HV132 - Đà Nẵng - Định vị một thành phố thông minh kết nối toàn cầu

“Nếu có vị trí số 1 ở Đông Nam Á thì đó phải là Việt Nam mới xứng đáng. Bởi so sánh về địa chính trị, tài nguyên, con người thì Việt Nam không thể xếp sau nước nào trong khu vực” (Lý Quang Diệu, The Singapore Story, 1998).

Nếu Việt Nam ở vào vị thế đó thì thành phố Đà Nẵng phải được định vị là thành phố trung tâm kết nối toàn cầu của cả nước.

Trải qua các giai đoạn lịch sử hình thành và phát triển, quy hoạch xây dựng thành phố Đà Nẵng cơ bản là theo tuyến tính về giao thông (đường Bắc Nam, sông Hàn và sân bay) kể từ thời nhà Nguyễn, đến thời Pháp thuộc rồi chiến tranh Việt - Pháp, chiến tranh Việt - Mỹ. Thành phố đã thực sự phát triển thật năng động kể từ ngày trực thuộc Trung ương, nhưng phải chăng Đà Nẵng nay cần rà soát lại chặng đường phát triển đã qua và mạnh dạn hoạch định một hướng đi mới: một thành phố trung chuyển, cái lõi dịch vụ - kỹ thuật và đặc biệt là vị trí một thành phố thông minh kết nối toàn cầu tiên phong của cả nước.

Hình mẫu phát triển đô thị theo tuyến tính và trung chuyển

So với các thành phố cả nước, Đà Nẵng là một thành phố trẻ với lịch sử hình thành và phát triển chỉ mới trên dưới 200 năm. Kể từ thời nhà Nguyễn, Cửa Hàn ngày càng thay thế dần vị trí cửa khẩu Hội An. Cửa ngõ yết hầu mở ra biển của kinh đô Huế rất sớm đã bị thực dân Pháp dòm ngó cách đây 160 năm (1858) với những trận đánh thử lửa ác liệt ban đầu. Sau Hiệp ước Patenôtre 1884 đặt nền đô hộ Pháp trên toàn lãnh thổ Việt Nam, vào năm 1888 họ ép triều đình nhà Nguyễn giao cho họ Cửa Hàn làm “nhượng địa” (concession), đổi tên thành Tourane, xác định rõ vai trò một cảng biển và đầu mối giao thông chiến lược nổi bật của dải đất miền Trung. Sự xuất hiện đầu mối tuyến xe lửa toàn miền Trung rồi căn cứ hải quân, sân bay nhấn mạnh vị trí giao thông, căn cứ chiến lược và lõi kinh tế - kỹ thuật của thành phố này. Đà Nẵng từ đó giữ vai trò trục chiến lược và căn cứ hậu cần trong chiến tranh Việt - Pháp, rồi chiến tranh Việt - Mỹ.

Sau chiến tranh Việt - Mỹ, và nhất là kể từ ngày trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng càng xác định rõ vai trò đặc biệt này. Nay diện tích do thành phố quản lý đã có 1.256km2, gồm 6 quận và 2 huyện (gồm huyện đảo Hoàng Sa), với gần 1,5 triệu dân. Sông Hàn, trục đường Bắc Nam (đường xe lửa xuyên Việt, quốc lộ 1A) nay tăng cường thêm đường Trường Sơn ở phía Tây, tuyến đường ven biển phía Đông, sân bay quy mô quốc tế tạo thành những tuyến giao thông hàng đầu theo chiều dọc. Bốn cây cầu bắc qua sông Hàn, đường 14 (tiến sâu về phía Tây nối kết đường Trường Sơn) tạo thành những trục giao thông theo chiều ngang.

