HV134 - Nhà biên khảo văn hóa cổ Việt Nam Nguyễn Thị Chân Quỳnh

TS Nguyễn Thị Chân Quỳnh sinh năm 1931 tại Hà Nội, đến năm 1952 thì sang Pháp học, hiện bà sống tại Paris (Pháp). Bà là dịch giả một số thơ văn tiếng Việt in trong tuyển tập The War Wife (NXB Allison & Busby, Luân Đôn, 1970) và The Elek Book of Oriental Verse (Paul Elek, Luân Đôn, 1973). Cuốn Hoa thơm cỏ lạ (NXB An Tiêm, Paris, 1995) là một truyện dịch của bà. Bà đóng góp nhiều trên các báo tiếng Việt ở hải ngoại như Thế kỷ 21, Văn học, Văn Lang, Trăm con, chủ yếu viết về các đề tài nghi vấn trong sử học. Ngoài ra bà còn là soạn giả một số sách biên khảo về sử Việt Nam như Lối xưa xe ngựa... - tập I (NXB An Tiêm, Paris, 1995), Lối xưa xe ngựa... - tập II (NXB An Tiêm, Paris, 2002), Khoa cử Việt Nam - tập thượng (NXB An Tiêm, Paris, 2002), Khoa cử Việt Nam - tập hạ, Thi Hương (NXB An Tiêm, Paris, 2002), Thi Hội, thi Đình (2003)…

* HV: Xin bà cho biết quá trình học tập của bà từ trung học đến đại học và quá trình bảo vệ Tiến sĩ, học tiếng Anh… rồi rẽ sang ngành nghiên cứu văn hóa Việt Nam?

Bà NGUYỄN THỊ CHÂN QUỲNH: - Tôi học đến lớp nhất trường Việt thì phải nghỉ học vì các trường ở Hà Nội đều chuyển ra ngoại ô để tránh bom Mỹ trong thế chiến I. Gia đình tôi cũng như nhiều gia đình khác di tản về các vùng ngoại ô một thời gian rồi vì vấn đề kinh tế phải trở về Hà Nội.

Mẹ tôi mở một cửa hàng tạp hóa, tôi giúp bán hàng. Một hôm có người bạn học cũ đến mua hàng và cho biết đã đi học trở lại, hỏi tôi sao không đi học khiến tôi suy nghĩ. Trước kia tôi nhỏ tuổi nhất lớp nhưng cũng được xếp hạng khá. Tôi bèn tính đến chuyện đi học trở lại, lấy cớ học tiếng Pháp để tiếp khách hàng ngoại quốc. Nếu khách hàng là Nhật hay Trung Quốc thì mẹ tôi tiếp bằng bút đàm vì biết chữ Nho, nhưng trường hợp khách chỉ nói tiếng Pháp thì phải chạy đi nhờ người làm thông ngôn nếu cha tôi không có đó. Vì vậy, nếu như tôi biết tiếng Pháp, sẽ khỏi phải nhờ ai. Lý do chính đáng, mẹ tôi không phản đối.

Lúc ấy trường Lycée Albert Sarraut mở cửa lại, không có học trò vì người Pháp đã đưa con về Pháp hết, tôi đến xin học được nhận ngay. Cô thư ký xếp cho vào lớp nhất dù tôi chỉ biết vài chữ “la table” là cái bàn, “la maison” là cái nhà… Về nhà tôi khoe đã xin được vào “trường Tây”. Vì quá bất ngờ, cha mẹ tôi không có phản ứng. Một thời gian sau, mẹ tôi nhận ra tôi đi học thì thiếu người giúp đỡ, bắt đầu cằn nhằn nhưng tôi “lì”, mọi sự rồi cũng xuôi. Tôi giấu biệt những chuyện làm “chướng tai gai mắt” mẹ tôi như con gái phải mặc quần đùi, sơ mi cụt tay vào giờ tập thể thao, mẹ tôi yên chí vì tôi vẫn mặc áo dài đi học. Cho tới ngày Đại hội Thể thao, đi diễu hành các phố, con gái các trường Việt đều mặc quần áo cánh, duy trường tôi mặc sơ mi cụt tay và quần đùi. Thấy “của lạ”, các báo xúm lại chụp ảnh. Người đi xem bình phẩm bô bô: “Ngổ, nhưng mà đẹp!”. Tôi giấu, không đưa cho mẹ xem ảnh tôi mặc quần đùi đi diễu phố mà còn đi hàng đầu, vì chính ra tôi nấp sau lưng những người cao hơn tôi nhưng bị ban tổ chức nhìn thấy lôi tôi lên hàng đầu!