Có người nghèo quá không có được một chiếc áo cưới. Có người chạy loạn, cưới nhau trong chiến tranh cũng không có áo cưới. Có người hoàn cảnh gian truân, không có áo cưới… Có người tự may chiếc áo cưới, có người mặc áo cưới thuê rồi trả lại. Có người mua cho mình chiếc áo cưới giá bằng hai năm lương của người khác. Có người được tặng chiếc áo cưới… Có người thay hai, ba bộ áo cưới trong ngày cưới… Nhưng những người phụ nữ chưa hay không bao giờ có được một chiếc áo cưới trong đời thì nhiều lắm, dù đó là một ước mơ thầm kín sâu thẳm nhất trong tâm hồn người phụ nữ. Những người phụ nữ được số phần may mắn, giàu sang, sung sướng, hạnh phúc chẳng ai nghĩ đến điều ấy.
Phong tục châu Á làm cho áo cưới có nhiều màu, thông thường nhất là màu đỏ thắm truyền thống, rồi đến màu vàng hoàng hậu, hay màu xanh vua chúa và màu hồng dịu dàng được ưa chuộng. Ở châu Âu thì màu trắng là màu tinh khiết được dùng cho áo cưới, màu đen là màu tang. Bên mình thì kỵ màu trắng, nhất là ngày lễ Tết không được mặc áo trắng, vì màu trắng là màu tang.
Quan niệm này dần dần đã có đổi thay. Dạo tôi còn trẻ, người ta xin vào đạo Thiên Chúa để được phân phát bánh mì và sữa, hay thiếu nữ xin vào đạo để được cử hành hôn lễ ở nhà thờ và mặc áo đầm cưới màu trắng. Bây giờ thì chiếc áo đầm cưới trắng đã xuất hiện trong những đám cưới nhà quê, ở tỉnh lỵ của miền Bắc, hay dưới đồng bằng sông Cửu Long, dù cô dâu, hay cả chú rể, không phải là giáo dân đạo Thiên Chúa. Chiếc áo cưới màu trắng theo phong cách phương Tây đã thoát ra khỏi cái vòng chật hẹp tôn giáo để trở thành biểu tượng cho một sự đổi mới, tân tiến, cởi mở trong xã hội. Thế hệ trẻ đã chấp nhận màu trắng là màu tinh khiết của tình yêu hai người yêu nhau, đến với nhau và thề nguyền trọn đời yêu nhau.
Tại châu Âu, phong cách cũng cởi mở hơn trước, thay vì trắng tinh thì bây giờ cũng có những kiểu áo cưới pha tí màu hồng, màu đỏ, màu xanh, màu xám… Trước đây, chỉ có đám cưới đầu tiên cô dâu mới được mặc áo màu trắng vào nhà thờ làm lễ. Khi tái hôn, chỉ làm đám cưới dân sự thì không được mặc áo cưới trắng. Chỉ khi nào góa chồng, góa vợ, được làm lễ cưới lần nữa trong nhà thờ thì mới được mặc áo cưới trắng lần thứ hai, thứ ba (!)…
Khi lấy chồng, người thiếu nữ châu Âu được gia đình mình hay gia đình chồng tặng cho chiếc áo cưới, và theo phong tục, chiếc áo cưới chỉ được mặc một lần trong ngày cưới rồi cất vào tủ vĩnh viễn, không cho ai mượn mà cũng không bán, không tặng ai. Có người phụ nữ khi qua đời, yêu cầu được mặc chiếc áo cưới của mình khi liệm vào quan tài. Chiếc áo cưới nào có ý nghĩa, gắn bó với kỷ niệm là chiếc áo tương xứng nhất, giá trị của nó không nằm ở đồng tiền đắt nhất hay rẻ nhất.
Tại Pháp, cô dâu đeo một cái băng màu xanh trên đùi, dưới áo cưới. Sau bữa tiệc cưới, gia đình cho một đứa trẻ bốn, năm tuổi chui xuống gầm bàn, tháo chiếc băng màu xanh từ đùi cô dâu, rồi giơ lên cho mọi người xem. Khi ấy những người dự tiệc cưới tranh nhau mua đấu giá cái băng màu xanh của cô dâu, số tiền đó được xem là món quà cưới lớn nhất giúp đỡ cho đôi vợ chồng trẻ bắt đầu cuộc hôn nhân.
Cũng có nơi, cô dâu ném ngược lại phía sau lưng mình bó hoa cưới, người nào chụp được bó hoa cưới thì có thể sẽ đến lượt người ấy có đám cưới. Hay, cô dâu đem bó hoa cưới vào đặt trong nhà thờ, dưới tượng Đức Mẹ để cầu phúc. Cũng có cô dâu tin rằng ngày cưới phải mặc, đeo một món gì đó cũ, của mẹ, người thân để xin phúc lành cho mình.
Nhưng cuộc đời nào phải chỉ là một dòng sông phẳng lặng không có mưa gió và giông bão?! Và một đám cưới với một chiếc áo đầm cưới lộng lẫy màu trắng tinh khiết của tình yêu cũng không còn là một bảo đảm suốt đời cho lứa đôi ấy. Vạn vật đổi thay, con người cũng đổi thay… “Lòng người như lá úa trong cơn mưa chiều nhiều cơn gió cuốn… Và cơn đau này vẫn còn đây!” như lời một bài hát.
Có một lần, vợ chồng tôi đi xem nhà bán, vào một căn nhà trống trơn, chủ nhà đã dọn đi, chỉ còn có một chiếc áo cưới treo lủng lẳng trên móc áo trên một cánh cửa sổ, chồng tôi nhăn mặt, đi ra, không nói tiếng nào cả, như bị một cái sốc. Thế là tất nhiên chẳng bao giờ chúng tôi mua căn nhà ấy. Cái hình ảnh ấy thật là nói lên một sự bất hạnh.
***
Tôi chọn vài tấm ảnh những chiếc áo cưới vương giả của những nữ hoàng, hoàng hậu, công chúa, phu nhân phương Tây, gọi là làm quà thư giãn đôi phút cho bạn đọc!
- Chiếc áo cưới của Nữ hoàng Elisabeth II được may bằng những “phiếu” cung cấp vải, vì thời ấy còn nhiều thiếu thốn sau thế chiến II. Lúc ấy Elisabeth còn là công chúa, kết hôn với hoàng tử của Hy Lạp và Đan Mạch Philippe de Mountbatten vào ngày 20-11-1947. Hơn 200 triệu người trên thế giới đã theo dõi đám cưới trên đài truyền thanh, lần đầu tiên. Elisabeth lên ngôi Nữ hoàng vương quốc Anh năm 1952. Áo cưới may bằng lụa sa tanh bóng, tay dài, kết hoa, kết ngọc trai, thêu hoa, nhưng kiểu mẫu thì cổ điển đơn giản.

