HV135 - Những cuộc gặp mặt không ai chờ đợi

Gặp các chiến hữu vào dịp đầu năm, ông Lê Cảnh Xuân vui miệng nhắc lại vài mẩu chuyện nhỏ trong thời hoạt động cách mạng:

- Vào khoảng năm 1955, đất nước đã bị chia đôi, tôi là phái viên cơ quan tình báo Trung ương, bấy giờ gọi tên là Nha Liên lạc, được cử vào Nam tiếp xúc với anh em tình báo ở Liên khu 5 đã từng hoạt động với tôi trong thời kháng chiến chống Pháp.

Bấy giờ Ngô Đình Diệm đang phát động phong trào tố Cộng đợt ba, ở miền Trung, Ngô Đình Cẩn và đám thủ hạ mật vụ ráo riết lùng bắt cán bộ cách mạng, gây một không khí khủng bố căng thẳng tột cùng. Vượt sông Bến Hải, tôi vào đến Huế, được anh Xuân Mạnh tức Nguyễn Nho Quý đưa tôi tới ở tạm nhà một cơ sở, bí danh Ba Hóa, gần rạp hát bội bà Tuần. Gọi tên là Hóa, vì anh làm chủ cửa hiệu bán văn hóa phẩm.

Vợ chồng Ba Hóa đón tiếp tôi cũng niềm nở. Một tối, vào lúc 8 giờ, đang nằm ẩn mình trong phòng cạnh ngọn đèn nhỏ, tôi nghe bên ngoài có tiếng kèn trống vang lên và tiếng loa vang: “Ai bắt được một Việt Cộng, chính phủ sẽ thưởng cho một triệu đồng”. Vào thời điểm đó, một triệu đồng là món tiền rất lớn. Tiếng loa lặp đi lặp lại khắp các phố phường, dội vào ngõ ngách từng nhà và từng ngõ ngách của tâm hồn người.

Bỗng Ba Hóa bước vào phòng, bảo tôi: “Chính phủ thưởng một triệu đồng cho ai bắt được một Việt Cộng”. Trong ánh đèn mờ, tôi thấy đôi mắt anh ta như ửng sáng lên. Tôi cười, bảo ngay: “Thôi, cứ bắt tôi đi, ra lãnh một triệu cho ngon”. Ba Hóa nhìn chăm chăm vào mặt tôi, rồi nói: “Ai đi làm rứa”. Và bước ra ngoài.

Tôi lưu lại Huế bốn ngày rồi vào Sài Gòn. Một hôm, đang đi trên đường sau chợ Bến Thành để đến nhà một cơ sở, tôi bỗng chạm mặt với… thôi, hãy đặt một cái tên khác cho khỏi buồn lòng con cháu anh ta, tạm gọi là Lê Văn Tân. Suốt thời gian kháng Pháp, Tân là cán bộ tình báo thuộc quyền của tôi, ở Liên khu 5. Thi hành Hiệp định Genève, bọn tôi tập kết ra Bắc còn Tân thì được ở lại, trở về cuộc sống bình thường, vì xét khả năng không thể đóng góp gì hơn. Trước khi vào Nam, tôi đã tìm hiểu tình hình, biết rõ người tốt, kẻ xấu trong số cán bộ còn lại và đã nghĩ đến đối sách với từng đối tượng. Tôi nghe Tân đã đầu hàng, chỉ điểm bắt hai cán bộ ở Nha Trang. Vừa chạm mặt tôi, Tân đã hỏi ngay:

- Ơ kìa… Anh đi mô dậy?

Tôi gắt:

- Mi hỏi chi rứa? Đi mô mặc kệ tau chớ.

Tôi lớn tuổi hơn, và là thủ trưởng nên quen xưng hô có vẻ trần trụi nhưng đầy thân tình như vậy. Y nói:

- Nhưng anh chớ đi lối ni. Thằng Thế đón lõng đằng tê, nó bắt anh liền.

Tôi vẫn tỏ ra cứng cỏi:

- Tầm bậy! Mắc mớ chi nó bắt tau? Mi đi mô thì cứ đi, còn tau thì không có trở lui mô.

Tân nắm cánh tay tôi năn nỉ, yêu cầu tôi đi lối khác. Tôi đọc thấy vẻ thành thật của y, nên nói:

- Ừ, thì tau lui. Nhưng mi phải nhớ đừng nói với bất kỳ ai là có gặp tau.

Tôi đi được một quãng ngắn thì Tân đã chạy theo tôi.

- Gì rứa?

Tân hạ giọng:

- Anh… Anh cho em xin một ngàn.

Tôi chỉ tay vào mặt nó:

- À, vừa rồi mi phao tin vịt để làm tiền tau phải không?

