâu nay Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP.HCM nằm ở đâu? Nhà hát hiện nay đang trong điều kiện vô cùng khó khăn như kẻ du mục không nhà. NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc nhà hát cho biết, hiện khối văn phòng của nhà hát trụ ở tầng hầm Nhà hát TP.HCM, đoàn vũ kịch đang thuê hội trường của Thư viện Khoa học tổng hợp (quận 1) để tập, giao hưởng và hợp xướng thì tập ở rạp Thanh Vân (quận 3) sau khi rạp cải tạo lại. Theo đó, mỗi lần có đoàn nước ngoài đến diễn hay dựng những vở lớn cần tập chung giao hưởng, nhạc kịch và vũ kịch thì hàng trăm con người lại cùng “chui rúc” tập tành chật chội ở rạp Thanh Vân.
Ngoài ra, con số 900 triệu đồng mỗi năm chỉ dành riêng cho việc thuê mướn điểm diễn và điểm tập luyện của nhà hát là không hề nhỏ.
Dù nỗ lực để xây dựng thương hiệu và tiếp cận khán giả nhưng theo ông, rất nhiều khó khăn đang cản trở bước phát triển của đơn vị. Trong đó, việc không có sân khấu riêng là trở ngại lớn nhất cho dàn dựng, tập luyện và biểu diễn những tác phẩm lớn của nhà hát. Hiện nay, 3 đoàn nghệ thuật của nhà hát phải tập riêng lẻ, không có điều kiện tập chung, chạy chương trình trước khi biểu diễn. Những chương trình có 2 hay 3 đoàn cùng tham gia, các nghệ sĩ cần được tập dượt nhiều lần trong bối cảnh sân khấu thật để đạt đến sự chỉn chu nhưng chưa bao giờ làm được. Vì phải thuê sân khấu nên nghệ sĩ chỉ ráp nối trên sân khấu 1 hoặc 2 lần trước khi biểu diễn, rất khó khăn trong việc nâng tầm chất lượng nghệ thuật.
Rạp Thanh Vân cũ được sửa thành phòng tập cho đoàn giao hưởng và đoàn vũ kịch sử dụng từ nhiều năm nay. Do quá xuống cấp nên năm nào rạp cũng bị dột mỗi khi mưa, ảnh hưởng đến kho nhạc cụ có giá trị rất lớn và điều kiện tập luyện của diễn viên. Đoàn vũ kịch phải thuê địa điểm tập tại trụ sở Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật TP.HCM.
Nhà hát mới khi được xây dựng hoàn thiện sẽ không chỉ dùng cho giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch mà còn để cho các loại hình nghệ thuật khác vào biểu diễn, như: cải lương, hát bội, âm nhạc dân tộc, múa dân gian dân tộc, xiếc, rối…
Tất cả loại hình nghệ thuật hiện có tại TP.Hồ Chí Minh đều có thể hoạt động tổ chức biểu diễn tại nhà hát mới, cùng khai thác một sân khấu đủ tầm, đủ chuẩn, hiện đại, quy mô, đáp ứng tốt cho sự sáng tạo nghệ thuật của các nghệ sĩ. Nhà hát mới chính là bệ phóng cho các bộ môn nghệ thuật của thành phố được thăng hoa, được tôn vinh. Ở chương trình “Giai điệu mùa thu” 2017 đã có 200 nghệ sĩ biểu diễn trong “đại tiệc”. Họ đến với chương trình nghệ thuật này từ Đức, Mỹ, Nga, Macedonia, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng với Việt Nam chung tay làm nên chương trình nghệ thuật hàn lâm lớn nhất Sài Gòn.
