HV134 - Tự sự của Thủ tướng Campuchia HUN SEN: “Không có bộ đội Việt Nam, chúng tôi sẽ chết”

Hai tác giả cuốn sách về Hun Sen là một cặp vợ chồng, ông Harish Chandra Mehta là một giảng viên đại học và nhà nghiên cứu lịch sử người Mỹ, còn bà Julie là giảng viên về văn chương và Nam Á học tại Đại học Toronto, Canada. Hai người hoàn thành cuốn tiểu sử dày hơn 450 trang vào tháng 8-1999 sau nhiều cuộc phỏng vấn trực tiếp Thủ tướng Hun Sen và hàng chục nhân vật có liên quan đến Hun Sen.

Qua hai năm bỏ công thu thập tư liệu với rất nhiều cuộc gặp gỡ các yếu nhân và nhân chứng, đi qua rất nhiều vùng đất, hai tác giả Harish Mehta và Julie Mehta của cuốn Hun Sen: nhân vật xuất chúng của Campuchia đã lần đầu tiên hoàn thành cuốn sách viết về tiểu sử của một nhà lãnh đạo với câu chuyện đời tư nhiều hấp dẫn mà chắc chắn là vẫn còn nhiều bí ẩn chưa thể khai thác hết.

Các tác giả phương Tây đã viết nhiều sách về tiểu sử thủ tướng Campuchia Hun Sen, nhưng cuốn Hun Sen: nhân vật xuất chúng của Campuchia (Hun Sen: Strongman of Cambodia) của hai tác giả Harish Mehta và Julie Mehta được giới nghiên cứu chính trị, lịch sử đánh giá cao.

Ngay ở chương mở đầu, kể về cuộc phỏng vấn đầu tiên với thủ tướng Campuchia năm 1997, các tác giả viết:

Cuộc phỏng vấn đã diễn ra êm xuôi cho tới khi chúng tôi hỏi ông một câu, trong đó chúng tôi đã nhắc đến hành động quân sự của Việt Nam để lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt như là một “sự xâm chiếm”. Điều này đã khiến cho ông Hun Sen đưa ra câu trả lời đầy sôi nổi, phẫn nộ. Ông đã nhanh chóng sửa lối giải thích lịch sử của chúng tôi, ông nói điều đó không bao giờ là một sự xâm chiếm, mà là một hành động giải phóng khỏi chế độ diệt chủng.

Ông hỏi lại bằng tiếng Anh với giọng phải cố uốn ép lên xuống, một ngoại ngữ mà ông thấy khó và chưa bao giờ cảm thấy cần phải thành thạo “Làm thế nào tôi, một người Campuchia, lại xâm chiếm đất nước của chính mình?”.

Trong cuốn sách, Hun Sen đã kể cho vợ chồng Mehta về tuổi thơ của ông, quá trình học tập tại Phnôm Pênh cho đến khi gia nhập lực lượng du kích của Khmer Đỏ (Campuchia Dân chủ) để chống lại chế độ độc tài Lon Nol, trở thành lãnh đạo quân sự ở cấp tham mưu trưởng trung đoàn đặc công, cho đến khi nhận ra sự tàn bạo của Pôn Pốt và đào thoát sang Việt Nam tháng 5-1977, để thành lập Mặt trận Đoàn kết Cứu nước Campuchia.

Sau khi được bộ đội Việt Nam tiếp nhận, ông đã yêu cầu phía Việt Nam giúp đỡ để lật đổ chế độ Pôn Pốt. “Tôi đã bị từ chối”, ông thất vọng kể. “Việt Nam cho biết nếu họ đồng ý yêu cầu của tôi xin giúp đỡ, họ sẽ bị coi là can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia Dân chủ. Khi ấy chính phủ Việt Nam sẽ cố gắng đàm phán với Campuchia Dân chủ để làm dịu các căng thẳng quân sự trên biên giới chung”, ông kể với vợ chồng nhà báo Mehta.

Ông Hun Sen khẳng định: “Việt Nam luôn luôn tôn trọng sự độc lập và chủ quyền của Campuchia, các vị lãnh đạo của Việt Nam đã từ chối lời thỉnh cầu giúp đỡ của tôi và nói điều đó có thể làm phương hại đến mối quan hệ giữa hai nước”.

Ông Hun Sen nói, một cơ hội “vàng” đã xuất hiện khi Pôn Pốt tấn công Việt Nam vào năm 1977. Thái độ gây hấn của Pôn Pốt đã đánh dấu thời kỳ bắt đầu thay đổi chính sách của Việt Nam.

