HV133 - Biểu tượng con heo trên thế giới

Heo vòi Baird, động vật biểu tượng quốc gia của Belize

Belize, trước đây là Honduras thuộc Anh, là một quốc gia ở Trung Mỹ, là nước duy nhất ở Trung Mỹ dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức. Belize là đất nước hội tụ sự đa dạng trong không gian nhỏ, từ rừng nhiệt đới đến biển xanh lam bao quanh vô số những hòn đảo dọc duyên hải với nhiều kỳ quan đặc sắc. Đất nước Belize hãnh diện với khu bảo tồn báo đốm đầu tiên trên thế giới. Heo vòi Baird (Tapirus bairdii) với vòi mềm như cao su, là họ hàng gần với tê giác, có thể di chuyển nhanh cả trên cạn lẫn dưới nước! Heo vòi Baird là động vật biểu tượng quốc gia của Belize.

Con heo, biểu tượng may mắn của người Áo

Cộng hòa Áo là một quốc gia nhỏ ở Trung Âu. Ngày cuối cùng của năm cũ, người Áo thường mua những bức tượng nhỏ có hình dáng một con heo có cái đuôi xoắn. Trong phong tục đón năm mới, món ăn mà người Áo tránh dùng trong bữa ăn cuối năm là món tôm, vì họ cho rằng tôm là loài sinh vật đi thụt lùi, và người nào ăn tôm trong ngày đó sẽ thấy mọi việc trong năm mới “đi thụt lùi” như tôm vậy. Bữa ăn tối ngày đầu năm bao giờ cũng có món heo sữa quay, con vật tượng trưng cho mọi điều tốt lành. Sau bữa ăn, người ta phân phát hoặc mời khách ăn những viên kẹo làm bằng bột hạnh nhân có hình dáng con heo con, được gọi là “những con heo may mắn”. Con heo có một vị trí quan trọng trong ngày đầu năm ở Áo, vì người Áo tin rằng con heo lầm lũi bước đi với cái mũi hít đất là biểu tượng hoàn hảo nhất của sự may mắn và “sự chuyển động về phía trước” trong năm mới.

Ở một số đất nước khác như Cuba, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hungary, con heo biểu trưng cho sự phát triển, tiến bộ. Người ta đều nghĩ như vậy là bởi con heo không biết đi lùi. Trong ngày đầu năm, không chỉ có thịt heo mà những thức ăn làm hình con heo, như những chiếc bánh quy hình heo, cũng được coi là biểu tượng cho sự may mắn ở các nước.

Papua New Guinea, nước yêu quý heo nhất

Papua New Guinea là quốc đảo ở phía tây Thái Bình Dương. Đa số thổ dân ở đây đều xem heo như một bái vật giáo. Có bộ tộc lấy mỡ heo trộn với tro bếp xoa lên mặt để biểu thị sự dũng mãnh. Có một số tộc trưởng còn xâu một lỗ trên mũi mình rồi cắm chiếc răng heo rừng vào đấy để tượng trưng cho quyền uy.

Ở nước này, heo là một trong những đồ lễ quan trọng trên cỗ xin đính hôn của các đôi nam nữ thanh niên. Khi cử hành hôn lễ, nhà trai phải đem tới nhà gái mấy con heo béo. Số lượng heo phụ thuộc vào giá trị người con gái. Nếu người con gái vừa đẹp lại vừa ngoan nết thì nhà trai phải dắt tới 7-8 con heo là ít.

Kỳ lạ hơn nữa là người Papua New Guinea thường để cho heo ở chung trong nhà với người như chó và mèo.

Ở Papua New Guinea có tờ tiền thật có hình con heo mệnh giá 20 Kina do chính phủ nước Papua New Guinea in ấn và phát hành từ năm 1999 cho nhu cầu lưu thông, tiêu dùng hằng ngày. Tờ tiền con heo Papua New Guinea được ưa chuộng làm tiền mừng tuổi tết cho năm Kỷ Hợi 2019 này, đặc biệt với người châu Á.

NGUYỄN THANH GIANG biên soạn