Tôi được hân hạnh gần gũi vị lãnh tụ kính mến ấy trong vòng nửa năm, khoảng từ tháng 6-1926 đến tháng 1-1927. Đó là lúc thực dân Pháp đưa cụ về giam lỏng tại Huế, và sau khi đã từ nhà Nguyễn Bá Trác đến ở chùa Phổ Quang theo đề nghị của nhiều người. Lúc này, đồng bào Nam Kỳ do Phan Văn Trường đại diện, gửi biếu cụ số tiền trên 1 vạn đồng. Với số tiền ấy, cụ nhờ người mua vườn và dựng nhà ở Bến Ngự, vì thế mà người ta đặt cho cụ biệt hiệu “Ông già Bến Ngự”. Nhà gồm ba ngôi, tượng trưng ba kỳ, rường cột bằng gỗ, lợp lá trát đất, rất đơn giản. Trong nhà chỉ bày bàn ghế và sách báo, ngoài sân có một số dụng cụ thể thao, chính bọn mật thám Pháp ở Huế chiều ý cụ mà làm giúp. Ngôi nhà vừa làm xong, lập tức trở thành nơi nhóm họp của đủ mọi hạng người. Người ta đến để được gặp mặt cụ, để nghe cụ nói, nhiều nhất là thanh niên nam nữ học sinh. Họ ra vào tùy tiện, thân mật, có vẻ như con cái đến nhà cha mẹ. Đồng thời bọn chó săn Pháp cũng hằng ngày ra công chờ đợi, dò la không quản mệt mỏi.
Lúc bấy giờ mọi người ai cũng muốn gặp cụ mà dung mạo của cụ lại rất dễ nhận, nên mỗi khi cụ ra đường là bà con đua nhau xúm lại ngay. Nếu cụ dừng lại ở đâu một chốc thì ở đấy trở thành một đám họp lớn. Hiện tượng ấy diễn ra nhiều lần trên đường thành phố Huế, và hình như đồng bào vẫn chưa lấy làm thỏa mãn. Mối tình trìu mến của mọi người đối với cụ đằm thắm biết chừng nào!
Hồi đó ở luôn trong nhà cụ chỉ có vài ba thanh thiếu niên. Hai người con trai của cụ ở Nghệ An chỉ vào thăm có một lần. Các bạn đồng chí của cụ ngày trước, chỉ có cụ Huỳnh Thúc Kháng ở gần, còn các cụ khác thỉnh thoảng mới đến. Những ngày nóng nực cụ thường thuê đò ở sông Hương, khi làm văn, dịch sách, hoặc cùng đôi ba bạn thân trò chuyện. Kể ra, lúc ấy những người năng qua lại và cũng được cụ tiếp chuyện thân mật là các ông Nguyễn Khoa Văn tức Hải Triều, Đào Duy Anh, Trần Đình Nam. Nguyễn Khoa Văn cùng mấy người bạn thường làm bài đưa đến nhờ cụ duyệt. Trần Đình Nam và Nguyễn Bá Trác ở Thanh Hóa là hai người mà cụ cho là người thủ đoạn.
Trong nhà cụ Phan ở Bến Ngự hồi năm 1926, không có ảnh của Khổng Tử như có người nói mà chỉ treo ảnh Lenin và ảnh Tôn Trung Sơn mua được trong một cuộc triển lãm của Hoa kiều ở Huế. Treo hai ảnh ấy là một sự lựa chọn có ý nghĩa. Ngoài hai bức ảnh ấy ra, trong nhà lại có bốn bức vẽ. Hai bức vẽ lịch sử, một bức Trưng Vương đánh Tô Định, một bức Quang Trung đánh Tôn Sĩ Nghị với đầy đủ quân lính, voi, ngựa, cờ quạt rất linh đình. Hai bức vẽ khác có tính chất ám dụ. Một bức vẽ hàng vạn con chuột vây đánh một con mèo, một bức vẽ một người đánh cá, tay trái cắp kè kè một cây đao, một cái thớt ở sau lưng. Bốn bức vẽ ấy đều do cụ chỉ bảo cho một học sinh trường mỹ nghệ Huế vẽ, ý nghĩa rất dễ hiểu. Nó gợi ý nghĩ của mọi người, cho nên những ai đến nhà “Ông già Bến Ngự” hồi ấy, trước hết đều chú ý xem mấy bức vẽ. Người ta không khỏi mỉm cười một cách khoái trá khi nhận thấy con mèo và người đánh cá đều có con mắt xanh lơ.
Sau khi ra khỏi nhà Nguyễn Bá Trác, cụ để ý ngay đến việc sáng tác thơ văn, tuyên truyền đường lối cách mạng của mình. Tập sách được dịch ra quốc văn trước tiên là Dư cửu niên lai sở trì chi chủ nghĩa. Nội dung tác phẩm đại ý nói chưa cần dùng bạo lực đối với kẻ địch mà hãy nuôi dưỡng thực lực của mình nhằm đè bẹp chúng, nhân khi có cơ hội. Bài này cụ tuyên truyền công khai, bọn quan lại tay sai Pháp đến, cụ cũng cho xem. Trong khi trò chuyện với mọi người, cụ thường ca tụng Lenin, Kenan Moustafa và Gandhi vì họ là những lãnh tụ đã thực hiện công cuộc giải phóng cho nhân dân, dân tộc hay đang trên con đường thực hiện.
