HV133 - Tết cổ truyền Việt Nam dưới mắt người phương Tây

Trong cuốn Lối xưa xe ngựa... tập II, tôi có viết ba bài về những tục lệ liên quan đến Tết Nguyên đán(1), song là viết theo sách sử của ta. Ở đây tôi trích dịch một số bài viết về Tết, từ thế kỷ 17 đến thế kỷ 19, dưới mắt quan sát của người phương Tây. Họ đã ghi lại nhiều phong tục mà ngày nay không còn. Là người nước ngoài với một nền văn hóa khác hẳn, họ có những suy diễn có thể sai lầm song vẫn là những tài liệu quý giúp ta rõ phần nào xưa kia cha ông ta ăn tết ra sao.

Samuel Baron là người Hà Lan lai Việt. Cha làm đại diện cho công ty Ấn Độ - Hà Lan ở Kẻ Chợ (Thăng Long) vào năm 1663. S. Baron sinh ở Kẻ Chợ, sống nhiều năm ở miền Bắc, lớn lên cũng làm cho công ty này, lấy quốc tịch Anh, rồi bỏ đi buôn quanh vùng Ðông Nam Á. Những năm 1678, 1680, 1682, ông đều có trở lại Kẻ Chợ. Năm 1685-1686, S. Baron viết cuốn A Description of the Kingdom of Tonqueen (Mô tả Vương quốc Ðàng Ngoài) cũng nhắc đến một vài tục ăn tết thời Hậu Lê(2):

“Cái lễ vui nhất là Tết, thường rơi vào khoảng 25 tháng giêng Tây lịch và kéo dài một tuần. Vào dịp ấy, ngoài múa hát và những thú tiêu khiển (chọi gà, đi cà kheo...) họ còn bày nhiều trò chơi như đá cầu hay đánh đu, cột đu làm bằng tre dựng ở mọi góc phố, đàn ông khoe sức mạnh và tài khéo léo trong khi những gánh hát rong trình diễn các trò ảo thuật, múa rối. Họ không bao giờ chểnh mảng trong việc chuẩn bị lễ Tết, cỗ bàn khá tươm tất. Tùy hoàn cảnh, mỗi người đều tìm cách trội át láng giềng trong ba, bốn ngày Tết. Ðây là thời gian người ta mặc sức ăn ngon, phóng túng, ai mà không cố tiếp đãi họ hàng, bạn bè chu tất thì mang tiếng là bủn xỉn, bần tiện, nên dẫu họ biết rằng tiêu hoang vào dịp này thì rồi sẽ khánh kiệt, cả năm đến phải sống bằng cách đi ăn xin cũng không quản ngại.

Mồng 1 Tết không ai ra ngoài đường (trừ những thuộc hạ của các lãnh chúa), người nào cũng ở trong nhà và chỉ tiếp cận họ hàng gần và gia nhân. Ðối với tất cả những người khác thì dù một ngụm nước, một thanh củi họ cũng không cho và còn khó chịu thấy ai dám ngỏ lời xin vì họ mê tín, sợ rông: mồng 1 mà cho ai cái gì thì cả năm cứ phải tiếp tục cho đến nỗi cuối cùng phải đi ăn mày. Tục lệ không đi ra đường cũng chung một lý do: sợ nhỡ ra đường mà gặp điềm xấu thì cả năm sẽ khổ. Người Bắc còn tin nhiều điều như gặp may hay không may tùy vào một vài sự kiện vớ vẩn.

Mồng 2, họ đi chúc tết nhau và đến chào người trên để làm tròn bổn phận: lính tráng, gia nhân cũng đi mừng tuổi quan thầy hay chủ nhà. Tuy nhiên, các quan thì lại đi chầu vua chúa vào ngày mồng 1, theo đúng nghi lễ.

Có người tính Tết bắt đầu từ 25 tháng chạp là tính bậy. Họ lầm vì thấy hôm ấy cái ấn/triện được xếp vào hộp, mặt ngửa lên, tỏ ý không dùng đến, nghỉ việc trong một tháng (khóa ấn, phong ấn). Trong thời gian ấy các vụ kiện tụng đều đình hoãn, không một tờ biên bản nào được đóng triện, những con nợ không bị tịch biên gia sản, những đám trộm cắp vặt, đánh nhau đều không sợ bị phạt. Các quan Tổng đốc, Tuần phủ, Tri huyện chỉ đếm xỉa đến những tội phản loạn, sát nhân, bắt giam phạm nhân lại chờ ngày khai ấn mới đem ra xử. Thực ra Tết bắt đầu vào ngày mồng 1 tháng giêng âm lịch, tức là khoảng 25 tháng giêng dương lịch và theo Trung Quốc thì kéo dài tới một tháng”(3).