Kinh tế Đà Nẵng đã phát triển nhanh so với cả nước khi thu nhập bình quân đầu người đạt trên 3.000 USD/năm, cao hơn bình quân cả nước. Thành phố đã xây dựng mới được nhiều công trình quy mô lớn. Nào hoàn thiện cảng Tiên Sa, nay tăng cường thêm cảng Liên Chiểu, các khu công nghiệp Hòa Khánh (640ha), Hòa Cầm (137ha), hầm Hải Vân (rút ngắn khoảng cách với Huế), khu nghỉ mát Bà Nà ở vùng núi phía Tây, dần hình thành phức hợp công viên tự nhiên Ngũ Hành Sơn, khai thông kênh Cổ Cò, dải bờ biển du lịch phía đông…

Lõi kinh doanh trung tâm CBD (Central Business District) đang hình thành với sự phát triển của nào nhà cao tầng, trung tâm thương mại - dịch vụ, sinh hoạt văn hóa - xã hội tạo cho Đà Nẵng dáng dấp một trung tâm kinh tế lớn nhất miền Trung, một siêu đô thị - đa trung tâm. Sự kiện Trung ương chọn Đà Nẵng tổ chức APEC (Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương) vừa qua phải chăng là một điểm nhấn khác…

Không ít học giả nước ngoài đã chọn nghiên cứu Đà Nẵng như một thành phố tiêu biểu mạnh dạn tự lực phát triển sau Đổi mới. Rất sớm, giáo sư Christian Taillard là nhà nghiên cứu đô thị lâu năm thuộc Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu khoa học Pháp (CNRS) cho rằng Đà Nẵng từ một thành phố quy hoạch xây dựng theo tuyến tính về giao thông (sông Hàn và sân bay) từ thời Pháp thuộc cho đến chiến tranh Việt - Mỹ, bước vào thời kỳ phát triển sau chiến tranh, thành phố đã phát triển theo hướng một siêu đô thị - đa trung tâm. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa Đà Nẵng chỉ mới diễn ra ở các trục giao thông chính và các khu đô thị, khu công nghiệp mới, chứ chưa tác động bao nhiêu đến cơ cấu toàn khu vực.

Mặt khác, từ năm 2011 nhóm nghiên cứu quy hoạch Mỹ Kathrin Moore & Ngô Viết Nam Sơn (từng là các chuyên gia nghiên cứu đô thị của công ty thiết kế lớn Mỹ SOM) đã gợi mở những định hướng chiến lược Đà Nẵng với tầm nhìn quy hoạch trăm năm, với góc nhìn đa chiều cho Đà Nẵng phát triển như một thành phố toàn cầu, đa trung tâm, đa chức năng. Trong đó Đà Nẵng cần sớm xây dựng nền tảng để có thể phát triển trong sự kết hợp hài hòa đa bản sắc của đô thị biển du lịch và giao thương hàng hải, đô thị giao lưu văn hóa xã hội ven sông, đô thị đại học, công nghệ, và công nghiệp, đô thị kinh tế tài chính quốc tế, đô thị sân bay phục vụ du lịch biển và giao thương quốc tế, đô thị trung tâm của Vùng đô thị miền Trung, đô thị TOD (Transit-Oriented Development, phát triển theo tuyến tính) đầu tiên của Việt Nam, và đô thị xanh bền vững…

Lõi dịch vụ - kỹ thuật toàn miền Trung

Đà Nẵng ngày càng được xác định như một trung tâm dịch vụ - kỹ thuật cho toàn khu vực miền Trung. Tuy thế trong công tác yểm trợ phát triển kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ ngành kinh tế mũi nhọn hiện nay là trung chuyển hàng hóa và nhất là du lịch, phải nói thành phố Đà Nẵng chưa được trang bị đầy đủ về cơ sở hạ tầng như sân bay đẳng cấp cao quốc tế, cảng biển container, bến thuyền đón được tàu du lịch cỡ lớn.

Thành phố nên tập trung đẩy mạnh ưu thế dịch vụ - kỹ thuật hơn là chạy theo cái mốt thời thượng trước mắt là lập các khu du lịch riêng cho mình. Nhiều người cho rằng vị trí Đà Nẵng không mấy thuận lợi cho du lịch (nhiều ngày hứng gió bão mạnh trong năm). Nạn môi trường tự nhiên bị phá hủy và bê tông hóa làm thành phố nóng hơn vào mùa nắng và lạnh hơn vào mùa đông. Dư luận lâu nay vẫn còn xôn xao về những bất cập trong việc chia lô bán sạch đất bãi biển, việc chiếm dụng các rẻo đất triền núi Sơn Trà xây các khu gọi là “resort” rất lôm côm… Tôi trú ngụ mấy năm ở bang Florida nổi tiếng du lịch bãi biển ở Mỹ, tại đó người ta không bao giờ giao đất nằm sát biển cho tư nhân độc chiếm khai thác xây dựng khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí. Bãi biển là không gian vui chơi giải trí mà toàn cộng đồng phải được ưu tiên sử dụng.

