HV133 - Một số bài thơ hay đời Trần*

Lời dẫn: Thơ văn đời Trần rất đa dạng và phong phú về chủ đề, thể tài, tác gia... Phan Huy Chú có nhận xét rằng: “Thơ đời Trần có cốt cách Đỗ Lăng (Đỗ Phủ)”. Ở đây, chúng tôi chỉ mới trích đăng giới thiệu một số bài thơ hay của 4 vị vua đời Trần.

Ngày xuân trong vườn nhớ chuyện xưa

TRẦN THÁNH TÔNG

Cửa cung khép mở, lối rêu nhòa,

Chầm chậm ngày trôi, vắng lại qua.

Hồng tía hư không muôn sắc thắm(1),

Vì ai xuân nở đẹp trăm hoa?

(Bản dịch của TTNC Quốc học)

 

Viếng Trần Trọng Trưng(2)

TRẦN THÁNH TÔNG

Thương bấy Giang Nam bậc tướng khanh,

Gió đông đẫm lệ khóc thương tình.

Sổ trời sao lại ghi ngày tháng,

Chẳng quản trần gian kẻ tử sinh.

Nghìn trùng mây trắng che nhà cũ,

Một nấm đất vàng lấp đại danh.

Sức chống trời trôi theo dòng nước,

Dòng nước đầu ghềnh cũng bất bình.

(Bản dịch của TTNC Quốc học)

 

Đáp thơ của sứ thần Kiều Nguyên Lãng(3)

TRẦN NHÂN TÔNG

Nhẹ tênh hành lý phía nam sang,

Xuân đến hoa mai mấy đóa vàng.

Khắp chốn đều nhân thiên tử đức,

Ở đời vô tích trượng phu xoàng(4).

Đầu ngựa tuyết rơi về chốn cũ,

Non sông tầm mắt phút ghìm cương.

Qua bến sông Lô(5) yên khói sóng,

Bồ đào rượu quý rưới tâm nhàn.

(Bản dịch của TTNC Quốc học)

 

Cảnh mùa hạ

TRẦN NHÂN TÔNG

Chim hót thảnh thơi hoa liễu dày,

Thềm hoa chiều tối áng mây bay.

Khách thăm chẳng hỏi việc nhân thế,

Chỉ tựa lan can ngắm núi mây.

(Bản dịch của TTNC Quốc học)

 

Viếng Pháp Loa tôn giả(6), đề thơ ở chùa Thanh Mai(7)

TRẦN ANH TÔNG

Rũ bỏ trần hoàn, đã hết duyên,

Giác vương(8) tơ báu(9) có người truyền.

Giày bỏ áo quan(10) vùi cỏ rậm,

Cây biếc sương dày thoát xác thiền.

Giảng đường che kín trăng kim cổ,

Trượng thất(11) phủ mờ khói hợp tan(12).

Phận cải duyên kim(13) đâu có nữa,

Xong bài thơ điếu lệ tuôn tràn.

(Bản dịch của TTNC Quốc học)

 

Sông Bạch Đằng14)

TRẦN MINH TÔNG

Giáo gươm lởm chởm núi non dày,

Mặt bể rung rinh sóng tuyết bay.

Đất ráo mưa xuân hoa dệt gấm,

Thông reo gió tối lá khuơ mây.

Giang sơn sau trước hai phen rạng,

Hồ Việt hơn thua một chớp bày.

Đỏ rực ráng chiều in đáy nước,

Ngỡ rằng máu giặc hãy còn đây.

(Bản dịch trong Hoàng Việt thi văn tuyển - Lê Thước, Trịnh Đình Rư, Nguyễn Sỹ Lâm, Trần Lê Hữu, Vũ Đình Liên, NXB Văn hóa, Hà Nội, 1957)

 

_____

* Dịch từ Toàn Việt thi lục, Lê Quý Đôn (biên soạn).

(1) Đây là một bài thơ thiền, tác giả là một nhà thiền học. Đây là một bài thơ hoài niệm. Những cảnh hiện ra trước mắt đều nhạt nhòa dưới cái nhìn tất cả đều là hư không của thiền. Trong bài có 3 chữ “không lạn mạn 空爛熳”, nếu dịch là “rực rỡ suông” thì chưa thấu triệt cái bản thể của thiền, là tất cả đều hư không. Nên chúng tôi dịch là “(Muôn tía nghìn hồng) rực rỡ cũng chỉ là hư không mà thôi” (đi đôi với tâm trạng buồn nhớ quá khứ của tác giả). Ngoài ra, theo Phật Quang đại từ điển (Sa môn Thích Quảng Độ dịch, NXB Phương Đông và NXB Văn Thành liên kết xuất bản, 2014) chú thích: “không tức thị sắc: vật chất, thân thể ở nhân gian vốn không có thực thể... Không tức thị sắc chẳng phải phân tích sắc chất ra để thấy nó là không, mà là thể hội đương thể của sắc tức là không. Không này cũng chẳng phải là đoạn diệt, mà là tức hữu tức không (ngay cái có đó tức là không) mới là chân không”. Nên chúng tôi dịch chữ “không ” ở đây có nghĩa là “hư không, hư vô” theo quan điểm thiền học của các tác giả đời Lý, Trần.

