HV134 - Đổi mới giáo dục, còn nhiều điều băn khoăn, lo lắng

Trước thực tế đổi mới trong ngành giáo dục, nhất là việc chủ động thay đổi chương trình giáo dục phổ thông mới trong một vài năm tới, đòi hỏi cả xã hội cùng vào cuộc để nâng cao hiệu quả giáo dục nước nhà. Bởi thực tế, dù đã đạt nhiều thành quả nhưng giáo dục nước nhà vẫn còn nhiều vấn đề mà chúng ta phải băn khoăn, lo lắng…

Theo thống kê mới đây của Bộ giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện có khoảng 587.147 phòng học, trong đó số phòng học kiên cố khoảng 436.685 phòng, đạt tỷ lệ kiên cố là 74,4%. Hiện nay, ngành giáo dục còn khoảng 150.452 phòng học tranh tre nứa lá, bán kiên cố, tạm, nhờ, mượn, thuê. Trong đó, cấp mầm non là 54.700 phòng, tiểu học 71.289 phòng, trung học cơ sở 21.700 phòng, trung học phổ thông 2.763 phòng. Ngay trong năm học này, chỉ tính riêng ở Nghệ An vẫn còn tới gần 1.200 phòng học tranh tre, tạm, mượn ở cả 4 bậc học. Như vậy, sẽ có ít nhất là hàng nghìn giáo viên, hàng chục nghìn học sinh đang học tập, công tác ở môi trường dưới mức tối thiểu của ngành giáo dục.

Chuyện phòng học tranh tre nứa lá, phòng học tạm, phòng học mượn các công sở, nhà văn hóa hiện diện ở nước ta trong những năm trước đổi mới là chuyện rất đỗi bình thường. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay mà trường học vẫn là những căn phòng tạm như mấy chục năm trước thì đó là một điều rất khó có thể đổi mới được giáo dục nước nhà. Làm sao giáo viên có thể đổi mới được phương pháp, làm sao giáo viên có thể đưa công nghệ thông tin vào giảng dạy khi mà cơ sở vật chất quá nghèo nàn, lạc hậu? Mặc dù, ai cũng biết, đất nước còn khó khăn và ngành giáo dục cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó nhưng đất nước muốn phát triển thì đòi hỏi việc đầu tư cho giáo dục là cần thiết. Chỉ khi nào giáo dục của đất nước được đầu tư, được phát triển tốt thì mới có thể tạo khâu đột phá cho các ngành nghề khác được phát triển tốt.

Thế giới đã bước vào thời đại công nghiệp 4.0, việc hội nhập toàn cầu hóa đã là yêu cầu cấp thiết đối với mỗi quốc gia, mỗi con người. Và, ngành giáo dục không thể giảng dạy, học tập mãi dưới những ngôi trường tranh tre nứa lá như thời kỳ đất nước còn chiến tranh, còn bị bao vây, cấm vận. Thế giới thay đổi từng ngày, chuyển mình từng giây, từng phút, nền giáo dục không thể cứ dạy chay mãi, không thể trung thành với phương pháp đọc-chép và truyền đạt kiến thức một chiều từ người thầy.

Muốn xóa được phòng học tạm là khó khăn trong bối cảnh kinh tế nước nhà hiện tại nhưng không phải là không làm được nếu các địa phương quyết tâm và đồng lòng. Chúng ta có cần thiết đầu tư quá nhiều vào những trường chuẩn quốc gia để rồi các địa phương cứ mãi lao vào các tiêu chí để đầu tư thật khang trang, đủ đầy theo chuẩn? Để rồi hàng trăm phòng máy vi tính, phòng học tiếng Anh được đầu tư hiện đại, khang trang phải đắp chiếu như ở Thanh Hóa vì không có giáo viên. Chúng ta có cần thiết phải đập phá những dãy phòng học đang sử dụng tốt để xây dựng mới lại theo đúng chuẩn như một số nơi đang làm?

Bệnh thành tích, gian dối trong giáo dục đã là căn bệnh trầm kha của giáo dục nước nhà. Hướng tới nhiều học sinh giỏi, khá là cần thiết nhưng không nhất thiết là các địa phương đẩy những con số ảo để báo cáo cho đẹp. Hàng loạt các địa phương gian dối trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia vừa qua mà những người tiếp tay cho tiêu cực là những lãnh đạo của ngành là điều đau xót nhất của ngành giáo dục nước nhà. Những học sinh hôm nay sẽ là những nhân sĩ, trí thức sau này. Nếu các em được tiếp tay để học tập, phấn đấu bằng tiêu cực, giả dối thì tương lai nước nhà sẽ ra sao?

Giáo dục nước nhà muốn phát triển phải chú trọng đầu tư, khắc phục từ những điều nhỏ nhất. Đừng để học sinh phải ám ảnh khi bước vào nhà vệ sinh trường học. Đừng để học sinh coi thường thầy cô giáo. Đừng tạo và tiếp tay cho sự gian dối, vô cảm trong giáo dục. Muốn vậy, lãnh đạo ngành, thầy cô, cha mẹ học sinh phải chú trọng dạy dỗ, làm gương.

Sự đổi mới giáo dục phải gắn liền với sứ mệnh của người thầy. Nhưng, những năm qua, tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp rất nhiều. Người được tuyển dụng vào cũng chưa thể yên tâm bởi nhiều địa phương tinh giản, cắt hợp đồng hàng loạt giáo viên. Vì thế, nhiều khi người thầy luôn trong tâm thế dao động, bất an về công việc của mình. Tạo cho thầy cô yên tâm, toàn tâm, toàn ý cho giảng dạy là điều ngành giáo dục và lãnh đạo các địa phương cần phải hướng tới.

Điều đau đớn nhất trong thời gian gần đây là tình trạng vi phạm đạo đức của một số giáo viên ở các địa phương. Tình trạng bạo lực diễn ra trên diện rộng và liên tục như sự việc 231 cái tát vào mặt học sinh ở Quảng Bình, 50 cái tát vào mặt học sinh ở Hà Nội, giáo viên đánh bầm tím học sinh ở Long An, An Giang, Đắc Lắc…, đặc biệt là vụ việc xâm hại hàng chục nam sinh của hiệu trưởng Đinh Bằng My (Phú Thọ) đã khiến cho bức tranh giáo dục thêm những gam màu tối. Những công sức phấn đấu của hàng triệu giáo viên trong cả nước trở nên nhạt nhòe vì những vết nhơ này.

Chính sách vĩ mô đúng đắn, phù hợp; thầy cô ở cơ sở hết lòng vì sự nghiệp giáo dục; cha mẹ tạo điều kiện tốt cho con em mình. Mỗi người đều chung tay cho giáo dục nước nhà thì mới mong giáo dục nước nhà khởi sắc, phát triển. Tương lai của đất nước phụ thuộc vào giáo dục từ hôm nay.

KHÁNH VĂN (phường Bình Khánh, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang)