Nhà văn Kim Dung tên thật là Tra Lương Dung (Cha Leung Yung). Sinh ngày 6-2- 1924 tại huyện Hải Ninh, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc. Mất ngày 30-10-2018 tại Hồng Kông. Ông là tác giả của 15 bộ tiểu thuyết võ hiệp được công bố từ năm 1955 đến 1972 với hơn 300 triệu bản in chính thức và vô số bản in lậu đã từng lưu hành ở Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và nhiều nước khác ở châu Á. Một số tác phẩm đã được dịch ra các thứ tiếng Việt, Hàn, Nhật, Thái, Anh, Pháp, Indonesia, Khmer…
Tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim truyền hình, kịch bản sân khấu, trò chơi điện tử... Tháng 2-2006, ông được bạn đọc bình chọn là nhà văn được yêu thích nhất Trung Quốc. Chỉ riêng Hội Kiếm hiệp Kim Dung đã có tới hơn 100.000 thành viên.
Ông được chính phủ Anh trao huân chương Order of the British Empire và chính phủ Pháp trao tặng Bắc đẩu bội tinh, huân chương Ordre des Arts et des Lettres. Kim Dung còn là giáo sư danh dự của nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới. Tên ông được đặt cho tiểu hành tinh 10930 Jinyong (1998 CR2), là tiểu hành tinh được tìm ra trùng vào ngày sinh âm lịch của ông. Sau nhiều năm bị cấm lưu hành ở Trung Quốc đại lục, đến năm 2004 chẳng những lệnh cấm được xóa bỏ mà tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung còn được đưa vào sách giáo khoa của học sinh trung học.
Tại miền Nam Việt Nam, từ thập niên 1960 đến tháng 4 năm 1975, tiểu thuyết Kim Dung luôn luôn nóng trên thị trường sách báo qua các bản dịch ra tiếng Việt của Tiền Phong Từ Khánh Phụng, Hàn Giang Nhạn... Sau ngày 30-4-1975, tiểu thuyết Kim Dung nằm trong danh mục sách bị cấm lưu hành. Mãi đến năm 1998 lệnh cấm này mới được gỡ bỏ. Từ năm 1999, Công ty Văn hóa Phương Nam ở TP.Hồ Chí Minh đã mua được bản quyền dịch tác phẩm của Kim Dung, thông qua thương lượng trực tiếp với nhà văn. Từ năm 2001, toàn bộ tác phẩm võ hiệp của Kim Dung lần lượt được dịch lại và phát hành ở Việt Nam theo các bản hiệu đính mới nhất của Cao Tự Thanh, Vũ Đức Sao Biển, Lê Khánh Trường, Đông Hải, Hoàng Ngọc (Huỳnh Ngọc Chiến).
Ở Việt Nam đã có nhiều nhà văn, nhà báo lên tiếng khen chê tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung. Đáng chú ý nhất là quyển Vô Kỵ giữa chúng ta hay là hiện tượng Kim Dung của Đỗ Long Vân (NXB Trình bày, Sài Gòn, 1967) và bộ sách 5 tập Kim Dung giữa đời tôi của Vũ Đức Sao Biển (NXB Trẻ, từ 1993). Nếu ai đã đọc xong những bộ truyện hay nhất của Kim Dung thì nên đọc thêm hai quyển sách này - đọc Đỗ Long Vân để hiểu sâu hơn và đọc Vũ Đức Sao Biển để biết nhiều hơn.
***
Nay Kim Dung tiên sinh đã rửa tay gác kiếm, từ giã cõi đời, tôi xin mạn phép kể vài mẩu ký ức tản mạn liên quan ít nhiều đến những bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, gọi là thắp nén hương lòng tưởng niệm một đấng tài hoa.
