1 Chiều muộn. Rừng biên cương đằm sương đằm mây, gió xạc xào lá cành trước lúc trời tối. Một em bé đặt vội giỏ rau xuống chân núi, rồi chạy nhanh vào đồn biên phòng. Tay em cầm một vật lạ. Đó là chiếc cần câu, sợi dây cước và lưỡi câu em vừa nhặt được bên bờ suối giáp đường biên. Chiếc cần câu có hai đoạn nhôm xoáy chặt vào nhau, còn lưỡi câu thì không phải do người uốn cắt thủ công mà do máy dập. Rõ ràng đây là dụng cụ bắt cá không phải của người dân vùng này. Hiện vật này khớp với thông tin của trinh sát ngoại biên báo về… Có máy bay chở người hạ cánh xuống bãi cỏ chân núi Khăm Muộn sát đường biên giới hai nước Việt - Lào. Đồn trưởng biên phòng nhận định bọn biệt kích gián điệp đã xâm nhập vào đất ta. Đây là vùng rừng hiểm yếu, có nhiều mục tiêu đồn biên phòng phải bảo vệ an toàn, có cung đường chiến lược chạy qua, có cầu cống, có kho vũ khí, lương thực ta chuyển vào mặt trận… Đồn trưởng hạ lệnh: Các đội truy tìm lùng sục, các mũi bao vây, ngăn chặn, đội chó chiến đấu vào trận, các mục tiêu được tăng cường bảo vệ…
Chỉ huy trưởng Công an vũ trang tỉnh Quảng Bình ngày ấy (1967), ông Trần Xuân Giá, lên trực tiếp chỉ huy trận đánh. Ông tăng cường đội quân cơ động ứng chiến của tỉnh và lực lượng dân quân bao vây khu rừng “rào kín” đường biên giới.
Trời tối. Rừng biên cương mờ nhòa sương mây, chìm ngập trong hơi nước lạnh lẽo và mùi lá mục đất ẩm. Cơ man nào là tiếng giun dế, côn trùng tấu lên từ bốn phương tám hướng. Khu rừng biên cương càng thêm thâm u, huyền bí. Duy chỉ có những con đom đóm lập lòe trong cây lá. Chỉ huy trưởng đứng im. Anh lặng lẽ nhìn ánh sáng lập lòe màu vàng cam, màu xanh lạnh ấy. Rồi đột nhiên cái ánh sáng ấy như gợi về những kỷ niệm trong anh, cuộc đời trận mạc của anh. Ngày ấy anh là người lính trinh sát ở mặt trận Điện Biên Phủ. Chính cái ánh sáng lập lòe của con đom đóm tháng 3 này đã giúp các anh nhận được nhau trong rừng đêm, giúp các anh chuyển quân, chuyển trận địa…
2 Đom đóm là loại côn trùng bé nhỏ, thân mềm màu nâu có đôi cánh cứng, có khả năng phát sáng. Đom đóm có chừng 2.000 loài. Nó là động vật tiêu biểu cho vùng ôn đới mặc dù phần lớn các loài sống ở vùng nhiệt và cận nhiệt đới. Đom đóm là sinh vật có tập tính hoạt động ban đêm trong những vùng tối để phát sáng vào mùa hạ. Chúng ngủ suốt mùa đông trong hang đất hoặc trốn dưới lớp vỏ cây. Con đực có cánh bay. Con cái không có cánh nhưng có cặp mắt kép. Ánh sáng của con đom đóm giữ vai trò quan trọng trong đời sống sinh sản và tập tính “tình ái” của chúng. Các nhà nghiên cứu khoa học cho rằng, con đom đóm đực dùng ánh sáng để “thả thính” câu tình con cái. Những con đực đa tình bay dạo phát sáng lập lòe là ra tín hiệu ve vãn tán tỉnh bạn tình. Con cái không có cánh nằm yên tại chỗ cũng nhấp nháy ánh sáng với nhịp điệu mời mọc, đợi chờ, chỉ điểm cho bạn tình nơi mình ở.
Được bạn tình hưởng ứng sà xuống thì cả đôi hòa chung nhịp điệu nhấp nháy liên hồi bên nhau thể hiện sự hoan hỉ. Cũng có những nghiên cứu cho rằng con đom đóm và cả ấu trùng nhấp nháy ánh sáng là để bảo vệ mình. Khi gặp loài thú ăn đêm, nó nhấp nháy lập lòe liên hồi và xì ra mùi hôi khó chịu để xua đuổi. Vì thế mà loài nhện, ong, tắc kè, thằn lằn nhìn thấy đom đóm đều vội tránh xa.
