HV133 - Mùa xuân hy vọng

Mùa xuân năm nay, đất nước ta bước vào xuân với thắng lợi chưa từng có: GDP đạt 7,08%, lạm phát được giữ ở mức thấp, xuất khẩu tăng và xuất siêu 7 tỉ USD… Đó là những thành tựu mà đất nước đã dốc sức, dốc lòng thực hiện, mở ra những trang sử vẻ vang để tiến tới cái đích 100 năm sau ngày độc lập (1945), đất nước ta sẽ đứng vào hàng các nước phát triển. Đất nước sẽ giàu mạnh, dân chủ, nhân dân sẽ hạnh phúc, tự do, giang san sẽ tươi đẹp… Tuy nhiên, đó là mới nói về kinh tế, còn văn hóa - xã hội, chúng ta đang ở tình trạng có vấn đề, không dễ khắc phục được trong một sớm một chiều. Thế mà chúng ta nói văn hóa quan trọng ngang với kinh tế và chính trị. Nó là động lực của sự phát triển. Nó là nền của ngôi nhà, cái nền ấy mà sụt lún thì toàn bộ ngôi nhà sẽ ở tình trạng nguy hiểm. Từ đầu năm 2019, Đảng bắt đầu chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 13 vào đầu năm 2021. Trải qua cuộc chiến chống tham nhũng, Đảng đã tỏ rõ quyết tâm quét sạch những phần tử thoái hóa, biến chất, những phần tử là giặc nội xâm. “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”(1). Hàng loạt những vụ án lớn, những kẻ đương quyền đã bị trừng trị. Lòng tin của nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước đã được khởi động trở lại. Không có gì quý báu hơn lòng dân. Có nó thì có tất cả, thì từ mất thành còn, thì dù trăm nghìn khó khăn cũng sẽ vượt qua. Không gì quý hơn con người, không gì quý hơn nhân dân. Đó là điều Bác Hồ và toàn bộ cuộc kháng chiến lâu dài, xương máu, anh dũng của chúng ta đã được khẳng định. Vừa qua, do mắc nhiều căn bệnh, trong đó có bệnh xa rời những nguyên tắc cơ bản của một đảng Cách mạng, chúng ta đã phạm phải những sai lầm đau xót. May thay, nhờ đồng chí Tổng bí thư và các đồng chí trung kiên khác đã kiên quyết khắc phục những căn bệnh hiểm nghèo, đem nắng ấm mùa xuân trở lại sau một giai đoạn giá rét, u ám. Bài học kinh nghiệm về chỉnh đốn Đảng, về trị Đảng thật nghiêm, về chọn lựa và kiểm soát cán bộ, kiểm soát quyền lực là một bài học lớn. Mong rằng Đại hội tới, Đảng sẽ có biện pháp để chấn chỉnh triệt để tình trạng này. Trước đây, do công tác tổ chức cán bộ đã không dựa vào quần chúng đảng viên, quần chúng nhân dân mà nhiều trường hợp dựa vào chủ quan, kinh nghiệm, cảm tính, ra quyết định một cách vội vã và để lọt vào bộ máy lãnh đạo, thậm chí là để lọt vào trung tâm quyền lực những phần tử không xứng đáng với danh hiệu đảng viên, cũng có thể hiểu là những phần tử phản bội Đảng và nhân dân theo một nghĩa nào đó.