W. Dampier là tác giả cuốn Un Voyage au Tonkin en 1688 (Một chuyến du lịch Bắc Kỳ năm 1688) đăng trong Revue Indochinoise, tháng 9-1909:

“Cái lễ lớn nhất là Tết, vào ngày đầu trăng thượng tuần tháng giêng, tức là khoảng giữa tháng giêng dương lịch. Dân chúng thong dong trong mươi, mười hai ngày, ai cũng nghỉ việc, cố ăn mặc sạch sẽ, tươm tất, nhất là dân đen. Những người này tiêu khiển bằng các trò chơi hay vận động. Ðường phố đông như nêm cối, nhà quê cũng như kẻ chợ, nô nức đi xem các trò giải trí. Có người dựng cột đu ở các hè phố và thu tiền của những ai muốn đánh đu, lối đu tựa như của ta, phảng phất giống quang cảnh những cánh đồng phụ cận Luân Đôn, dân chúng dạo chơi ngày lễ hội. Nhưng người đánh đu ở đây đứng thẳng dưới chân cột, dẫm lên một cái ngáng nằm ngang, hai đầu buộc chặt vào hai sợi dây thừng treo ở trên, người đu nắm giữ bằng hai tay và rún chân đưa bổng lên cao tít, ví thử dây chão mà đứt thì ít ra cũng ngã gãy xương nếu không chết. Những người khác dùng thì giờ vào việc uống trà là thứ giải khát thường nhật, nhưng họ cũng ưa khề khà, nhấm nháp một loại rượu hâm nóng, cất bằng gạo, pha chung với trà, song dù pha cách nào thì chung quy nó cũng rất khó uống dẫu không pha nồng quá. Chính vì thế mà họ thích, thứ nhất trong cái mùa họ được tự do bê tha, rượu say bí tỉ. Những người giàu có là những người có chừng mực nhất nhưng cũng chơi bời thỏa thích. Người sang thì đãi bạn bè những món cao lương mỹ vị, rượu nhất hạng không thiếu dẫu rằng, nói cho đúng sự thật, loại rượu này chẳng ra quái gì. Tuy nhiên, họ coi nó là thuốc rất bổ, đặc biệt khi ngâm với rắn độc, bọ cạp (ấy là tôi nghe nói thế), không những rượu ấy được coi là một thứ rượu bổ mà còn là thứ thuốc rất mạnh để trị bệnh hủi, chữa mọi nọc độc, phải là người họ trọng vọng ghê lắm mới có diễm phúc được thưởng thức thứ rượu trân quý ấy. Tôi biết chuyện này là qua một người đã được những nhà quyền quý bậc nhất mời như thế. Chính vào lúc ấy họ ăn rất nhiều trầu và trao tặng nhau trầu cau.

Tôi đã được một người ở thôn quê mời đến nhà ăn tết. Tôi lên bộ cùng với các thủy thủ cũng được mời đi ăn tết. Món ăn chính không bao giờ thiếu là cơm, món thường nhật của họ, ngoài ra, ông bạn tôi muốn cho tôi và những người khách của ông nếm của ngon, sáng hôm ấy đã đi câu ở cái ao gần nhà được rất nhiều ếch và hớn hở đem ra khoe khi tôi tới nhà. Tôi ngạc nhiên thấy ông ta xếp rất nhiều những con vật nhỏ đó vào cái giỏ và khi tôi hỏi để làm gì thì ông trả lời là để ăn, song tôi không hiểu ông ướp thịt ếch ra sao. Những món ninh nấu của ông trông không đủ hấp dẫn để giữ tôi ở lại đánh chén với ông”.

Giáo sĩ Bénigne là tác giả quyển Vingt ans en Annam (Hai mươi năm sống ở An Nam). Viết về Tết, giáo sĩ có những nhận xét khá tỉ mỉ, xin lược dịch(4):

“Hôm trừ tịch, mỗi người trồng ở góc nhà một cây tre đẹp nhất, trên ngọn, chỗ những chùm lá, người ta treo cái giỏ nhỏ đựng trầu cau đã têm sẵn, thuốc lá gói từng điếu, thuốc lào (...). Trên bàn thờ đèn nến sáng choang, trước các bài vị cỗ bàn bày la liệt (...). Chiều hôm ấy thiên hạ đốt pháo. Tôi đã thấy có nhà đốt tới 5.000 cái pháo (...). Vong hồn tổ tiên trở về sum họp với con cháu và ở lại ăn tết mấy ngày đầu năm. Thoạt đầu hồn dừng lại ở ngọn tre, ăn trầu, hút thuốc rồi mới vào nhà sau ba lần cung thỉnh của gia chủ. Hồn ngồi dự tiệc giữa những tiếng chiêng trống ầm ĩ. Mỗi người xì xụp quỳ lạy ba lần(5) để tiếp rước ông bà ông vải. Hôm sau, sáng chiều họ đều làm như thế, và cứ như thế suốt cả một tuần lễ.

Trong ba ngày Tết, ai cũng diện quần áo mới toanh, hết sức tránh không to tiếng trong nhà, tất cả mọi công việc đều ngừng vì ngại làm phiền tổ tiên muốn yên tĩnh, đòi hỏi con cháu phải kính cẩn giữ yên lặng (...). Người ta tiêu khiển bằng cách đi mừng nhau đã sống lâu được đến hôm ấy và chúc phúc năm mới. Những kẻ dưới đi tết người trên thì đem theo lễ vật và quỳ lạy ít ra là một lễ(6), không bao giờ người ta đi chúc tết người trên mà lại đi tay không. Sau đó họ được phép tha hồ bê tha cờ bạc trong ba ngày Tết, say mê đến nỗi thua sạch cả quần áo. Nhưng họ không được phép chơi ở gian nhà chính mà chơi ở dưới mái hiên và với điều kiện chỉ nói cười khe khẽ. Ðáng phục là điều kiện này đến cả các bà cũng tuân theo!”.

Edmond Courtois là bác sĩ quân y và tác giả cuốn Le Tonkin français contemporain (Bắc Kỳ Pháp thuộc, hiện đại). Tết năm 1886 (Bính Tuất) đặc biệt ở chỗ có tới bốn người đã dự và viết bài tường thuật. Xin lược dịch đoạn trích trong Le Tonkin français contemporain(7):

“Tết năm 1886 rơi vào ngày mồng 3 tháng 2 dương lịch. Tôi đang ở với một đội ngũ coi mấy nghìn phu An Nam làm đường. Tết đến, tất cả mọi công việc đều ngừng lại như có phép lạ. Viên đội trưởng phân phát vô số thịt lợn, trà, và cho phu nghỉ việc với điều kiện là phần đông phải thuận ở lại chỗ làm việc. Rất nhiều người xin về ăn tết với gia đình.

Tôi có hai gia nhân An Nam rất tận tâm, quá tận tâm nữa bởi vì họ không bao giờ đợi tôi sai bảo mà cứ tự tiện làm mọi việc, thành thử họ làm bậy lung tung. Hôm trừ tịch, họ nghiêm trang bảo tôi bằng thứ tiếng Pháp chưa rành: “Hết việc làm” và xin phép tôi về nhà cha mẹ tuy ở khá xa. Tôi còn như thấy trước mắt họ trịnh trọng mang những gói quà (một nắm cơm) rồi chắp tay, cúi rạp xuống cung kính chào theo kiểu An Nam, rất cảm động. Tôi tò mò rất muốn biết cái lễ Tết ấy ra sao, bèn hỏi một nhà buôn An Nam giàu có và là người đôi khi tôi đã giúp đỡ vài việc vặt, ngỏ ý muốn ăn tết với gia đình ông ta. Khi tôi vừa nói tôi rất tôn kính những tục lệ cổ truyền, rất thán phục cái tục trọng vọng gia đình mà không xứ nào sánh bằng ở đây thì ông ta thuận để tôi tự do đến nhà suốt thời gian có lễ Tết.

