HV131 - O Diệp

LTS: Trong gió đầu mùa thu Hà Nội, bên quán cà phê bờ hồ Gươm, chúng tôi ngồi đàm đạo về trận đánh ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Vì trong số người ngồi đây, có Phùng Huy Thịnh, sinh viên khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội vào bộ đội và tham gia trận Quảng Trị năm ấy. Còn có Trần Đăng Khoa cũng là cựu chiến binh biển đảo, Nguyễn Văn Thọ là cựu chiến binh đánh trận Nam Lào, Tây Nguyên, chiến dịch Hồ Chí Minh. Câu chuyện cuối cùng dồn về chuyện O Diệp và Phùng Quang Thịnh…

Chúng tôi gọi Diệp là “O xã đội”. 18 tuổi, o còn trẻ hơn cái tuổi của mình. Ở Quảng Trị, con gái trắng như cô là hiếm lắm, nhất là dạo ấy lại vào giữa “mùa hè đỏ lửa” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này. Giữa chiến trường ác liệt, chỉ nghe đến tên và biệt danh của cô thôi, lính tráng bọn tôi đã xao xuyến cả lòng. Thú thực, ban đầu khi nghe anh em kể về sắc đẹp của cô, về thành tích chiến đấu của các o du kích nữ, tôi chưa tin lắm: Ở xứ bom đạn này, sức mấy! Thế nhưng đến khi gặp cô, cả trong tình huống trận mạc, theo con mắt thẩm định không đến nỗi nào của tôi lúc đó, Diệp quả là người thiếu nữ xứng đáng để bất cứ anh lính nào cũng phải yêu mến!

Bấy giờ vào quãng cuối thu 1972. Tuy các trận giao chiến của đôi bên đã giảm, nhưng mật độ các cuộc bắn phá bằng phi pháo của địch lại tăng dữ dội. Do tính chất tác chiến, đám trinh sát pháo binh chúng tôi phải di chuyển liên tục và nhiều khi đi lẻ một mình, suốt dải Như Lệ, Tích Tường, rồi Nhan Biều, Xuân An dọc bờ sông Thạch Hãn. Đây là giai đoạn rất khó khăn của quân ta: đạn dược, lương thực đều thiếu, trong khi đó địch lại làm chủ bầu trời. Suốt ngày đêm máy bay trinh sát OV-10, L-19 quần thảo. Nghi chỗ nào có hoạt động của quân ta là chúng bắn pháo khói gọi ngay phản lực F-4 đến và chưa đầy 5 phút sau, bom sẽ cày nát khu vực pháo khói vừa nổ. Để tránh tụi OV-10, chúng tôi thường chỉ gọi pháo bắn khi cần thiết và vào lúc máy bay địch chuyển khu vực hoạt động. Tác chiến trong những điều kiện như vậy cực kỳ khó khăn, nguy hiểm. Nhưng chiến tranh là chiến tranh, người lính không có cách lựa chọn nào khác ngoài thực hiện mệnh lệnh.

Một buổi tối tôi cùng anh Bạn, trung đội trưởng trinh sát có nhiệm vụ tìm vị trí một đài quan sát mới để thực hiện bắn tiêu hao lực lượng địch trong Thành cổ Quảng Trị. Chúng tôi chọn làng Nhan Biều 1 làm nơi đặt đài. Tối hẳn, chúng tôi mới rời sở chỉ huy ở gần cầu Lai Phước lên đường. Tuy đường không dài nhưng vì phải đi quanh quéo tránh pháo tọa độ của địch nên mãi khuya chúng tôi mới tới nơi.

Giữa đêm hôm khuya khoắt, tìm cho ra một vị trí đặt đài thật chẳng dễ dàng.

Tôi và anh Bạn, kẻ trước người sau, dò dẫm tìm đường ra sát rìa làng phía sông. Thỉnh thoảng, Bạn lại quay lại thì thào: “Đếch thấy chỗ nào hay cả cậu ạ!”. Tìm mãi, bọn tôi lại lộn về giữa làng, nơi có mấy thân cây cụt to tướng.

- Có lẽ chỗ này tốt hơn cả! - chờ tôi tới gần, anh Bạn nói.

- Chỗ này trống trải quá - tôi đáp lại.

- Thế mới dễ quan sát chứ! - anh Bạn cao giọng, nhưng rồi lại hạ giọng ngay: - Tuy thế cũng dễ bị chúng phát hiện đấy!