Thành phố Đà Nẵng ngoài vai trò cảng biển trung chuyển lớn, nay nên mở thêm khu bến thuyền (phục vụ du thuyền, kiểu “Marina”). Thành phố lâu nay đã chủ trương đúng khi khuyến khích xây dựng văn phòng, khách sạn quy mô lớn, nhưng nên kết hợp chúng với sinh hoạt trung tâm hội nghị phục vụ họp mặt nghề nghiệp, đại hội chuyên đề (convention), hội thảo quốc tế, kết hợp vui chơi giải trí dành cho gia đình người dự họp như thường thấy ở phương Tây.

Nhìn chung, trong chiến lược phát triển cả nước, Đà Nẵng luôn được xác định như cái lõi dịch vụ - kỹ thuật hỗ trợ cho sự phát triển toàn miền Trung - Tây Nguyên. Nhìn về toàn cảnh phát triển khu vực Đông Á mở ra Thái Bình Dương, Đà Nẵng là nhịp cầu nối kết trục phát triển Việt Nam từ Hà Nội - Hải Phòng đến TP.Hồ Chí Minh - Cần Thơ, là cửa ngõ mở ra biển Đông của đường Đông Tây xuyên Á.

Hướng đến một thành phố thông minh kết nối toàn cầu

Theo đánh giácủa hầu hết các chuyên gia phát triển cảtrong lẫn ngoài nước thìĐàNẵng đang hội đủđiều kiện đểtrởthành một “Thành phốthông minh” đi đầu cảnước, có tầm cỡ ởĐông Nam Á. Từ vị trí địa lý thuận lợi, nguồn lực trí tuệ và xã hội dồi dào lẫn năng lực trị lý đô thị (urban governance) mạnh dạn hiện nay, thành phố này đang phát triển theo hướng bền vững của xã hội tri thức thế giới. Tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Mỹ IBM đã từng ưu tiên tiếp cận đề xuất giải pháp “Thành phố thông minh” cho Đà Nẵng.

Các chuyên gia đều khẳng định Việt Nam chưa thể có ngay các thành phố hiện đại, tuy nhiên, nếu muốn tạo ra những công trình thông minh thì cơ quan chính phủ, các nhà cung cấp giải pháp công nghệ, quy hoạch đô thị và phát triển bất động sản phải có kế hoạch cụ thể ngay từ bây giờ. Cộng đồng Thông minh + Kết nối (vẫn được gọi là giải pháp S+CC - Smart & Connected Community) là sáng kiến toàn cầu của tổ chức Cisco từ năm 2009, coi hệ thống mạng là nền tảng biến đổi các cộng đồng cơ học thành cộng đồng kết nối, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội và môi trường một cách bền vững. Sáng kiến này mang lại giải pháp sáng tạo trong 9 lĩnh vực gồm: chính quyền, an toàn - an ninh, y tế, giáo dục, quản lý năng lượng, giao thông, bất động sản, thể thao - giải trí và bán lẻ.

Công nghệ thông tin đang được coi là nền tảng để xây dựng lên những thành phố kết nối, nơi có các tòa nhà thông minh, tức mọi quy trình sẽ được điều khiển từ xa hoặc tự động hóa mà không cần đến sự can thiệp của con người.

Giáo sư nổi tiếng Đại học Harvard là Michael Porter từng đến Việt Nam luôn nhắc chúng ta rằng: muốn cạnh tranh thành công thì phải tạo được sự khác biệt. Về mặt năng lực cạnh tranh đô thị, Đà Nẵng có thể tận dụng các lợi thế so sánh sau:

- Hậu phát: Là đô thị phát triển sau nên có thể rút ra các bài học, kinh nghiệm, biết tăng cường các thế mạnh và loại bỏ các sai lầm của các thành phố khác.

- Địa lý: Do vị trí trung tâm giữa Nam - Bắc Việt Nam, gần Tây Nguyên, ở điểm cuối hành lang Đông Tây trong tiểu vùng Mekong, Đà Nẵng phát triển như trung tâm dịch vụ - kỹ thuật toàn vùng miền Trung - Tây Nguyên.