Tết trước hết là lễ thờ phụng tổ tiên, nhà nào cũng đóng cửa ăn tết trong gian phòng trang hoàng đẹp nhất vào dịp đặc biệt này. Nhiều người chỉ đến Tết mới thay áo quần mới, thành ra ở xứ Bắc ngày hôm ấy ai cũng diện bảnh chọe, mọi khi họ ăn mặc rách rưới, nhếch nhác thì hôm ấy trông rất sạch sẽ. Người ta tặng nhau quà, trẻ con chúc tết cha và được mừng tuổi một xâu tiền kẽm buộc lạt, ngoài bọc giấy đỏ hay giấy trắng. Cũng vào ngày Tết người chủ gia đình giúp đỡ họ hàng nghèo và bao giờ trong gói quà cũng nói rõ để cúng ông bà ông vải. Cái chỗ vinh dự nhất nhà dành cho bàn thờ tổ tiên. Ðó là một cái bàn thờ sơn son trên bày bình hương đựng cát, những chân nến cũng sơn son, những thoi giấy vàng giấy bạc và những đĩa đựng cơm, thịt (...), mỗi ngày người ta hạ và thay cỗ mới mấy lần. Tất cả gian phòng bày rặt đồ thờ cúng, nào tàn quạt, nào bình phong. Bên trên bàn thờ treo những tờ giấy lớn viết đặc những chữ Nho ca tụng công đức tổ tiên và lòng tôn sùng của con cháu. Cạnh bàn là chỗ các cung văn ngồi dạo nhạc liên tục những ngâm khúc lê thê, uể oái, kèm theo những bài ca. Tất cả mọi người cung kính lắng nghe gần như say mê.

Nhưng Tết không phải chỉ là lễ cúng tổ tiên, nó còn là cái cớ để người ta tiệc tùng, rượu chè thả cửa, tất cả những đĩa đồ ăn bày la liệt trên bàn thờ mỗi ngày thay mấy lần, có thể nói là họ ăn uống từ sáng đến tối. Chiều mồng 1 hiếm khi gặp một người An Nam nào không chuếnh choáng hơi men, say khướt thứ rượu “choum choum”, rượu trắng cất bằng gạo, rất dở mà khắp xứ Bắc đâu đâu cũng có.

Thỉnh thoảng người ta ngừng ăn uống, các cung văn nghỉ đàn hát, rồi bỗng những tiếng nổ đùng đùng đinh tai nhức óc, chiêng khua trống gióng inh ỏi, mỗi người đều ra sức đập một vật như thể họ thi đua xem ai đập to hơn. Thế rồi lại ca hát ê a, và Tết kéo dài khoảng một tuần ở nhà giàu, nhà nghèo thì ngắn hơn. Số tiền nhỏ mọn họ dành dụm ky cóp đã tiêu sạch.

Ðến một lúc nào đó họ đốt vàng mã, những thỏi vàng bạc bằng giấy, cho ông bà ông vải. Và còn rất nhiều lễ kỳ dị, thay đổi tùy vùng.

Tổ tiên được coi như linh hiển, về ăn tết, vì thế người ta mới luôn luôn thay đổi món ăn trên bàn thờ. Dân chúng cũng đi tảo mộ, nhổ cỏ, đắp mộ. Họ đi tảo mộ quanh năm. Nếu ruộng có mộ chôn đã bán đi thì trong văn tự phải chua rõ chỗ đất ấy không nhượng.

Ngày Tết, Phật cũng được dự phần cúng bái nhưng xếp vào hàng phụ, sau tổ tiên. Người ta trồng một cái cột tre trước cửa, trang hoàng những mảnh giấy để làm dấu hiệu cho tổ tiên biết đường về nhà (...). Tất cả cái lễ Tết ấy tựa như một lễ tuyên tôn (béatification) tổ tiên.

Vua chúa cũng ban hiệu lệnh cho dân chúng ăn chơi, nghỉ việc trong nửa tháng”.

 

_____

(1) Ba bài ấy là: Tết Nguyên đán và lễ Nghênh Xuân, Khai bút đại cát, Tế Nam Giao in trong Lối xưa xe ngựa..., tập II, NXB An Tiêm, Paris, 2003.

(2) S. Baron, Description du Royaume de Tonquin, tr.34-35.

(3) Chính S. Baron lầm: người ta tính Tết kể từ ngày cúng ông Táo lên chầu Trời vào 23 tháng chạp chứ không phải 25 (theo luật năm 1807, 25 là ngày phong ấn). Ngoài ra, Tết có thể rơi vào tháng giêng hay tháng hai dương lịch chứ không nhất thiết “vào khoảng 25 tháng giêng dương lịch”.

(4) Père Bénigne, Vingt ans en Annam, tr.113.

(5), (6) Không hiểu tác giả nhầm hay tục lệ đã thay đổi vì tới giữa thế kỷ 20 thì lễ người sống chỉ có hai lễ một vái, lễ người chết phải bốn lễ hai vái, không thấy có lệ lễ một lạy hay ba lạy.

(7) Dr Edmond Courtois, Le Tonkin français contemporain, tr.347-349.

NGUYỄN THỊ CHÂN QUỲNH (Pháp)