- Bí quá thì chọn tạm thôi. Sợ đếch gì! - tôi nói và ngồi xuống bên gốc mít lớn bị cụt nửa thân, chắc mới bị triệt mấy ngày trước vì nhựa còn dính nham nháp.

- Cậu ngồi đây chờ tớ đi liên hệ cánh bộ binh để họ giúp ta triển khai đài, nhé! - Rồi anh Bạn để chiếc ba lô lép kẹp cho tôi trông và xách súng biến vào bóng tối. Còn tôi rút xẻng tìm địa hình rồi bắt tay vào đào hầm. Sau một lưỡi xẻng đất cứng, lớp sau đào khá dễ. Tới khi đào gần ngập đầu gối, tôi vừa ngẩng lên vặn người cho đỡ mỏi thì bất ngờ sườn tôi bị một mũi súng thúc vào đau điếng, kèm tiếng quát:

- Đứng im! Giơ tay lên!

Quái, nghe rõ giọng con gái. Tôi phát hoảng:

- Đừng có đùa dại dột! Cẩn thận súng cướp cò thì bỏ mẹ đấy!

- Không đùa, đưa hai tay lên sau ót! - Vẫn giọng ấy.

Tôi đưa tay lên sau gáy, nghĩ rất nhanh “Sao lại có con gái ở đây? Thám báo chăng?”. Rồi bằng cú lộn khéo léo và chính xác, tôi đã ở phía sau người thúc súng vào tôi. Việc tiếp theo là khóa tay, tước súng:

- O là ai mà có mặt ở đây?

- Đau, đau tay em, eng ơi! - cái giọng con gái lần này khác hẳn - Eng ở đơn vị mô mà tụi em nỏ biết?

- Không hỏi! O trả lời ngay: ở đâu? tên gì?

- Em là du kich. Em tên Diệp!

- Được rồi, lát nữa ta nói chuyện. Giờ tôi tạm trói o lại cái đã.

Miệng nói, tay tôi tháo dây võng rồi quặt tay cô gái lại phía sau để trói. Lúc sát gần cô, cái búi tóc to tướng của cô bất đồ rơi xuống làm mùi lá xả tỏa ra nhanh đến nỗi tôi trở nên lưỡng lự không biết có nên trói cô nữa hay không. Tôi cứ giữ tay cô gái như vậy mấy giây, rồi từ lòng bàn tay tôi, nơi tiếp xúc với đôi cổ tay cô gái bỗng nóng lên và chán thay, mồ hôi tay tôi toát ra khiến tôi phát ngượng. Cô gái vận toàn đồ đen không chống cự, cô mặc tôi lúng túng trong động tác cầm tù cô. Lát sau cô mới khẽ nói:

- Eng nỏ tin răng eng nỏ trói? Chừ tin rồi thì thả tay em ra, ta cùng trao đổi nghen!

- Cũng được! - tôi trả lời và thả tay cô gái ra.

Cô đưa hai tay lên búi lại tóc và lúc ấy tôi mới nhìn thấy một gương mặt trắng lạ lùng trong đêm tối.

- Eng ở đơn vị mô mà nơi ni em nỏ được thông báo? - cô gái hỏi tôi khi cả hai cùng ngồi xuống mép hầm tôi đang đào dở.

- Tôi ở D14. Chúng tôi tới đây theo kế hoạch hợp đồng tác chiến với D7 - tôi trả lời.

Cô gái reo lên khe khẽ:

- Răng eng nỏ tìm hầm xã đội tụi em hoặc ban chỉ huy D7 mà tự đào hầm chi cho cực? Eng tới lần đầu hỉ?

- Chúng tôi có hai người - tôi trả lời và hỏi lại - O có phải là o Diệp xã đội phó du kích đấy không?

- Dạ, em đó! - cô gái nhỏ nhẹ - Răng eng biết rành vậy về em?

- O tha lỗi, tôi đã quá tay với o... - tôi lúng búng.

- Có chi mô eng! Chừ mời eng về hầm xã đội ta mần việc, được không eng?

- Tôi phải chờ trung đội trưởng, chắc anh ấy sắp về tới rồi.

- Vậy ta cùng ngồi chờ anh nghen!

Tôi đã quen Diệp trong tình huống oái oăm như vậy. Và sau đêm quen biết kỳ cục ấy, tôi còn có nhiều dịp cùng chiến đấu bên cô, được chứng kiến vẻ đẹp của người con gái Quảng Trị trẻ tuổi ấy và thừa nhận trái tim tôi cũng đôi khi xao xuyến mỗi lúc nhớ đến cô.

