HV134 - Ký ức mùa xuân

Thời gian trôi nhanh để lại bao nhiêu ký ức đang lướt đi hối hả trên cuộc đời, có cái nhớ, có những cái quên nhưng ký ức về mùa xuân bao giờ cũng đẹp.

70 năm xưa, tôi bị địch bắt trong một chuyến công tác về Sài Gòn khi mới 16 tuổi. Khám của bót Cầu Đình rộng độ 24m2, chúng dồn nhét đến 80 người, nằm chen nhau như cá mòi. Vệ sinh toa lét, tất cả cho vào trong cái thùng tôn mà người ta dùng để gánh nước đặt ở cuối phòng giam, hôi hám khó chịu.

Xuân 1949 này, tôi ở tù được 6 tháng. Tôi biết ngoài đời đang rộn rã cho đêm tất niên để mừng năm mới. Nhà chú Tiều Như hai lầu, bán cà phê, năm nay chắc ăn tết to hơn năm trước với những dây pháo xanh đỏ treo dài từ tầng lầu hai xuống đến đất. Hồi còn nhỏ, vào giao thừa anh em tôi đều chực sẵn ở đây để nhặt pháo lép. Quán chú Hẩu, bánh kẹo đầy thúng được bày ở sạp. Mẹ tôi, có chị em nào giúp để dọn hàng bán buổi chợ ba mươi không?

Trong khám, thầy giáo Thợi gọi tôi: “Ê! Tám, tụi mình Tết này có gì để cho anh chị em vui?”. Tôi nói: “Anh chớ lo. Tôi đã vận động bà con cô bác quen được một ít tiền cho anh em để đón giao thừa rồi, còn trò gì cho vui thì anh lo tiếp đi”. Anh Thợi gật đầu. Đã 10 giờ đêm rồi, tôi xin thầy đội Mển, người cùng làng tôi có cảm tình với cách mạng, dẫn tôi ra ngoài bót đến tiệm chú Hẩu mua vài thứ. Thấy chú đang sập cửa, tôi nhanh chân chạy đến gọi: “Chú Hẩu ơi! Mở cửa!”. Chú Hẩu mập mạp, bụng phệ, chạy ra: “Hầy! Các lị sao giờ lày mới đến. Ngộ lóng cửa tiệm dồi mà”. Nhìn thấy đội Mển gương mặt nghiêm khắc, chú Hẩu đổi sang vui: “Hầy! Lại có ông lội nữa. Ông lội ăn tết có to không?”. Đội Mển: “Thôi bán nhanh đi, gần giao thừa rồi đó”.

Đêm ba mươi, trời vùng Hạ tối mịt. Vài ngôi sao lấp lánh. Trong khám không khí trầm lắng, không ai ngủ cả. Nỗi nhớ của mỗi người không giống nhau… Tôi nghĩ đêm nay cha mẹ tôi buồn vì thiếu tôi. Mẹ tôi có khóc không? Cứ vào dịp giao thừa, mẹ tôi lay các con dậy bắt phải mặc những bộ quần áo mới mà mẹ mua, cha tôi bảo các con đứng trước bàn thờ tổ tiên làm lễ, rồi cha phát những đồng hào sáng bóng mừng tuổi các con…

Đến giờ giao thừa rồi. Ngoài phố rộ lên tiếng pháo giòn tan của các tiệm buôn. Trong khám, bánh kẹo được bày ra. Lúc này thầy giáo Thợi lên giọng hát bài Hòn vọng phu của nhạc sĩ Lê Thương vừa sáng tác xong năm 1947. Bài hát hay quá, lan nhanh. Hầu như anh em đều thuộc: “Bao nhiêu năm bồng con đứng đợi chồng về?... Người biến thành tượng đá ôm con…”. Vài anh em rơi nước mắt. Ba, bốn năm ở tù không biết vợ ở nhà có đợi không? Chẳng biết lúc nào về? Anh Oánh làm nghề cưa xẻ gỗ nói: “Xin má bầy trẻ cứ đợi. Chúng tôi sẽ về. Xin đừng hóa đá. Nếu có hóa thì xin hóa… vàng!”. Cả khám cười ồ lên.

