Trong công trình biên khảo của mình, khi tóm tắt về tiểu sử, hành trạng của Nguyễn Công Trứ, đoạn nói về những năm tháng cuối đời của cụ, GS Lê Thước đã có sơ suất, mâu thuẫn nhưng hình như ít người để ý. Đoạn ấy như sau: “Năm thứ 11 (1858), nhân trong nước có việc ngoại hoạn [tức là bị phương Tây xâm lược - PQA], các quan tỉnh thần là ông Võ Trọng Bình, ông Lê Bá Thận thường tới nhà hỏi han cơ lược. Cụ lại thường cùng với quan tỉnh đi xem xét hình thế các cửa bể để thiết lập đồn bảo mà giữ các nơi hiểm yếu ở về hải phận.
Năm Tự Đức thứ 12, người Pháp Lan Tây và Tây Ban Nha đến đánh Đà Nẵng và lấy đất Nam Kỳ. Các quan trong triều đều dâng sớ cử cụ đi đánh...
Đến tháng mười một (tháng một) năm ấy [năm Tự Đức thứ 12 - PQA], nhằm ngày 14 giờ Sửu (7 Decembre 1858) cụ mất tại chính quán là làng Uy Viễn. Hưởng thọ 80 tuổi”(1).
Có thể khẳng định rằng, với vị thế vừa là nhà Hán học uyên thâm vừa là một học giả được tiếp thu khá sâu sắc nền tân học và có thâm niên nhiều năm làm công tác sưu khảo lại là người đồng châu, đồng quận với Uy Viễn tướng công, GS Lê Thước là người có điều kiện thuận lợi nhất để tiếp cận với những tài liệu cần thiết liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Công Trứ của dòng họ Nguyễn làng Uy Viễn. Vì thế, những thông tin về tiểu sử, hành trạng của Nguyễn Công Trứ trong quyển sách của mình, Lê Thước không thể không tham khảo từ Gia phả. Ngay đoạn trích trên (mặc dù chúng tôi đã lược đi khá nhiều câu) đã cho thấy sự tương đồng về thông tin giữa tác giả và Gia phả.
Trong đoạn trích nói trên, mở đầu, tác giả đã nói đến sự kiện năm Tự Đức thứ 11 (1858), trong nước có việc ngoại hạn, tức là sự kiện liên quân Pháp và Tây Ban Nha tấn công Đà Nẵng; đến đoạn tiếp theo, tác giả viết: “Năm Tự Đức thứ 12, người Pháp Lan Tây và Tây Ban Nha đến đánh Đà Nẵng và lấy đất Nam Kỳ. Các quan trong triều đều dâng sớ cử cụ đi đánh…”. Nêu sự kiện như vậy là chính xác về mặt sử liệu: vì, ngày 3-8-1858 Pháp tấn công Đà Nẵng, đến ngày 2-2-1859 thì kết thúc chiến dịch vì không thể đánh chiếm được; liền đó, ngày 18-2-1859, quân Pháp tiến vào Nam và đánh chiếm thành Gia Định. Nhưng không hiểu tại sao, sau đó GS Lê Thước lại viết “Đến tháng mười một (…) năm ấy, nhằm ngày 14 giờ Sửu (7 Decembre 1858) cụ mất tại chính quán là làng Uy Viễn. Hưởng thọ 80 tuổi”. Theo mạch lạc, logic của đoạn văn thì khi đã viết “đến tháng mười một năm ấy” tất phải hiểu “năm ấy” là năm Tự Đức thứ 12, tức là năm 1859. Thế nhưng tác giả lại sơ suất mở ngoặc đơn chua là “7 Decembre 1858” (ngày 7 tháng 12 năm 1858). Vả lại, nếu mất vào ngày 7 tháng 12 năm 1858 thì đổi ra âm lịch là ngày 3 tháng 11 năm Mậu Ngọ (1858), chứ không phải là ngày 14 tháng 11 cùng năm.
