1. Du lịch và cách tiếp thị
Bánh dứa là loại bánh nổi tiếng ở Đài Loan, đó là loại bánh nhồi bằng bột có nhân làm bằng mứt dứa. Xét về mặt thơm ngon thì thực tình không phải là loại bánh xuất sắc. Nhưng họ có cách tiếp thị mà khó có khách du lịch nào cưỡng nổi… Ở cửa hàng, họ tổ chức hướng dẫn du khách cách làm bánh dứa. Mỗi du khách được phát một thanh bột đã nhồi sẵn và mứt dứa. Mỗi người chỉ việc nặn bột với nhân dứa ở giữa như cách làm bánh trôi, rồi ép vào khuôn bánh có ghi mã số cho từng người. Chính mã số ấy giúp cho khách nhận lại thành quả của mình sau khi bánh được nướng xong và được cho vào hộp phát tặng lại cho từng người. Công việc tiếp thị, giới thiệu một cách duyên dáng từng công đoạn làm bánh và các loại bánh là của một phụ nữ người Việt dành riêng cho khách Việt… Ai cũng biết ở đây chắc giá cả đắt hơn ở siêu thị, nhưng vẫn cứ mua một cách tự nguyện và vui vẻ… Do có khuyến mãi mua 5 tặng 1, nên ai cũng muốn được tặng thêm và tất nhiên là mở túi tiền nhiều hơn, mà quên nghĩ, giá cả này chắc là đã bao cho phần khuyến mãi rồi.
Để rồi khi xe chuyển bánh rời đi, mọi người bỗng cảm thấy bần thần khi nhớ đến các hiệu bánh nổi tiếng ở Việt Nam: bánh cốm, bánh đậu xanh Hải Dương…, có nơi nào biết cách tiếp thị đi vào lòng người như thế này không?

Tác giả bên thác Thập Phần nhỏ xíu so với thác Bản Giốc của Việt Nam
Phong cảnh ở Đài Loan không có gì đặc sắc. Hồ Nhật Nguyệt là niềm tự hào của người Đài Loan, là nơi bà Tống Mỹ Linh chọn làm nơi nghỉ dưỡng, nhưng không thể so với hồ Ba Bể ở Bắc Kạn, Việt Nam. Thác nước ở làng cổ Thập Phần không thể so được với thác Bản Giốc ở Cao Bằng và Công viên địa chất Yehliu, nơi sở hữu những hóa thạch đã có từ rất lâu đời, cũng khó lòng qua được ghềnh đá đĩa ở Phú Yên. Việt Nam đầy tự hào với Vịnh Hạ Long, hang Sơn Đoòng, động Phong Nha, động Thiên Đường, Tam Cốc, Tràng An… những nơi được công nhận là Di sản thiên nhiên của thế giới, cảnh đẹp như lạc vào tiên cảnh, nhưng chúng ta đã khai thác như thế nào mà phần lớn du khách một đi không hẹn ngày trở lại? Quả thực thiên nhiên đã ưu đãi cho Việt Nam quá nhiều, nhưng chúng ta đã không biết tận dụng, không biết phát huy, nên một đất nước với diện tích chỉ bằng 1/10 Việt Nam như Đài Loan mà doanh thu du lịch mỗi năm cán mức 10 tỉ đôla trong khi Việt Nam năm 2017 cũng chỉ đạt được trên 23 tỉ đôla(1). Hiện nay, Đài Loan không chỉ tiếp tục nâng cấp phương tiện giao thông, chỗ lưu trú, cơ sở hạ tầng triển lãm... mà còn cải thiện dịch vụ. Dù đất đai hầu hết là đá núi, nhưng Đài Loan đã mở ra mô hình Du lịch nông nghiệp cuốn hút rất nhiều du khách đến các nông trang thưởng ngoạn. Việt Nam với bát ngát vườn cây ăn trái đủ loại thơm ngon mùa nào thức ấy mà vẫn chưa đẩy mạnh được loại hình du lịch này vì đường sá giao thông chúng ta quá kém.
2. Giao thông ở Đài Loan, bài học thực tế cho Việt Nam…
Giao thông Đài Loan có nét tương đồng với Việt Nam là sử dụng rất nhiều xe gắn máy. Tại hòn đảo này, tỷ lệ người sở hữu xe máy thuộc loại lớn, không thua ở Việt Nam nhưng giao thông lại được vận hành một cách bài bản, trật tự. Xe máy ở Đài Loan khá rẻ so với thu nhập người dân, lại có giá bán hợp lý nên người dân xem xe máy là phương tiện đi lại chính của mỗi người. Tuy nhiên, mỗi khi người dân sử dụng xe máy họ sẽ phải trả phí đậu xe rất cao và được tập trung vào một khu vực nhất định. Xe máy tại Đài Loan chủ yếu là scooter cỡ nhỏ, động cơ 50-110 phân khối chiếm tới 90%.
