HV133 - HỘI THẢO KHOA HỌC TOÀN QUỐC “NHÌN LẠI QUÁ TRÌNH XÃ HỘI HÓA CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HỌC - NGHỆ THUẬT Ở VIỆT NAM TỪ KHI BAN HÀNH ĐẾN NAY”: Được và mất…

Hội thảo do Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương tổ chức tại Hà Nội vào sáng ngày 19-1-2018 với sự tham dự của ông Võ Văn Thưởng (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương), ông Vũ Đức Đam (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ), nhà thơ Hữu Thỉnh (Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam) cùng các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, nhà quản lý và các văn nghệ sĩ trên toàn quốc… Gần 70 tham luận đã được gửi đến hội thảo từ các lĩnh vực nghệ thuật như Văn học, Điện ảnh, Sân khấu, Âm nhạc, Kiến trúc, Mỹ thuật, Múa…

“Đây là chủ trương lớn, bao trùm nhiều lĩnh vực của đời sống, văn hóa xã hội, trong đó có văn học, nghệ thuật. Cũng như bất kỳ chủ trương, chính sách nào, khi mới ban hành cũng gây sự bỡ ngỡ và gặp không ít khó khăn trong quá trình đi vào cuộc sống, nhất là hoàn cảnh đất nước vừa bước ra khỏi thời kỳ bao cấp, nhận thức về xã hội hóa còn chưa thông suốt, nên cũng gây không ít ngộ nhận, hiểu lầm… Dù còn nhiều vướng mắc, cần được quan tâm giải quyết ở tất cả các lĩnh vực, song không thể phủ nhận quá trình xã hội hóa đã đạt được kết quả ban đầu là kích thích tinh thần tự chủ, tiềm năng sáng tạo, huy động được nguồn lực của toàn xã hội…”. Đó là lời đề dẫn của PGS-TS Phan Trọng Thưởng, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương.

Kích thích tiềm năng sáng tạo, huy động nguồn lực trong xã hội, nhưng không có nghĩa là giao hết trách nhiệm đó cho xã hội. Nhà thơ Hữu Thỉnh đã nêu một câu quan trọng trong Nghị quyết 33-NQ/TW: “Văn hóa là nền tảng tinh thần, phải được đặt ngang hàng với Chính trị - Kinh tế”. Vì thế xã hội hóa văn học - nghệ thuật (VHNT) không được làm mất nền tảng tinh thần. Nhà thơ cho rằng hiện nay xã hội hóa VHNT được và mất 50%, mà mất là cơ bản. Dù hiện nay ta có nhiều chủ thể văn hóa, nhiều hãng phim, nhiều nhà phát hành sách, nhưng vai trò chủ đạo định hướng của Nhà nước không thể thay thế được. Tiết kiệm trong văn hóa chính là một lãng phí rất lớn, đó là lãng phí phải xây thêm nhiều nhà tù. Không phải huy động đồng tiền càng nhiều mới là xã hội hóa, mà quan trọng là phải có nhiều tác phẩm có sức sống lâu dài được thừa nhận trong xã hội. Đó mới chính là xã hội hóa lớn nhất của văn nghệ sĩ. Ở lĩnh vực văn học, chúng ta chớ vội vui mừng khi mọc ra hàng nghìn câu lạc bộ thơ hoạt động rộn rịp, bởi khó tìm được bài thơ nào thực sự có sức sống. Trước đây, có nhà xuất bản chỉ có 87 đầu sách, bây giờ hơn 1.200 đầu sách, không hiểu tổng biên tập nhà xuất bản làm sao mà đọc hết. Ai cũng có quyền in sách, nhưng không phải tất cả những sản phẩm ấy đều trở thành văn hóa, nó chỉ là sản phẩm của thị trường. Muốn có tác phẩm VHNT đích thực thì:

1. Nhà nước phải thể chế hóa, phải có Nghị định về văn hóa, trong đó dứt khoát phải khẳng định vai trò chủ đạo của Nhà nước. Cũng như kinh tế, chúng ta có nhiều thành phần, trong đó có Kinh tế nhà nước, vậy thì xã hội hóa VHNT, vai trò chủ đạo của Nhà nước là không thể mờ nhạt. Nghị quyết 33-NQ/TW đã khẳng định điều đó.

