HV135 - Ông Tư bàn chuyện xưa

Có một thời chúng tôi làm việc dưới sự chỉ đạo của ông Trần Bạch Đằng - mà chúng tôi gọi một cách thân thương là ông Tư - tại nhà số 14, đường Phan Kế Bính, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.

Những khi xong việc, chúng tôi thường ngồi nghe ông bàn chuyện xưa.

Ông kể: Ở Nam Bộ những thập niên đầu thế kỷ 20, rộ lên phong trào dịch tiểu thuyết cổ điển Trung Hoa mà người dân quen gọi là truyện Tàu. Những dịch giả như: Nguyễn Chánh Sắt, Trần Phong Sắc, Nguyễn An Khương… trở thành những cái tên quen thuộc không chỉ đối với người lớn mà cả đối với lứa tuổi học trò. Ông cho biết: Hồi ấy không có tiền mua truyện Tàu(1), ông phải để dành từng xu để mướn về đọc. Để nhớ cốt chuyện, ông lập một cuốn sổ nhỏ ghi tiểu sử các nhân vật kèm theo một số đặc điểm (như con của ai, làm chức gì…).

Theo ông, con người - dù sống ở đâu và vào thời nào - đều có những ưu, khuyết điểm bẩm sinh, không nhiều thì ít. Nếu cá nhân tu dưỡng tốt, được gia đình và trường học giáo dục kỹ, sống trong xã hội có những định chế nghiêm minh… thì tính tốt sẽ được phát huy và lấn át tật xấu. Cho nên vẫn có thể dùng chuyện xưa bên Tàu để minh họa cho chuyện thời sự ở bất cứ nơi nào trên thế giới.

Sau giờ làm việc, ông Tư và tác giả đi dạo trong sân nhà số 14, đường Phan Kế Bính, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: NGỌC LAN)

Chúng tôi có biết qua truyện Tàu ít nhiều nhưng vẫn thích nghe những lời bàn sâu sắc của ông Tư. Từ các chuyện xưa, ông rút ra nhiều nhận định và bình luận thú vị, giúp chúng tôi liên hệ đến thực tế hiện nay.

Chẳng hạn chuyện Võ Vương đánh vua Trụ.

Vua Trụ nhà Thương đắm say nàng Đát Kỷ, bỏ phế việc nước, làm khổ nhân dân. Võ Vương - người đứng đầu một nước chư hầu - dấy binh đánh vua Trụ. Vua Trụ thua, phải tự tử.

Dựa vào câu chuyện lịch sử trên, nhà văn Hứa Trọng Lâm thêm thắt những trận đấu phép rất hấp dẫn giữa các thần tiên ma quỷ, viết nên cuốn tiểu thuyết Phong thần diễn nghĩa dài đến 100 hồi.

Ông Tư phân tích: Trong truyện này, các nhân vật được chia ra hai phe đối nghịch nhau: phe Triệt giáo của Thông Thiên Giáo Chủ giúp vua Trụ và phe Xiển giáo của Nguyên Thỉ Thiên Tôn ủng hộ Võ Vương.

Theo chính sử, Võ Vương thắng vua Trụ tương đối dễ dàng vì được tăng cường bởi lực lượng của hơn 800 chư hầu đồng lòng diệt Trụ, trong khi một bộ phận không nhỏ quân nhà Thương vốn oán ghét vua Trụ nên đã quay ngọn giáo làm binh biến.

Nhưng trong Phong thần diễn nghĩa, theo ông Tư, “cuộc hành quân của Võ Vương chậm rề rề bởi đánh một ải hữu hình đụng liền một trận đồ vô hình hết sức lợi hại, đôi khi nhốt các vị tiên Xiển giáo, thậm chí lôi cuốn luôn những đấng chí tôn Ngọc Hoàng, Phật Tổ vào chuyện tranh chấp. Phải triệt phá hàng mấy chục trận như vậy, hao binh tổn tướng nặng nề, Võ Vương và Xiển giáo mới chiếm được Triều Ca (kinh đô nhà Thương) giết Đát Kỷ và vua Trụ, dựng lên triều đại mới. Ngay vào hồi kết thúc, các tiên xử Đát Kỷ, không võ đao quân(2) nào nỡ chém vào cái gáy trắng nõn của người đẹp hồ ly!(3)

Bộ truyện đầy dẫy lập trận và phá trận, có tiếng nói triết lý riêng. Lâm trận rồi, ngay các bậc chân tu, thần thông quảng đại, cũng hoặc mờ mịt đường đi nước bước, lộn tùng phèo cửa sinh, cửa tử, hoặc bị âm khí ô nhiễm, nhiều lúc như mất hồn, có vị ngủ li bì ngay trên trận địa!

