Nhà thơ Nguyễn Bính và nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn là anh em con cô con cậu. Thuở nhỏ, hai nhà thơ cùng học cụ giáo Bùi Trình Khiêm (bố nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn), cùng sống ở quê. Họ rất hiểu nhau, nhất là trong đời sống tình cảm.
Hầu hết sáng tác của Nguyễn Bính đều lãng đãng bóng giai nhân. Nhiều bài viết về T. Ngoài ba bài Lỡ bước sang ngang, chùm bài Xuân tha hương đều viết cho “chị Trúc”. Theo Bùi Hạnh Cẩn, có cô gái họ Lê, tên là N.Th. (trong thơ Nguyễn Bính đổi thành Trúc) yêu Nguyễn Mạnh Phác là anh ruột Nguyễn Bính. Cô còn có tên nữa là Ch., quê ở Hoài Đức - Hà Đông, người xinh đẹp nhỏ nhắn, da trắng, môi hồng… tháo vát quán xuyến, được nhiều người quý mến. Cô có một hiệu ảnh ở tỉnh lỵ Hà Đông. Nguyễn Mạnh Phác hai lần đi thi đíp lôm không đỗ, anh ra Hà Đông, dạy học ở trường Hà Văn, sau rồi anh lại bỏ dạy, ra Hà Nội làm báo Ích Hữu và nhà in Lê Cường. Cuộc tình của Phác và N.Th. ngày càng đậm. Lúc này Nguyễn Mạnh Phác cần chọn một bút danh. Nguyễn Bính bảo, anh Phác là người yêu chị Trúc và lúc nhỏ anh có tên là Đường, thế thì lấy bút danh Trúc Đường là hay nhất, như các danh nhân lấy bút danh Trúc Khuê, Trúc Đình, Trúc Chi… Anh Phác biên soạn một tập thơ tình các cây bút nữ cho nhà in Lê Cường. Chuyện đó đến tai chị Trúc và chị ghen. Nguyễn Bính làm bài thơ Chị đã ghen in trong tập Một nghìn chiếc cửa sổ: “Sóng hồ Ba Bể dâng cao quá/ Con chạch Ngân Hà vỡ tứ tung/ Chị ạ, làm sao em cứ thấy/ Chị buồn như lúc chị sang sông/ Em thấy hình như chị khóc luôn/ Mấy ngày môi chị biệt ly son/ Buồn không trang điểm, buồn không nói/ Ai đã làm cho chị Trúc buồn?/ Em hỏi vì sao chị lặng im/ Để lời em hỏi chịu vô duyên/ Nhưng rồi chị kể loanh quanh mãi/ Em mới hay rằng chị đã ghen”. Và Nguyễn Bính đã dỗ dành chị Trúc: “Người ấy yêu thương chị nhất đời/ Em tin như vậy tự lâu rồi/ Tình cô kỹ nữ bên song đã/ Tàn lạnh khi thuyền thương khách xuôi”.
Có người hỏi Bùi Hạnh Cẩn: “Theo ông, Nguyễn Bính có yêu chị Trúc không?”. Bùi Hạnh Cẩn không trả lời. Ông mang đọc một số đoạn trong những bài thơ Nguyễn Bính gửi chị Trúc, để mọi người tự suy ngẫm: “Tết này chưa chắc em về được/ Em gửi về đây một tấm lòng/ Ôi, chị một em, em một chị/ Giời làm xa cách mấy con sông/ Em đi dang dở đời mưa gió/ Chị ở vuông tròn phận lãnh cung/…/ Chiều nay ngồi ngắm hoàng hôn xuống/ Nhớ chị làm sao, nhớ lạ lùng/…/ Với lá thư này là tất cả/ Những lời tâm sự một đêm đông/ Tiếng gà eo óc ngoài xa vắng/ Giời đất tàn canh, tối mịt mùng/ Đêm nay em thức thi cùng nến/ Ai biết tình em với núi sông/ Mấy sông mấy núi mà xa được/ Lòng chị em ta vẫn một lòng…”. Hoặc là: “Chị ạ, em không người nước Sở/ Nhớ nhà đâu mượn tích Trương Lương/ Đất khách tình dâng nhòa mắt lệ/ Ôi nhà! Ôi chị! Ôi quê hương!/…/ Cuối thu mưa nát lòng dâu bể/ Ngày muộn, chuông đau chuyện đá vàng/ Em thường cầu n g u y ệ n , thường van vái/ Một sớm thanh bình mặt đại dương/ Bao giờ em được về quê cũ/ Dâng chị bài thơ Xuân cố hương”.
Nguyễn Bính là người quảng giao, đa tình. Những bóng hồng (dẫu không phải cô nào cũng đẹp), qua lăng kính thơ ông, đều thành giai nhân. Như cô Oanh (ở Hà Đông), hay cô Tuyền mà Nguyễn Bính chiết tự thành Tú Uyên (ở Bạch Mai)…, thì Bùi Hạnh Cẩn đều cho biết là không đẹp. Nhà văn Tô Hoài từng kể khi ở Hà Nội, Nguyễn Bính có một hộp thiếc luôn mang theo bên người, trong đó đựng những bài thơ của Nguyễn Bính được chép trên giấy hồng có ướp nước hoa, theo Nguyễn Bính khoe đó là những cô gái mê Lỡ bước sang ngang chép gửi cho Nguyễn Bính.