(2) Toàn Việt thi lục bản A132 chép Trần Trọng Trưng. Trong An Nam chí lược của Lê Tắc chép tên là Trần Trọng Huy (hoặc Trần Trọng Vi 陈仲微) và chú thích là bề tôi của nhà Tống. Khi nhà Tống mất, ông chạy lánh sang An Nam rồi tạ thế. Theo các tài liệu của Trung Quốc, có nhân vật Trần Trọng Vi 陈仲微 (1212-1283), tự Trí Quảng 致廣, người ở Cao An, Đoan Châu, đỗ tiến sĩ năm Gia Hy 嘉熙 thứ 2 (1238). Vào cuối triều đại Nam Tống, khi quân Tống đại bại trước quân Nguyên, ông chạy sang An Nam và mất tại nước Việt 4 năm sau đó, hưởng thọ 72 tuối.

(3) Kiều Nguyên Lãng: tức Kiều Tông Lượng 喬宗諒, Thị lang bộ Lễ, là sứ giả nhà Nguyên sang nước ta năm 1301, cùng đi với Thượng thư Ma-cáp-ma (Ma Hợp).

(4) Nguyên văn “Sinh vô bổ thế trượng phu tàm”, dịch nghĩa: Sinh ra mà không giúp ích gì cho đời thì bậc trượng phu lấy làm thẹn.

(5) Sông Lô: tên cũ của sông Hồng.

(6) Pháp Loa tôn giả: tên họ là Đồng Kiên Cương 同堅剛, đạo hiệu: Pháp Loa tôn giả, hiệu: Thiện Lai, 1284-1330. Là thiền sư đời Trần thế kỷ 13-14, môn đệ của Trần Nhân Tông, Tổ sư thứ hai của phái thiền Trúc Lâm.

(7) Chùa Thanh Mai: ngôi chùa do Pháp Loa tôn giả xây dựng vào năm 1329, nay thuộc xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Bài Viếng Pháp Loa tôn giả, đề thơ ở chùa Thanh Mai trong Thơ văn Lý - Trần (tập 2, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1989) ghi tác giả là Trần Minh Tông. Chú thích là: “…theo Tam Tổ thực lục, Đại Việt sử ký toàn thư thì Trần Anh Tông chết trước Pháp Loa mười năm. Tam Tổ thực lục ghi rõ đây là thơ ngự chế. Chúng tôi hiểu là thơ ngự chế của vị vua đương kim, tức Trần Minh Tông”. Ở đây chúng tôi xếp theo sự tuyển chọn của Toàn Việt thi lục bản A132 và Hoàng Việt thi tuyển (Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, NXB Văn học, Hà Nội, 2007).

(8) Giác vương: là chúa trong các bậc giác ngộ. Danh từ tôn xưng đức Phật. (Dẫn theo Phật Quang đại từ điển, sđd). Thơ văn Lý - Trần, tập 2, sđd chép “giác hoàng”, chú thích “Giác Hoàng: chỉ Điều Ngự Giác Hoàng - pháp danh của vua Trần Nhân Tông”.

(9) Tơ báu: nguyên văn “kim lũ 金縷”. Hoàng Việt thi tuyển, sđd chú thích: “là dây bằng vàng. Khi sư tổ tịch đi thì trao dây vàng này cho vị sư nối sau, gọi là dây truyền đạo”.

(10) Hoàng Việt thi tuyển, sđd chú thích: “nguyên văn “quan tàng lý”: giày để trong áo quan. Nhà sư khi đã tịch thì xác đem thiêu, chỉ còn lại đôi giày tu hành bỏ vào áo quan đem táng”.

(11) Trượng thất: chỗ ở của nhà sư.

(12) Hợp tan: dịch thoát từ hữu vô: Hữu và vô vốn là 2 nghĩa của 1 pháp, tức là các pháp do nhân duyên mà sinh, thực sự tồn tại, đó là Hữu. Nhưng vì các pháp do nhân duyên sinh nên không có tự tính, đó là . Nếu chấp trước bất cứ một nghĩa nào trong 2 nghĩa ấy đều dễ rơi vào kiến giải thiên lệch hẹp hòi, vì thế đức Phật chủ trương thuyết Trung đạo, để phá trừ sự chấp trước ở trên mà thể ngộ được nghĩa chân thực của các pháp. (Dẫn theo Phật Quang đại từ điển, sđd).

(13) Phận cải duyên kim: nguyên văn châm giới 針芥, cũng gọi châm phong… Đặt ngửa cái trôn kim trên mặt đất, rồi từ trên trời ném xuống một hạt cải, mà muốn nó trúng vào lỗ trôn kim là một việc vô cùng khó khăn. Thí dụ được gặp Phật ra đời là việc rất khó. [X. kinh Niết bàn (bản Nam) phẩm Thuần đà]. (Dẫn theo Phật Quang đại từ điển, sđd).

(14) Sông Bạch Đằng: còn gọi là Bạch Đằng Giang 白藤江, là một con sông chảy giữa hai huyện Yên Hưng (Quảng Ninh) và Thủy Nguyên (Hải Phòng), cách vịnh Hạ Long, cửa Lục khoảng 40km. Nó nằm trong hệ thống sông Thái Bình. Sông Bạch Đằng nổi tiếng với 3 chiến công của dân tộc ta: cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán của Ngô Quyền (năm 938); cuộc kháng chiến chống quân Tống của Lê Hoàn (năm 981); cuộc thủy chiến của Trần Hưng Đạo chống quân Nguyên (trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ ba, năm 1288).

 

HOÀI THƯƠNG - THANH THÚY tuyển chọn và chú giải