HV132 - Người Tày cổ ở Phú Thọ

Phú Thọ là kinh đô của nước Văn Lang. Chủ nhân nước Văn Lang là người Lạc Việt hay còn gọi là người Việt Mường. Ngôn ngữ chính của người Lạc Việt là hệ ngôn ngữ Việt - Mường. Vì thế các Vua Hùng và con rể vị vua thứ 18 thành Nguyễn Tuấn được dân gian thần tượng hóa thành thần núi Tản Viên, người trở thành một vị thánh trong tứ bất tử thần điện Việt Nam cũng là người Lạc Việt. Ông là con trai bà Đinh Thị Đen và ông Nguyễn Cao Hành, đều dòng giống Việt - Mường, quê ở làng Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy ngày nay. Nguyễn Tuấn còn là con nuôi bà Ma Thị (người Tày cổ). Như vậy trên đất Phú Thọ cổ đại không chỉ có riêng người Lạc Việt mà còn cả họ Ma người Tày cư trú. Bộ tộc họ Ma do ông Ma Khê làm tộc trưởng, sinh sống ở làng Văn Khúc, huyện Cẩm Khê. Ông sang lấy vợ ở chân núi Nỏn, một trong ba ngọn núi thiêng của Khu di tích lịch sử Đền Hùng thuộc xã Hy Cương, nay thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Núi Nỏn là núi nhỏ, núi út theo cách gọi của ngữ hệ Tày Thái cổ. Người Kinh ngày nay gọi đó là núi Út. Xóm mà vợ ông Ma Khê ở cũng được gọi theo ngữ hệ Tày Thái là bản Pheo. Người Kinh sau này gọi bản Pheo là xóm Tre. Đi sâu tìm hiểu về ngôn ngữ chúng tôi còn thấy 50 khu đồng ruộng của làng này có tên là na hoặc nà như na Pheo, na Giũa, na Dầu, na Hoang, na Đỏ…

Làng Văn Khúc (huyện Cẩm Khê) là nơi còn đậm đặc dấu tích văn hóa thời Hùng Vương như đình thờ nơi Vua Hùng thứ 18 gặp và lấy làm vợ người con gái gọi là Quế Anh phu nhân. Quế Anh phu nhân sinh được bốn người con gái, có một con bị chết được lập đền thờ ở Gò Thờ giữa đồng. Còn lại Ngọc Hoa công chúa, Tiên Dung công chúa và một cô công chúa lấy hoàng tử quê ở Ái Châu, Thanh Hóa. Làng Văn Khúc còn có rừng cây thuốc nhựa và vỏ cây này giã nhỏ tẩm mũi tên độc rất hiệu nghiệm. Ở đây có đầm sâu còn lưu giữ lối bắt cá từ thời Hùng Vương: Người ta đi trên thuyền mảng nhìn tăm cá lao cây lao, sào nhọn xuống sâu bắt được cá lớn. Làng này còn có chuông Gà Rác, một hố quanh năm có nước nhưng lời đồn là nơi thờ linh thiêng không ai dám rửa chân rửa tay. Đêm đêm người ta nghe tiếng rền vang của chiêng trống đàn sáo nhị. Từ đấy có thể đoán đó vốn là giếng sâu, mà một ngày nọ có giặc đến người ta đem trồng đồng với các đồ nhạc khí khác thả xuống giếng rồi lấp lại.

Vùng này vào thời Vua Hùng thứ 18 thường diễn ra các trận đánh giữa quân tướng nhà Hùng với bộ tộc Âu Việt từ Sơn La, Yên Bái xuống. Văn Khúc là nơi Vua Hùng thường hội kiến với Ma Khê, tộc trưởng người Tày với con rể mình là tướng Sơn Tinh.

Bộ tộc người Tày của ông Ma Khê cầm đầu vốn từ lâu đã chống lại bộ tộc Âu Việt do Thục Phán cầm đầu được Vua Hùng giao trấn giữ miền Tây Bắc nước Lạc Việt, nơi thường xuyên bị người Âu Việt từ miền trên xuống xâm lăng. Ông Ma Khê vì thế được Vua Hùng tin dùng và phong làm Phụ Quốc dạy vua lúc còn nhỏ. Ông cũng được phong là Lương tướng để cùng với Sơn Tinh bàn kế đánh địch. Nay vẫn còn dấu tích sắc phong tại Đền Hùng và đình Trù Mật (di tích quốc gia) ở làng Trù Mật thuộc thị xã Phú Thọ.

Làng Văn Khúc ở gần làng Văn Lang, nơi có đền thờ bà Âu Cơ. Mà từ nóc đình lên đỉnh cây đa to còn treo dải lụa đỏ, tương truyền khi hóa về trời bà Âu Cơ đã để lại cho con cháu dải lụa đỏ trên. Di tích đền thờ bà Âu Cơ gần sát với địa bàn Yên Bái là nơi biên giới của nước Lạc Việt với nước Âu Việt. Điều này được truyền thuyết dân gian truyền lại giống với lịch sử, bà và Lạc Long Quân khi sinh nở 100 quả trứng nở ra 100 con trai, ông bà chia đôi, bà đưa 49 người con lên ở núi, người con trưởng ở lại làm Vua Hùng thứ nhất, còn 50 người con theo cha về khai phá vùng biển. Bà Âu Cơ với ông Lạc Long Quân cùng dòng giống Lạc Việt. Vì thế vùng này có cả hai nhóm tộc người Lạc Việt và Âu Việt cùng sinh sống. Họ ở xen canh xen cư nhưng có thể phân biệt được ở ngôn ngữ, như người Lạc Việt gọi chó là , gọi đồng là áng, gọi cá là , còn người Tày gọi tre là pheo, gọi chim là chóc… Đất Tổ Phú Thọ thời trung cận đại vẫn là miền đồi trung du đất rộng người thưa rất dễ vỡ vạc khai hoang canh tác, khác xa với khí hậu thượng du nhiều rừng thiêng, nước độc rất khó khăn trong việc khai khẩn nên dân cư thưa thớt.