Khi nhiều anh em đã đi ngủ, tôi vẫn còn thao thức… Mùa mai năm nay mong sẽ đẹp. Mẹ tôi chắc cũng đã xong nồi bánh tét như mọi năm khi kết thúc giao thừa.

Sáng mồng một Tết, bỗng nhiên tôi được tên chỉ huy đồn, trung úy LeBois, gọi lên báo tôi được thả cùng vài tù nhân nữa. Về đến chợ làng, tôi nhìn về phía nhà thấy mẹ tôi đang vịn cổng đứng nhìn về phía đồn Rạch Núi như mong đợi tôi về. Ôi! Cái cổng chào có dây hoàng lan bò quấn quít mà ngày nào vì biếng học nên bị cha tôi phạt đứng gác nơi đây. Thấy tôi, mẹ mừng quá ôm hôn tôi như ngày còn bé.

Bữa mồng một Tết ấy, cả nhà vui vẻ với những chuyện mới chuyện xưa. Năm ấy tôi 17 tuổi. Mẹ tôi khuyên tôi ở nhà với các em và tiếp tục đi học. Tôi ngoài bụng vâng dạ nhưng trong lòng nôn nóng trở về đơn vị. Mẹ dặn dò đứa em trai theo dõi tôi, can ngăn tôi đừng đi vì người mẹ bao giờ cũng thương con, sợ con ra đi giữa làn tên mũi đạn. Không ngờ rằng Trị, nhân viên cơ quan, đến nhà tìm gặp tôi trong chiều mồng 2 Tết. Trong thời gian ở tù tôi vẫn có liên lạc với Trị qua người nấu cơm thuê cho tù. Trị cho biết cơ quan đang trông tôi về. Chúng tôi hẹn nhau mồng 3 Tết sẽ ra Khu. Sáng mồng 3, đúng hẹn chúng tôi gặp nhau và lên chiếc xe ngựa chờ sẵn ở đầu chợ. Đứa em tôi dường như biết chuyện nên quấn quýt chân tôi. Tôi nghĩ kế bảo em tôi vào chợ mua cho tôi tô cháo. Nó đi rồi, hai đứa tôi vọt lên xe bảo xe chạy. Đứa em tôi bưng tô cháo quay lại thấy mất tôi, nó khóc đuổi theo. Tôi nghe rõ tiếng gọi của nó: “Anh Tám ơi! Anh Tám ơi!”. Ngựa cứ phi, để lại đằng sau bụi đỏ phủ rặng trâm bầu. Tôi nén đau xót. Thương em tôi quá. Nó vẫn chạy đuổi theo và mỗi lúc càng chậm lại. Người đánh xe nói: “Tội quá! Cách mạng còn dài, các em nên về, chờ dịp khác”. Thương em và sợ bị lộ nên tôi bảo xe dừng lại, trả tiền cho anh chủ xe ngựa. Em tôi nước mắt ràn rụa, bụi đầy người, ôm lấy tôi khóc. Tô cháo đã đổ hết chỉ còn vài miếng gan heo dính đáy tô. Nó là thằng Trọng, lúc ấy mới 8 tuổi. Cuộc đi thất bại. Chúng tôi lại hẹn nhau vào chiều mồng 4 Tết. Chiều hôm ấy ăn cơm xong tôi lén ra làng bên để gặp Trị. Trong đêm tối mịt chúng tôi len lỏi qua các bót đồn địch, mượn xuồng các má chiến sĩ, chúng tôi bơi vượt sông Soài Rạp về đến cơ quan giữa mùa bần đang chín.

NGUYỄN MỘNG HÙNG