Cuốn sách ra đời từ năm 1828 đến nay đã 90 năm, nhưng sự sơ suất dễ thấy nói trên đã không được một ai trực tiếp chỉ ra và cứ thế “dĩ ngoa truyền ngoa”. Tuy không có người chỉ ra sự sai lầm, mâu thuẫn của GS Lê Thước nhưng không phải không có người đính chính, bàn luận về thời điểm từ trần của Uy Viễn tướng công.
Trước hết, từ năm 1934, trong sách Văn đàn bảo giám (Nam Ký thư quán xuất bản, Hà Nội, 1934), trang 19, Trần Trung Viên ghi năm Nguyễn Công Trứ mất là 1859 nhưng không nêu căn cứ. Đến năm 1943, Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố nhân phê bình quyển Thi văn bình chú của Ngô Tất Tố đã viện dẫn Đại Nam chính biên liệt truyện (quyển 20) để khẳng định rằng Nguyễn Công Trứ mất năm 1859: “Năm Tự Đức thứ 12 (1859), vì có việc binh cách, vua xuống chỉ dùng ông; ông trần tình là già yếu không kham nổi, vua ý cho. Năm ấy ông mất, thọ 82 tuổi”(2). Nếu ông mất năm 1859 thì tính đúng là 81 tuổi, còn tính cả tuổi bà mụ là 82 tuổi. Tuy nhà thư tịch học Nguyễn Văn Tố đã viện dẫn tài liệu của Quốc sử quán nhà Nguyễn nhưng về sau đó cũng rất ít người theo để cải chính.
Mãi đến năm 1959, nhân ngày giỗ của Nguyễn Công Trứ, ông Nguyễn Công Huân, một trong những hậu duệ của cụ Thượng Trứ, đã viết: “Một thế kỷ một năm qua, hôm nay ngày 14 tháng 11 âm lịch nhằm ngày 13-12-1959 lại đã đến húy nhựt của Cụ Nguyễn Công Trứ mất ngày 14 tháng 11 năm Mậu Ngọ Tự - Đức thứ 12 hồi 3 giờ sáng tại chánh quán làng Uy-viễn, hưởng thọ 82 tuổi”(3). Ông Huân đưa ra thông tin như vậy nhưng không nêu căn cứ. Tuy nhiên, thông tin của ông có chỗ nhầm lẫn. Năm Mậu Ngọ mà ông nói là năm 1858, nhưng năm Tự Đức thứ 12 thì phải là năm 1859, và mất năm 1859 thì mới có thể nói là cụ Nguyễn hưởng thọ 82 tuổi (tuổi bà mụ).
Mấy năm sau, trong sách Việt Nam ca trù biên khảo (xuất bản tại Sài Gòn, 1962), ở chương 11 “Tiểu truyện tác giả” (trang 620), Đỗ Bằng Đoàn và Đỗ Trọng Huề chép năm mất của Nguyễn Công Trứ là 1859 và cũng không nói rõ là chép theo tài liệu nào. 22 năm sau, trong bài viết Những điểm sai lầm về Nguyễn Công Trứ đăng trên Văn học số 52 (Sài Gòn, ngày 15-12-1965), ông Nguyễn Quảng Tuân lại viện dẫn sách Đại Nam chính biên liệt truyện (có trích lại đoạn Nguyễn Văn Tố đã trích mà chúng tôi có dẫn ở phần trên) để đính chính lại thông tin về năm mất của Nguyễn Công Trứ là năm 1859. Sau đó khi biên soạn sách giáo khoa môn Văn, ông Nguyễn Quảng Tuân đã mạnh dạn sửa lại năm mất của Nguyễn Công Trứ là năm 1859. Tuy vậy, dường như sự đính chính của ông Nguyễn Quảng Tuân cũng không được thiên hạ lưu tâm nên gần 10 năm sau, năm 1974, trong sách Mảnh vụn văn học sử (Chân Lưu xuất bản, Sài Gòn, 1974), trang 142-144, nhà nghiên cứu Bằng Giang một lần nữa lại xới vấn đề lên. Ông điểm qua quá trình diễn biến về thông tin năm mất của Nguyễn Công Trứ từ khi Lê Thước công bố trong tài liệu của mình cho đến thời điểm lúc bấy giờ. Tuy nhiên, Bằng Giang cũng chỉ nêu lại như là một vấn đề về văn học sử cần phải khảo cứu để đi đến thống nhất, chứ ông không khẳng định hẳn là Nguyễn Công Trứ mất năm nào.
