Việc gộp hai kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và thi vào đại học thành kỳ thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia hay còn gọi tắt là kỳ thi “2 trong 1” với lý do mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đưa ra là để đỡ tốn kém cho gia đình thí sinh. Song, khi xét đỗ tốt nghiệp cần điểm học bạ và điểm thi, còn xét trúng tuyển đại học dựa vào điểm thi cho đại học tốp đầu (bổ sung thêm điểm học bạ cho đại học tốp sau) - theo hai tiêu chí đỗ khác nhau, có nghĩa “1 lại biến thành 2”.
Tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia như vậy, liệu có phải là tư duy logic - khoa học? Còn xét đỗ, liệu có minh bạch với truyền thống thi cử mà dân ta luôn coi là phép nước và phù hợp thực tiễn trong, ngoài nước?
Thực tiễn qua các con số và sự kiện
Đề thi: Ngành giáo dục cố ghép “2 kỳ thi” tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học làm một. Thực tế, mục đích kỳ tốt nghiệp THPT là đạt chuẩn, không hạn chế số lượng, trong khi mục đích kỳ tuyển sinh đại học là cạnh tranh, chỉ tiêu có hạn. Vì thế, không một đề thi nào có thể “gánh” được cả hai mục tiêu và thước đo khác nhau đó. Năm 2015, khi ngành giáo dục lần đầu tiên tổ chức kỳ thi “2 trong 1”, đề thi “khó” so với đề thi tốt nghiệp hằng năm đã làm cho khoảng 100.000 thí sinh bị trượt oan. Năm 2017, đề thi lại dễ tới mức “mưa điểm 10” khiến thí sinh “30 điểm/3 môn vẫn trượt đại học”. Đây là phi lý không thể chấp nhận được. Năm 2018, đề thi lại khó tới mức một giáo sư toán nổi tiếng ở đại học nước ngoài cũng phải thừa nhận không thể làm nổi trong thời gian quy định.
Xét đỗ: Điểm đỗ vào các trường đại học dựa vào kết quả thi, song điểm đỗ tốt nghiệp thì ngoài điểm thi còn cộng thêm điểm học bạ. Sự nhập nhằng giữa điểm học bạ và điểm thi vô tình dẫn đến nghịch lý, điểm thi thấp nhưng điểm học bạ lại cao, và vẫn đỗ tốt nghiệp! Theo tính toán đăng trên công luận sau kỳ thi của năm 2018, nếu chỉ dựa vào kết quả thi THPT thì chỉ có 46,38% thí sinh đỗ tốt nghiệp. Nhưng, vì cộng điểm học bạ nên tỷ lệ tốt nghiệp THPT cả nước là 97,57%. Ví dụ, có em điểm thi chỉ đạt 1,25 (không bị liệt), song điểm học bạ của các em rất cao nên em đó vẫn đỗ tốt nghiệp dễ dàng. Vậy thì tổ chức thi làm gì? Công bằng và nghiêm túc của phép nước đang bị thách thức!
Thi đại học theo khối thi, theo yêu cầu phát triển của trường đại học có 3 môn, nay tăng số lượng các môn thi lên tới 9 môn vào năm 2016 theo tinh thần phổ thông hóa, nhưng lại đại học hóa câu hỏi. Như vậy là thi theo hai logic trái ngược nhau? So với mặt bằng chung quốc tế và giáo dục Việt Nam trước đây, nội dung trong sách giáo khoa (SGK) nặng hơn các nước từ 1 đến 3 năm, chủ yếu chuyển kiến thức từ đại học đại cương xuống, làm cho đề thi từ SGK nặng nề hơn rất nhiều. Mặt khác, học sinh có nơi “chỉ tập trung vào các môn để thi”, thời khóa biểu liên tục bị xáo trộn và thay đổi, và hệ lụy rất lớn. Nền tảng kiến thức bị méo mó, thiếu hụt kiến thức cơ bản phổ thông để bước vào đời. Kiến thức Lịch sử là ví dụ tiêu biểu mà công luận đã nêu. Vào năm 2005, GS Hoàng Tụy đã cảnh báo việc biên soạn SGK với nguồn kinh phí khổng lồ liên quan đến 3 “cục bướu” (biên soạn SGK, học thêm tràn lan và thi cử nặng nề) dai dẳng bám vào cơ thể giáo dục, hàng chục năm không giải quyết được! Cục bướu lớn nhất, nguy hiểm nhất liên quan đến SGK, chi phối các cục bướu còn lại, cần phải cắt bỏ để hiện đại hóa giáo dục.