Thủ tướng Campuchia kể lại: “Nếu Pôn Pốt không tấn công Việt Nam, tôi nghĩ chúng tôi sẽ không có được sự ủng hộ của Việt Nam để lật đổ chế độ Campuchia Dân chủ. Pôn Pốt đã vướng phải sai lầm là đã giết người dân của chính ông ta (kể cả những người gốc Việt) và phát động các cuộc tấn công vào Việt Nam”.

Phân tích từ các dữ liệu, vợ chồng Mehta xác nhận, các sự kiện chính trị lúc đó bắt đầu nhanh chóng diễn ra theo chiều hướng có lợi cho Hun Sen.

Sau khi bị Pôn Pốt tấn công, Việt Nam xét lại thái độ trung lập của họ đối với người láng giềng hung bạo. Khi Pôn Pốt tái bố trí các lực lượng của ông ta từ Tây Nam Campuchia tới phía đông Campuchia để sẵn sàng tấn công Việt Nam, điều đó đã buộc một số lớn người dân Campuchia trốn sang Việt Nam.

Ông kể: “Đó là một cơ hội bằng vàng cho tôi. Đến khi ấy Việt Nam đã quyết định giúp Campuchia. Đó là cơ hội cho chúng tôi tuyển mộ các lực lượng vũ trang của mình từ những người lánh nạn Campuchia đã chạy sang Việt Nam. Chính bản thân tôi đã không thể thuyết phục được Việt Nam. Nhưng khi Pôn Pốt tấn công thì Việt Nam phải đứng lên tự vệ chính đáng. Họ cảm thấy bị xúc phạm và đã quyết định giúp chúng tôi”.

Lúc đó, các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia, với sự giúp đỡ của bộ đội Việt Nam, đã cùng tham gia quá trình giải phóng đất nước, tiến vào giải phóng Phnôm Pênh, tháng 1-1979.

Hun Sen cho biết: “Chúng tôi đã bắt đầu giải phóng đất nước bằng cách mở ra Mặt trận Thống nhất với quân số giới hạn, nhưng khi chúng tôi chiến đấu xong, quân số đã tăng lên gấp nhiều lần, ngày càng có nhiều người gia nhập. Khi cuộc chiến chấm dứt, với lực lượng 2 vạn quân chiến đấu mạnh lúc bắt đầu cho tới khi chế độ Pôn Pốt bị sụp đổ trước các lực lượng quân đội nhân dân, quân số đã lên tới 4 vạn”.

Sau khi giải phóng Phnôm Pênh, Hun Sen được cử làm Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia. Năm 1981, ông được bổ nhiệm làm Phó thủ tướng Chính phủ, và đến năm 1985 được bổ nhiệm làm Thủ tướng Chính phủ.

Khẳng định về công lao to lớn của bộ đội Việt Nam với đất nước, nhân dân Campuchia, ông nói: “Không có bộ đội Việt Nam, chúng tôi sẽ chết”.

Về việc quân đội Việt Nam ở lại Campuchia sau khi đánh đuổi quân Khmer Đỏ về vùng biên giới, Hun Sen giải thích: “Chính tôi đã nói với Lê Đức Thọ (Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam) và những người khác rằng nếu họ rút quân, Pôn Pốt quay trở lại được, thì càng nhiều người sẽ bị giết. Vào thời điểm đó, các lực lượng của Campuchia không đủ sức chống lại Pôn Pốt và chúng tôi cần thời gian để củng cố các lực lượng và nền kinh tế của mình”.

Ông nói thêm: “Chính phủ Việt Nam không muốn để quân ở lại. Phía chúng tôi yêu cầu họ như thế. Sau đó chúng tôi đồng ý họ sẽ thử giảm bớt các lực lượng của họ vào năm 1982. Chính phủ Việt Nam giảm quân số, còn chúng tôi sẽ tăng lực lượng của mình lên. Ngay cả khi là một Bộ trưởng Ngoại giao, tôi vẫn can dự vào một chiến lược như thế”.

“Tôi vẫn còn nhớ cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao gồm Campuchia, Lào và Việt Nam ở Hà Nội vào năm 1985, chúng tôi đã đồng ý là các lực lượng bộ đội Việt Nam sẽ rút quân từ 10 tới 15 năm nữa. Nhưng do sự phát triển nhanh chóng của các lực lượng vũ trang Campuchia, và các cuộc đàm phán (hòa bình) giữa Sihanouk và tôi, lực lượng bộ đội Việt Nam đã rút quân sớm hơn dự tính”.

LÊ TIÊN LONG