- Nữ hoàng Margrethe (Đan Mạch) mặc một chiếc áo cưới rất đơn giản ngày 10-6-1967 bằng gấm trắng. Bà lấy chồng là một người Pháp thuộc d ò n g dõi quý tộc, ông Henri de Laborde de Monpezat. Henri đã theo cha mẹ sống 5 năm đầu của tuổi thơ tại Hà Nội ở số 80 đường Phan Đình P h ù n g . Sau đó gia đình ông về Pháp sống tại Cahors từ năm 1939 đến 1950. Henri trở lại Hà Nội năm 1950 và tốt nghiệp trường trung học Pháp ngữ năm 1952. Từ năm 1952 đến 1957 ông theo học luật học và chính trị học tại Sorbonne, Paris, đồng thời học tiếng Trung và tiếng Việt tại École Nationale des Langues Orientales (Trường quốc gia về ngôn ngữ phương Đông, hiện nay mang tên tắt là INALCO). Năm 1957 Henri học tại Hồng Kông và năm 1958 học tại Sài Gòn, nên ông thông thạo nhiều thứ tiếng, luôn cả tiếng Việt.

- Đám cưới làm mê hoặc nhất thế giới là đám cưới của Diana lấy thái tử Charles nước Anh vào ngày 29-7-1981. Diana đẹp trẻ trung, tươi tắn, quyến rũ với khuôn mặt đẹp quý phái. Hơn 1 tỉ người trên thế giới tham dự lễ cưới trực tiếp qua đài truyền hình. Chiếc áo cưới theo phong cách cổ tích huyền thoại lãng mạn như áo của nàng “công chúa ngủ trong rừng” đã trở thành một ấn tượng “cách mạng” trong làng may mặc. Áo may bằng lụa Taffeta màu ngà, có thêu tay, đính ngọc trại, nơ lụa, đăng ten, cườm bóng, tay áo to phồng… với một cái đuôi áo dài đến… 8 mét, trong khi khăn voan cưới thì bay bay rất nhẹ nhàng, và bó hoa cưới đồ sộ màu trắng rơi như thác đổ. Chưa có khi nào phụ nữ thế giới có dịp thả hồn mơ mộng như qua đám cưới của Diana. Nhưng cuộc hôn nhân tay ba, với sự có mặt của người tình muôn thuở Camilla Paker trong đời Charles, khiến Diana luôn đau khổ. Công nương Diana ly dị, rồi cuối cùng bị tử nạn xe hơi trong một đường hầm tại Paris năm 1997, khiến nhiều người trên thế giới thương tiếc.