Nhìn ra thế giới, ý tưởng tổ chức kỳ thi “2 trong 1” được người Pháp làm cách đây 200 năm dưới thời hoàng đế Napoléon I. Theo cố GS Bùi Trọng Liễu, đó là một tai họa lớn cho nền giáo dục của nước Pháp ngày nay. Cách thi này xem nhẹ chất lượng nguồn nhân lực và vô tình còn “tước quyền” tự chủ trong vấn đề tuyển sinh của các trường đại học. Nhật Bản đã từng tiến hành việc gộp hai kỳ thi phổ thông và đại học nhưng sau đó đã thất bại nên họ đã tách hai kỳ thi kể từ năm 1989. Ở châu Á, nhiều nước như Trung Quốc, Hàn Quốc cũng không thi “2 trong 1”, Nước Nga mới áp dụng thi “2 trong 1” và đang có nguy cơ phá sản. Mỹ bỏ kỳ thi “2 trong 1”, và loại bỏ chương trình thi trắc nghiệm theo đề thi quốc gia thống nhất để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng.
Nước ta nay tổ chức kỳ thi “2 trong 1”, song xét đỗ thì “1 biến thành 2”. Cách làm này không những chẳng giống ai mà còn kéo dân tộc đi theo vết xe đổ của nhân loại và phản cả khoa học lẫn thực tiễn(1). Bốn năm qua, kể từ khi Bộ GD-ĐT đổi mới thi cử, những áp lực, căng thẳng, tranh cãi vẫn liên tục diễn ra và ngày càng gây bức xúc cho dư luận và công luận yêu cầu khai tử kỳ thi “2 trong 1”(2).
Lịch sử thi cử nước ta
Ngạn ngữ phương Tây đã răn dạy “Khi mất phương hướng, bạn hãy quay lại ngay từ khởi điểm”. Sự thay đổi vừa qua chưa mang lại kết quả mong muốn, mà hậu quả của nó chưa từng có trong lịch sử thi cử.
Thi vào đại học theo phương án ba chung “chung đợt, chung đề và xử lý kết quả chung” do GS Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, đề xuất và thực thi vào năm 1970. GS Tạ Quang Bửu là một trong số người trực tiếp chỉ đạo nhóm ra đề và chọn đề thi tuyển đại học. Khi cần thiết, ông đích thân tự mình soạn lấy đề thi Toán. Các trường đại học được phân công về các tỉnh cùng với chính quyền địa phương tổ chức các cụm thi. Các bài thi xong được chuyển về bộ để phân cho các trường chấm dọc phách. Việc xử lý kết quả chung ở bộ được tính “bằng tay”, việc tìm điểm sàn quốc gia và điểm chuẩn vào từng trường trong vòng 20 ngày, việc phát giấy gọi trúng tuyển ngay sau đó để đầu tháng 9 các trường đại học cùng khai giảng với các trường phổ thông trong toàn quốc.
Năm 1987 ta bắt đầu đổi mới công tác tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng, mà nội dung cốt lõi của nó bao gồm: một là, giao cho các trường đại học và cao đẳng quyền tự chủ rộng rãi từ khâu ra đề, chấm thi đến khâu gọi học sinh nhập trường; hai là, cho phép Nhà xuất bản Giáo dục được quyền xuất bản các bộ đề thi để các trường chưa đủ khả năng tự ra đề thì “bốc thăm chọn đề” và các học sinh dựa vào bộ đề này học luyện thi; ba là, hằng năm Bộ GD-ĐT tổ chức các cuộc họp để phổ biến những điều chỉnh trong quy chế tuyển sinh, bán hồ sơ dự thi cho các trường. Duyệt chỉ tiêu và danh sách thí sinh trúng tuyển theo một cơ chế, tương tự như việc cấp quota trong hoạt động xuất nhập khẩu. Sự thay đổi cơ chế thi cử phi khoa học của công cuộc cải cách giáo dục năm 1987 được đánh giá là gây nhiều bất ổn và nhức nhối cho xã hội, như: lò luyện thi mọc lên như nấm, phao thi tràn lan khi có công nghệ cao về sao chụp.
Để khắc phục sự lãng phí, tốn kém tiền của cho phụ huynh - học sinh, đặc biệt là khắc phục tệ nạn tiêu cực trong thi cử, năm 2002, Chính phủ đã giao cho Bộ GD-ĐT khôi phục chính sách thi “ba chung” bao gồm: chung đề thi, chung đợt thi và chung kết quả thi. Chủ trương này được xem là đúng đắn và hợp lòng dân. Xét về mặt lịch sử, thì sự đổi mới này thực chất đã quay trở lại các nguyên tắc thi cử của nền giáo dục cách mạng. Vai trò quản lý của Nhà nước trong thi cử được đề cao để giảm bớt gánh nặng chi phí của người dân. Dư luận xã hội đồng tình ủng hộ việc khôi phục kỷ cương trật tự này. Mặc dầu cũng còn ý kiến khác nhau nhưng có thể xem hai khâu chung (đề thi và đợt thi) thực tế đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội rõ rệt, bớt lãng phí cho xã hội khoảng 500 tỉ đồng(3).
