Không biết gọi cái Tết ấy bằng tên gì cho hợp nghĩa, hợp tình. Tính ra, đã tròn năm mươi năm.
Nửa thế kỷ trôi qua, thời gian và mưa bão cuộc đời làm cho con người không theo kịp với chuyển động mới, nhớ về và nhắc lại một thời quá khứ thì nhớ ít, quên nhiều, dường như cảm xúc cũng lặng chìm. May có những dòng nhật ký của Chu Cẩm Phong giúp tôi nhớ lại cái Tết ấy - một cái Tết… nhiều đạn bom nhất, đau đớn nhất và nhiều cảm xúc nhất!
Thứ tư, ngày 5-2-1969, Chu Cẩm Phong ghi trong nhật ký: “Triều Phương, Đoàn Xoa, Hồ Duy Lệ đến chơi. Lệ là bạn học của mình từ năm lớp 4, lớp 5. Ở lại trong này, Lệ tiếp tục đi học và tham gia phong trào học sinh - sinh viên. Đang học trường Luật thì bị bắt (1965), giam ở Đà Nẵng rồi đưa ra nhà lao Thừa Phủ. Hôm Tết Mậu Thân, giải phóng nhà lao, ra làm công tác sinh viên, đến kho vũ khí, thích cạc bin quá, vác một khẩu súng và lái xe díp đi cùng. Sau sang làm công tác địch vận. Về trong này, tổ chức đưa sang công tác ở báo Giải phóng Quảng Đà. Gặp lại Lệ mình xúc động, nhớ những ngày thơ ấu. Hai đứa nhắc lại hai gốc bàng trước cái đình của lớp học, nhắc đến ông từ giữ đền hay ngầy bọn mình về chuyện đá bóng xuống ruộng, chuyện những bạn trai và bạn gái cũ…”.
“Bọn mình tổ chức một bữa liên hoan toàn đồ Mỹ mà đêm qua Triều Phương và Hồ Duy Lệ đã lên Nam Phước mua: bánh sữa, bơ, đậu hộp, bia, sữa… Suốt buổi sáng tổ chức câu lạc bộ đọc cho nhau nghe. Triều Phương, Hoài Hà đọc thơ, Đoàn Xoa và mình đọc văn xuôi. Ký Mặt biển, mặt trận của mình được anh em khen. Sau đó, liên hoan một bữa bún cá hộp”.
Đúng 14 năm, kể từ ngày học lớp 4 ở Hưng Mỹ rồi học lớp 5 - lớp học ở Rừng Bồng xã Bình Tú, huyện Thăng Bình - lớp 5 học chưa được hai tháng thì xảy ra vụ chợ Được, ngày 4-9-1954, quân tiếp quản đến giải tán, vậy là chúng tôi biền biệt nhau. Đến hôm anh Triều Phương rủ tôi đến “gặp một người bạn học từ thuở bé” thì tôi mới biết Chu Cẩm Phong chính là Trần Tiến.
Năm 1969, Tổng thống Mỹ Nixon leo nấc thang cao nhất của cuộc chiến tranh, đường mòn Hồ Chí Minh thì ngày đêm gánh B-52, vùng giải phóng thì bom pháo tơi bời, còn vùng tranh chấp quanh quận Duy Xuyên như Xuyên Châu, Xuyên Mỹ, Bà Rén, ban đêm là địa bàn cán bộ, du kích bám vào gặp dân, xây dựng cơ sở và tranh thủ mua nhu yếu phẩm.

Nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý tại binh trạm 20 trên đường Trường Sơn, năm 1968
Đường từ trên căn cứ về đến Bình Dương, chị Xuân Quý sốt liên tục, đi lại quá vất vả, Chu Cẩm Phong quyết định gửi chị Xuân Quý ở lại làm việc và ăn tết với anh chị em Ban Tuyên huấn Duy Xuyên - H2 K532. Lần đầu tiên tôi gặp chị Xuân Quý. Hôm sau, Chu Cẩm Phong chia tay tôi. Anh Triều Phương đưa Chu Cẩm Phong ra Trạm để về cơ quan báo Giải phóng ở Gò Nổi… Những ngày giáp Tết, tôi ở với du kích và cán bộ Xuyên Châu, anh em có hầm bí mật ở Tân Tây. Chiều 30 Tết, thấy yên, đêm đó, theo Đội công tác xuống đò qua Duy Ninh, băng qua cánh đồng Mỹ Long lên Mã Châu, gần sát quận lỵ Duy Xuyên. Mã Châu là quê nội tôi, khi anh em nói: đến làng dệt Mã Châu rồi, tôi bồi hồi, ứa nước mắt, nhớ những ngày bên bà nội. Nhớ lần cuối cùng chia tay bà nội, tháng 11-1965, bà nội đã ngoài tám mươi, mắt bà nội nhìn mờ mờ. Bà nội ôm tôi, đưa hai tay rờ mặt tôi, nắm hai bàn tay tôi, thoa thoa cái lưng tôi, nói: “Sao con ốm giơ xương ri…”. Tôi bịn rịn chào bà nội, thì bà nội hỏi: “Con đi bao lâu về?”. Hai tay tôi nắm cứng bàn tay gầy gò của bà nội, ngước nhìn bà nội: “Ba năm con về!”. Bà nội ngầy: “Răng lâu rứa!”. Tôi biết mình nói chơi, lỡ lời, vội nói: “Con giỡn đó bà nội, chỉ hơn tuần, vài tuần là con về… Con về ăn tết với bà nội mà…”. Và y như lời buột miệng, làm cho bà nội buồn, giữa tháng 12 năm đó, từ trường Đại học Luật - Huế về đến Đà Nẵng thì tôi bị bắt, Tết Ất Tỵ 1965, bà nội trông không thấy tôi về, hỏi hoài, mấy anh em ở nhà phải nói dối để bà nội bớt lo, Hồ Duy Quang, Hồ Mân còn viết thư, nói tôi gửi về, đọc cho bà nội nghe. Nhưng chỉ được thời gian đầu, rồi sang mùa thu năm 1966, bắt đầu có mưa, tháng mà khi ở nhà tôi thường nghe bà nội nói: Ai buôn đâu, bán đâu, mồng mười tháng tám giắt trâu mà về. Lạ, đúng ngày mồng mười tháng tám năm ấy bà nội về trời! Sau này, mỗi lần đám giỗ bà nội, anh em tôi thường nhắc những kỷ niệm về bà nội. Năm rồi, em gái tôi kể rằng, hôm bà nội hấp hối, bà không chịu nhắm mắt, cô Lượng rờ mắt bà, nói: “Anh Ba, dì Ngọc, cậu Lãng ở ngoài Bắc không về được. Mẹ đừng trông nữa”. Bà cũng không chịu nhắm mắt. Thế là Hạnh nhắc, “còn anh Nhị nữa cô”. Cô Lượng nói: “Mẹ ơi, thằng Nhị bị tù không về được đâu”. Lúc đó, mắt bà nội từ từ nhắm lại… Đúng bốn cái Tết trong tù tôi mới thoát ra khỏi nhà lao…
Trong lúc du kích bám đường, trời sáng như có trăng, vì luôn có những chùm pháo sáng vút lên bầu trời soi sáng xung quanh làng Mã Châu chìm trong tre, cau, mít và bóng đêm có kẻ rập rình. Tôi nhìn ra hướng cánh đồng, nơi bà nội tôi từng nói: đây là xóm Ngũ Hương. Năm anh em của ông nội tôi từ trong Cấm Nhọn ra đây cấy lúa, trồng mía, ép mía làm đường. Cách nhà bà nội tôi bốn, năm đám lúa, đám mía, là nhà bác Thám của tôi. Anh em du kích nói đó là đồn Thám - cái đồn lính Nam Triều Tiên đóng ngay trên khu vườn rộng của bác tôi. Đêm đó, anh em mang về nào bánh tét, bánh tổ, bánh ít lá gai, bánh in bột đậu xanh, bột nếp - loại bánh ngày xưa bà nội tôi làm cho con cháu ăn mỗi dịp Tết về. Đêm sau, tôi theo Đội công tác ra đến thị trấn Nam Phước, bám đường ra Xuyên Mỹ, băng quốc lộ 1 xuống Xuyên Quang. Hôm tôi xuống Xuyên Quang thì bị quân Nam Triều Tiên càn.
Chu Cẩm Phong ghi nhật ký: “Chủ nhật, ngày 16-2-1969: Mình, Nguyễn Đình An và Hải Học định xuống điểm Tết ở Duy Ninh, nhưng không biết đường sá thế nào mà liên lạc không đến dẫn. Cả ngày máy bay trinh sát giữ rịt các trục đường… Thứ hai, ngày 17-2-1969, địch nhận ngừng bắn 24 tiếng đồng hồ, nhưng hôm nay chúng đã bắn cấp tập các loại đại bác xuống bãi, pháo bi, pháo đào, pháo quét. Suốt ngày hôm nay bọn Hòn Bằng bắn rất dữ”. May mà trước đó, trong đêm đón giao thừa ở Xuyên Thanh, mấy anh đã có chút Tết: “Nấu cơm sáng ăn chưa xong thì địch xuống thôn Hai, Điện Hồng. Thế là mang soong chảo, cơm nước chạy. Mình còn ăn được, Hải Học chưa kịp ăn, tàu rà 2 chiếc quần trên đầu, Nổng Đế nhìn, phải ngụy trang thật kỹ mà chạy. Sang Xuyên Thanh và tối nay tổ chức đón giao thừa dưới một cái hầm chìm làm toàn bằng tà vẹt đường xe lửa. Mình, Hải Học, Hoàng Kim Tùng, Nguyễn Đình An và mẹ của Thành, một số anh em nhân viên, Thọ và mấy chiến sĩ đơn vị Thành. Ăn sườn heo uống rượu, hút thuốc lá, đánh cờ tướng, nghe nhạc. Đến gần 2 giờ sáng. Năm nay Bác Hồ đọc thư chúc tết, giọng già và yếu hơn năm ngoái”.
Ngày 19-2, tức mồng 3 Tết, Chu Cẩm Phong nhận được thư của chị Xuân Quý: “…cô ta phấn khởi lắm, cũng may, nếu cùng đi với mình chắc sẽ khổ”. Chu Cẩm Phong không ngờ, khi đang ở Hòa Hải thì nhận được thư của chị Xuân Quý viết ngày 2-3-1969: “Chiều 21-2-1969 (mồng 5 Tết) thì tới Xuyên Hòa sau khi suýt chết vì tàu rà bắn rốc két, mặc dù tôi và cô giao liên đi hợp pháp. Tôi phải bỏ lại gùi ở giữa đồng Xuyên Khương vì tàu rà bắn rát quá (gùi bọc chiếc bọc võng bằng dù trắng). Hôm đó, Mỹ còn đóng quân ở chợ Gò (La Tháp) nên bọn tôi đi xuyên đồng trống trải, tôi đi thong thả. Không rõ vì sao tàu rà theo miết. Tôi nghĩ mất tất cả gùi, may cô giao liên lại đi kiếm được gùi cho tôi. Đêm ấy, 21-2-1969, tôi làm việc với anh Bí thư Đảng ủy và cựu Bí thư Đoàn. Không khí hợp đồng chiến đấu hối hả. Tôi ngủ và ở cùng nhà với trung đội du kích xã.
Sáng 22 và những ngày tiếp đó thì liên tục chạy càn, anh Tiến ạ. Sáng 22-2, tôi đang mải làm việc với chị Hội trưởng Phụ nữ xã ở lại chỗ ngủ đêm trước thì Mỹ ập tới. Tôi lướt theo anh Bí thư chạy, chị Hội trưởng chạy không kịp, về hợp pháp. Chị Bí thư chi bộ thôn cũng về hợp pháp. Mỹ vào nhà tôi ở… Bọn tôi chạy đến xóm chỉ cách chỗ Mỹ đóng quân độ 10 phút đường. Tôi phải giấu dép ở gần bọn nó. Tôi lo mất dép quá, tôi để dép bên một hố ca nông giữa đồng lúa. Sẩm tối, tôi liều lĩnh chạy ra kiếm dép… Vì chạy càn với cán bộ nên tôi vẫn tranh thủ làm việc được vì trong hoàn cảnh khó khăn đó, du kích và anh em ta vẫn hợp đồng chiến đấu đánh Kiểm Lâm rất tốt. May mắn tôi được có mặt… Phải chạy bom cũng mệt anh Tiến ạ. Ở đây suốt ngày tôi mặc áo ca rô hợp pháp và chạy miết. Không rúc công sự vì sợ nó chốt lâu. Bom: chạy. Mỹ: chạy và đi đâu cũng chạy ca nông. Mỹ vẫn ở Nổng Bà Tình và càn chốt ở Nổng Cào (trong xã) từ hôm tôi tới - Tuy vậy, tôi vẫn ra được sát đồn Kiểm Lâm, sang La Tháp và về Phú Lạc, thôn nằm hai bên đường Cái - Xuyên Hòa kiên cường lắm, tôi bắt gặp nhiều điều rất xúc động.