- Đâu có… Em túng thiệt mà. Em không có dối trá mô.

Tôi lấy tiền, cho y năm ngàn. Y cám ơn rồi rẽ sang một lối khác. Một thời gian sau, tôi từ Sài Gòn ra Huế, ghé lại Ba Hóa thì không gặp anh ta nữa. Tiệm văn hóa phẩm đã dẹp, nhà bán lại cho người khác. Anh em cũng đều mỗi người một ngả, không có điều kiện để hỏi thăm gã về đâu.

Mười năm sau đó, tôi đang là nghiên cứu sinh bộ môn Kinh tế chính trị ở Hà Nội, và chuẩn bị làm luận án thì được lệnh của Trung ương điều vào miền Nam. Tôi bỏ học, gấp rút sắp xếp lên đường. Đó là thời điểm 1964, Mỹ chuẩn bị đổ nửa triệu quân vào miền Nam. Đa số cán bộ tình báo đã bị sa vào tù ngục của mật vụ Cẩn. Trung ương nhận định, nếu Mỹ nhảy vào sẽ làm nảy sinh khá nhiều vấn đề tư tưởng trong cán bộ và quần chúng. Nhiệm vụ của tôi, bấy giờ, là giúp ổn định tư tưởng và sắp xếp lại tổ chức.

Vào Huế, tôi ở nhà một cơ sở tại Thành Nội. Tôi được biết rằng tiệm sách báo của Ba Hóa trước đây được mua bằng tiền cách mạng vài chục lạng vàng - để có một nơi hợp pháp cho sự liên lạc. Nhưng mười năm trước, Ba Hóa đã bán lấy tiền rồi chuồn đi một nơi khác sinh sống, mà anh em không ai biết là đi về đâu.

Buổi sáng hôm ấy, tôi có cuộc hẹn với một cán bộ ở phía trên cửa Thượng Tứ. Đúng giờ, tôi vội đến nơi, nhìn thấy trước mắt người bạn đang đứng thơ thẩn để chờ mình thì bỗng có chiếc xe Jeep chạy tới. Vừa thoắt nhìn lên, tôi thấy ngồi nơi tay lái là Lê Văn Tân! Thấy tôi, y cũng cho xe chậm lại, rà sát bên tôi vừa nở một nụ cười rồi phóng xe đi. Tôi bỏ cuộc gặp, quay vội về nhà cơ sở, thu dọn đồ đạc và lên đường ngay. Suốt thời gian hoạt động trong vùng địch chiếm, tôi tránh đi bằng xe đò, xe lửa hoặc máy bay để khỏi chạm mặt nhiều người. Tôi chỉ chuyên dùng loại xe hai bánh - xe gắn máy hoặc xe đạp - vì cơ động hơn. Từ Huế đi vào Sài Gòn, và vòng trở ra, tôi vẫn sử dụng chiếc xe gắn máy Goebel.

Bấy giờ cần phải gấp rút rời Huế, tôi phóng xe trên quốc lộ hướng về Đà Nẵng. Vừa đến Phù Lương, tôi sửng sốt thấy gã Lê Văn Tân đang đứng trong quán nhìn ra. Tôi liền thắng xe, ngoắt tay gọi gã. Khi gã tới gần, tôi gằn giọng hỏi:

- Mi đứng đây làm chi rứa?

- Dạ em… thu tiền xây dựng người ta còn thiếu…

- Răng hồi nãy mi gặp tau, mi lại lái xe chạy luôn?

- Dạ… em sợ.

Tôi chuyển đề tài:

- Báo cáo tình hình cho tau nghe đi!

- Dạ em có biết chi mô mà nói.

- Tau rõ mi biết nhiều thứ. Bây chừ gặp đây, tau giao một số nhiệm vụ, nhớ làm cho kỹ rồi giữ liên lạc chặt chẽ với tau, báo cáo cho đúng kỳ hạn. Nghe chưa?

- Dạ… dạ…

Tôi nêu một vài yêu cầu đơn giản, hẹn ngày giờ ở một địa điểm mà trời cũng tìm không thấy, rồi nói:

- Không được nói chuyện với ai là có mặt tau. Bây chừ, tau phải đi vô Đà Nẵng.