Về sau, miền châu thổ sông Hồng ven biển của nước Văn Lang đã có đông người sinh sống. Nhiều nhóm cư dân ở đây vì đất chật người đông, vì bè phái hương đảng hoặc vì có tội với làng với nước mà người ta lại di cư lên Phú Thọ. Để phân biệt với người bản xứ gồm có người Việt - Mường và người Tày - Thái cổ, triều đình Tiền Lê cho gọi các điểm cư trú của người Kinh di cư lên ở sau là kẻ, ấp, hương, làng, còn người bản xứ là ở các động man (theo quan điểm phong kiến, gọi theo cách phiếm chỉ chê người thiểu số là man di mọi rợ). Ở Phú Thọ ngày nay còn thấy có các điểm như động Khuất Lão (huyện Tam Nông), động Trúc Phê (thị trấn Hưng Hóa), động Hoa Khê (huyện Cẩm Khê), động Lăng Sương (xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thủy), động Phú Khê (thị xã Phú Thọ), động Tiên Du (huyện Phù Ninh) v.v…

Chiến tranh Hùng - Thục kết thúc, phần thắng thuộc về Thục Phán. Nhiều tướng lĩnh của Vua Hùng trong đó có Ma Khê không chịu khuất phục Thục Phán, ông trở về cho con cháu sang khai khẩn vùng thị xã Phú Thọ. Về sau con cháu ông cho xây ở đây một tòa thành gọi là thành Mè. Ngày nay còn có chợ Mè, chợ của người họ Ma, họ Mè. Phú Thọ còn có nhiều người họ Ma, họ Mè, họ Mai sinh sống. Họ đều từ họ Ma xẻ ra. Con cháu ông Ma Khê khi đông đàn dài lũ họ đã xẻ ngành. Sau bài báo của tôi in ở báo Nhân dân Cuối tuần năm 1980, các ngánh ở Yên Bái, Phú Thọ đã trở về Việt Trì tìm trưởng tộc là ông Ma Ngọc Bảo, anh trai ca sĩ Ma Thị Bích Việt. Theo thư tịch cổ và truyền thuyết, họ còn nhớ ngánh trưởng ở Phú Thọ được giữ bản Ngọc phả. Hai ngánh ở Yên Bái và Tuyên Quang thờ con ngựa gỗ và thanh gươm đồng của cụ Tổ truyền đời lại. Từ đời ông Ma Khê đến nay con cháu đã đông đàn dài lũ. Họ đã Kinh hóa thành các họ Ma, Mai, Mè ở rải rác trong tỉnh, đến nay là đời thứ 34 tính đến đời cháu nội ông tộc trưởng.

Họ Ma ở Phú Thọ được coi là họ cổ nhất còn nhớ đến ngày nay. Giống như họ Cao của người Việt - Mường còn nhớ từ thời ông Cao Lỗ bộ tướng của Hùng Vương sau khi theo Sơn Tinh, Nguyễn Tuấn quy phục nhà Thục cho muôn dân tránh nạn đầu rơi máu chảy. Ông Cao Lỗ có công giúp Thục Phán xây thành Cổ Loa. Khi còn là bộ tướng của Vua Hùng, ông Cao Lỗ xây phủ tại ngã ba, nơi ngày nay là Nhà máy giấy Bãi Bằng đi Lâm Thao. Ở đấy gọi là ngã ba Phủ Lỗ. Sau này Cao Lỗ chuyển về xây phủ ở ngã ba - Phúc Yên đi Hà Nội và lên Thái Nguyên cũng gọi là ngã ba Phủ Lỗ.

Các họ Cao người Mường và họ Ma, Mai, Mè người Tày hiện nay có thể xác định được đời viễn tổ của họ mình là tính từ Ma Khê (họ Ma), hoặc Cao Lỗ (họ Cao).

Buổi đầu bình định nước Văn Lang, Thục Phán không những không trả thù quân tướng Hùng Vương, ông còn cho xây đền đài lăng tẩm thờ cúng Vua Hùng và cho lập đền Lăng Sương thờ bà mẹ Đinh Thị Đen đã biết khuyên con trai là Nguyễn Tuấn, được dân gian thần thánh hóa thành thần núi Tản Viên, bộ tướng Vua Hùng từng khuyên can bố vợ là Vua Hùng thứ 18 (Hùng Duệ Vương) lui binh nhường quyền cai quản đất nước cho Thục Phán để muôn dân được hưởng thái bình. Có thể nhờ vậy mà cả nước ta đều có di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng. Không hề có dấu tích nào nói về nạn khủng bố sau chiến tranh Hùng - Thục kết thúc. Thục Phán là tấm gương nêu cao tinh thần đoàn kết dân tộc là nhờ vậy.

Tìm hiểu nguồn gốc tộc người ở Đất Tổ để ta vững tin hơn vào truyền thống hàng nghìn năm của dân tộc mình.

NGUYỄN HỮU NHÀN