Trong khi đó, trước năm 1945 và ở miền Nam sau 1954 ít nhiều còn có người bàn luận, đính chính về năm mất của Nguyễn Công Trứ thì ở miền Bắc, sau năm 1954, hầu như tất cả các tài liệu viết về Nguyễn Công Trứ từ các bài báo lẻ, sách giáo trình văn học sử, sách lịch sử các loại đều thống nhất ghi năm mất của Nguyễn Công Trứ theo tài liệu của GS Lê Thước (mất năm 1858). Sau năm 1975 cho đến nay, điều kiện sưu tầm, tham khảo thuận lợi hơn rất nhiều nhưng cũng không thấy ai đặt lại vấn đề năm mất của Uy Viễn tướng công. Các tác giả khi viết về Nguyễn Công Trứ vẫn nghiễm nhiên ghi năm mất của ông như các bậc tiền bối đã ghi. Đơn cử tài liệu xuất bản gần đây nhất là bộ Giáo trình văn học trung đại Việt Nam do Lã Nhâm Thìn và Vũ Thanh đồng chủ biên (NXB Giáo dục Việt Nam, 2015; tập 2, tr.253) vẫn chép Nguyễn Công Trứ mất năm 1858(4).
Gần đây, chúng tôi có điều kiện tiếp cận tài liệu Gia phả tập biên của Thư viện Viện Nghiên cứu Hán-Nôm (ký hiệu A.3075), trong đó có phần Nghi Xuân, Uy Viễn Nguyễn gia thế phả (tr.87-251), thì thấy Gia phả chép về năm mất của Nguyễn Công Trứ trùng hợp với sách Đại Nam chính biên liệt truyện. Gia phả chép về hai năm cuối đời của ông như sau: “Năm [Tự Đức] thứ 11 (1858), bọn Tây Dương đến quấy nhiễu cửa biển Đà Nẵng, sở tại kinh động. Các quan tỉnh Đỗ Trọng Bình và Bố chánh Lê Bá Thận luôn luôn tới nhà xin ông đến tỉnh để hỏi han kế sách. Ông liền cùng đi đến cửa biển của tỉnh và các miền ven sông khám xét địa thế, thiết lập đồn lũy. Ngày tháng 5 năm [Tự Đức] thứ 12 (1859), nhân có chương văn đề cử của bộ Binh và các quan ở Sử quán, kính vâng chu phê: “Nguyễn Công mỗ tài đức như thế nào mà nhiều người suy tôn khen ngợi? Trước đây đã có người xin, nay các quan ở Sử quán lại xin, trẫm thấy khanh ấy đã cao tuổi không nỡ cưỡng dùng, nay nên hỏi xem khanh ấy có tình nguyện ra làm việc hay không để biết ý của khanh ấy. Hãy kính làm theo!”. Ngày nhận được mệnh vua, ông vui mừng lập tức dâng sớ hồi đáp, trong có câu: “Màn che rách, lọng rách không nỡ chịu khuất phục sự suy lão. Còn một hơi thở, xin lập tức lên đường”. Tỉnh thần phục tấu: thấy ông dầy dạn thao lược, muốn cùng ông bảo vệ thành trì, nhưng vì ông chỉ ngoài mười bước đã thở dốc, đi đứng đều phải có người đỡ”.