Tác giả bộ truyện đặt vấn đề đối địch giữa chính nghĩa và phi nghĩa trong một tương quan lực lượng sòng phẳng, chính nghĩa cũng có mặt yếu, và phi nghĩa không đến nỗi như cọng bún. Dù sau chót chính nghĩa thắng, song thắng toát mồ hôi hột, chớ không dễ dàng” (tr.733-734)(4). Ông kết luận: “Phong thần gợi cho tôi nghĩ về chống tham nhũng. Chắc chắn tác giả bộ truyện không hề mang ý niệm này khi viết” (tr.734). Ông không cho biết điều gì đã khiến ông liên tưởng như vậy. Phải chăng cuộc đấu tranh hiện nay giữa cái tốt và cái xấu cũng gay go và phức tạp như cuộc đối đầu giữa hai phe Xiển giáo và Triệt giáo hồi thế kỷ 11 trước Công nguyên?

Trong cuộc đấu tranh ấy, ngay cả một quan tòa rất công minh như Trương Diên Thượng (sống vào đời Đường bên Tàu) cũng bị vô hiệu hóa.

U nhàn cổ suy chép: Một hôm, họ Trương xử một vụ án phức tạp, có dấu hiệu oan khuất.

Đang xử thì thấy trên bàn có mảnh giấy ghi: “Nộp 3 vạn quan, xin đừng xét vụ án này”. Trương giận lắm.

Hôm sau lại thấy mảnh giấy ghi: “Xin nộp 5 vạn quan”, Trương càng giận, hẹn hai ngày nữa sẽ hoàn tất hồ sơ.

Hôm sau nữa lại thấy mảnh giấy khác ghi: “Xin nộp 10 vạn quan”, Trương bèn xếp vụ án lại. Các đệ tử của ông ngạc nhiên, hỏi lý do. Ông đáp: “Tiền đến 10 vạn là thông thần được rồi, không việc gì là không xong, nếu khước từ e rằng tai họa sẽ đến”.

Kể đến đây, ông Tư liên hệ thực tế: “Bọn tham nhũng ở ta rất giàu, rất “thông thần”. Đó là một trở ngại chính cho công cuộc “phá trận” tham nhũng vậy” (tr.742).

Ông Tư không thích Trương Diên Thượng, nhưng rất phục Bao Chửng (còn gọi là Bao Công hay Bao Thanh Thiên).

Ông này đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Khu mật phó sứ (tương đương Phó tể tướng), nhưng ông nổi tiếng không phải vì đỗ đạt cao, làm quan to, mà nhờ tính thanh liêm chính trực, có tài phá án thông minh, xử án công bằng, chấp pháp nghiêm minh, không khiếp sợ trước uy quyền, không vị nể tình riêng.

Ông Tư kể: Bao Chửng được giao “vừa điều tra hình sự, vừa thẩm vấn và xét xử tội phạm”, tức cùng một lúc làm nhiệm vụ của cả ba cơ quan: công an, kiểm sát và tòa án. Với cái tâm và cái tầm của ông, ông thừa sức trừng trị bọn tội phạm, bảo vệ công lý. Tuy nhiên, theo ông Tư, “cái khổ của Bao Chửng không phải ở thế lực hay mưu mô của bọn tội phạm, mà ở ông vua Nhân Tông nhà Tống, ở Bàng thái sư (bố vợ vua), vướng một số công thần của tiên đế, một số người thế lực nắm quyền hành. Không vụ nào mà Bao Chửng không chạm vào bức thành kiên cố ấy” (tr.737). Đặc biệt, vua Nhân Tông còn “trẻ, không đến nỗi u mê”, nhưng lại “thích lời phỉnh nịnh” của đám cận thần bất tài và tham nhũng, cho nên “Bao Chửng gần như đơn thương, độc mã trong một trận đánh không cân sức”, một mình chống lại “cả một hệ thống quyền lực tham nhũng” (tr.737, 738).

Có lẽ không hài lòng với những thành tích còn hạn chế của Bao Chửng nên đời sau, các nhà viết tiểu thuyết, làm kịch, dựng phim thêu dệt thêm nhiều chi tiết hư cấu, biến Bao Chửng thành một nhân vật truyền kỳ, phá án như thần, thậm chí bịa ra chuyện “ban ngày ông xử ở dương gian, đêm về ông phán ở âm phủ”. Điều đó nói lên khát vọng của dân chúng muốn có một người mang lại công lý cho họ.

Ông Tư quý trọng Bao Chửng bao nhiêu thì khinh ghét Hòa Thân bấy nhiêu. Tay này giỏi nịnh bợ nên được vua Càn Long nhà Thanh sủng ái, cho làm Nội vụ đại thần, đem công chúa gả cho con trai của y. “Hòa Thân ăn hối lộ, mua quan bán chức, chặn số cống phẩm của nước ngoài và của quan lại dâng cho vua và triều đình. Vì vậy, y có nhiều đồ vật quý giá hơn cả vua” (tr.904-905). Y dám tuyên bố: “Thứ gì mà Hoàng thượng có, ta cũng có; thứ gì Hoàng thượng không có, ta cũng phải có”.

