HV131 - Sự thật về ông Bút Tre

Ông Bút Tre tên thật là Đặng Văn Đăng, người làng Đồng Lương - huyện Cẩm Khê - tỉnh Phú Thọ. Ông có bằng Tú tài toàn phần. Trước cách mạng, ông từng viết tiểu thuyết Lục y lang (Chàng áo xanh) ởTiểu thuyết thứ Bảy, báo Đông Pháp. Ông dạy học ởTuyên Quang nhưng lại quen thân với nhiều văn nghệ sĩ trí thức nổi tiếng. Cách mạng nổ ra, ông tham gia cướp chính quyền ởđịa phương. Ông được điều về cơ quan Trung ương làm thư ký riêng cho Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm, thường xuyên được tiếp xúc làm việc với Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo khác.

Một lần ông Ung Văn Khiêm từ một hội nghị điện về cho ông Đăng đem ngay một tài liệu quan trọng về tình hình nước bạn để ông báo cáo với Bộ Chính trị. Đáng lẽ ông Đăng phải giao tài liệu cho Văn phòng Trung ương đưa vào nhưng nhân cớ này muốn được thấy phòng họp của Bộ Chính trị, ông bảo: “Anh Khiêm bảo tôi phải đưa trực tiếp tận tay anh ấy”. Ở cơ quan không ai còn lạ gì ông Đăng. Vốn là con người xởi lởi dễ tính dễ gần nên ông được thản nhiên cầm tập tài liệu vào. Ông giơ cao tập tài liệu theo kiểu nhà binh chào hai anh bảo vệ quen thân ởhành lang rồi cứ thế đi vào cửa chính. Ông lướt thấy Bác Hồ ngồi ởbàn chủ tọa. Thấy có người vào, Bác Hồ ngừng nói, mọi người nhìn theo ông. Ông đi vòng sau lưng Bác Hồ rồi vòng đi sau ông Trường Chinh, ông Phạm Văn Đồng, ông Võ Nguyên Giáp rồi đến đưa tập tài liệu cho ông Ung Văn Khiêm, sau đó đi ra thẳng không dám nhìn ngang ngửa gì cả. Chuyến ấy về ông Ung Văn Khiêm dứ dứ nắm tay nhắc khéo: “Duy nhất không có lần thứ hai nhé”. Ông Đăng cười tếu táo: “Thì anh cũng phải cho tôi được ngắm Bộ Chính trị ta họp ra sao chứ ạ”.

Ông Bút Tre sau đó được Trung ương điều về tăng cường cho Phú Thọ phụ trách công tác thông tin tuyên truyền. Nhờ cặp mắt xanh của ông mà nhiều tài năng đã được khuyến khích phát triển nổi tiếng cả nước như họa sĩ Lưu Công Nhân, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ, họa sĩ Bùi Trang Chước… Quan trọng là ông đã đào tạo được một

 đội ngũ cán bộ giúp việc để cùng với ông hoàn thành những mục đích ông đặt ra: chứng minh nền văn hóa Hùng Vương là có thật, lịch sử thời đại Hùng Vương là có thật và kinh đô Văn Lang chính là thành Phong Châu cổ ở Việt Trì. Để làm được việc này, ông còn huy động được sự vào cuộc của các viện nghiên cứu như: Viện Khảo cổ học Việt Nam, Viện Khoa học lịch sử, Viện Ngôn ngữ học, Viện Dân tộc học, Viện Văn hóa dân gian. Trong những năm 60, 70 của thế kỷ trước, tên tuổi ông Bút Tre được giới khoa học xã hội đánh giá cao, bằng chứng là tên ông trở thành một mục từ trong Từ điển Văn hóa Việt Nam do NXB Văn hóa Thông tin ấn hành.

Vì phụ trách Ty Văn hóa Thông tin, ông phải làm nhiều ca vè in thành các tờ bướm phát hành đi cơ sở đến tận tay quần chúng nhân dân để họ hiểu các chủ trương chính sách của Đảng.

Đọc được câu thơ của Tố Hữu:

“Nhà nghèo không mực thì son

Bút tre, giấy lá nuôi con học hành”,

ông bèn lấy hai chữ “Bút Tre” làm bút danh cho mình. Ông nói với chúng tôi: “Tớ chỉ dám ký ‘Bút Tre’, không dám làm thơ ‘Bút Sắt’ cho nên tớ chỉ là vè sĩ, không phải là thi sĩ”.

Ông quan niệm làm ca vè tuyên truyền cần nhất phải hồn nhiên gây cười thì người ta mới dễ nhớ, dễ thuộc. Thí dụ, về tuyên truyền chính sách chăn nuôi ông viết:

“Đồng Lương, Phú Lạc, Sai Nga(1)

Bao nhiêu lợn nái, trâu cà bấy nhiêu”

Ông dùng trâu phối với lợn để gây cười.