Diệp nhỏ nhắn với khuôn mặt xinh xắn. Thực tình ưu thế của vẻ đẹp cô không phải ở đôi mắt đen to hay cái miệng nhỏ nhắn có duyên, mà ở nước da trắng hồng hiếm thấy. Cô vừa là xã đội phó vừa kiêm cả chức đại đội trưởng đại đội du kích huyện. Đơn vị này từng được phong Anh hùng trước đó và luôn sát cánh cùng bộ đội chủ lực chốt giữ vùng tây Quảng Trị cho tới khi Hiệp định Paris ký kết năm 1973. Đài quan sát của chúng tôi được đặt gần ban chỉ huy du kích thì Diệp luôn có mặt ở đài, khi cùng chúng tôi xác định tọa độ mục tiêu bên kia sông, khi thì cô trực tiếp nấu ăn giúp chúng tôi. Nhiều khi cô hỏi mượn chúng tôi cuốn lôgarít thập phân dùng để tính toán cự ly và phần tử bắn, để học. Có lẽ có cô, cánh lính đa phần là sinh viên Đại học Tổng hợp tụi tôi trở nên lịch thiệp và sống văn nghệ hơi quá sức mình! Ngoài những trận đánh chúng tôi tham gia, phần lớn thời gian lúc này rảnh rỗi nên việc củng cố công sự, hầm hào thông nhau trên toàn khu vực là việc chủ yếu. Mối quan hệ ở tuyến giáp ranh giữa chúng tôi có thể nói là hết sức gắn bó, trong sáng. Khi ấy những người cầm súng bảo vệ khu giải phóng đều chưa vướng bận bởi những toan tính nhỏ nhặt mà sau này người ta hay mắc phải. Ở đây, chỉ có cái chết mới chia rẽ thực tế giữa chúng tôi được mà thôi.

Ai cũng quý mến Diệp. Cô cũng dành nhiều tình cảm cho cánh trinh sát pháo chúng tôi. Là người địa phương, Diệp thuộc lòng địa hình. Vì vậy, chúng tôi luôn cần đến sự giúp đỡ của cô mỗi khi cần xác định tọa độ các vật chuẩn. Khi không phải lâm trận, chúng tôi thường tụ tập đàn hát trong những căn hầm bò. Những lần ấy, cả tôi và Diệp đều là ngôi sao. Tôi thì những ca khúc trữ tình Nga và dân ca quan họ. Còn Diệp thì hò Huế và một ít bài ca ướt át phổ biến trong Nam lúc bấy giờ. Thực tình, những ngày ấy chúng tôi sung sướng vì lãng mạn biết bao!

Nhưng rồi tôi phải rời khỏi nơi ấy cũng đột ngột như khi đến. Chuyện này xảy ra sau trận đánh phối hợp tiêu diệt bến vượt sông của lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến ngụy. Tôi bị mảnh pháo cắm vào xương ống chân phải khi đang ngồi vắt vẻo trên chạc cây xoài cụt để chỉnh độ lệch đạn cối 120 ly của tiểu đoàn.

Lúc đó, đài quan sát chỉ có tôi và Quý, chiến sĩ thông tin làm nhiệm vụ gọi bắn, nên trước khi vào trận chúng tôi đã liên hệ với du kích giúp một người. Chính Diệp đã có mặt để truyền độ lệch đạn từ chỗ tôi quan sát gọi to vào hầm thông tin giúp Quý nghe rõ và truyền về sở chỉ huy D bộ bằng điện thoại hữu tuyến. Mọi lần khi chúng tôi bắn pháo thì địch im. Lần này, chúng phản pháo lập tức, mà lại bắn ngay vào khu vực đài quan sát. May sao khi chỉnh đạn trúng mục tiêu và trận địa ta đã bắn cấp tập rồì, tôi mới bị thương. Tôi được lệnh ngừng quan sát, xuống hầm để tránh đạn pháo địch. Tôi toan giấu Quý và Diệp vết thương nhưng không giấu được. Máu chảy ít nhưng mảnh đạn làm vỡ một chút xương ống chân khiến tôi đau đớn. Diệp đã tự tay rạch ống quần tôi để băng bó vết thương lại. Diệp cố làm ra vẻ bình thản, nhưng tôi thấy rõ tay cô run rẩy khiến máu từ vết thương tôi rây sang cả hai bàn tay trắng ngần của cô. Vì Quý vẫn phải đang tiếp tục liên lạc với trận địa pháo ta nên chỉ có tôi với Diệp ngồi với nhau ở góc ngoài hầm giữa tiếng pháo đôi bên nổ ầm trời lúc đó. Rồi Diệp cũng dùng băng gói kín được vết thương của tôi. Cô nhìn tôi run run hỏi khẽ: “Đau không eng?”. Tôi nhìn Diệp và lắc đầu: “Vết thương xoàng thôi mà!”. “Mảnh vô xương rồi đó eng, em lo cho eng!”. Rồi cô tỏ ra lo lắng: “Phải báo đơn vị ngay và eng phải vô viện điều trị ngay thôi!”. Tôi mỉm cười lắc đầu: “Chuyện bị thương là chuyện thường mà. Tôi chưa muốn đi viện lúc này, nhất là...”.