Sau khi vua Càn Long chết (năm 1799), vua Gia Khánh nhận được 68 tờ sớ đàn hặc của triều thần. Vua bắt Hòa Thân phải tự sát, tịch thu toàn bộ gia sản của y sung vào công quỹ. “Tài sản thật khổng lồ. Y giàu hơn cả nhà nước. Riêng việc kê biên tài sản của y cần đến 100 viên chức làm việc trong suốt 10 ngày đêm” (tr.904).

Ông Tư giải thích: “Hòa Thân có thể tham nhũng được đến mức đó vì y nắm quyền và chính chế độ quan liêu đời Thanh đã cho phép y lộng hành” (tr.904). Ông nhấn mạnh: “Quan liêu mở đường cho tham nhũng. Và với quan liêu thì tham nhũng trở nên vô độ… Đôi khi chúng ta dồn tâm trí chống tham nhũng - đúng thôi - mà buông tha cha đẻ của nó là quan liêu” (tr.905, 908, 909).

Người ta thường đổ cho chế độ phong kiến và chế độ tư bản “vỗ béo bệnh quan liêu” nhưng, theo ông Tư, quan liêu không phải là đặc sản của hai chế độ ấy. “Ngay những nước mà vua chúa, tư bản cuốn gói đi từ lâu, bệnh quan liêu vẫn ở lại. Không chỉ “muôn tâu bệ hạ”, khép nép “kính trình ông chủ” mà ngay gọi nhau bằng đồng chí, ở nơi này nơi khác, với “báo cáo với anh” vẫn chứa vi trùng quan liêu” (tr.905).

Ngày xưa, mỗi lần muốn trình lên quan trên nguyện vọng gì hay điều tố cáo nào, người dân phải viết tờ trình, lần lượt thông qua các quan nhỏ, quan lớn các cấp. Bọn tiểu lại này tha hồ hạch sách, đòi tiền trà nước. Bao Chửng quyết định bỏ “cơ chế xin cho”, thủ tục “theo đúng quy trình” đó, cho phép người dân tới công đường đánh ba hồi trống, cửa quan sẽ rộng mở để dân vào gặp trực tiếp quan trên. Bọn trung gian hết đường tham nhũng. Rất tiếc sau khi Bao Chửng nghỉ hưu, cơ chế cũ đội mồ sống lại.

Ông Tư nói: “Những thủ tục, những lề lối, nào phê duyệt, nào thông qua, nào xét đơn, nào duyệt dự án này dự án kia v.v… như một sơ đồ của mọi hành trình quan liêu. Đôi khi quan liêu không đồng nghĩa với tham nhũng, song một cái hất hàm, một cái quắc mắt trịch thượng trị giá không kém hơn một vụ ăn hối lộ” (tr.905).

Thông thường, cán bộ thoái hóa biến chất không dám ra mặt một cách công khai. Lúc đó, “cổng hậu thành cổng chính, vợ con thành nhân vật định đoạt. Bao nhiêu vụ tham nhũng kinh thiên động địa đều có bóng dáng của phu nhân, của công tử, con dâu của đại quan” (tr.906). Cho nên trước hết phải dẹp bỏ cơ chế quan liêu thì nạn tham nhũng mới không còn đất sống.

Là một đảng viên trung kiên, hết lòng vì nước vì dân, ông Tư ghét tham nhũng “như nhà nông ghét cỏ”(5). Nhưng ông tin tưởng chế độ xã hội chủ nghĩa của ta sẽ tiêu diệt được quốc nạn này, vì theo ông, “những người cộng sản không còn thiếu cái gì để thực hiện một xã hội không tham nhũng, không ai hơn người cộng sản về điều kiện thực thi nó: chế độ ta có uy tín chính trị, có chính quyền trong tay, có sự đòi hỏi và đồng tình của xã hội, có sự gặp gỡ giữa đạo lý truyền thống của dân tộc với tư tưởng xã hội chủ nghĩa, có một tinh hoa tiêu biểu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, có công cuộc đổi mới, cải thiện nền kinh tế quốc gia đáng kể, đang đẩy lùi một bước cái nghèo, không thiếu nòng cốt trung kiên, hầu hết người đứng đầu đất nước trong sạch…” (tr.738), những điều kiện mà Bao Chửng trong xã hội cũ có nằm mơ cũng không thấy. Ông kết luận một cách lạc quan như vậy.

 

_____

(1) Ông còn nhớ: cuốn La Thông tảo Bắc giá 1 hào, Bạch Xà Thanh Xà 4 hào, Hạng Võ biệt Ngu Cơ 5 hào, Trảm Trịnh Ân 6 hào…

(2) Võ đao quân: người thi hành án tử hình, chém đầu kẻ bị tội.

(3) Hồ ly: chồn, cáo. Theo Phong thần diễn nghĩa, Đát Kỷ vốn là con chồn, tu lâu năm thành yêu quỷ (hồ ly tinh).

(4) Các trích dẫn trong bài này rút ra từ tuyển tập Đổi mới đi lên từ thực tế của Trần Bạch Đằng, NXB Trẻ, TP.Hồ Chí Minh, 2002.

(5) Thành ngữ mà cụ Đồ Chiểu dùng trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.

 

 

PHAN VĂN HOÀNG