HV131 - Mưu đồ giết nữ anh hùng DOIA một lần nữa

Doia Cosmodemianskaya là người phụ nữ đầu tiên được phong danh hiệu Anh hùng Xô viết trong cuộc chiến tranh vệ quốc của nhân dân Liên Xô chống bọn phát xít Đức (1941-1945 ). Cuộc sống và những phút hiên ngang, lẫm liệt của nữ anh hùng trên giá treo cổ của kẻ thù đã có sức cổ vũ lớn lao đối với các chiến sĩ Hồng quân chiến đấu ở ngoài mặt trận và người dân Xô viết đang lao động, sản xuất phục vụ những yêu cầu nghiệt ngã của nền kinh tế thời chiến.

Trong những năm tháng dưới chính quyền Xô viết, tấm gương sáng chói về lòng yêu nước của Doia Cosmodemianskaya đã được đưa vào sách giáo khoa, đã trở thành những bài thơ, trường ca, đã được đưa lên màn ảnh. Tượng của người anh hùng không những chỉ được dựng ở quê hương chị, mà còn ở các nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết trước đây như Ucraina, Grudin, Cadacxtan, Kirgizistan…

Mọi sự đã hiển nhiên, đã trở thành sử sách như vậy, bỗng nhiên vào mấy năm cuối của thập niên 1990 và đầu thập niên 2000, trên Nhân chứng và Sự kiện - một tờ tuần báo Nga có khá đông người đọc bỗng xuất hiện một loạt bài nhằm phủ nhận hình tượng và chiến công của người nữ anh hùng kia…

Trước hết, tuần báo nọ cho công bố một bức thư có chữ ký của một nhóm bác sĩ nêu nghi vấn Doia vốn là một thiếu nữ mắc bệnh tâm thần. Nhóm bác sĩ khẳng định họ đã tìm ra được bằng chứng xác định trong hai năm 1938, 1939 Doia mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt. Và vì căn bệnh này Doia đã phải nằm điều trị một thời gian tại bệnh viện Casenko ở Moskva. Dù nhóm bác sĩ kia không hề đưa ra một tờ bệnh án hay hồ sơ bệnh nhân nào để xác định điều này, nhưng trong không khí đòi xét lại quá khứ, bôi xấu những gì thuộc thời Xô viết, luận điệu Doia bị mắc chứng tâm thần đã loan truyền qua nhiều tờ báo và trở thành điều xì xầm đàm tiếu trên cửa miệng không ít người. Vài năm sau, lại có một bác sĩ chuyên về trị bệnh thần kinh tuyên bố, chính mắt ông đã từng nhìn thấy hồ sơ bệnh án của Doia, những hồ sơ ấy đã bị chính quyền Xô viết thu giữ và thiêu hủy…

Nhưng rồi có những bác sĩ tên tuổi khác, một số nhà nghiên cứu sử học có uy tín ở Moskva đã lên tiếng phản bác ý đồ xuyên tạc kia. Ví như, nhà sử học Aleksandr Duykov đã cho công bố trên trang mạng của mình những chứng chỉ xác minh vào năm 1940 Doia có tới bệnh viện Babotskin điều trị một thời gian ngắn chứng đau đầu và sau đó có đi nghỉ tại nhà an dưỡng Sokolnhiski…

Quay trở về với những trang tiểu sử của người nữ anh hùng để làm sáng tỏ hơn sự việc…

Doia Cosmodemianskaya sinh ngày 13-9- 1923 tại làng Osino-gai thuộc tỉnh Tambov, sau chuyển tới sống ở vùng Siberi. Nhưng gia đình Doia cũng chỉ ở đây chừng một năm rồi lại chuyển về sinh sống tại Moskva.

Khi học ở trường trung học, Doia yêu thích các môn khoa học xã hội, và thường mơ ước được trở thành nhà văn, nhà thơ. Năm 1938, Doia gia nhập Đoàn Thanh niên Cộng sản. Theo các nhà viết tiểu sử, thiếu nữ Doia tính tình mơ mộng, ghét những sự giả dối, lòng dạ luôn hướng tới những điều cao thượng. Có thể chính những điều như vậy khiến Doia ít có bạn bè thân trong lớp, trong trường. Doia đã từng được các bạn chọn làm bí thư đoàn, làm lớp trưởng nhưng rồi lại bị các bạn loại trừ khỏi những chức vụ này. Cũng từ đây, dễ dàng cắt nghĩa vì sao Doia mắc chứng bệnh đau đầu và phải tới bệnh viện thăm khám.

