HV133 - Chế Lan Viên thắm đậm nghĩa tình

Sang năm 2019 này, nhà thơ Chế Lan Viên giá còn tại thế thì đạt mức 99 xuân ở chốn trần gian(1). Anh ra đi ngày chưa đến tuổi “xưa nay hiếm”, để lại cho đời một sự nghiệp văn chương đồ sộ. Vẫn biết đời người cũng như lịch sử không có “giá mà”, vậy mà mỗi lần nghĩ đến anh Hoan, đặc biệt sau những lần trở lại Viên Tĩnh Viên viếng anh, trong lòng tôi lại lẩn thẩn cộm lên hai chữ giá mà, giá mà... Phải chi anh đạt được mốc tuổi thọ trung bình người dân ta hiện nay, chỉ cần thêm ngần ấy tháng năm nữa thôi, chúng ta được thụ hưởng thêm những gì gì nữa!

Chế Lan Viên là con người của tình nghĩa thủy chung: tình người, tình đời, tình non sông đất nước, tình với những vật vô tri từng ghi dấu một lúc một nơi nào đó vào hồn anh:

Đêm hôm qua xuân nói những gì

Mà sáng nay hoa hồng đều chớm nở…

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn...

Hai câu thơ này không hẳn anh làm sau ngày hòa bình lập lại mà nảy mầm từ thuở cậu thiếu niên 12, 13 tuổi tập tễnh làm thơ, “lủi thủi làm và cũng không ý thức đó là thơ” (C.L.V.). Những sáng tác đầu tay, thơ mà chưa phải thơ ấy, được tác giả ký những tên đất vùng Quảng Trị nguyên quán của mình dù cậu xa quê từ ngày còn bé: Mai Lĩnh, Thạch Hãn, Thạch Mai. Bút danh Lan Viên nảy sinh khi Phan Ngọc Hoan về thành Bình Định và chơi thân với nhà thơ Yến Lan, người có vườn lan đẹp cùng người bạn đời tên Lan. Còn họ Chế, thêm vào trước hai chữ Lan Viên, bắt nguồn từ một bài thơ Hàn Mặc Tử làm tặng “Chế Bồng Hoan”...

Sau ngày mặt trận Huế vỡ, năm 1947 anh cùng nhiều người từ cố đô chuyển ra vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh làm báo Cứu quốc. Tòa soạn báo đóng tại thôn Lai Triều, huyện Nông Cống. Người con trai đầu lòng của hai vợ chồng Phan Ngọc Hoan - Nguyễn Thị Giáo ra đời tại đó, anh dùng địa danh Lai Triều đặt tên con (nay là nhạc sĩ Phan Lai Triều). Một thời gian sau, để tránh máy bay Pháp phát hiện và ném bom bắn phá, tòa soạn chuyển vào gần sát chân núi Nưa nơi lưng chừng sườn núi có ngôi đền thờ Bà Triệu, thuộc địa phận làng Sơn Trung trước gọi Làng Truông. Anh dùng tên Sơn Trung ký dưới những bài chính luận phê phán thực dân đăng trên các báo. Bạn bè góp ý: Cơ quan ta rồi sẽ còn di chuyển nhiều nhưng chắc cũng quẩn quanh tại vùng này (vì cơ sở in báo đặt tại một nơi trong rừng, không xa đền Bà Triệu). Công khai địa danh như vậy, nhỡ đâu bọn gián điệp lần đến tận nơi rồi mật báo cho Tây…, Chế Lan Viên trở lại dùng bút danh Thạch Hãn, và con sông quê hương sẽ song hành cùng anh qua nhiều bài viết suốt thời kỳ chống Pháp.

Người con trai thứ của hai anh chị Hoan - Giáo ra đời tại huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. “Trường Định có nghĩa gì?” - tôi hỏi. Chế Lan Viên cười: “Một tên đất. Cũng như Thanh Lam, tên cái làng chúng mình đang ở đây thôi. Phan Thanh Lam, nghe được lắm! Nhưng lấy tên đất đặt tên người, các ông lại cho mình mất cảnh giác!”. Sau khi anh qua đời, đọc Trường Xuyên thi thoại của Quách Tấn, tôi mới rõ: Trường Định đúng là một tên đất, nơi tác giả Một tấm lòng Mùa cổ điển chào đời. Làng Trường Định thuộc huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn), tỉnh Bình Định. Quách Tấn lớn tuổi hơn tất cả bốn người trong “Bàn thành tứ hữu” (Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Chế Lan Viên), ông ra đời trước Chế Lan Viên những mười năm và là người dẫn dắt tác giả Điêu tàn đi sâu vào thơ Đường từ Tống.

