HV135 - Chiến sĩ vô danh

Mùa đông năm 1948, tôi được giới thiệu về Ty Thông tin Hưng Yên sau khi Sở Thông tin Liên khu 3 cho đi học một lớp Mỹ thuật đào tạo ngắn hạn. Đúng với nhu cầu nên tôi được nhận ngay. Lần đầu tiên xa gia đình, được đi công tác là tôi thấy vui rồi mặc dù rất khổ vì quần áo không đủ mặc, ăn uống thiếu thốn. Ty Thông tin bấy giờ ở nhà dân thuộc làng Trịnh Xá, huyện Mỹ Hào, cách đường số 5 hơn chục cây số. Vì có nhiều điểm đóng quân của lính Pháp nên vẫn thường phải chịu những quả đạn pháo từ đồn câu tới.

Một buổi tôi đang thong thả đi thị sát phong cảnh địa phương thì bỗng nghe tiếng hát giọng tập thể rất trầm hùng theo nhịp bước đều: “Mờ trong bóng chiều, một đoàn quân thấp thoáng/ Núi cây rừng lắng tiếng nghe hình dáng của người anh hùng…”, “...Ra biên cương trong một trời sương âm u, âm thầm chen khói mù…”.

A, thích quá! Có một đội, một trung đội Vệ quốc quân đang hành quân, đi đều bước trên mặt đê sông Luộc, ba hàng dọc. Cả khối có tới hơn ba chục người toàn cỡ tuổi hai mươi, ba mươi. Các anh mặc áo trấn thủ đồng phục màu xanh, đội mũ lưới với ngôi sao vàng trong quân hiệu tròn màu đỏ, chân đi đất hoặc đi giày dép kiểu hãng Bata…

Mới đó, ngày 20-11-1946 nổ súng đầu tiên ở Hải Phòng trước ngày “Hà Nội vùng đứng lên” 19-12-1946 - Chính phủ bắt đầu công bố lệnh Toàn quốc kháng chiến, Hải Phòng đã nghiễm nhiên có được đoàn quân chủ lực chiến đấu trên địa bàn Hữu ngạn sông Hồng cùng với các đội tự vệ, du kích quân... làm nòng cốt cho công cuộc chiến tranh nhân dân. Tôi sướng vui thực sự vì chỉ chưa đầy hai năm mà các anh đã “ra dáng” quân chủ lực. Các anh đã có thêm được khá nhiều súng ống: súng trường Tàu, Nhật, tiểu liên Sten, Tôm-sông, trung liên bạc đầu Bơ-ren, súng cối, súng phóng lựu, cả Ba-zô-ka... những khẩu cướp được của Mỹ, của Pháp... Trên vai các anh còn mang nặng thêm những hòm đạn các cỡ, những trái mìn ống, mìn đĩa do công binh xưởng ta mới chế tạo - Ấy là chưa kể đang lác đác bổ sung dần những khẩu ĐKZ... cho tới những khẩu súng của Liên Xô mà bộ đội ta sử dụng rất gọn gàng, điệu nghệ như tiểu liên K-50 tại Điện Biên Phủ.

Người trung đội trưởng chỉ huy, tôi nhận ra rất quen - đó là anh Quang, biết anh từ ngày còn ở Hải Phòng, là Tự vệ sao vuông bố trí ở phố Cát Dài đằng sau ga. Bấy giờ anh Quang là đội viên của anh Nguyễn Sơn Lâm. Anh Lâm vóc người vạm vỡ, đẹp trai, ăn mặc sang trọng hơn nhiều người vì anh là con trai của nhà tư sản dân tộc Nguyễn Sơn Hà, chủ hãng sơn Việt Nam. Có lẽ cả Hải Phòng bấy giờ chỉ mình anh Lâm là có nổi một chiếc xe mô tô to đùng anh vẫn đi, rất “oách” so với bọn Pháp quân chính quy mới từ ngoài biển xâm nhập vào.

Tôi bồi hồi, không biết bây giờ anh Lâm đang ở đâu?...

“...Ra biên khu trong một trời sương âm u, âm thầm chen khói mù/ Bao oan khiên đang về đây hú với gió, là hồn người Nam nhớ thù...”, “Khi ra đi đã quyết chí nuôi căm hờn/ Muôn lời thiêng còn vang...”.

Rồi đoàn quân xa dần. Tôi về cơ quan cứ hỏi dò xem đơn vị anh Quang đóng ở đâu, ở làng nào để sẽ tìm thăm...

Mấy ngày sau, Ty giao việc cho tôi: xuống một xã thuộc Yên Mỹ sát đồn địch gần đường số 5. Ở đó có nhiều bức tường vôi đình, chùa bị trái phá của giặc Pháp bắn đổ, cần có mấy tranh tường và khẩu hiệu ở đó để tuyên truyền cổ động dân chúng như “Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi!”, “Đả đảo giặc Pháp dã man giết hại dân ta!”, “Đả đảo giặc Pháp hung bạo hãm hiếp phụ nữ, phá hoại nhà thờ!”, “Người trong một nước phải thương nhau cùng!” v.v...

Cơ quan cho tôi gặp anh Xuyên phụ trách tuyên truyền để bảo đảm nơi ăn chốn ở, gặp anh Viên là dân quân luôn có vũ khí (dao, lựu đạn) để cảnh giới, bảo vệ, khi cần sẽ dẫn tôi cùng xuống hầm bí mật...

