HV131 - Việc đổi mới dạy học Ngữ văn hiện nay còn nhiều bất cập

Trong mấy đợt ôn thi học kỳ của đứa con trai đang học tiểu học, nhìn con cầm cả xấp bài văn mẫu được thầy chủ nhiệm in sẵn phát cho về nhà học thuộc mà thấy tội nghiệp vô cùng. Vì là giáo viên dạy Văn nên tôi hướng dẫn cháu cách học và cách khai thác các đề văn, nhưng cháu không chịu mà cứ răm rắp nghe lời thầy là học văn mẫu, bởi thầy đã hẹn là học thuộc để ngày kiểm tra học kỳ cứ chép lại vào bài viết của mình.

Thời còn đi học phổ thông, tôi thường có tên trong đội tuyển của trường để đi thi học sinh giỏi môn Văn các cấp. Trong quá trình ôn luyện, ngoài những kiến thức sách giáo khoa, chúng tôi được thầy cô giảng dạy rất nhiều kiến thức nâng cao để đáp ứng yêu cầu trong mỗi kỳ thi. Những đề Văn ngày đó tương đối khó nhưng đầy “chất văn” khiến chúng tôi thích thú vô cùng. Bởi những đề Văn càng khó thì càng “có đất” để chúng tôi trình bày những suy nghĩ, cảm nhận của riêng mình về kiến thức văn học. Ngày đó, mỗi khi hết giờ kiểm tra, thầy cô thu bài mà đứa nào cũng cảm thấy thời gian hình như vẫn còn quá ít vì vẫn còn nhiều điều chưa diễn đạt hết…

Sau này, chính từ tình yêu môn Văn mà đa số những học sinh đội tuyển ngày ấy theo đuổi chuyên ngành Ngữ văn để thực hiện những đam mê của riêng mình. Rồi ra trường, được đi dạy môn học mà mình yêu thích thì thực sự là niềm hạnh phúc vô cùng đối với tôi. Song, niềm vui được đứng trên bục giảng để hướng các em tới những giá trị đích thực của văn chương không phải lúc nào cũng trọn vẹn và như mong muốn của mình, bởi rất nhiều những ràng buộc, những hướng dẫn và quy định của ngành trong việc giảng dạy, ra đề thi, cách tiếp cận tác phẩm văn học hiện nay đã không tạo được sự thích thú và hứng khởi cho các em học sinh. Vì sao vậy?

Sách giáo khoa Ngữ văn hiện hành được viết theo hướng tích hợp các phân môn của môn Ngữ văn. Nghĩa là người viết sách đã có chủ định trong mỗi tuần học có 1-2 bài phần Đọc hiểu văn bản (tác phẩm văn học), 1 bài Tiếng Việt và 1 bài Tập làm văn. Trong ba bài học của ba phân môn này có liên hệ mật thiết cả về nội dung và hình thức. Tuy nhiên, những năm gần đây ngành giáo dục đang có chủ trương dạy học theo chủ đề. Vì thế, khi xây dựng giáo án dạy học theo chủ đề thì cũng đồng nghĩa sẽ phải xé các bài trong tổ hợp này ra. Vô hình trung đã thể hiện mâu thuẫn giữa sách giáo khoa hiện hành với chỉ đạo mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo, và rõ ràng đang đi ngược với nguyên tắc tích hợp và chủ định của người viết sách. Xé các bài học ra và nhóm vào theo chủ ý của giáo viên là việc làm quá chủ quan, manh mún và khó đạt tới sự thống nhất trong các nhà trường, gây khó khăn trong việc tiếp cận kiến thức của học trò và trong thi cử sau này của các em! Bởi những bài cùng chủ đề không nhiều nhưng vì “mạnh ai nấy làm” nên nhiều giáo viên cũng cố “gán ghép” để thành một chủ đề cho đúng với hướng dẫn của cấp trên.

Ngoài chủ trương dạy học theo chủ đề thì môn Ngữ văn hiện nay cũng được tích hợp rất nhiều môn học, rất nhiều thứ theo chỉ đạo của trên. Nào là Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Kỹ năng sống… dẫn đến “chất văn” của mỗi tác phẩm đang giảm dần. Giáo án ngày nay mà không có tích hợp liên môn thì người dự giờ, người kiểm tra giáo án phê bình là không đúng với yêu cầu. Nhìn chung, giáo án và cách giảng dạy trên lớp như một nồi “lẩu thập cẩm” bởi gần như bài nào cũng đều có các địa chỉ tích hợp đã được ấn định từ cấp trên.

Cách ra đề Văn ngày nay cũng không hướng tới “chất văn”. Ví dụ, trong những bài kiểm tra 1 tiết trở xuống thì ma trận và nội dung đề kiểm tra không được cho “vận dụng cao” mà chỉ dừng lại ở phần “vận dụng thấp”. Và, mãi đến giữa học kỳ II của lớp 9 học sinh mới được học Nghị luận văn học, nên dẫn đến việc nhiều học sinh học xong cấp 2 mà không thể nào viết và cảm nhận được nội dung và nghệ thuật của một đoạn thơ ngắn. Rõ ràng, cách ra đề kiểm tra Văn hiện nay phần lớn không hướng học sinh đến cách cảm thụ cái hay, cái đẹp của một tác phẩm văn học trọn vẹn mà chúng ta chỉ lướt qua ở phần trắc nghiệm hay chỉ một vài câu thơ, một vài đoạn trích trong văn xuôi. Đồng thời, sự chỉ đạo không có tính đồng nhất trong việc hướng dẫn ra đề kiểm tra; đề thi Ngữ văn liên tục đổi thay đang làm khó khăn cho người dạy và người học. Cứ lòng vòng tự luận kết hợp với trắc nghiệm khách quan, lại quay lại tự luận, rồi cả việc cùng một cấp học nhưng hình thức kiểm tra lại khác nhau. Lớp dưới trắc nghiệm kết hợp tự luận, lớp trên tự luận, lên trên nữa lại quay lại... trắc nghiệm kết hợp tự luận.

Học sinh giỏi Văn ngày nay đốt đuốc cũng khó tìm thấy, vậy mà năm nào cấp trên cũng giao cho những chỉ tiêu không tưởng. Nhiều địa phương giao chỉ tiêu học sinh giỏi Văn là 30% nên giáo viên cứ đôn mãi tỷ lệ khá, giỏi lên cao; nhiều giáo viên sợ học sinh làm bài kém nên làm sẵn văn mẫu khiến nhiều lớp học có tỷ lệ khá, giỏi lên đến 2/3 học sinh! Tìm học sinh yếu môn Văn trong lớp, trong trường khó hơn rất nhiều học sinh khá, giỏi. Tuy nhiên, có một nghịch lý là học sinh khá, giỏi môn Văn ngày một nhiều nhưng tỷ lệ các vụ bạo lực học đường thì ngày càng gia tăng!

Chuyện đổi mới giáo dục, đổi mới phương pháp và cả kiến thức sách giáo khoa là việc không tránh khỏi để phù hợp với sự phát triển của xã hội, tiếp cận với giáo dục tiên tiến của khu vực và thế giới. Song, sự đổi mới phải đồng bộ và phù hợp với xu thế và đặc tính của môn học. Môn Ngữ văn là một môn học mang tính đặc thù, bởi văn chương là chuyện của lòng người, chuyện của cuộc đời. Người dạy phải được toàn tâm để hướng tới cái hay, cái đẹp của văn bản văn học, hướng tới cái đúng, cái đẹp của ngôn từ tiếng Việt và giúp học sinh biết cách cảm thụ và hành văn một cách tốt nhất. Những thay đổi, bổ sung và hướng dẫn dạy Văn hiện nay đang làm mất dần đi đặc trưng của môn học, “chất văn” qua mỗi giờ học không được phát huy mà vô tình đang làm mất đi giá trị đích thực của môn học. Vì thế, việc chuẩn bị thay sách tới đây đòi hỏi những nhà hoạch định chính sách, viết sách giáo khoa cần có tầm nhìn chiến lược, dài hơi để bộ sách giáo khoa mới phải hoàn chỉnh hầu tránh những bất cập, gượng ép, lãng phí thời gian, ngân sách của Nhà nước, giáo viên mà hiệu quả giáo dục cũng chẳng thay đổi được nhiều, vô tình lại gây áp lực, khó khăn cho giáo viên đứng lớp.

Rõ ràng, trong những năm qua, những đổi mới trong việc giảng dạy và học Văn ở nhà trường có những lúc thể hiện sự manh mún, chủ quan, lan man, phá vỡ trình tự logic của sách giáo khoa hiện hành và vô tình đã làm mất đi tính đặc trưng của môn học.

 

KHÁNH VĂN (Long Xuyên - An Giang)