Các nhà khoa học đã khẳng định rằng, con đom đóm phát sáng được là do cơ quan cấu tạo từ lớp tế bào nhỏ phản xạ ánh sáng và lớp tế bào phát sáng. Tế bào phát sáng được điều khiển từ thần kinh và các ống khí. Oxy được cung cấp bởi các ống chuyển hóa luciferin của tế bào phát sáng thành oxyluciferin. Quá trình chuyển hóa được xúc tác bởi enzyme luciferase đã giải phóng năng lượng dưới dạng ánh sáng. Đom đóm kiểm soát việc phát sáng bằng cách điều hòa lượng không khí cung cấp cho tế bào. Cường độ và tần số phát sáng phụ thuộc vào sự đồng điệu tình cảm và hứng khởi của đôi bạn tình. Sự nhấp nháy đồng bộ như thế là đặc trưng của một số loài đom đóm vùng nhiệt đới. Đom đóm có tập tính chọn vùng đất ẩm ướt để sống và đẻ trứng trên mình các loài ốc, giun đất… Sau ba tuần, ấu trùng đom đóm ra đời và sống bám vào chất dinh dưỡng của cơ thể con vật mẹ nó đẻ nhờ. Nên cả ấu trùng đom đóm và ốc, giun đều cùng phát sáng. Con đom đóm đực nào có ánh sáng huỳnh quang dồi dào sẽ có sức quyến rũ được nhiều bạn tình, sinh sản được lũ “con đàn cháu đống”. Cuộc đời của con đom đóm đực từ khi biết bay khỏi mặt đất chỉ có một mục tiêu duy nhất là “lãng du” phát sáng vui vẻ với nhiều bạn tình để truyền nòi giống rồi chết lả vì kiệt sức. Có nhà nghiên cứu về côn trùng nói rằng: đom đóm có thể là loài “phong tình” vào bậc nhất trong các sinh vật trên trái đất mà ta biết được. Nên nó “đoản thọ”, chỉ “hưởng dương” được hơn 30 ngày.
Sử sách thời Phục hưng còn ghi lại rằng: nhiều họa sĩ thời đó đã biết dùng bột con đom đóm sấy khô để tạo ra hỗn hợp cảm quang độc đáo trong sáng tác tranh.
Ngày nay, có nhiều nước con người đã biết tận dụng ánh sáng nhấp nháy của loài đom đóm để tạo nên những kỳ quan lung linh huyền bí trong công viên, hang động, mái núi... thu hút khách tham quan.
Đó là ở hang động Waitomo (New Zealand), du khách được chứng kiến những cảnh đẹp kỳ ảo do hàng triệu con đom đóm nhấp nháy phát sáng kết thành. Ở một vùng núi nước Malaysia, người ta tạo nên những “dòng sông trên rừng nhiệt đới” gần Kuala Selangon, đêm đêm hàng triệu con kelip-kelip (con đom đóm - tiếng địa phương) đồng loạt phát sáng lấp lánh lung linh như dải Ngân hà trên vùng trời xa. Ở Mỹ, một trong số những cảnh đẹp nổi tiếng là hình ảnh ánh sáng đom đóm lấp lánh huyền ảo diễn ra trong dàn hợp xướng hằng năm. Ở đó người ta đã gom hàng triệu con đom đóm lập lòe làm nên những cảnh đẹp kỳ vĩ minh họa cho những bản nhạc tình, tạo sự lãng mạn mê say cho người xem.
Độc đáo hơn cả là ở Công viên Đom đóm, thành phố Vũ Hán, Trung Quốc. Ở đây có hàng chục triệu con đom đóm được chia ra các khu khác nhau tạo nên nhiều vẻ đẹp huyền diệu như trong cổ tích. Có khu đom đóm bay; có khu đom đóm phát sáng xếp thành hình, thành chữ, thành bức tranh; có khu đom đóm bay đến tiếp xúc với người làm cho khách vui ngây ngất. Vé vào công viên không hề rẻ. Các nhà kinh doanh đã hốt bạc nơi “hiếm có khó tìm” này, thu hàng tỉ đô la vào mùa đom đóm (tháng 5 đến tháng 10 hằng năm). Ở đây đã xuất hiện nghề nuôi và bắt đom đóm, buôn bán đom đóm. Một con đom đóm phát sáng đẹp được bán từ 5 đến 10 nhân dân tệ. Có người làm nghề này mỗi mùa bán được hơn 6 triệu con đom đóm và thu được cả triệu nhân dân tệ (bằng 3 - 4 tỉ đồng Việt Nam).