Tuy xe máy lưu thông trên đường nhiều, nhưng giao thông rất quy củ. Do mức phạt vi phạm rất nặng, nên ý thức tham gia giao thông của người dân vô cùng nghiêm túc. Khi dừng đèn đỏ, mặt đường có kẻ ô riêng dành cho xe máy đỗ đầu tiên, sau đó mới tới những phương tiện khác. Tại ngã tư, xe máy muốn rẽ trái phải qua hai giai đoạn, nghĩa là phải quẹo qua đường ngã tư bên phải, dừng đợi ở ô quy định tới khi đèn chuyển xanh mới đi. Quy định này sẽ tránh được tình trạng xe máy băng qua đầu xe ô tô khi rẽ trái, đó chính là tình trạng hỗn loạn nhất của giao thông Việt Nam, và cũng là nguyên nhân gây nhiều tai nạn nhất hiện nay. Quy định này hoàn toàn có thể áp dụng được ở Việt Nam, nhưng không hiểu sao, dẫu có những chuyến đi thực tế học tập mà nhà nước tổ chức cho cán bộ ngành giao thông vận tải nhưng không ai quan tâm?
Trên các vỉa hè, có kẻ vạch quy định chỗ đậu xe máy ngay gần lề đường, còn người đi bộ đi bên trong, tránh tình trạng người đi bộ phải đi dưới lòng đường dễ gây tai nạn. Đó là quy định hợp lý, vì sao ta không học tập?
Mức phí đậu xe máy khá đắt. Đây là một trong những cách để hạn chế xe máy, buộc người dân sử dụng phương tiện công cộng. Xe đậu trên vỉa hè sẽ có một người đi kiểm soát, bấm giấy tính thời gian đậu quy ra tiền. Người dân không nộp tiền trực tiếp cho người kiểm soát mà có thể thanh toán ở bất cứ cửa hàng tiện lợi nào(2)… Mọi xe đậu đều được chụp lại biển số thời gian ra, vào nên không thể gian lận.
Cảnh sát giao thông Đài Loan rất ít thấy trên đường, vì mọi ngả đường trên phố đều có camera quan sát… Người vi phạm sẽ được xử lý qua hình thức phạt nguội. Nghĩa là giấy phạt tới nhà và ra cửa hàng tiện lợi đóng phạt. Nếu bị cảnh sát giao thông bắt trực tiếp, tài xế không cần nộp giấy tờ xe, hay bị giam xe như Việt Nam mà chỉ cần đọc mã số cá nhân, cảnh sát lưu thông tin phạt. Người bị phạt sau đó ra cửa hàng tiện lợi để nộp phạt. Quy định này sẽ tránh được nạn nhũng nhiễu của cảnh sát giao thông, một vấn nạn của giao thông Việt Nam hiện nay. Nếu ai đó cố tình không nộp phạt thì sẽ có thông báo phạt, càng chậm càng phạt nhiều. Vi phạm luật giao thông bị phạt khá nặng. Đặc biệt, nếu có nồng độ cồn vượt quá mức 0,25mg/lít khí thở, ngoài phạt tiền nặng, tài xế sẽ phải đi quét dọn nhà xác bệnh viện. Trước đây Đài Loan áp dụng cách quét dọn nhà vệ sinh công cộng nhưng chưa đủ sức răn đe. Họ cho rằng, phải trực tiếp làm việc nơi cận kề cái chết mới khiến các tài xế uống rượu, bia biết sợ.
Đó là những điều mắt thấy tai nghe cho một chuyến du lịch Đài Loan ngắn ngày. Rõ ràng với cách làm khoa học nên giao thông ở Đài Loan rất thông thoáng, dù xe máy rất nhiều nhưng không hề hỗn loạn như giao thông Việt Nam. Chúng ta có thể học tập và áp dụng được, vì sao ngành giao thông vẫn cứ ì ạch mãi suốt nhiều thập niên nay? Vẫn đường sá xuống cấp, cầu đường bị rút rỉa tàn bạo, mới làm xong đã hỏng, tai nạn giao thông ngày càng tăng khủng khiếp. Và nhất là vấn nạn nhũng nhiễu, hối lộ của cảnh sát giao thông như chuyện đương nhiên và vẫn cứ tiếp tục tồn tại không biết đến lúc nào mới chấm dứt.
_____
(1) Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam.
(2) Theo thống kê đăng trên báo Liên hợp (Đài Loan), tính đến tháng 7-2016 có đến gần 10.500 cửa hàng tiện lợi trên khắp lãnh thổ này.