Hay câu:

“Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh

Anh về đồng ruộng tốt xanh bời bời”

nhưng dân gian xuyên tạc thành:

“Anh Thanh ơi hỡi anh Thanh

Anh về phân bắc, phân xanh đầy chuồng”.

Những câu lục bát ông làm ép vần và những câu ông bổ đôi vắt dòng như:

“Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên

Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về”

được dân gian tha hồ phóng tác theo để vui cười. Đó là lối cười không chết ai, không đả kích vào ai nên nó được khuyến khích phát triển.

“Thơ Bút Tre” và “xin xà phòng”(2) thành hai “đặc sản xấu” của dân Phú Thọ. Đến nỗi cậu Phiến, con trai Bút Tre, đi lao động ở Đông Âu đến đâu cũng thấy đọc thơ Bút Tre để diễu dân Phú Thọ nên cậu phải nói dối mình là người Hà Tây.

Lúc ấy dù biết ông Bút Tre bị oan nhưng không thanh minh được. Có lần đoàn nhà văn Việt Nam lên thăm Hội Văn nghệ Vĩnh Phú, nhà văn Nguyễn Tuân bảo ông Tô Hoài, Phó tổng thư ký Hội và ông Nguyễn Văn Bổng, phụ trách báo Văn nghệ nên phối hợp với các cậu này (chỉ vào tôi, nhà thơ Hoàng Hữu và nhà văn Sao Mai), ông bảo các ông nên thanh minh cho Bút Tre vì một người đã in tiểu thuyết ở báo Đông Pháp lại rất thạo thơ ca Pháp không thể làm những câu thơ như:

“Anh đi công tác Pờ Lây

Ku dài dằng dặc biết ngày nào ra”.

Mãi sau này khi sang phụ trách phòng xuất bản, tôi tập hợp những giai thoại và thơ Bút Tre in thành tập về Bút Tre phát hành cả sang 8 nước Đông Âu, tôi còn bị Trưởng ban Tuyên huấn gọi sang kiểm điểm. Tội nặng nhất bị nêu ra là in những câu:

“Hoan hô anh Lê Quảng Ba

Trước đi theo phỉ sau ra hàng mình”

Hay:

“Chị em phụ nữ tài thay

Bắn tàu bay Mỹ rơi ngay cửa mình”.

Tôi cãi đây là thơ dân gian. Vị trưởng ban bắt tôi về truy tội nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế phải giải đáp đã sưu tầm tác giả những câu thơ ấy là ai. Tôi nói: “Đó là thơ dân gian, làm sao có tác giả, anh Kế làm không sai”.

Vị ấy kết luận làm việc suốt buổi mà tôi không hề “cầu thị”. Tôi nói: “Tôi xin lỗi, về việc này tôi sẽ tiếp tục viết báo để trình bày quan điểm của mình”. Vị ấy nói: “Đồng chí muốn viết báo về Bút Tre phải được phép của Tỉnh ủy”. Tôi đáp: “Với tư cách xã hội một nhà văn, tôi không phải được phép của Tỉnh ủy các vị về việc này”.

Nhà thơ Trúc Thông bảo tôi “mình muốn tiếp xúc với ông Bút Tre”. Thế là tôi và nhà thơ đạp xe từ Việt Trì lên làng Đồng Lương nơi Bút Tre mới về nghỉ hưu để gặp ông. Tôi giới thiệu đây là nhà thơ Trúc Thông, ông trố hai con mắt lồi lên cười “hớ” một tiếng, nói “chào nhà thơ mô-đéc”. Ông mời chúng tôi ngồi ở cái bàn mộc có đóng hai cái ghế cho khách ngồi, rót nước chè xanh ra bát đất mời chúng tôi uống rồi giơ tay nói: “Đợi tí nhé”. Ông biến ra khỏi cổng. Ông đi, đi mãi không thấy về. Chúng tôi ra sân ra vườn ngó quanh ngôi nhà lá rách nát, tường thổ đắp dày gần nửa mét cao chưa đến bụng người. Mặt tường để toàn sách báo tiếng Pháp. Những tập Những người khốn khổ của Victor Hugo bên cạnh các tập thơ mỏng hơn.

Chiều tà, cô con dâu về, cô nói cô là vợ cậu Phiến còn đi kiếm ăn ở nước ngoài. Chúng tôi tự giới thiệu về mình. Tôi bảo bác Đăng đi từ lúc chúng tôi đến, rất lâu rồi chưa thấy về. Đợi một lúc nữa ông Bút Tre mới về, vác trên vai một cái ghế ba nan cong mới đóng xong để mộc, hai tay cầm gói lá chuối có dăm quả trứng vịt và tay kia cầm mấy bìa đậu phụ.