2. Phải suy nghĩ đồng tiền ít ỏi đầu tư cho văn hóa sao cho có hiệu quả. Nói là 3% thu nhập quốc dân, nhưng cả nước chỉ có 85 tỉ/năm cho toàn bộ các loại hình VHNT, trong khi một vụ tham nhũng cả mấy ngàn tỉ. Như vậy liệu đầu tư cho văn hóa có tương xứng không?

3. Chúng ta phải tạo ra cơ chế, cho văn nghệ sĩ gắn bó với đời sống. Trung Quốc giải quyết vấn đề này rất tốt. Nhà văn đi thực tế xuống nông thôn được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch huyện, họ không ở tỉnh vì chỉ thấy cây không thấy rừng, không ở xã vì chỉ thấy rừng không thấy cây. Nhà văn được tham gia các cuộc họp của Thường vụ huyện ủy và tham gia những buổi tiếp dân… Nhiều nhà văn đi thực tế không muốn về nhà nữa. Họ đã có vốn sống ngồn ngộn cho những tác phẩm đi vào đời sống nhân dân…

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Âm nhạc Việt Nam, nối tiếp mối lo toan của nhà thơ Hữu Thỉnh bằng thực trạng đáng báo động của nền âm nhạc hiện nay: Tràn lan chương trình liveshow, gameshow, chương trình tự tác giả hát, tự tác giả sáng tác thông qua hệ thống xã hội hóa, thực tế đó là những bầu sô từ trước năm 1975 đã có, bây giờ được lặp lại quy mô, rộng khắp và hoành tráng hơn gấp nhiều lần. Và chính tình trạng trên đã làm nghiệp dư hóa những yếu tố chuyên nghiệp và chuyên nghiệp hóa những thành phần nghiệp dư. Đó là một bức tranh rất thảm hại mà người bị hại chính là công chúng, nhất là giới trẻ. Chúng ta cần phải gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh, nếu như vẫn cứ tiếp tục con đường xã hội hóa theo kiểu này thì chúng ta sẽ mất tất cả. Bởi vì xã hội hóa VHNT không phải là kinh tế hóa. Đừng biến VHNT thành những miếng mồi để kiếm tiền của các con buôn văn nghệ…

NSND Lê Huy Quang băn khoăn: Xã hội hóa sân khấu không thể đơn giản là để nghệ sĩ tự lo liệu góp tiền dựng vở, sau đó diễn lấy tiền chia nhau. Hình thức đó chỉ là hoạt động kiếm sống theo kiểu các gánh hát ngày xưa, vô tình chúng ta đã nghiệp dư hóa nền sân khấu chuyên nghiệp hiện nay. Ở Hà Nội, tình trạng đóng cửa tắt đèn sàn diễn của một số nhà hát sẽ khiến đông đảo khán giả dần dần mất thói quen đi xem biểu diễn nghệ thuật sân khấu… Về thực trạng sân khấu TP.HCM sau xã hội hóa, theo ý kiến của bà Thân Thị Thư, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, đã nhen lên niềm hy vọng từ khát vọng làm nghề của các nghệ sĩ. Sinh khí và hiệu quả bước đầu của việc xã hội hóa sân khấu kịch nói TP.HCM đã tạo một tiếng vang cả nước. Từ điểm sáng Nhà hát kịch sân khấu nhỏ, TP.HCM dần có thêm hàng chục sân khấu được thành lập theo mô hình xã hội hóa. Nhiều vở diễn đoạt được huy chương vàng trong các Liên hoan sân khấu toàn quốc. Bởi vì ngoài những vở kịch hài, kinh dị để bán vé, các sân khấu kịch nói TP.HCM đã góp phần không nhỏ hướng dẫn thẩm mỹ trong thưởng thức nghệ thuật cho khán giả. Khán giả thành phố được cung cấp “thực đơn” đa dạng với đủ bi kịch, hài kịch, lịch sử, tâm lý, viễn tưởng, hiện thực, truyền thống, kinh dị… Tuy nhiên, hiện nay tiến trình xã hội hóa sân khấu đã bộc lộ nhiều nhược điểm: các nhà hát phải đương đầu giữa yêu cầu chất lượng nghệ thuật và việc phải bán được vé. Những khó khăn về địa điểm, cơ sở vật chất, không được giảm thuế khiến một số sân khấu không cầm cự nổi, phải đóng cửa… Nghị quyết 90/CP về chủ trương xã hội hóa các hoạt động Giáo dục, Y tế, Văn hóa nêu rõ: “Xã hội hóa không có nghĩa là giảm nhẹ trách nhiệm của Nhà nước, giảm bớt phần ngân sách nhà nước; trái lại, Nhà nước thường xuyên tìm thêm các nguồn thu để tăng tỷ lệ ngân sách chi cho các hoạt động này, đồng thời quản lý tốt để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí đó”. Thế nhưng việc Nhà nước tham gia vào công cuộc xã hội hóa VHNT đến hôm nay vẫn chưa có tín hiệu tích cực…