Ngày tháng 6 phụng chỉ: “Nguyễn Công mỗ, nghe tỉnh thần phúc tâu, quả thật đã già yếu, trẫm không muốn đem việc binh đao làm phiền lão thần, nay miễn cho. Hãy kính tuân theo!”. Năm ấy, Tự Đức thứ 12 (1859), ngày 14 tháng 11 giờ Sửu, ông mất ở nhà chính, thọ 82 tuổi. Con trai 14 người, con gái 14 người. Bấy giờ quan tỉnh sai Thông phán và Tri bạ đem các thứ tiền, lụa hợp sức cùng các viên huyện lại lo tang lễ chu toàn. Việc xong, tâu lên đầy đủ. Lại phụng chỉ: “Viên ấy thuộc hàng lão thần, nhà rất thanh bần, tiền tuất cho hết; ngày đặt mộ, lại ủy thác cho 2 viên quản vệ đem 200 biền binh đến tống táng”. (Nghi Xuân, Uy Viễn Nguyễn Gia thế phả, (trang 119 nguyên tác), bản dịch của PGS-TS Trần Thị Băng Thanh).
Như vậy là đã rõ ràng: Nguyễn Công Trứ mất vào giờ Sửu (khoảng 3 giờ sáng) ngày 14 tháng 11 năm Kỷ Mùi, tức là ngày 7 tháng 12 năm 1859.
Theo đó, có thể thấy tư liệu về năm mất của Nguyễn Công Trứ do ông Nguyễn Công Huân đưa ra, dẫu ông không nói rõ xuất xứ và có sự nhầm lẫn, chắc là cũng căn cứ vào Gia phả.
Việc đính chính về năm mất của một nhân vật lịch sử quan trọng như Nguyễn Công Trứ là một việc làm cần thiết. Từ đó có thể thấy, một sự kiện đã được ghi chép trong quốc sử và trong Gia phả mà còn bị đời sau biên chép sai lầm thì hẳn những tài liệu về cuộc đời, sự nghiệp và thơ văn của Uy Viễn tướng công được người người sau sưu tầm và công bố sẽ còn không ít nhầm lẫn. Vả chăng, việc xác định chính xác năm mất của Nguyễn Công Trứ (7-12-1859) sẽ là một căn cứ quan trọng trong việc tiếp tục sưu tầm, khảo cứu về con người và sự nghiệp lớn lao của ông.
_____
(1) Lê Thước, Sự nghiệp và thi văn Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ, Lê Văn Tân xuất bản, Hà Nội, 1928. Chuyển dẫn theo sách Nguyễn Công Trứ trong dòng lịch sử, Đoàn Tử Huyến chủ biên, NXB Nghệ An, 2008, tr.480.
(2) Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, Quyển Thi-văn bình-chú, tạp chí Tri tân số 91, ngày 15-4-1943, tr.5. Cũng ở đoạn trích trong Đại Nam chính biên liệt truyện mà Nguyễn Văn Tố đã dẫn dịch thì bản dịch của Viện Sử học sau này diễn đạt như sau: “Năm thứ 12 (Tự Đức), có chỉ cho khởi phục, Trứ lại ra làm việc đánh giặc. Nhưng Trứ tự trình bày là tuổi già suy yếu không làm nổi việc. Vua y cho. Rồi sau Trứ chết thọ 82 tuổi” (Quốc Sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện (bản dịch), tập 2, NXB Thuận Hóa, Huế, 2014, tr.291).
(3) Nguyễn Công Huân, Nhân ngày giỗ lần thứ 101, ôn lại cuộc đời và sự nghiệp Nguyễn Công Trứ (Văn hóa Á châu, số 21, tháng 12-1959, tr.3).
(4) Trước đó, năm 2003, trong sách Nguyễn Công Trứ về tác gia, tác phẩm do Trần Nho Thìn giới thiệu và tuyển chọn (NXB Giáo dục, 2003), tại trang 5, lời nói đầu của nhà xuất bản thì ghi Nguyễn Công Trứ mất năm 1859 nhưng đến phần niên biểu (trang 464-465) lại vẫn ghi Nguyễn Công Trứ mất năm 1858.