Tôi ăn ở nhà anh Xuyên có nghĩa là được dân nuôi cơm. Dẫu sao vẫn được no hơn ở cơ quan vì có rau vườn, thỉnh thoảng còn có thêm quả trứng gà nhà. Vợ chồng anh Xuyên và em bé rất quý tôi. Suốt ngày, Viên cứ quanh quẩn cùng bọn trẻ xem tôi vẽ tranh trên mấy mảng tường vôi còn đứng được sau mấy lần địch đánh bom tan hoang biến đình chùa thành đống ngổn ngang gạch, ngói, xà, kèo, cột... Tôi hỏi “hầm bí mật ở chỗ nào?” thì Viên bảo “Cậu yên chí, tớ sẽ dẫn cậu xuống hầm khi nào bọn Tây sắp tới”... Lũy tre làng cùng cánh đồng vẫn xanh mướt từ rìa làng cho tới quanh đồn Cống Trắng. Thằng Tây vẫn phải để cho dân ra ruộng - thì mới có thóc lúa cho chúng vào làng cướp bóc sau những ngày mùa.

Được một tháng, khi tôi đang mải mê vẽ, kẻ khẩu hiệu thì bỗng nghe tiếng xôn xao kêu thét của mọi người giữa tiếng súng nổ đì đoàng từ phía đầu thôn, khói mù, đỏ rực mấy mái nhà tranh! Giặc tới! Giặc Tây tới rồi, bà con ơi!!!....

Tôi không khỏi luống cuống, vội thu mấy gói màu bột tung tóe... dúm lại, mặc mấy cái chậu pha màu bằng sành đổ nghiêng ngửa cùng với chậu keo da trâu bị gạt vỡ... Tôi vơ vội nhét vào bao tải lẫn với quần áo và bút vẽ nữa.

Tôi gọi to: “Viên ơi! Viên ơi!”. Trong lúc tiếng súng càng gần, thấy các bà, các chị dẫn trẻ con, người già cùng lùa trâu chạy về một phía... tôi liền chạy theo. Mọi người chạy về phía cuối làng, chạy thẳng ra giữa cánh đồng rộng, chạy dồn về phía làng xa. Và tôi đã theo dân làng, khoác theo cái tay nải hành trang công tác của tôi như người chiến sĩ nhất thiết không được rời súng đạn của mình vậy.

Cho tới lúc im tiếng súng, tôi lại theo bà con quay về làng. Một cảnh hỗn độn chưa từng thấy, nhiều căn nhà bị bọn Pháp đốt còn đang cháy dở, lợn gà tan tác vì bị bọn Pháp ăn cướp mang về đồn. Các mẹ các chị xúm lại giúp đỡ, an ủi một chị ốm yếu không chạy kịp đã bị chúng xé toang quần áo, hãm hiếp giữa sân gạch bên đống rơm...

Một cảnh thê lương khốc liệt vô cùng trước mắt mà tôi không thể không bật khóc cùng mọi người: Chị Xuyên với đứa con nhỏ đang gục khóc gào thảm thiết bên xác anh Xuyên.

***

Ngay hôm sau, cơ quan cử người tìm đưa tôi về nơi mới chuyển. Tôi được giấy khen cùng một lúc với tin anh Quang hy sinh khi dẫn trung đội của anh đột phá đồn Cống Trắng mới cách đây vài đêm. Hệ thống lô cốt boong-ke của địch dọc đường 5 quá kiên cố nên không diệt được vì ta chưa có pháo dọn đường, còn thiếu cả bộc phá. Tôi không cầm được nước mắt vì chưa kịp tới thăm anh như dự định. Mới ngày nào còn nghe tiếng hát trầm hùng của Trung đội, mà giờ nửa quân số Trung đội 3 đã hy sinh! Ôi, những chiến sĩ vô danh kiên cường quả cảm...

Sau đó tôi được giới thiệu trở về cơ quan cũ bên hữu ngạn sông Hồng. Đêm, mấy con thuyền bí mật trôi trên sông Luộc không rõ sẽ về đâu… Riêng tôi được ghé xuống một bến nhỏ mép nước bờ sông, một mình lõm bõm lội qua bùn lầy, một mình thui thủi chèo lên bờ, cô đơn nhìn mênh mông sông nước nhập nhòe ánh pháo sáng lưng trời - Lại một lần nữa tôi khóc vì từ giã các chú, bác, các anh các chị cán bộ nhân viên Ty Thông tin Hưng Yên. Ôi Hưng Yên với truyền thống bãi sậy, với đội du kích nữ Hoàng Ngân, với liệt sĩ Bùi Thị Cúc, cao ngạo giữa kẻ thù! Với những đoàn quân “Trung Dũng”(*) trên đê con sông Luộc, đường 5 và những rặng vải, rặng nhãn “tiến vua” của giang sơn gấm vóc Việt Nam!

Và những chiến sĩ vô danh mang giai điệu hành khúc “Mờ trong bóng chiều, một đoàn quân thấp thoáng...”.

 

_____

(*) Danh hiệu của các chiến sĩ Tả ngạn, cũng như danh hiệu của 308 là đại đoàn “Quân tiên phong” của Hà Nội, “Đoàn 307”, “Dũng sĩ Núi Thành” của bộ đội miền Nam và danh hiệu “Chân đồng vai sắt” của Pháo binh ta.

 

PHẠM THANH TÂM