TS Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam, cũng thừa nhận hệ thống rạp chiếu phim bùng nổ, nhất là từ khi công nghệ chiếu phim chuyển hẳn từ phim nhựa 35 li sang kỹ thuật số. Nhưng 90% số rạp chiếu phim và doanh thu thuộc về các doanh nghiệp tư nhân, chủ yếu là nước ngoài và 60% doanh thu chiếu bóng từ phim nhập khẩu nước ngoài, nghĩa là thị trường điện ảnh phát triển phần lớn là nhờ vào phim nhập. Bởi vì phim Việt Nam chỉ chiếm 15,3% trên tổng số phim chiếu trên các rạp mà chủ yếu là phim do tư nhân sản xuất. Nếu như năm 2000, doanh thu chiếu bóng ở Việt Nam chỉ khoảng 47 tỉ đồng thì hiện nay tăng 75 lần với con số 3.556 tỉ đồng. Các nhà làm phim tư nhân huy động vốn làm phim, vì vậy, hầu hết phim đều thuộc dòng giải trí thương mại để thu hút khách, càng “sốc”, càng “sex” thì càng dễ ăn khách. Rất nhiều phim vi phạm những điều cấm trong Luật điện ảnh phải chỉnh sửa, có trường hợp phim bị cấm phát hành…

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, ở đây không có sự tranh luận về vấn đề xã hội hóa. Bởi văn kiện của Đảng đã nói rất rõ xã hội hóa không phải là Nhà nước buông mà là để nâng cao mức hưởng thụ của công chúng, tăng cường vai trò của các tổ chức xã hội. Tuy nhiên, trong thực hiện đã phản ánh rất nhiều bất cập về mục tiêu và định hướng. Hệ lụy lớn nhất là tác phẩm VHNT chỉ chạy theo thị hiếu, mang tính thị trường, bỏ quên truyền thống. Khi mới khởi đầu xã hội hóa, chúng ta đều bị mục tiêu tăng trưởng kinh tế lấn át, không chú ý đến môi trường. Người ta nói nếu trong quá trình phát triển của một đất nước, nếu không chú ý đến môi trường, sau đó sẽ mất hàng chục năm và một số phần trăm GDP để giải quyết hậu quả. Nhưng nếu không chú ý đến văn hóa thì mất cả thế hệ và nhiều chục phần trăm GDP, thậm chí mất ổn định, mất chế độ… Chúng ta đã biết vấn đề môi trường ở Formosa tác hại thế nào rồi. Nhưng tác hại của vấn đề văn hóa là sự suy thoái đạo đức xã hội. Đó là vấn đề đáng báo động.

Nhưng đây cũng là vấn đề khó nhìn thấy và nó diễn ra một cách lặng lẽ. Bởi trước nay người ta thấy VHNT chỉ tiêu tiền mà không tạo ra tiền. Lại là chuyện lâu dài, không cấp bách, không phải là chuyện cháy nhà, chết người, nhưng khi xảy ra sự cố thì không thể giải quyết được ngay. Cả giáo dục và y tế cũng thế. Tuy đã nhận ra rồi những bất cập, nhưng giải quyết rất khó. Ngay như chuyện cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam cũng không thể giải quyết ngay được. Trong lĩnh vực kinh tế, khoa học tự nhiên, cấp lãnh đạo không biết nên thường không tham gia ý kiến. Nhưng ở lãnh vực VHNT thì tâm lý ông lãnh đạo nào cũng muốn chỉ đạo theo ý kiến mình…

Tôi nhắc lại: Tinh thần và chiến lược xã hội hóa VHNT là đúng. Tôi đang chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch từ đây đến năm 2020 phải tổng kết lại cái được, cái không được để sửa đổi. Phải có chiến lược văn hóa rõ ràng… Quan trọng nhất là chúng ta đã cùng nhau gióng một tiếng chuông báo động. Và khi đã biết, đã nhận ra hết những bất cập thì phải tìm cách tháo gỡ thôi…

NGÔ NGỌC NGŨ LONG