Vào mùa thu năm 1941, khi chiến tranh tiến gần tới Moskva, Doia tình nguyện gia nhập đội quân du kích, đảm đương nhiệm vụ trinh sát địch tình, quấy phá hậu phương của bọn phát xít Đức.

Bản thân Doia đã từng tham gia đơn vị bắn tỉa, đặt mìn, làm giao liên hoặc lọt sâu vào vùng sau lưng địch trinh sát nơi địch đóng quân hoặc các nơi tập kết xe tăng, pháo binh của bọn Đức để cung cấp các số liệu cho Hồng quân. Một cô gái được giao những nhiệm vụ như vậy không thể là một con bệnh tâm thần phân liệt như bọn có ý đồ xấu gieo rắc trên nhiều tờ báo vào những năm cuối 1990 đầu 2000.

Vào ngày 18-11-1941, Doia được điều tới một tổ du kích với nhiệm vụ quấy rối vùng bọn phát xít Đức chiếm đóng ở ngoại ô Moskva. Các đội viên được trang bị súng ngắn và những chai có chứa chất cháy. Những đội viên du kích của nhóm này hiểu rõ rằng nếu họ không may lọt vào tay bọn phát xít Đức, họ khó tìm được cơ hội sống sót. Nhưng Doia và các đội viên của mình vui vẻ, tình nguyện nhận nhiệm vụ.

Tại làng Petrisevo, nhóm du kích đã đốt cháy ba ngôi nhà mà bọn Đức chứa súng đạn, lương thực hoặc làm nơi trú quân. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, nhóm du kích bị bọn phát xít vây chặt. Nhiều đồng đội của Doia đã hy sinh vì những loạt đạn của súng tiểu liên, trung liên. Doia bị bắt sống. Ba tên sĩ quan phát xít đã quần đảo để hỏi cung, tra tấn người thiếu nữ Nga. Trước những đòn tra dã man, đau đớn, Doia tuyệt nhiên không hé miệng nói ra nửa lời về nơi đóng quân, về biên chế tổ chức của đơn vị mình. Để uy hiếp người dân địa phương, bọn phát xít quyết định lập giá treo cổ và tụ tập dân làng tới để chứng kiến cái chết của Doia. Thời tiết Nga đã bước vào những ngày buốt giá dữ dội. Bọn phát xít Đức chỉ cho Doia mặc một tấm áo phong phanh, đi từ nơi giam giữ tới dàn treo cổ.

Hôm đó là sáng ngày 29 tháng 11.

Trước ngực đeo lủng lẳng tấm biển gỗ bọn phát xít ghi mấy chữ “Kẻ đốt nhà”, cô gái Nga 18 tuổi đầu ngẩng cao, gắng bước những bước từ từ mong chuyển tới những người dân trong làng những hình ảnh không quên của một người du kích. Bước lên giá treo cổ, biết rằng chiếc thòng lọng kia sẽ nhanh chóng thít vào cổ mình, Doia cất tiếng dõng dạc: “Xin đồng bào đừng lo sợ. Các đơn vị Hồng quân đang tiến đến!”. Hướng về đám sĩ quan, binh lính phát xít đứng vây quay, Doia gào to: “Chúng mày chỉ giết được mình tao thôi. Chúng mày không thể giết hết 200 triệu người Nga đâu!”.

Những kẻ “hoạt đầu” chính trị, lợi dụng tình hình rối ren của nước Nga Xô viết những năm hậu Cải tổ muốn phủ nhận chiến công và hình tượng người nữ anh hùng Xô viết Doia Cosmodemianskaya, từ đó phủ nhận thắng lợi của quân dân Xô viết đánh tan bọn phát xít Đức, giải phóng châu Âu. Tiến xa hơn là phủ nhận chủ nghĩa Lenin và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội tại Liên bang Xô viết.

Để thực hiện dã tâm hèn hạ, bỉ ổi đó, bọn cơ hội đã xéo đạp lên cả những bằng chứng của sự thật. Trong cuộc hành hình nữ anh hùng Doia, cơ quan tuyên truyền phát xít Đức cho chụp rất nhiều ảnh, nhằm mục đích gây khiếp hãi, hoảng sợ cho người dân Xô viết. Những bức ảnh này còn lưu giữ được tất cả và từ lâu đã trở nên quen thuộc và là niềm tự hào của nhiều thế hệ người Xô viết.

PHAN HÒE