Trong bữa cơm ông nói:

- Hôm nay đãi các tướng cơm độn sắn nhưng ít sắn hơn mọi ngày.

Cô con dâu bảo:

- Hằng ngày bố em chế biến bữa thì bánh sắn, xôi sắn, bữa thì cháo sắn. Ăn súp sắn, bố em dầm vào thật nhiều ớt. Bố em bảo cho thật cay hết mùi sắn mới nuốt được các anh ạ.

Ông đưa khoe chúng tôi thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng mới gửi ông. Ông đề xuất việc nên cho in các cuốn địa chí cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh để mọi người nhớ lấy lịch sử quê hương mình. Thủ tướng khuyến khích ông hãy hoàn thành cuốn địa chí làng Đồng Lương để làm mẫu. Từ cuốn đó mà ra cuốn địa chí văn hóa dân gian tỉnh Vĩnh Phú. Rồi ở miền Bắc có phong trào tỉnh nào cũng in địa chí văn hóa dân gian. Từ địa chí văn hóa dân gian, ở nhiều xã còn in lịch sử Đảng bộ xã…

Ở Đồng Lương mấy ngày, ông Bút Tre đưa chúng tôi đi thăm thú đồng đất làng ông. Ở cuối dãy núi, nối liền dãy Hoàng Liên Sơn thoai thoải ra phía cửa sông Bứa, sông Thao là miền đồi thấp phẳng lan ra bờ bãi sông, cảnh trí rất đẹp. Tôi đã lấy tên đất, tên đồi ở đây để viết cuốn tiểu thuyết Dốc nắng dày, viết xong năm 1977, xuất bản năm 1984. Cũng sau khi chia tay ông Bút Tre về, tôi viết bút ký Ông giáo già ca ngợi ông.

Báo in ra, một ông Tỉnh ủy viên đọc xong bèn mang tờ báo báo cáo với ông Hoàng Quy, Bí thư Tỉnh ủy:

- Thằng này nó viết bài ca ngợi lão Đăng nhưng rất hiểm độc, ý muốn phê Đảng ta ăn chanh vắt vỏ.

Ông Hoàng Quy xem xong ngẫm ngợi nói:

- Thì nó viết đúng. Cả nước ăn sắn chứ riêng gì lão Đăng. Chính chúng mình bỏ quên lão Đăng.

Thực ra ông Hoàng Quy là bạn với Bút Tre, hiểu Bút Tre hơn ai hết. Nhân cớ có bài báo bị xuyên tạc này, ông cho gọi ngay Bí thư huyện Cẩm Khê, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch tỉnh và Giám đốc Sở Xây dựng, Sở Tài chính đến, trên danh nghĩa các ngành sẽ xuất tiền, nhân công xây cho ông Bút Tre ngôi nhà cấp bốn. Nhà xây dài như nhà công trường được ngăn đôi, mỗi bên ba gian thông nhau. Từ đó đi đâu ông Bút Tre cũng khoe “nhà này là nhà thằng Nhàn cho tôi”.

Một hôm tôi đang ngồi viết tiểu thuyết ở nhà sáng tác Quảng Bá, Hà Nội, nhà văn Nghiêm Đa Văn đi Vĩnh Phú về khoe: “Nhờ bài viết của thằng này - anh chỉ vào tôi nói - mà lão Bút Tre được Tỉnh ủy Vĩnh Phú cho cái nhà ngói, chúng mày à!”.

Lúc đương làm Trưởng ty, ông Bút Tre được mọi người yêu mến vì tính chân thực, giản dị, dễ gần vì thế anh em trong ty rồi lan rộng ra cả tỉnh có rất nhiều giai thoại ca ngợi ông. Ông vốn làm việc mê say hết mình. Nhiều khi viết văn bản, hết giấy ông vẫn miệt mài viết tràn ra mặt bàn. Viết xong gọi ông Ẩm, Chánh văn phòng, đến bảo cho đánh máy rồi in ni tô phát đi cơ sở. Ông Ẩm hỏi:

- Anh viết kiểu gì thế này, đọc sao nổi?

Ông chỉ chỉ tay nói:

- Cứ bảo cái Ngà khắc nó tự dịch được. (Ngà là nhân viên đánh máy của Ty Văn hóa).

Và vì có thói quen viết tràn ra ngoài mặt giấy nên ông bảo bàn của ông làm việc không cần sơn, đánh véc ni gì.