Chuyện là thế này:
Vào khoảng năm 1965-1966, ở Huế có một quán cà phê nho nhỏ nhưng rất được chú ý gọi là Quán Bạn. Quán do một số sinh viên, trí thức, văn nghệ sĩ ham vui, góp tiền mở ra để có chỗ họp mặt. Anh Đỗ Long Vân và bà xã là Ngô Hồng Quỳ cũng tham gia và phụ trách khâu kỹ thuật pha chế cà phê. Cũng thời gian này ở Huế và các tỉnh miền Trung thường xuyên nổ ra các cuộc xuống đường, bãi khóa, đình công, bãi chợ... để chống chính quyền Sài Gòn. Phần lớn thành viên Quán Bạn cũng tích cực tham gia các phong trào tranh đấu của đồng bào Huế. Những lúc phong trào tạm lắng, chủ và khách ưa ngồi bàn luận về những bộ truyện chưởng của Kim Dung. Nội dung thường xoay quanh những câu hỏi: Từ Cô gái Đồ Long đến Tiếu ngạo giang hồ, bộ nào hay nhất? (lúc này bộ Lộc Đỉnh ký chưa xuất bản). Võ công nào mạnh nhất? Ai là vô địch? Trong số các nữ hiệp của Kim Dung, người đẹp nào dễ thương nhất?... Anh Đỗ Long Vân thường không tranh cãi về những nội dung trên mà chỉ nêu một vài nhận xét. Anh có nhận xét rằng những cặp đôi trong truyện của Kim Dung như Vô Kỵ-Triệu Minh, Lệnh Hồ Xung-Doanh Doanh, Dương Quá-Tiểu Long Nữ... đều thuộc hai phe phái thù nghịch hoặc hai quan niệm đạo đức đối lập. Họ phải đấu tranh vất vả mới vượt qua được những thành kiến khắt khe về thiện-ác, chính-tà để vươn tới hạnh phúc. Anh thích Vô Kỵ không chỉ ở chỗ võ công cao siêu mà nhất là ở câu Vô Kỵ mắng Diệt Tuyệt sư thái: “Vi Bức Vương dùng răng nhưng chỉ có giết vài người. Sư thái dùng Ỷ Thiên kiếm giết một lúc cả trăm người. Dùng răng hay dùng kiếm chung quy đều là giết người, sao lại có thể thị phi thiện ác chính tà?”. Sau này trong tập sách Vô Kỵ giữa chúng ta, Đỗ Long Vân cũng nhấn mạnh rất nhiều lần đến sự tương đối giữa hai mặt đối lập của những cặp phạm trù thiện-ác, chính-tà này. Anh Đỗ Long Vân là người theo Thiên Chúa giáo. Anh đỗ cử nhân văn chương ở Đại học Sorbonne - Paris, được linh mục Cao Văn Luận mời về dạy ở Đại học Huế. Nhưng từ năm 1963 về sau, anh đã sát cánh cùng lực lượng giáo chức, sinh viên và đồng bào phật tử Huế, chống Ngô Đình Diệm và Mỹ-Thiệu Kỳ. Tháng 3-1965, giặc Mỹ bắt đầu tiến hành chiến dịch Sấm Rền, leo thang chiến tranh ném bom miền Bắc. Một buổi sáng anh Đỗ Long Vân vào giảng đường tuyên bố từ nhiệm, tức là bỏ dạy, chia tay với học trò. Anh giải thích việc này một cách ngắn gọn: “Tình hình này tôi không thể có lòng dạ nào mà dạy dỗ các em được”. Từ đó anh cam chịu thất nghiệp, sống thanh bần cho đến cuối đời. Tôi nhận ra rằng, Đỗ Long Vân không chỉ ngưỡng mộ suông các nhân vật võ lâm như Trương Vô Kỵ, Lệnh Hồ Xung... mà còn có cách ứng xử giống phong thái nghĩa khí của các nhân vật ấy.
Dạo ấy, Đại học Huế có chủ trương tờ báo Lập trường gắn với các phong trào tranh đấu ở miền Trung. Trong báo này có chuyên mục “Chén thuốc đắng” do giáo sư Cao Huy Thuần, bút hiệu Cao Lang, viết dưới dạng tiểu phẩm đả kích các âm mưu chính trị của chính quyền Sài Gòn. Anh Cao Huy Thuần là kẻ sĩ phong nhã và là Phật tử thuần thành nên ngôn ngữ châm biếm của anh rất nhẹ nhàng. Những tờ báo của thanh niên - sinh viên - học sinh như Lực lượng, Quật khởi, Tranh đấu... cũng muốn có một chuyên mục kiểu “Chén thuốc đắng” của anh Cao Huy Thuần ở báo Lập trường nhưng yêu cầu ngôn ngữ đả kích phải mạnh mẽ hơn. Tôi bèn mở ra chuyên mục “Chén thuốc độc”, ký bút hiệu Tạ Tốn. Trong truyện Cô gái Đồ Long tôi không thích nhân vật Tạ Tốn cho lắm, nhưng trong tình hình đấu tranh quyết liệt này, phong trào sinh viên học sinh cần những cách gây ấn tượng mạnh mẽ như Kim mao sư vương Tạ Tốn nghe mới đã. Bài viết đầu tiên của tôi cho chuyên mục này nhan đề là Cháy nhà ra mặt chuột bêu riếu chính quyền Thiệu-Kỳ. Bất ngờ vài hôm sau, mở Đài phát thanh Giải phóng ra nghe lén thấy phát thanh viên giới thiệu và đọc lại nguyên văn bài này. Khỏi nói tôi vui mừng phấn khởi chừng nào. Thừa thắng xông lên, tôi viết luôn một loạt bài khác. Bài nào cũng được hoan nghênh. Nhưng chẳng bao lâu sau, cả miền Trung bị Thiệu-Kỳ đàn áp tơi bời hoa lá. Tôi và một số bạn bè phải thoát ly ra vùng giải phóng. Bút hiệu Tạ Tốn vừa mới ra đời đã phải chia tay bạn đọc. Cuộc chia tay này kéo dài gần hai mươi năm. Mãi đến khi tờ báo Tuổi trẻ Cười ở TP.Hồ Chí Minh ra đời vào năm Giáp Tý 1984, tôi mới có dịp cầm bút trở lại viết những tiểu phẩm đả kích với giọng văn đá cá lăn dưa sở trường, nhưng lần này phải lấy bút hiệu Hoàng Thiếu Phủ, chứ cái bút hiệu Tạ Tốn không thể dùng được vì tiểu thuyết Kim Dung vẫn còn bị cấm ngặt. Như vậy cái gọi là Tạ Tốn của tôi chính là tiền thân của bút hiệu Hoàng Thiếu Phủ khá quen thuộc với bạn đọc lâu nay vậy.