Người con thứ ba của Chế Lan Viên là một cô gái, sinh tại huyện Anh Sơn tỉnh Nghệ An, tên Chấn Thanh. Một thời gian sau đó, Chế Lan Viên đổ bệnh, được Liên khu ủy IV đề nghị Trung ương cho đi điều trị tại nước ngoài. Đấy là một ưu ái đặc biệt dành cho văn nghệ sĩ, bởi trong hoàn cảnh đầu thập niên 1950, chỉ một số ít cán bộ cách mạng lão thành sức khỏe tàn tạ vì tù đày, tuổi tác và chiến tranh mới được đưa vào diện ấy. Chấn Thanh? Nghe hơi lạ, tôi lại hỏi. Chị Nguyễn Thị Giáo hé lộ cội nguồn tên cô con gái quý. Đó là tên cái nôi nảy sinh và ôm ấp mối tình đầu rất đẹp và rồi sẽ gặp nhiều trắc trở khổ đau giữa nhà thơ nghèo với cô gái con nhà gia thế. Chấn Thanh là tên một trường tư tại Đà Nẵng trước năm 1945. Kỳ lạ thay! Về già tôi thường ngẫm ngợi miên man, cuộc đời có những trùng hợp ngẫu nhiên diệu kỳ. Cô em gái út người vợ đầu của nhà văn Nguyễn Văn Bổng có lần kể cho tôi nghe: Hồi còn nhỏ, cô bé sáng sáng thường ra đứng ở cổng ngó theo hai chị thướt tha trong tấm áo dài, bước cặp kè bên nhau đến trường học trên một con đường không mấy xa bờ sông Hàn: chị Phan Thị Đề và chị Nguyễn Thị Giáo. Tại buổi lễ kết nạp Chế Lan Viên vào Đảng tại chiến khu Ba Lòng, Quảng Trị cuối năm 1949, được mời phát biểu cảm tưởng sau khi tuyên thệ dưới cờ, Chế Lan Viên nói: “Cuộc đời tôi cho đến nay có hai sự kiện tôi không bao giờ quên: Giã mẹ đi kháng chiến bốn phương trời/ Kết nạp Đảng bỗng quay về quê mẹ, được vào Đảng ngay tại quê hương dù tôi không công tác nơi đây; và hai là lễ thành hôn hai vợ chồng chúng tôi tại một chốn xa quê, không có thân thích họ hàng tham dự, cuộc hôn nhân đã nối cánh cho đời tôi tới bữa hôm nay”(2).

Nhà thơ Chế Lan Viên và nhà văn Nguyễn Văn Bổng là hai người bạn thân dù tính cách hai anh có khác nhau. Và cũng lạ kỳ thật - tôi lại ngẫm ngợi - cuộc đời hai anh có những điểm tương đồng: trải qua hạnh phúc, chịu khổ đau rồi tìm lại được hạnh phúc. Chị Phan Thị Đề kết hôn cùng nhà văn Nguyễn Văn Bổng. Chị qua đời ngay những ngày đầu chống Pháp. Nhà văn đi kháng chiến, để vợ cùng gia đình dắt díu nhau rời Đà Nẵng ra sinh sống tại vùng nông thôn. Chiến tranh ngày càng ác liệt, giặc Pháp cứ đánh nong ra, gia đình quyết định cho chị Đề một vai địu con, một vai mang cái ống tre đựng bản thảo cuốn tiểu thuyết đầu tay chồng nhờ giữ hộ, đáp chuyến tàu đêm vào ga Tam Kỳ để rồi từ đó đi tiếp lên vùng chiến khu sống với chồng. Trời vừa hửng sáng, đoàn tàu vào ga vừa đỗ lại thì hai chiếc máy bay Spitfire của Pháp ập tới. Mối tình đầu Bổng - Đề tan nát trong thương đau vì bom đạn giặc. Mỗi tình đẹp Hoan - Giáo qua được chiến tranh nhưng rồi cũng tan vỡ trong khổ đau vì những trớ trêu cuộc sống đời thường:

Người mang lại ái tình không ở cùng tôi nữa

Nhưng hương em còn quấn mỗi câu thơ

Trời xanh của sông Hàn nay đã vỡ

Mỗi câu thơ là một mảnh trời xưa...

Sau khổ đau cùng cực, hạnh phúc lại đến với hai nhân tài. Chế Lan Viên có Vũ Thị Thường, Nguyễn Văn Bổng có Hồ Vân.