Hay chuyện “gánh sắn cho đại tướng mượn”. Số là trước đó ông đến gặp một vị lãnh đạo tỉnh xin mua một cái đàn pi-a-nô cho văn hóa, bị vị lãnh đạo ấy khước từ nói: “Tỉnh ta chỉ có sắn, sắn. Cả tỉnh đang tập trung sản xuất sắn, không có tiền mua nô niếc đâu”. Rồi một hôm Đại tướng Võ Nguyên Giáp lên Phú Thọ công tác, lúc nghỉ trưa ông hỏi mượn đàn pi-a-nô. Tỉnh ủy cho Chánh văn phòng sang Sở Văn hóa gặp ông Bút Tre để hỏi mượn đàn. Ông bèn đi sang Tỉnh ủy, hỏi ông lãnh đạo tỉnh:

- Anh cần bao nhiêu gánh sắn để tôi gánh sang cho đại tướng mượn?

Ông Thường trực Tỉnh ủy trố mắt hỏi:

- Đồng chí nói gì mà lạ vậy?

- Thế tôi hỏi anh: Hôm tôi sang xin mua đàn pi-a-nô cho văn hóa, chính anh bảo: Sắn, sắn, tỉnh ta chỉ có sắn không tiền đâu mà mua nô niếc cả. Vì thế tôi hỏi anh cần mấy tạ sắn đem sắn cho đại tướng mượn đây?

Ông Thường trực Tỉnh ủy tức nhưng không kỷ luật được Bút Tre. Chỉ còn cách cùng các đồng chí của mình đem thơ dân gian Bút Tre ra đọc để giễu cợt Bút Tre.

Kháng chiến chống Pháp thành công, ông Bút Tre về báo cáo với Trung ương và Bộ Văn hóa yêu cầu Trung ương chỉ thị cho tỉnh Phú Thọ mở lại hội Đền Hùng. Lãnh đạo tỉnh biết việc xin phục hồi lễ hội này - mà theo họ là phục hồi mê tín dị đoan - là mẹo của “lão Bút Tre”, xúi cấp trên chỉ thị về cho địa phương phải thực hiện. Một ông lãnh đạo chỉ thị cho chúng tôi không được viết “hội Đền Hùng” mà phải viết là “kỷ niệm Hùng Vương”. Trước đó, xem ở tờ tin của Đại đoàn quân Tiên Phong, ông Bút Tre biết trước có thể tuyên truyền rộng rãi câu nói của Bác Hồ thành câu danh ngôn để giáo dục lòng yêu nước cho mọi người. Có nhà khoa học lớn yêu cầu ông bỏ chữ “lấy” trong câu “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” cho thành câu văn viết hoàn chỉnh. Nhưng ông Bút Tre không nghe vì giữ chữ “lấy” thì câu văn mới trở thành câu văn nói của Bác thân quen hơn với quần chúng.

Ở địa phương có nghị quyết viết câu đó trên bức hoành phi để treo ở Đền Hùng. Nhưng dựa vào lời phát biểu của Bác ở Hội nghị Thủy lợi toàn quốc, đại ý nói đến đất phải gắn liền với nước, ít nước quá thì khô hạn, nhiều nước quá thì lũ lụt, thế là họ ra nghị quyết phải thêm chữ “đất” vào trước mỗi chữ “nước” để có câu danh ngôn “Các Vua Hùng đã có công dựng đất nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy đất nước”. Nghị quyết bắt ông Bút Tre phải thực hiện, mặc dù ông đã giải thích nước trong câu nói của Bác là tổ quốc, là non sông đất nước, không phải nước cày bừa, tắm giặt. Buộc phải làm, nhưng làm xong ông Bút Tre cho người ta nhét vào kho để không bao giờ thấy treo bức hoành phi ấy ở Đền Hùng.

Cuối cùng thì mọi người cũng hiểu được ông Bút Tre. Mới đây tỉnh Phú Thọ đã tổ chức một cuộc hội thảo lớn về Bút Tre tại Trường đại học Hùng Vương. Tới dự có nhiều vị quan chức, các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành của các viện nghiên cứu và các trường đại học lớn về dự.

Hội thảo đã đánh giá lại những cống hiến to lớn của ông Bút Tre với đời sống văn nghệ và về miền văn hóa Hùng Vương của dân tộc ta.

 

_____

(1) Các xã có phong trào chăn nuôi giỏi của địa phương.

(2) Vì Phú Thọ xưa có tục tắm truồng. Nam nữ đều cởi trần tắm bên bờ sông, bờ suối, gặp bộ đội lại gọi “xin xà phòng”.

NGUYỄN HỮU NHÀN