Tôi bỏ lửng câu nói, sợ đường đột chăng. Nhưng không ngờ Diệp thoáng đỏ mặt. Cô bặm môi, quay đi nhìn ra phía cửa hầm. Pháo địch nổ vung vãi trong làng Nhan Biều 1, lùa khói xộc cả vào hầm chúng tôi. Đột nhiên, một quả nổ sát nóc hầm khiến cả tôi và Diệp choáng tai. Chưa kịp định thần, tôi bị Diệp ôm chầm lấy gần như ngộp thở. Tôi tưởng cô hoảng sợ, nên nhẹ nhàng vuốt mái tóc cô. Diệp ngẩng lên rất nhanh, nói trong hơi thở: “Eng có răng không? Em ngỡ sụp hầm chớ!”. Lúc ấy tôi xấu hổ vì đã nghĩ lầm cho cô và lắc đầu: “Tôi chỉ lo cho Diệp!”. Từ lúc đó, chúng tôi chỉ im lặng nhìn Quý đang điềm tĩnh đàm thoại góc hầm như chẳng hề có gì xảy ra trên đời kể cả quả pháo lớn vừa nổ tung trước cửa hầm. Pháo vẫn nổ nhưng thưa thớt dần. Chúng tôi vốn quen với những trận như thế này bởi vững tin vào sự chắc chắn của hầm tránh pháo. Tôi nhẹ đưa tay, nắm lấy tay Diệp. Cô cứ để yên bàn tay ấm nóng trong trẻo của mình trong bàn tay thô ráp của tôi. Chúng tôi cùng không nói thêm với nhau một lời nào nữa cho tới khi Quý thông báo lệnh của Tiểu đoàn trưởng đưa tôi về hậu cứ. Tôi chia tay Quý, đi theo y sĩ tiểu đoàn tới đón vào lúc chiều tà. Diệp tiễn tôi tới tận rìa làng Tả Hữu. Trước khi buộc phải lên cáng vì không đi nổi nữa, tôi đưa tay bắt tay Diệp thì em cúi mặt không nhìn tôi. Nắm bàn tay em trong tay, tôi nói khẽ: “Tạm biệt Diệp! Hẹn ngày trở lại!”. Diệp ngẩng lên, mấy giọt lệ nóng bỏng từ đôi mắt to đen của em rơi xuống tay tôi khiến tôi xao xuyến. Em cố nói giọng rắn rỏi: “Eng cố điều trị cho mau khỏi nghen! Đừng quên tụi em!” nhưng giọng em nghèn nghẹn. Tôi toan nói với em rằng tôi sẽ trở lại đây, nhất định thế, bởi giờ đây nơi đây đã thấm máu tôi, đã có một người con gái gieo vào tâm hồn tôi cái tình cảm mới lạ mà lần đầu tiên trong đời tôi được thấm trải. Nhưng không hiểu sao tôi không thể thốt thành lời. Tôi rân rấn nước mắt nhìn em. Gương mặt xinh đẹp tuyệt trần của Diệp hiện rất rõ trước tôi trong ánh chiều đỏ rực hắt từ Thành cổ Quảng Trị. Mấy sợi tóc em bay sà cả vào khuôn mặt cũng nhận được thứ ánh sáng đỏ ấy khiến như có lửa. Rồi bỗng nhiên Diệp bỏ chạy. Tôi sững sờ nhìn theo mái tóc xõa tung của em và như thấy mùi hương xả từ đó tỏa ra mãi, kể cả khi bóng em khuất vào dãy chiến hào.