Thế nhưng khâu xử lý kết quả chung và xét tuyển có vấn đề. Hồ sơ nộp mà không có người đến thi hay xét tuyển, tương tự như “xếp hàng gạch”, hay còn gọi là “hồ sơ ảo”. Đồng tiền đã len lỏi một cách tinh vi vào kỳ thi quốc gia. Chưa bàn đến việc bán hồ sơ lợi ai thiệt ai, điều tệ hại nhất của “hồ sơ ảo” là làm nhiễu toàn bộ quá trình tuyển sinh - từ khi đi thi, đến xử lý chung và xét tuyển, “có thí sinh nộp đến 5, 6 hồ sơ mang tính cầu may”. Chỉ tính một đợt xét tuyển năm 2002 số lượng bán hồ sơ ảo thu được 17 tỉ 466 triệu đồng!(4). Vì thế, việc trở lại thi “ba chung” cần phải khắc phục được bất cập này.
Năm 2015, Bộ GD-ĐT quyết định thực hiện một “trận đánh lớn”, tổ chức kỳ thi quốc gia chung thay vì tách thi tốt nghiệp và đại học như trước, với hy vọng tạo đột phá trong khâu thi cử. Điểm thi của thí sinh sẽ được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng như đã nói ở trên. Nhân đây cũng nói thêm về “thi đánh giá năng lực” của ĐH Quốc gia Hà Nội trong 2 năm 2015-2016, đến 2017 thì dừng! Trong sự rối ren thi cử vào đại học, thì “thi đánh giá năng lực” cũng là thử nghiệm một cách làm. Hiện chưa có bất cứ nghiên cứu đánh giá nghiêm túc nào về “kỳ thi đánh giá năng lực” này là tốt hay xấu ở bình diện quốc gia, hay ở nơi nó được sinh ra! Thực tế, có trường chọn đủ sinh viên, song cũng có trường chỉ tuyển được 70% so với chỉ tiêu, năm sau 20% số lượng sinh viên đã vào trường thôi học hoặc chuyển sang trường khác. Chất lượng sinh viên đầu vào trường thấp, khoa Tự nhiên có khi phải nhận tới 14 em khối C vào học, làm sao mà đào tạo được?
Giải pháp nào cho các năm tiếp theo?
Câu chuyện gian lận thi cử “chấn động” ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình… trong mùa tuyển sinh năm 2018 đã phơi bày thực trạng nhức nhối trong công tác tổ chức thi THPT quốc gia và nhiều bất cập ở khâu chấm thi, thiếu chuẩn xác, trong thời gian qua. Giáo sư Võ Tòng Xuân đã cảnh báo ngay từ năm thi đầu tiên: “Một mùa tuyển sinh vô tiền khoáng hậu. Chưa bao giờ có cuộc tuyển sinh lạ lùng nhất không thể tìm thấy nơi nào trên quả địa cầu này ngoài Việt Nam” và “Quy chế rất sai lầm, phản khoa học, làm hại tương lai của thanh niên ta. Việc quản lý điểm thi của tất cả các thí sinh toàn quốc cũng là một sai lầm quá lớn”(5). Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an), đã nói gian lận thi cử còn khủng khiếp hơn cướp của giết người(6).
Trước thực trạng nhức nhối của công tác thi và chấm thi ở kỳ thi THPT quốc gia hiện nay, có một số vấn đề cần phải làm ngay.
Thứ nhất, tách kỳ thi ra làm hai. Bậc phổ thông đưa về các trường ở địa phương, có thể giao cho bộ, sở tổ chức ra đề, và chấm thi ngay tại trường địa phương nhằm: 1) giảm tốn kém và gánh nặng cho xã hội, 2) đảm bảo nền tảng kiến thức phổ thông, không bị cắt xén méo mó, 3) đồng thời phù hợp với xu thế của nền giáo dục thế giới. Đã học là phải thi, song tổ chức nhẹ nhàng, nhưng thật nghiêm túc. Thi tốt nghiệp phổ thông của Trung Quốc là một ví dụ, các khối kiến thức phổ thông được chia thành các phần khác nhau để thi dần và giảm áp lực, thi hết các phần, đủ điểm chuẩn công nhận đỗ tốt nghiệp, nhiều nơi hết học kỳ I năm lớp 12 đã xong phần đỗ tốt nghiệp! Bậc đại học, về nguyên tắc phải giao trả lại cho các trường nhưng cần phải có lộ trình, tạm thời giữ hình thức thi “ba chung”.
