HV133 - HƯỚNG VỀ TỔ QUỐC - nhận thức lại lịch sử

Cùng với sự ổn định và phát triển của đất nước, cùng với vị thế ngày càng được nâng cao của đất nước, nhất là tác động của mối bang giao Việt - Mỹ được nâng lên tầm chiến lược…, nhiều bà con Việt kiều ở Mỹ và ở các nước khác cũng dần dần có sự chuyển biến tích cực. Họ hướng về quê hương đất tổ, hướng về đất nước, nơi họ đã sinh ra và hình thành con người mình, nơi có bà con anh em cô bác ruột rà, nơi họ đã trải qua gian khổ, bão giông của chiến tranh, nhưng xa xứ rồi thì nhiều khi đó là nơi tâm hồn họ tìm về với những kỷ niệm không thể quên. Và cùng những tình cảm ấy, họ nhận ra sự thật lịch sử.

Sự thật lịch sử là người Việt Nam có ai muốn chiến tranh đẫm máu kéo dài?! Nhưng các thế lực ngoại bang, vì chủ quan đánh giá sai tình hình, đã lao vào cuộc chiến mà họ tưởng sẽ thắng ngay trong chốc lát, để kéo theo một dân tộc, một đất nước phải chịu bao tang thương. Rồi cũng có các thế lực người bản xứ đã tách mình khỏi những lợi ích cốt lõi của dân tộc, phục vụ cho ngoại bang để mưu cầu lợi ích cho riêng mình. Và cho đến khi, ngoại bang vì quyền lợi mà vứt bỏ họ, thì họ mới tỉnh ra, nhưng đã muộn rồi. Bây giờ, cả đồng bào trong nước và những người đó đều thấy rằng, gác lại một quá khứ hận thù, chinh chiến để đi tìm lại tình nghĩa dân tộc, đồng bào, để hàn gắn vết thương trong quá khứ, đùm bọc nhau, động viên nhau, sống, làm việc, dấn bước lên theo các dân tộc khác.

Tình hình Việt kiều ở Mỹ sau cuộc bang giao Việt - Mỹ từ năm 1995 đã có sự chuyển biến rõ rệt. Người Mỹ - chủ thể của chiến tranh, còn muốn xóa bỏ quá khứ hận thù để tiến đến tương lai, nữa là thân phận những người di tản, tị nạn, hưởng trợ cấp… thì việc gì phải khư khư ôm lấy hận thù, định kiến, nhất quyết từ bỏ Tổ quốc, quê hương. Dần dà, số người về Tổ quốc, tìm hiểu thực tế, có cái nhìn khách quan và vô tư hơn về đất nước mình, và từ đó nghiền ngẫm trở lại những vấn đề của quá khứ, ngày càng nhiều. Và số người chống đối cực đoan ngày càng thu hẹp lại, tiếng nói của họ đã bớt được hưởng ứng hoan nghênh, thậm chí họ còn bị cho là “những người buôn bán hận thù”. Những cuộc biểu tình ngày càng ít đi và số người tham gia (có cả những người bị mua chuộc) cũng thưa thớt dần, nhiều khi chỉ có ba, bốn chục người tham gia.

Một bình minh ấm áp đang dần dần ló rạng ở phía chân trời xa xứ. Chúng ta trân trọng những tiếng nói nghĩa tình quê hương đất nước ấy. Không phải chỉ vì lợi ích của cả dân tộc, mà đây là những lẽ phải thông thường, đơn giản, đã bị che lấp trong bao nhiêu năm, giữa những xung đột, hận thù… Ngày nay, bình yên đã trở lại trên đất nước, mọi người lo làm ăn xây dựng cho gia đình mình, đất nước mình. Vậy nên, những tiếng nói khơi gợi lại hận thù một cách căng thẳng sắt máu là không hợp với không khí của thời cuộc.

Chúng tôi từng theo dõi qua video clip trên mạng Internet những tiếng nói ôn hòa, tình nghĩa, những nhận thức đúng đắn của những người đã từng ở “phía bên kia”, nay sau bao nhiêu tháng năm trăn trở, cọ xát, đã thấy ra lẽ phải. Đầu tiên có lẽ là tiếng nói của tướng Nguyễn Cao Kỳ, người đã từng một thời đứng đầu chính phủ Nam Việt Nam. Đây là tiếng nói mạnh mẽ, dứt khoát của một võ tướng. Ông kêu gọi xóa bỏ cái hố sâu ngăn cách đã hình thành trong chiến tranh, có cái nhìn thực tế về lịch sử để cùng nhau xây dựng lại đất nước mình.

Sau đó phải kể đến những trang mạng như sachhiem.net…, trong đó có những tiếng nói sâu sắc của học giả Trần Chung Ngọc (nay đã qua đời). Đây là tiếng nói tích cực, cân bằng về mặt lịch sử. Dĩ nhiên, cái nhìn của các vị ấy có những điểm đặc biệt mà ở Việt Nam không dễ hòa theo.

Sau đó là những tiếng nói của Phùng Tuệ Châu, Nguyễn Phương Hùng, Nguyễn Mạnh Cường, Đinh Viết Tứ, Nguyễn Ngọc Lập… Những người này đều đã về Tổ quốc, thậm chí đến thăm Trường Sa, cảm nhận sâu sắc tình yêu Tổ quốc, mà vì tình yêu đó bao thế hệ người Việt đã hy sinh. Tiếng nói của họ dõng dạc, công minh, ấm áp, tình nghĩa đối với quê hương, vang lên giữa những tiếng nói hằn học, cũ kỹ quen thuộc, nhàm tai.

Trong sự chuyển mình này, tâm huyết và công sức của các nhà ngoại giao Việt Nam bỏ ra là vô cùng quý báu. Chính thái độ thân thiện, trân trọng, tình nghĩa của những nhà ngoại giao này đã làm cho nhiều người cảm thấy Tổ quốc ấm áp trở lại trong lòng họ. Chính họ cũng đã nói như vậy. Và chúng tôi nghĩ rằng, thái độ và quan điểm của những nhà ngoại giao này chính là thái độ của cả dân tộc, của đồng bào trong nước. Không còn nghi ngờ gì nữa, ai cũng vui mừng trước sự trở về của những đứa con xa. Xa về địa lý và có lúc xa cả về tình cảm, suy nghĩ. Ngày nay, trong cơ hội thái bình và phát triển của đất nước, chúng ta cùng ngồi lại và nhìn về phía trước. Điều đó sẽ tốt đẹp biết bao!

HỒN VIỆT