- Chuyện tình của Mette-Marit nước Na Uy là một chuyện cổ tích công chúa - hoàng tử hiện đại. Bà có một quá khứ thời trẻ nhiều sóng gió, nhiều tai tiếng, lại có một đứa con riêng, nên báo chí và dân chúng đặt nhiều câu hỏi. Thậm chí cảnh sát phải vào cuộc, mở điều tra về Mette- Marit và những quan hệ của bà. Nhưng tình yêu của hoàng thái tử Haakon đối với Mette-Marit thì không có gì lay chuyển được. Ba ngày trước khi làm đám cưới, Mette-Marit công khai nhìn nhận trong một cuộc họp báo những lỗi lầm sai sót thời trẻ của mình và tuyên bố cắt đứt với đám bạn cũ. Nên chiếc áo cưới của Mette-Marit có một tầm vóc rất quan trọng, vì nó đánh giá sự “đổi đời” của Mette-Marit. Khi cô dâu Mette-Marit xuất hiện, dân chúng đều hài lòng: một chiếc áo cưới đơn giản nhưng khá đặc sắc, tinh tế, áo bằng lụa trắng ngà mỏng, trơn mịn, xòe ra như một búp hoa còn xếp nụ khi Mette-Marit di chuyển. Hoa cưới cũng rất đặc sắc, bằng hoa lan hai màu trắng và tím, đan kết thành một giải hoa mong manh như một giải lụa thêu. Chiếc áo cưới rất thích hợp với tình cảnh và cá tính của cô dâu. Đặc biệt, khi Mette-Marit bồng đứa con trai riêng Marius trên tay, bên cạnh chồng, vẫy chào dân chúng ngày cưới, mọi người đều cảm động về sự rộng lượng nhân ái và cởi mở của cả hoàng gia Na Uy. Vợ chồng hoàng tử Haakon và Mette-Marit đã sang thăm Việt Nam và để lại những ấn tượng đẹp.

- Tấm ảnh đám cưới duy nhất của vợ chồng Tổng thống Charles-de-Gaulle trong ngày cưới 7-4-1921: Charles-de-Gaulle đang mang quân hàm đại úy và vừa được bổ nhiệm làm giáo sư sử học quân đội tại trường sĩ quan quân đội Saint- Cyr. Yvonne Charlotte Anne Marie Vendroux trong chiếc áo cưới đúng thời trang của những năm 20, vừa sau thế chiến I (1914-1918), may bằng lụa sa tanh trắng, dài có đuôi, đầu đội voan mỏng che phủ lên một vành hoa tươi kết bằng hoa cam trắng. Thời ấy áo cưới có tay dài, cổ cao, rất kín đáo. Phu nhân tổng thống được gọi thân mật là “Tante Yvonne”, được dân chúng kính trọng, bà là người “cộng sự” trung thành nhất và thân thiết nhất của chồng.

- Ngày 10- 6-1993, hoàng tử Abdullah cưới một cô gái trẻ gốc Palestine, tên Rania. Năm 1999, Abdullah lên ngôi vua nước Jordan và phong chức vị hoàng hậu cho Rania. Cô dâu Rania mặc áo cưới bằng lụa sa tanh bóng, có thêu những đường viền trang trí, theo phong cách vương giả phương Tây. Hoàng hậu Rania trở thành một phụ nữ đẹp, lịch lãm, có quyền xuất hiện một mình trong những công việc của bà.

- Chiếc áo cưới của minh tinh điện ảnh Grace Kelly lấy hoàng tử Rainier de Monaco vào ngày 18 và 19-4-1956. Áo cưới gồm có hai phần, một cái váy đứng, cứng, như cái chuông úp ngược, eo thắt rất chẽn và một tấm áo trên có cổ cao, tay dài rất kín đáo theo phong cách cổ điển của Mỹ, bằng đăng ten thêu ngọc trai, voan mỏng che mặt, khiến cho cô minh tinh điện ảnh toát ra một vẻ nghiêm trọng, quả quyết như đang nhận một trách nhiệm nặng nề. Grace Kelly cũng không đội vương niệm của gia đình chồng mà đội một cái mũ thêu cách điệu mang tính chất rất sân khấu điện ảnh, làm nổi bật đường nét thanh tú của khuôn mặt. Grace tử nạn xe hơi vào ngày 14-9-1982, khiến cho Rainier đau khổ, góa vợ cho đến khi qua đời.

- Chiếc áo cưới của Jacqueline Bouvier, trở thành phu nhân của John F. Kennedy được may bằng 40 mét lụa thô, trang điểm bằng những bông hoa hình tròn cùng một loại lụa. Voan cưới của Jackie dài 4 mét. Bà đẹp một cách sang trọng, trưởng giả. Sau này, bà luôn nổi tiếng là một phụ nữ có thẩm mỹ thời trang, tạo ra phong cách “Jackie” (Kennedy). Sau thảm kịch ở Dallas, hai người đã được an nghỉ chung trong một nấm mộ, cho trọn vẹn một huyền thoại của nước Mỹ.