Tôi định không lên Xuyên Phú. Nhưng ta đánh An Hòa, như vậy mà mình ở cạnh, không lên thì vô lý quá. Tôi quyết định vượt lên Xuyên Phú - Tôi gặp anh Lộc, Thường vụ Huyện ủy đứng 3 xã: Phú - Hòa - Thu. Tôi gặp đơn vị đánh xe nước và gặp trung đội Quyết Thắng đánh An Hòa. Tôi đã thấy cứ điểm An Hòa và gặp được đội công tác mở ra của Xuyên Phú… Ở Xuyên Phú địch phản ứng gay gắt hơn. Nó lội vào, vừa bắn cối, ĐK, ca nông xung quanh và tàu rà bắn rốc két. Tôi theo anh em chạy càn trong tình trạng đó. Cũng hoảng anh Tiến ạ. Nhưng vui tuyệt diệu. Xuyên Phú, Xuyên Hòa đánh mìn, đánh Mỹ đều giỏi. Rất giỏi. Hôm tôi vượt đường trở lại Xuyên Hòa, bị chốt ngay đường Cái. Hai bên là Mỹ, mình chạy giữa. Pháo sáng lại nằm rạp xuống cỏ. Chạy ngã lia lịa, nhưng dạo này tôi khỏe, nên không mệt gì anh Tiến ạ.
Tôi định ở Xuyên Hòa cho tới ngày về, nhưng ở đây không một phút nào có thể viết được. Tôi muốn viết một cái ký về Xuyên Phú, Xuyên Hòa đợt tiến công đầu xuân này và một cái ký về Xuyên Châu với con đường 104. Tôi đã hẹn viết cho Văn nghệ Duy Xuyên số 2. Ở Duy Xuyên viết, tôi sẽ tranh thủ đi Xuyên Châu, may ra có thể lấy được ít nhiều về Đà Nẵng và tôi muốn khai thác thêm về Xuyên Châu đợt vừa rồi. Do đó, tôi lên đường trở lại Tuyên huấn Duy Xuyên”.
“Tôi đã về tới H2 K532 sáng nay 3-3-69. Đi xuống hơi vất. Địch vừa phục bắn chết 4 đồng chí của mình hôm kia và hôm qua bắn bị thương 2 đồng chí lúc qua đường. Tuy vậy, tôi đi với giao liên không có gì căng. Anh Xoa thì đi Đại Lộc. Anh Tý và Hồ Duy Lệ ở đây. Chiều mai 4-3-69, tôi sẽ đi Xuyên Châu với anh Tý ít ngày tranh thủ vào Nam Phước… Nhớ gửi thư cho tôi ngay, anh Tiến nhé”.
Từ Hòa Hải, Chu Cẩm Phong ghi nhật ký: “Thứ bảy, ngày 22-3-1969. Nhận được thư Nguyễn Đình An báo tin: Dương Thị Xuân Quý đã hy sinh ngày 8-3, tại Xuyên Tân, bọn Nam Triều Tiên giết ở thôn 2, mất xác. Bàng hoàng cả người. Đau xót vô cùng, uất ức vô cùng. Quý đang hăng say và có nhiều triển vọng. Hàng ngũ văn nghệ đã hy sinh ở chiến trường này những đồng chí đáng yêu: Phương Thảo, Văn Cận, Nguyễn Trọng Định, Trần Văn Anh, Dương Thị Xuân Quý. Thư Nguyễn Đình An có đoạn: ‘Bây giờ cứ thêm mỗi ngày sống, trách nhiệm của chúng ta lại càng nặng hơn, cao quý hơn vì các đồng chí đã ngã xuống gửi gắm, giao phó cho chúng ta, phải không, Phong ơi!’”.
Cũng trên cung đường nối Tây - Trung - Đông huyện Duy Xuyên - vùng đất chị Xuân Quý đi qua, ngày 9-6-1970, anh Triều Phương hy sinh, mất xác ở thôn Ba xã Xuyên Tân. Hơn một năm sau, ngày 1-5-1971, Chu Cẩm Phong hy sinh trong công sự mật ở thôn Vinh Cường!
Chúng tôi - anh chị em văn nghệ sĩ đã đóng góp xây bia đá tại nơi những căn hầm chị Xuân Quý và Chu Cẩm Phong ngã xuống. Nhớ ngày mất, nhớ ngày Thương binh - Liệt sĩ. Và, cứ mỗi dịp xuân về, anh chị em ai còn nhớ, lại mang hoa tươi, hương thơm về đây thăm. Mỗi lần về lại, thấy hoa còn tươi, hương khói thoang thoảng thơm, lòng bồi hồi, dâng tràn cảm xúc, mắt rưng rưng! Và, nhớ một mùa xuân, một cái Tết - một cái Tết dồn dập đau đớn, cảm xúc luôn dâng trào!