Vấn đề chính là niềm tin
Các nghệ sĩ đang rất mừng và tin rằng trong vòng 5 năm tới mình sẽ có một mái nhà để phát huy hết công suất làm việc, có một chỗ để đón chào các đoàn nghệ thuật quốc tế đến trình diễn tại TP.Hồ Chí Minh. Nhưng cũng không ít người lo ngại khi nhìn những vết xe đổ trước. Một nhà hát Nghệ thuật cải lương Trần Hữu Trang thành phố xây dựng mất 132 tỉ, nhưng do chất lượng thi công kém với nhiều lỗi thiết kế, không phù hợp với nhu cầu của một sàn diễn cải lương chuyên nghiệp, đến nay Nhà hát Nghệ thuật cải lương Trần Hữu Trang hoạt động cầm chừng, không mấy khi sáng đèn đã gây nhiều bức xúc trong nghệ sĩ và dư luận suốt thời gian qua. Vì thế với 1.500 tỉ xây dựng một nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch cho một thành phố trên 10 triệu dân không phải là điều khó thực hiện. Nhưng vấn đề ở đây chính là niềm tin. Khi niềm tin đã mất, khi nhìn thấy vết xe đổ trước, khi vùng đất xây dựng đang còn tràn ngập nước mắt của dân Thủ Thiêm thì sự phản ứng của nhân dân là điều dễ hiểu…
Mặc dù hiểu quá trình của dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đã kéo dài 20 năm, và xét vấn đề ở nhiều góc độ, nhưng chúng tôi vẫn cho rằng không nên xây nhà hát trong lúc này.
* * *
GS-TS Nguyễn Văn Nam:
“Phải bình tĩnh đừng để trắng đen lẫn lộn, những gì thuộc về tinh hoa của nhân loại thì ta phải hướng đến để xã hội tiến bộ... Ông cha chúng ta cũng từng tiếp thu nền văn minh tiến bộ của nhân loại, chứ đâu để cho chúng ta cứ mãi chịu cảnh thắp đèn dầu, đi xe bò xe ngựa... Chúng ta phải tiếp thu kế thừa truyền thống của ông cha chứ? Tiêu cực ở thành phần nào, lĩnh vực nào, người nào thì cứ tiêu diệt tới nơi..., không nên đánh đồng chụp mũ.
Nhưng giới chuyên gia, giới chuyên môn lại im lặng?
Nhiều vị lại hô hào tự xưng hàng đầu lĩnh vực này lĩnh vực kia, dẫn dắt dư luận lạc lối nghiêm trọng, đi ngược với chiều hướng tiến bộ. Nhiều ông bà phát biểu là chỉ ưu tiên phát triển văn hóa truyền thống. Với tôi như vậy là bảo thủ. Tôi xin lỗi một tiếng thật to, mong đến tai những người phát biểu đó, 9 bản giao hưởng của tôi đều mang hơi thở dân tộc. Tác phẩm của tôi viết bao giờ cũng có nhạc cụ dân tộc, các làn điệu âm nhạc dân gian của ba miền, ngay cả làn điệu ru con... Tôi từng tham gia các Hội đồng chấm thi, chấm giải thưởng thể loại âm nhạc giao hưởng - thính phòng, bao giờ tôi cũng ưu tiên cho tác phẩm giàu tính dân tộc. Tôi tin đồng nghiệp của tôi cũng vậy.
Nhiều anh em nghệ sĩ tài năng ở thành phố này, họ đi diễn khắp nơi trên thế giới, họ từng đứng trên nhiều dàn nhạc giao hưởng lớn, nhiều nhà hát nổi tiếng trên thế giới. Khi về lại thành phố này, họ âm thầm lặng lẽ, không có nơi để tập luyện, biểu diễn trong nhà hát thuê không đạt tính năng cho một dàn nhạc giao hưởng, nhưng họ vẫn kiên trì hy vọng vào tương lai. Họ không kêu than, vì họ đã ra “bên ngoài”, họ mong Tổ quốc mình cũng được như người ta. Họ lao động miệt mài như con ong dâng mật ngọt cho đời... và chờ đợi lãnh đạo thành phố.
Lĩnh vực khí nhạc dân tộc Việt Nam đã có hàng nghìn năm lịch sử, dàn nhạc giao hưởng xuất hiện ở Việt Nam hơn nửa thế kỷ rồi, chứ không còn non trẻ đâu. Một thành phố lớn, phát triển hàng đầu của cả nước mà không có được nhà hát, dàn nhạc giao hưởng phải “ăn nhờ ở đậu” để phục vụ công chúng trong nước và ngoài nước là một thiệt thòi cho đất nước ta. Lãnh đạo thành phố cứ hẹn lần, một dự án 20 năm trời mới vừa được cất lời đồng ý... thì xảy ra như mấy ngày qua? Buồn!!”.