Ở Việt Nam, từ xa xưa ông bà ta đã căn cứ vào mùa đom đóm bay ra phát sáng để dặn con cháu làm thời vụ gieo trồng hoa màu: “Bao giờ đom đóm bay ra/ Hoa gạo rụng xuống thì ta gieo vừng”,“Đom đóm bay ra ta trồng cà, tra đỗ”…
3 Các mũi xung kích vào trận. Trời tối dần. Hoàng hôn vùng biên cương màu xanh lơ, tím ngát trùm lên núi rừng. Mùi lá mục ngai ngái lạnh lẽo từ thảm rừng bốc lên, ngạt thở. Đêm mịt mùng sương khói, rừng thêm thâm u hoang vắng, những người lính biên phòng lần từng bước đi. Mỗi người cách nhau bốn, năm bước chân. Trên vành mũ, sau lưng áo của họ đều cài những con đom đóm. Họ cứ nhìn màu vàng cam, màu xanh lạnh liên hồi phát sáng trên lưng trên mũ đồng đội đi trước mà lần bước theo: “Phải khóa chặt các lối mòn, các đầu khe dốc núi; phải bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, các cung đường vào tiền tuyến; phải “giam” bọn gián điệp biệt kích trong đêm…”. Họ thực hiện nghiêm mệnh lệnh của người chỉ huy trận đánh. Ta chưa mạo hiểm tấn công ngay. Vì biệt kích gián điệp là lũ ác ôn được quan thầy dạy cho những thủ đoạn đối phó ta khôn lường. Toán biệt kích “Sói điên” ta bắt được tháng trước đã khai rằng, khi tung ra Bắc gây tội ác mỗi đứa được trang bị 5 loại vũ khí giết người: súng, lựu đạn, dao găm, thuốc nổ và chất độc. Đêm ngủ mỗi đứa để một khẩu súng trên đầu, một khẩu để dưới chân, một khẩu để bên trái, một khẩu để bên tay phải, một khẩu đã lên đạn để ở nơi dự phòng nhảy xuống chạy trốn. Con dao găm thì đã rút ra ngoài bao, quả lựu đạn ở tư thế sẵn sàng ném…
“Rừng có yên, thú mới ló mặt, suối có lặng, cá mới sủi tăm”. Các vị trí chiến đấu, các trận địa đón lõng, các mũi xung kích và dọc theo đường biên được lực lượng cơ động rải quân chốt chặn. Người lính biên phòng suốt đêm ngồi sau gốc cây, ngồi trên thảm lá mục ẩm ướt, sương như mưa dầm ướt mặt, ướt áo quần, sên đất, vắt xanh bò vào bụng, vào lưng, muỗi bâu đốt đầy mặt… phải ngồi yên giữ cho “rừng yên”, cho “suối lặng”. Sau lưng áo, trên vành mũ họ con đom đóm vô tư lập lòe, nhấp nháy phát ánh sáng màu cam nhạt, màu xanh lạnh ra tín hiệu chờ bạn tình. Những người lính biên phòng kiên tâm “chờ” những tên biệt kích.
Mờ sáng, trong rừng đã nhìn rõ mặt người thì lũ biệt kích xuất hiện. Chúng chia thành ba nhóm đi về ba hướng. Một nhóm ba tên mang chất nổ, cầm súng lần đường mòn đi về phía vùng kho trung chuyển của ta; một nhóm đi về cây cầu qua suối bộ đội công binh vừa bắc xong; một nhóm ba tên nữa lần mò tới dốc núi hiểm trở có đường tránh của ô tô vận chuyển hàng đi qua.
Cả ba nhóm gián điệp biệt kích đã lọt gọn vào các trận địa đón lõng, phục kích của chiến sĩ biên phòng. Thấy rừng động, tên toán trưởng và tên giữ máy truyền tin vội đập phá máy móc, gài chất nổ vào nơi chúng lập hang ổ rồi tháo chạy ra đường biên giới. Nhưng ở đó đội quân cơ động ứng chiến đã “đón tiếp” chúng. 11 tên gián điệp biệt kích toán “Cọp điên” đã bị bắt gọn. Tên nào trên cánh tay cũng xăm chữ “Cọp điên”, “Sói hoang”, “Cáo cô đơn”… Riêng tên toán trưởng Quát Tởm thì xăm chữ “Cọp xám đầu đàn”.
Trận đánh kết thúc lúc đầu núi vừa rạng vầng mây. Mặt trời mùa xuân từ vùng trời bao la xanh thẳm nhú lên chiếu xuống những cành lá non tơ lấp lánh hạt sương mai. Cường, đội trưởng đội truy tìm đứng rút những con đom đóm ở vành mũ, ở lưng áo ra. Anh vuốt nhẹ đôi cánh của nó rồi đặt nó bám vào cành mai có những bông hoa vàng nở muộn. Cường đọc câu thơ vui:
Đóm ra vui với bạn tình
Anh còn đi giữ yên bình biên cương
Đêm rừng thăm thẳm gió sương
Nhớ con đom đóm dẫn đường các anh
Dặm ngàn nước biếc non xanh
Ơi con đom đóm đã thành “bạn thân”.