***

Trở lại với Chế Lan Viên. Đời anh đã đi, đã sống ở nhiều nơi trên đất nước, đến đâu ở đâu anh cũng thắm đậm nghĩa tình, tới lúc không thể không rời chỗ ấy chuyển sang nơi khác thì “đi mô rồi cũng nhớ về chốn nớ”.

Trong những ngày vất vả leo đèo vượt suối dọc dãy Trường Sơn, nhìn về đồng bằng anh nghĩ đến một thành cổ xa xôi hơn nhiều các thị xã Đồng Hới, Đông Hà đang nằm trong tay giặc dưới kia:

Mẹ con ta trong thành Bình Định cũ

Cái giếng, vườn rau, căn nhà nho nhỏ...

Từ địch hậu trở lại thủ đô, anh càng nhớ mẹ:

Tự xa ta tóc mẹ trắng ngần nào

Có ai đến thay ta mà dỗ mẹ...

Đầu những năm 1980, gia đình Chế Lan Viên rời quận 10 thành phố Hồ Chí Minh chuyển về Tân Thái Sơn quận Tân Bình, nơi sẽ hình thành vườn Viên Tĩnh - Tĩnh Viên mà động lòng người ngàn năm (Tố Hữu), bên cạnh anh đã có nhà văn Vũ Thị Thường, và nhờ có người bạn đời ấy, trong khoảng thời gian chưa tới tám năm “anh đã sáng tác nhiều bằng cả đời thơ anh trở về trước” (V.T.T.).

Hồi ấy, Tân Thái Sơn cũng như nhiều nơi trong quận Tân Bình còn bát ngát những vườn mai nở rộ những ngày giáp Tết. Nhìn mai Tân Bình, Chế Lan Viên nhớ mai Cam Lộ quê anh, nhớ đào Nhật Tân Hà Nội.

Nhớ cành đào nhớ lắm

Xa Bắc đã lâu ngày

Huống nữa mình sáu chục

Cành mai ấy sao khuây.

Yêu cành mai yêu lắm

Đứt ruột nhớ hoa đào

Huống nữa mình sáu chục

Xa Bắc đã từ lâu.

Người nhớ hoa hay hoa gợi nhớ người?

Gặp lại nhau sau ngày đất nước thống nhất, anh đề tặng tôi tập thơ Điêu tàn bản in tại Sài Gòn trước năm 1975: “Kỷ niệm những ngày Khu Bốn, Bình Trị Thiên không bao giờ quên”.

Nằm trên giường bệnh, gần đất xa trời, anh bồi hồi nhớ đất, nhớ người xưa cảnh cũ, nhớ cho nhiều, kỷ niệm cắt như dao! Trong bức thư cuối cùng gửi bạn, anh gợi lại những chuyện vặt bốn mươi, năm mươi năm về trước, khi hai anh em chiều chiều đi dạo bên nhau trên con đường vắng dưới chân núi Nưa Thanh Hóa, khi hai người lần lượt rời vùng tự do Nghệ An vào vùng địch chiếm ở Quảng Trị, mỗi người theo một lối bỗng ngỡ ngàng giáp mặt nhau tại thượng nguồn sông Thạch Hãn: “...Chúng ta lại nhớ Sơn Trung, nhớ núi Nưa, nhớ Ba Lòng ăn thịt bò - hai đứa ăn gần 400 gram thịt bò, không cốt ngon chỉ cốt bổ, để chống sốt rét rồi Diêu(3) đi chiến dịch và Hoan chuẩn bị vào Thừa Thiên…”.

Đời Chế Lan Viên không chỉ quan tâm cái hiện tại, anh trăn trở với tương lai qua việc ngày đêm tìm lối cách tân thơ văn của chính mình, trong khi những gì đã lùi về dĩ vãng cứ tươi rói nơi anh - trong cả ba chiều thời gian, anh thắm đậm nghĩa tình với người với hoa với đất, với những kỷ niệm rất mực đời thường một khoảnh khắc xa xôi nào đó.

 

_____

(1) Chế Lan Viên, tên khai sinh là Phan Ngọc Hoan, ra đời ngày 14-1-1920 tại Nghệ An (đất Hoan Châu).

(2) Tôi có lần nghe ai đó nói, nhà thơ Lưu Trọng Lư là người đứng ra lo việc tổ chức và làm chủ hôn buổi lễ tại Huế.

(3) Tên thật tác giả là Phan Quang Diêu. (HV)

 

PHAN QUANG