Thế rồi, khi khỏi vết thương, tôi được điều về cơ quan quân khu. Sau đó tôi vào tận tây nam Huế và ở luôn vùng đó cho đến lúc tham gia chiến dịch giải phóng nơi này. Công việc liên miên khiến tôi không có dịp trở lại Quảng Trị và cũng không có điều kiện liên hệ thư từ với Diệp. Tôi theo chân các đơn vị quân đoàn 2 khi tôi trở thành phóng viên mặt trận vào tháng 5 năm 1974. Được biết em cùng đơn vị vào giải phóng Thành cổ lúc tôi cùng quân đoàn 2 giải phóng Huế, Đà Nẵng và sau đó là dọc miền Trung vào chiến dịch Hồ Chí Minh. Mãi tháng 10 năm 1975, lúc chuyển quân ra Bắc, tôi mới lại được ngang qua vùng đất xưa. Chiếc ô tô chở tôi qua Thành cổ vào ban đêm. Thành cổ Quảng Trị vẫn đổ nát, im lìm vắng lặng lắm! Xe lướt nhanh dưới ánh trăng mờ lạnh lẽo cuối thu đưa tôi xa dần cái mục tiêu bắn phá ngày nào. Khi xe qua làng Nhan Biều, lúc ấy đã kịp xanh rợp cây trái hồi sinh, tôi chỉ còn biết thầm kêu da diết: “Diệp ơi, em ở đâu?”. Và, mãi tới sau này, tôi vẫn còn ân hận là tại sao tôi đã không quyết định rời ngay khỏi xe để lao xuống đường đi tìm em vào phút đó...

Bây giờ, mỗi khi nghĩ tới Quảng Trị, lòng tôi không khỏi nhói lên, xao xuyến. Nơi ấy, một thời tôi đã sống ra sống! Nơi ấy lần đầu tiên tôi đã yêu, tình yêu của người lính trẻ. Nhưng điều khiến tôi day dứt là không biết Diệp, o xã đội của tôi, của chúng tôi ra sao. Liệu em có một cuộc sống xứng đáng với những gì tuổi trẻ của em và bè bạn đã bỏ ra vun đắp không? Và cuộc sống gia đình em - tôi tin em đã có gia đình - có hạnh phúc không? Bao giờ tôi cũng mong Diệp thành đạt, vững vàng như tôi đã từng thấy, khi chúng tôi cùng trẻ như nhau, đã chiến đấu bên nhau một cách tự nguyện, không hề bị vướng mắc những toan tính thường nhật như hiện giờ.

VĨ THANH

Năm 2012, tôi nhận được từ Nguyễn Đức Minh, cựu chiến binh trung đoàn 95 giữ Thành cổ (đã mất năm 2016) một bức thư viết tay của o Tâm, cựu nữ du kích xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong gửi tôi từ năm 1996. Rất tiếc tôi không giữ được bức thư tay này, nhưng tôi nhớ rất rõ rằng o Tâm báo tin đã tìm được o Diệp và hiện tại Diệp đã có gia đình đầm ấm hạnh phúc với hai con ăn học đến nơi đến chốn và mời tôi vô thăm Quảng Trị để gặp gỡ các o du kích năm nào!

Cũng lại tiếc thay, năm ấy vợ tôi bệnh nặng, buộc tôi phải chăm sóc không rời, nên nhiều năm sau tôi chỉ có thể liên lạc với các o qua điện thoại và giữa chúng tôi vẫn có sợi dây tình cảm đồng đội cũ tha thiết!

Vậy là có những bức thư phải đi 16 năm mới tới tay người nhận là tôi! Số phận của những bức thư ấy cũng thật kỳ lạ phải không, thưa các bạn, bởi nó phải đi “dắt dây” qua nhiều bạn đồng ngũ, rồi vì những lý do lưu tay, quên nhớ, mãi mới đến được người nhận nó!

Câu chuyện của chúng tôi là vậy. Sau chiến tranh khốc liệt, số phận của từng cá nhân tham gia sự kiện những năm ấy cũng khiêm nhường, nhỏ bé như bao đồng bào khác của chúng ta, đồng thời cũng rất khó giải thích tường tận về những điều khó tin bởi sau chiến tranh còn biết bao nhiêu việc phải làm! Chỉ biết rằng, chúng tôi, những người năm ấy, ai còn sống đều có khúc cuối ổn thỏa đến tận hôm nay!

10-2018

PHÙNG HUY THỊNH