- Nguồn vốn trí tuệ & xã hội: Nguồn nhân lực được đào tạo khá lớn, khoa học công nghệ phát triển (công viên phần mềm, các khu đô thị công nghệ cao, trung tâm công nghệ sinh học, đại học và cơ sở nghiên cứu...).

- Trị lý đô thị (urban governance): Với một chính quyền chủ trương cách tân, chịu lắng nghe ý kiến nhân dân và tư vấn khoa học - kỹ thuật.

Đà Nẵng ngày nay có đủ tiền đề để phát triển theo định hướng “Thành phố thông minh”, tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ để sớm phát triển thành đô thị kết nối toàn cầu. Thành phố đang có những đặc trưng nổi bật như sau: nơi đặt trụ sở của nhiều tập đoàn đa quốc gia, tổ chức quốc tế, ngân hàng, hãng luật, công ty kiểm toán, sàn giao dịch chứng khoán; là nơi đăng cai nhiều sự kiện quốc gia và quốc tế; có nhiều ngoại kiều, sinh viên quốc tế; có nhiều cơ sở văn hóa nổi tiếng và nhiều di sản thế giới; có kết cấu hạ tầng đầy đủ và hiện đại; xã hội có mức sống cao, thoải mái và an ninh.

Như vậy, thành phố sẽ sớm trở thành đô thị toàn cầu kết nối với đô thị các nước thậm chí còn nhiều hơn với đô thị trong nước.

 

_____

Tài liệu tham khảo:

- Lee Kuan Yew Memoirs, The Singapore Story, Vol. 1, 1998.

- Phạm Sỹ Liêm, Xây dựng Đà Nẵng thành đô thị thông minh, Tạp chí Kiến trúc Việt Nam, 3-2011.

- Tầm nhìn ICT: Hạ tầng thông minh của kinh tế tri thức, tài liệu nghiên cứu riêng từ nguồn IBM, 10-2011.

- Tư liệu “Công tác quy hoạch tổng thể FPT City, Đà Nẵng”, do tập đoàn thiết kế quy hoạch quốc tế hàng đầu Mỹ SOM (Skidmore, Owing & Merrill - tác giả dự án quy hoạch Nam Sài Gòn những năm 1990), với chủ đầu tư dự án là Tập đoàn FPT, 2012.

- Komninos, Nicos. “Intelligent cities: towards interactive and global innovation environments”. International Journal of Innovation and Regional Development (Inderscience Publishers), 2009. A. Coe, G. Paquet and J. Roy, “E-governance and smart communities: a social learning challenge”. Social Science Computer Review, 2001.

- Christian Taillard, Từ đô thị hóa tuyến tính ở vùng ven đến siêu đô thị đa trung tâm với các khu đô thị mới, trường hợp thành phố Đà Nẵng, Việt Nam (Danang: d’une urbanization linéaire à une métropolisation polycentrique structurant anciens et nouveaux quartiers), Hội thảo quốc tế “Các xu hướng đô thị hóa và đô thị hóa vùng ven ở Đông Nam Á”, TP.HCM, 12-2008.

- Kathrin Moore & Ngo Viet Nam Son, Báo cáo thiết kế: Quy hoạch tầm nhìn xây dựng thành phố Đà Nẵng đến năm 2025 (Da Nang towards 2025 Vision Plan), 2012.

- Ngô Viết Nam Sơn, Tầm nhìn 100 năm phát triển Đà Nẵng - Một thành phố toàn cầu, Tạp chí Kiến trúc số 3-2017.

- Nguyễn Hữu Thái, Đào tạo xây dựng-kiến trc cho “thnh phốthông minh”, tham luận Hội thảo Khoa học, Đại học Duy Tân, Đà Nẵng, 11-2011.

- Nguyen Huu Thai, Kathrin Moore and Ngo Viet Nam Son, Da Nang towards 2025 Vision Plan/ Da Nang Heritage and Historic Preservation Report, 2012.

- Nguyễn Hữu Thái, Đà Nẵng & cơ hội xây dựng thành phố thông minh, Tạp chí Kiến trúc số 6-2017.

KTS NGUYỄN HỮU THÁI (Hội Kiến trúc sư TP.HCM)