Lại nói chuyện từ ngày thoát ly ra vùng giải phóng Thừa Thiên, tôi và anh Hoàng Phủ Ngọc Tường được bố trí ở chung nhà với một số anh em sinh viên học sinh nội thành như Trần Vàng Sao, Nguyễn Đắc Xuân... Đặc biệt có Hải Dương là một sinh viên miền Bắc mới vào. Hải Dương tức nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, về sau là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương. Anh rất chịu khó tìm hiểu tình hình văn hóa văn nghệ ở các thành thị miền Nam. Có lần anh hỏi thăm về “cơn sốt Kim Dung” ở nội thành, tôi bèn kể chuyện Cô gái Đồ Long. Cái giọng Huế nhừa nhựa và chậm rãi của tôi coi thế chứ cũng có sức hấp dẫn. Cả mấy anh em xúm xít bên bếp lửa ngồi nghe. Mấy đêm sau, anh em ở các nhà khác cũng tìm đến, tạo nên một khung cảnh vui vẻ ấm áp. Tôi bỗng trở thành ông đồ kể chuyện kiểu quán Nói Sách ngày xưa. Lúc này anh Hải Dương không phải chỉ nghe để tìm hiểu mà có vẻ đã thấy thích thú. Có lẽ Hải Dương là thanh niên miền Bắc tiếp cận với truyện chưởng Kim Dung sớm nhất. Anh đề nghị cho tôi được miễn lao động nặng ban ngày để tối có sức mà kể chuyện phục vụ anh em. Dĩ nhiên không ai phản đối. Kể hết chuyện Cô gái Đồ Long thì tình hình biến động. Mỗi người lên đường theo những mũi công tác khác nhau.
Sau chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, do một tình huống trớ trêu, tôi bị địch bắt đưa vào quân trường Hòa Cầm ở Quảng Nam-Đà Nẵng làm tân binh quân dịch dưới cái tên trong thẻ kiểm tra giả là Nguyễn Sinh, dạy tư thục ở Sài Gòn. Sau khi kiểm tra trình độ văn hóa, quân trường này cho thầy giáo Nguyễn Sinh làm khóa sinh thư ký đại đội. Ở quân trường, những khóa sinh thư ký đại đội được đặc cách ăn chung một bàn, ngủ chung một căn lều bạt lớn để tiện khiển dụng. Ban ngày dẫn lính ra bãi tập. Tối lại ngồi trong lều uống cà phê rồi tình cờ cũng bàn tới truyện chưởng của Kim Dung. Thế là tôi lại có dịp trổ tài ông đồ nói sách. Mỗi đêm trước khi vào chuyện, đám thư ký các đại đội chơi đẹp, để sẵn trước mặt tôi một gói thuốc lá và một ly cà phê nóng. Lúc đầu chỉ có đám lính lác với nhau. Mấy hôm sau cả ông trung úy đại đội trưởng cũng lò mò xuống ngồi nghe. Chuyện này kéo dài khá suôn sẻ cho đến khi mãn khóa huấn luyện, tôi năn nỉ ông trung úy cấp cho một giấy phép về thăm gia đình ở Sài Gòn. Ông vui vẻ cấp giấy phép ngay, không nghi ngờ gì cả. Nhờ đó tôi đào ngũ, tìm về lại với tổ chức cách mạng. Nghĩ lại tôi đã ăn theo và được hưởng không ít tiện ích từ các tác phẩm bất hủ của Kim Dung. Và tôi rất biết ơn tiên sinh về điều này.
Có lần tôi nghe một vài người bạn thuộc loại “mọt sách” thú nhận: từ ngày đọc xong các tác phẩm võ hiệp của Kim Dung, họ không còn mấy thú vị với các tác giả Đông, Tây kim cổ khác nữa. Tất nhiên cũng có lúc cần phải đọc những tác giả, tác phẩm nào đó. Đọc cho biết thôi chứ không đủ cảm hứng. Bởi vì trong tiểu thuyết Kim Dung, dường như cái cảm hứng của văn hóa đọc đã đạt được đỉnh điểm của nó. Và tôi rất nhất trí với cách đặt vấn đề của Vũ Đức Sao Biển: “Một nhà văn tầm cỡ như Kim Dung mà sao đến nay vẫn không được tặng giải Nobel?”.
Phải chăng vì Kim Dung là phương Đông còn Nobel là phương Tây và Đông - Tây vốn rất khó gặp nhau?