Về tư duy đổi mới, Bác Hồ từng nói “đó là cuộc chiến đấu khổng lồ chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Trong công cuộc đổi mới vĩ đại, đổi mới từ tư duy, nhận thức cho đến những hành động thiết thực, cụ thể, chúng ta phải tuân thủ những nguyên tắc của một đảng Cách mạng, không một phút nào được rời xa những vấn đề về phẩm chất, đạo đức của tiến bộ và văn minh. Một nền văn hóa dân tộc với một bản sắc văn hóa được trau dồi qua hàng ngàn năm lịch sử, đồng thời khao khát tiếp nhận những tinh hoa văn hóa của các dân tộc khác phải được coi trọng để xây dựng con người và văn hóa mới. Nói cho cùng, không thể có Hồ Chí Minh và những chiến sĩ tiên phong trong các giai đoạn kháng chiến và cứu nước nếu không có nền văn hóa ấy. Trong lúc làm kinh tế, làm quản lý… chúng ta luôn hiểu rằng văn hóa là cội nguồn cho việc xây dựng con người, cho đổi mới, sáng tạo. Hiện thời, chúng ta đang có những cơ hội rất rõ nét để tiến tới một tương lai tươi đẹp gấp mấy chục lần hiện nay. Nhưng cao vọng đó chỉ có thể được thực hiện với những con người, bằng những con người. Gần 100 triệu người của chúng ta không hề là một dân tộc nhỏ, yếu nếu mỗi người chúng ta được trang bị những kỹ năng hiện đại và nhất là được trui rèn một ý chí vươn lên, không để bị tụt hậu. Ngay từ thế kỷ 15, Nguyễn Trãi đã xác quyết rằng nước ta là “một nước văn hiến”, nghĩa là một nước có văn hóa và hiền tài, có con người dám nghĩ lớn. Nhờ thế mà chúng ta đã chiến thắng bọn cường Minh hung bạo, “lấy chí nhân để thay cường bạo”. Một nhà nghiên cứu văn hóa quốc tế đã có lý khi đặt vấn đề rằng, Việt Nam thắng được những đế quốc hung bạo lớn gấp chục lần vì hẳn đã có một nền văn hóa cao hơn họ. Nền văn hóa đó là nền văn hóa mà Nguyễn Trãi đã tổng kết. Sau chiến thắng các đế quốc lớn của thời đại mới, ngày nay chúng ta thênh thang bước vào đại lộ của phát triển, của sáng tạo. Nếu chúng ta kế thừa tốt lịch sử và nâng nó lên ngang tầm với thời đại thì chúng ta không đến nỗi thiếu nhân tài, thậm chí những nhân tài lớn. Chúng ta có một ưu thế rõ rệt về văn hóa, về con người nếu chúng ta nghĩ đến những Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Hồ Chí Minh. Làm sao khơi dậy được sức mạnh ấy, tiềm năng ấy trong mỗi một người Việt Nam, cháu con của những anh hùng của nền văn minh nhân loại. Đây đã là một cuộc phục hưng vĩ đại của dân tộc, không có lý do gì để chúng ta tự ti. Chúng ta đã bị tụt hậu vì đã không đi kịp bước đi của thế giới. Nhưng từ nay, chúng ta sẽ quyết tâm nắm bắt những cơ hội và dốc toàn lực vào việc bắt kịp và tiến xa ở những thập kỷ tới. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cũng là những dân tộc châu Á như chúng ta, nhưng nhờ biết tổ chức, biết quản lý tốt, biết giải phóng tư duy, họ đã biến mình thành những nước tiên tiến, hiện đại. Chúng tôi cho rằng, giải phóng tư duy, giải phóng nhận thức, tìm tòi những mô hình mới, chống lại thói bảo thủ, trì trệ, thỏa mãn non thì khát vọng của một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, hiện đại sẽ được thực hiện trong một tương lai không xa.

Cái quyết định là Đảng, là sự lãnh đạo, là bộ phận ưu tú, tinh hoa của dân tộc. Do đó, Đại hội Đảng sẽ đưa lại một hy vọng mới. Hãy vượt qua những suy nghĩ tầm thường, chạy theo vật chất, để tham nhũng trở thành một quốc nạn. Hãy lao động, sáng tạo và trừ khử những thói chạy chức, chạy quyền, chạy bằng cấp, khoe khoang hình thức mà rỗng tuếch bên trong. Đảng không phải là những con người ấy. Đảng phải là những người học hỏi suốt đời, rèn luyện suốt đời để tiến lên những đỉnh cao, để không xấu hổ với người nước ngoài, cũng như với đồng bào mình.

Một thời đại lớn hình như đã mở cánh cửa, chúng ta hăm hở bước vào con đường ấy, cảm thấy “đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”(2). Và chúng ta đòi hỏi ở lãnh đạo xứng tầm, cũng đòi hỏi ở mỗi chúng ta ngang tầm với đất nước, với nền văn hóa Đại Việt hàng ngàn năm.

Và như thế, một mùa xuân hy vọng đang đến cùng với trách nhiệm và sự cố gắng, nỗ lực của chúng ta.

 

_____

(1) Nguyễn Du, Truyện Kiều.

(2) Hồ Chí Minh, Thơ mừng xuân Tân Sửu 1961.

 

HỒN VIỆT