Thứ hai, chấn chỉnh lại hệ thống giáo dục quốc dân, tiến hành phân luồng học sinh mạnh mẽ từ bậc trung học cơ sở (THCS). Nguồn nhân lực vẫn còn theo lối mòn “thầy nhiều hơn thợ”, nghịch lý này đã được cảnh báo từ hàng chục năm qua. Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, đến năm 2020 mới có được khoảng 30% học sinh sang học nghề sau THCS. Chúng ta không thể để 220.000 sinh viên tốt nghiệp ra không có việc làm (lãng phí gần 25.000 tỉ đồng của Nhà nước và người dân bỏ ra đào tạo và học tập), nhiều em cất bằng cử nhân để đi làm công nhân hoặc trở lại học nghề. Đây là sự lãng phí lớn về nhân lực, tiền bạc, công sức của người học, gia đình, xã hội.
Thứ ba, xây dựng bộ sách giáo khoa (SGK) chuẩn - theo chuẩn mực quốc tế và phù hợp với Việt Nam để ổn định giáo dục phổ thông. Chúng tôi kiến nghị hãy tập trung các SGK của 5 nước tiên tiến Anh, Đức, Nga, Mỹ, Pháp với SGK của hai miền Bắc, Nam nước ta đã được sử dụng nhiều năm (có một vài môn xã hội sẽ được nghiên cứu kỹ để lựa chọn phù hợp với thể chế hiện hành), mời một nhóm chuyên gia toàn quốc khoảng 40 người so sánh và đối chiếu, ta sẽ có cách làm hay và có những bộ SGK “chuẩn” nhất mà không phải quá tốn kém như những dự án SGK hàng tỉ USD mà Bộ GD-ĐT đã và đang tiến hành. Đề nghị trên về thực chất là kế thừa và phát triển kinh nghiệm của GS Hoàng Xuân Hãn (1945), GS Nguyễn Văn Chiển, GS Hoàng Tụy (1955) là những “nhạc trưởng” chủ trì và biên soạn SGK được sử dụng hàng mấy chục năm, học sinh tốt nghiệp đã đóng góp cho việc bảo vệ và xây dựng tổ quốc, ra nước ngoài học không thua kém học sinh của bất cứ nước nào. Theo thiển nghĩ của tôi, thời gian làm SGK chuẩn trong vòng một năm, kinh phí khoảng 100 tỉ đồng, để triển khai đồng bộ vào hệ thống giáo dục năm sau đó, như thế hệ đi trước đã từng làm! Chỉ khi xây dựng được bộ SGK chuẩn chúng ta mới có thể xây dựng những thế hệ tương lai đạt chuẩn và vươn tầm quốc tế.
Thứ tư, chấn chỉnh lại bộ máy thi cử, cách thức chấm thi và ra đề, đồng thời xem lại hệ thống tổ chức cán bộ, nhân sự, đặc biệt cần lắng nghe tiếng nói của nhân dân. Thi cử từ xưa đến nay được coi là phép nước, chúng ta phải xem xét hết sức cẩn trọng. Thi tốt nghiệp và thi đại học thành kỳ thi THPT quốc gia “2 thành 1” nhưng xét đỗ thì “1 thành 2” là phản khoa học và sinh ra rối loạn với nhiều tiêu cực. Bác Hồ đã nói con người là gốc của mọi việc. Người tài cụ thể ở nước ta, xin khẳng định là không hề thiếu. Có thiếu chăng là thiếu người biết dùng người tài.
_____
(1) http://baophunuthudo.vn/article/27925/176/nen-xem-lai-viec-to-chuc-thi-2-trong-1
(2) https://baomoi.com/tieng-chuong-bao-tu-ky-thi-2-trong-1/c/27004010.epi
(3) Báo Quân đội Nhân dân chủ nhật, 24-11-2002.
(4) Báo Giáo dục và Thời đại, 25-7-2002.
(5) http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Sai-tu-duy-logic-hy-vong-vao-ket-qua-tot-dep-chi-la-su-lang-man-vien-vong-post162176.gd
(6) https://tintucvietnam.vn/tuong-le-van-cuong-gian-lan-thi-cu-con-khung-khiep-hon-cuop-cua-giet-nguoi-40322