Cụ thường nói: “Đảng Quốc đại Ấn Độ chủ trương công khai tập hợp quảng đại nhân tài vật lực để kiến thiết công xưởng, công trường, nhà thương, trường học… rồi người mình làm ở xưởng mình, học ở trường mình, bọn đế quốc không thể vin cớ gì ngăn trở, khủng bố mình cả. Khi đảng đã đủ mọi hình thức, cơ sở như một chính phủ, song song với chính phủ của bọn thực dân rồi, thế là mặc nhiên nắm được quyền tự do thực sự, với thực lực đầy đủ như thế, gặp cơ hội, lật đổ chính quyền của bọn cướp nước như trở bàn tay. Xuất phát từ nhận định trên, cụ dự định lập một đảng gọi là Đảng Quốc dân Việt Nam, tôn chỉ, mục đích, đảng cương châm chước như các đảng tư sản Trung Quốc, Ấn Độ. Để bắt buộc thực dân Pháp phải thừa nhận sự thành lập của đảng, cụ dự kiến sai người đi lấy chữ ký và con dấu của tất cả lý trưởng trong toàn quốc. Nhưng sau một thời gian, không nghe cụ nhắc nhở gì đến câu chuyện lập đảng ấy nữa, chắc là có ông bạn tin cậy nào đã can ngăn cụ, vì thấy rằng lúc đó không bao giờ thực dân Pháp lại chịu để người nước mình làm như thế.
Những việc kể trên tỏ ra rằng, mặc dù bị giặc Pháp giám thị chặt chẽ, mặc dù không thể hoạt động bất hợp pháp như trước, Phan Bội Châu vẫn nhiệt thành với cách mạng, vẫn tìm tòi biện pháp thích hợp nhằm mục đích giết giặc cứu nước của mình.
Cuối năm 1926, cụ có một vài hoạt động lẻ, như diễn thuyết ở trường Quốc học Huế và đi chơi Quảng Trị, nhưng đáng kể hơn cả chỉ có cuộc đi ra Bắc. Nguyên lúc đó, chính phủ thực dân tổ chức hội chợ ở Hà Nội. Nhân dịp một số học sinh Bắc Hà mời cụ ra chơi, có ý mượn việc ấy để kích động phong trào trong nước. Về phần cụ cũng đã sẵn có tư tưởng ấy, nên quả quyết nhận lời mặc dù biết thế nào bọn Pháp cũng tìm cách ngăn cấm. Từ sau chuyến ra Bắc không xong ấy, cụ biết không thể hành động gì khác, nên chuyên chú về sự viết sách. Các quyển Nam quốc dân tu tri, Nữ quốc dân tu tri đều sáng tác vào cuối năm ấy.
Để giáo dục tinh thần tự cường cho thanh niên, cụ thường nói: “Người ta nếu không ngã lòng trước sự thất bại, biện pháp có lớn có nhỏ, lớn thì hoàn thành toàn bộ sự nghiệp, nhỏ thì hoàn thành một phần, không nên chú trọng biện pháp lớn mà lãng quên biện pháp nhỏ”. Liên hệ với những hoạt động của các đồng chí mình hồi ở Trung Quốc, cụ cho rằng, cố nhiên chưa tìm ra phương châm, biện pháp để đạt mục đích cuối cùng, nhưng không phải không có những lúc “tay không, làm nổi cơ đồ” như ai. Rồi cụ kể một kỷ niệm rất nhỏ. Một lần ở Quảng Châu, các đồng chí muốn phát hành một tờ báo để cổ động cho phong trào, nhất là gửi về vận động ở trong nước. May gặp dịp một cơ quan ngôn luận của đảng cách mạng Trung Quốc đình bản tờ báo Đồng minh của họ, họ bằng lòng cho đảng cách mạng Việt Nam mượn tạm tất cả nhà cửa, máy móc, dụng cụ, còn mọi việc khác thì họ hướng dẫn cho các đồng chí ta làm lấy. Thế là tốt lắm rồi, nhưng vẫn không kiếm đâu ra tiền để sắm một cái bảng lớn để tên báo treo trước cửa. Cố tìm tòi mãi, cuối cùng anh em đã có sáng kiến như sau: mượn cái bảng cũ của tờ báo Đồng minh để nguyên chữ đồng, còn chữ minh thì lấy bút sơn kéo dài chữ nhật ở cạnh chữ nguyệt chữa thành một chữ nguyệt thứ hai nữa, thế là nghiễm nhiên hoàn thành hai chữ Đồng bằng với ý nghĩa “người bạn phương Đông” rất thích hợp với nội dung mục đích của tờ báo mới.
Cũng trong vấn đề đi tìm biện pháp đánh giặc, kiểm điểm lại phong trào cách mạng trong nước, cụ nói: “Trong nước tuy có chia làm hai phái, phái ôn hòa và phái kịch liệt nhưng chủ yếu vẫn đi đến võ trang tranh đấu, không có gì mâu thuẫn nhau”. Sau khi Đặng Thái Thân bị nạn, cụ mất hẳn liên hệ với phong trào ở trong, nên giữa những đồng chí trong nước và đồng chí ngoài nước không còn có hành động nhất trí.
Một lần cụ Lê Văn Huân trực tiếp nói với chúng tôi: “Cụ (chỉ cụ Phan) là tấm gương sáng cho đồng bào trông vào, nhưng giờ không phải là lúc hoạt động nữa. Các cháu ở đây với cụ, cũng chẳng khác gì những người gần gũi Napoléon ở đảo Sainte-Hélène xưa, biết chú ý, ngày sau nên viết hồi ký”.
Lúc bấy giờ tôi chưa hiểu được câu nói ấy. Ngày nay hồi tưởng lại thì thấy những điều từng được nghe cụ kể đều đã có chép trong quyển hồi ký Phan Bội Châu hoặc ở các tài liệu khác. Vậy ở đây tôi chỉ xin thuật lại một số điều tuy nhỏ nhưng chưa có tài liệu nào chép, để góp phần vào việc tìm hiểu về một nhà cách mạng, một nhà văn yêu nước rất lớn của dân tộc.