Mấy hôm nay có bệnh phải vào bệnh viện. Quả thực là căng thẳng và ngộp thở. Nhìn bệnh nhân khổ thế nào thì đội ngũ nhân viên y tế cũng khổ không kém.Nguyên nhân vì đâu?
Nhìn thẳng thực trạng y tế tại TP.Hồ Chí Minh cho thấy: hiện nay các bệnh viện đầu ngành tại thành phố đang gánh bệnh nặng, bệnh dịch không chỉ cho TP.Hồ Chí Minh mà còn phải gánh cho 6 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh Đông Nam Bộ.
Cứ như một quy trình, đã bao đời Bộ trưởng Y tế lên, đi thăm và hứa hẹn sẽ giãn bệnh nhân tại các bệnh viện. Rồi sau đó là mất hút.
Bài toán “giãn dân” trong bệnh viện khó đến độ không giải được sao?
Vâng, sẽ rất khó nếu, vẫn tiếp tục loay hoay giải bài toán y tế tại TP.Hồ Chí Minh. Bắt một thành phố phải gánh trách nhiệm về y tế cho cả 10 thành phố khác trên vai, giải sao nổi!
Tại sao 40 năm qua, chặng thời gian quá dài, đủ để các tỉnh phát triển, nâng cấp hệ thống y tế của mình, lại không làm nổi? Xây dựng bệnh viện khang trang, điều này không khó với các tỉnh khi hiện trạng đất đai còn dư thừa. Trang thiết bị y tế hiện đại, cũng không quá khó, nếu thật sự muốn đầu tư. Ông bà mình có câu “Thần thiêng nhờ bộ hạ” - bác sĩ giỏi đến đâu, nếu thiếu các phương tiện chẩn đoán hiện đại cũng bó tay. Bằng cớ, vào những bệnh viện tư đắt giá tại TP.Hồ Chí Minh như VinMec, Hoàn Mỹ..., trừ vài bác sĩ giỏi thuộc diện cán bộ khung, bác sĩ của họ cũng rất trẻ, năng lực tầm tầm, nhưng bệnh viện với trang thiết bị hiện đại đã hỗ trợ các bác sĩ rất nhiều trong khâu chẩn đoán và chữa bệnh. Cuối cùng, là vấn đề năng lực bác sĩ. Phải đặt câu hỏi là các tỉnh thực sự có nhu cầu đào tạo và thu hút người tài hay không. Cấp nhà ở, trả lương cao thu hút bác sĩ các nơi về. Với đội ngũ bác sĩ địa phương, hãy tạo môi trường liên kết giữa họ với các bệnh viện đầu ngành, từng bước nâng tay nghề cho họ. Phương tiện thông tin ngày nay đã rất hiện đại. Nhiều trường hợp các bác sĩ đầu ngành hỗ trợ bác sĩ địa phương chẩn đoán, chữa trị, thậm chí cả mổ qua màn hình máy tính hiện đại.
Quy hoạch, phát triển ngành y tế cả nước suốt 40 năm qua như thế nào, mà cứ dậm chân tại chỗ chuyện quá tải bệnh viện, nếu không muốn nói ngày càng xấu hơn. Từ chỗ 2, 3 bệnh nhân chung 1 giường, giờ đến giai đoạn tận dụng cả gầm giường, hành lang.
Ở câu chuyện quá tải bệnh viện, không thấy Bộ Y tế thể hiện chất xám của mình để giải quyết vấn đề, mà chỉ thấy hành động đi “xoa dầu cù là”.
Nhiều khi nghĩ mà thương cho dân Sài Gòn, làm ra bao nhiêu tiền phần lớn phải đi nuôi các tỉnh khác. Chưa kể phải gánh thêm trách nhiệm xã hội về y tế, giáo dục của các tỉnh đổ về.
Sài Gòn cũng có những nỗi niềm riêng của nó. Năm 1975, dân Sài Gòn chỉ có hơn 2 triệu dân. Giờ thì nó gánh trên vai 8 triệu dân chính thức và khoảng 3 triệu dân nhập cư vãng lai.
Chưa kể, những năm sắp tới đây, theo tính toán của chương trình nghiên cứu về biến đổi khí hậu, khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngập mặn vĩnh viễn, và trên thực tế tình trạng này đang diễn ra khá gay gắt. Lúc đó Sài Gòn sẽ ra sao, với số dân miền Tây tiếp tục đổ về để kiếm miếng ăn?