Rồi tôi rồ xe, đi thẳng. Dĩ nhiên, tôi không thể nào tiếp tục con đường. Qua khỏi khu vực sân bay Phú Bài, đến một xóm nhiều quán xá, tôi tấp vào một hàng quán bên đường, ở nơi ngăn cách với các nhà khác, có cô chủ quán gương mặt phúc hậu. Tôi nhăn nhó, kêu mình bị đau bụng, xin được nằm nhờ. Đồng bào ta vốn tốt bụng, cô chủ ân cần dìu tôi lên nhà, lấy dầu, rót nước. Tôi rên rỉ nói: “Cứ cho tôi được nằm yên, đợi nó dịu cơn hành hạ là đi lại được”. Sợ xe để bên ngoài sẽ lộ tông tích, tôi tiếp: “Phiền cô đưa hộ xe vào sau nhà để tránh kẻ gian…”. Mấy lần cô chủ quán muốn nấu cháo, nhưng tôi lại phải rên rỉ can ngăn. Tôi ôm bụng nằm đến chiều, gần tới 5 giờ - thời điểm các cổng qua cầu bị đóng - tôi nói cơn đau đã dịu, bèn chào cô chủ, lên xe quay trở lại Huế.

Hoạt động ở trong lòng địch, phương pháp chủ yếu của tôi mỗi khi gặp phải bọn xấu là tìm mọi cách trấn áp tinh thần từ đầu của chúng, để giành chủ động. Và những kẻ xấu bao giờ cũng thiếu tự tin. Quay trở lại Huế, tôi vừa tránh khỏi bao nhiêu cạm bẫy trên đường đi vào Đà Nẵng, nếu Lê Văn Tân manh tâm làm hại tôi, vừa tìm mọi cách khống chế thêm gã để tránh hậu họa. Tôi có nhiều cơ sở tốt ở Huế, và các anh chị em này qua hai cuộc chiến là những mẫu mực của sự trung kiên. Tìm một cơ sở quen thân với Lê Văn Tân, tôi giao nhiệm vụ tìm hiểu về y và khống chế y. Trong một tiệc rượu, qua những tâm tình, sau sự gợi hỏi khéo léo của người cơ sở, Tân đã tiết lộ rằng y đã gặp gỡ tôi.

- Sao mi không bắt ông ta lấy một triệu đồng?

- Quê tau ở vùng du kích Kim Long, bắt được ổng rồi liệu tau có còn mạng sống mà xài tiền triệu? Mà cỡ như ổng, tau chắc đi đâu có cả trung đoàn đi theo, đâu dám giỡn mặt. Tau chỉ tìm cách xin tiền ông ta, để mai mốt đây nếu giải phóng rồi, thì tau có cớ nhờ ổng cho giấy xác minh.

- À, thế ra mi cũng dung dưỡng Việt Cộng rồi còn chờ đợi cái ngày giải phóng… Tau phải báo cáo cấp trên mới đặng.

- Tau trăm lạy mi. Chẳng lẽ mi lại…

- Chớ không, tau thành đồng lõa với mi hay răng?... Thôi được, tau cũng không thể xử tệ với mi nhưng hai đứa mình cam kết không hé môi ra cho ai biết hết về chuyện gặp gỡ ông Xuân. Thề độc đi nghe!

Về sau, tôi có dịp thẩm tra và biết Tân không hề có dụng ý khai bắt hai cán bộ ở Nha Trang. Hai người này thú thật với tôi là quá chủ quan không chạy lẩn tránh, nên mới sa vào tay địch.

Tôi lưu lại Huế thêm một tuần lễ, rồi vào Đà Nẵng, tiếp tục cuộc hành trình vào Nam. Ghé lại Nha Trang, gần trưa, tôi vào một quán sách báo bên đường mua mấy tờ báo. Cái nghề tình báo cứ luôn đói tin. Cửa hiệu không có bóng người. Tôi gõ vào cửa:

- Cho mua vài tờ báo nè!

Người chủ lật đật chạy ra. Thoạt thấy, tôi đã hoảng hốt: chính là Ba Hóa. Cả hai đều không chờ đợi sự tái ngộ này. Lập tức, tôi trấn áp ngay:

- Chà! Mấy lâu tìm anh khắp nơi, giờ mới được gặp. Tiền bạc cách mạng, anh phải hoàn trả đủ số và trả tức khắc!

Dĩ nhiên, tôi không can dự gì đến chuyện tiền bạc này và Ba Hóa là cơ sở của bộ phận khác. Tuy vậy, Ba Hóa đã năn nỉ:

- Thưa anh, giờ thì… không có.

Tôi gắt:

- Không có, phải mượn cho có. Đây là vấn đề trách nhiệm.

- Dạ… nhờ anh thương giùm, xin cho em hẹn thêm một ngày nữa.

- Vô tủ lục đi, còn được bao nhiêu?

Một lát, y ra, cầm một xấp bạc:

- Dạ, chỉ có chừng ni…

Tôi lấy ngón cái lật qua xấp bạc, đẩy về phía y.

- Thôi, cất lại. Bấy nhiêu mà đủ thiếu chi. Ngày mốt, đúng 4 giờ chiều tôi sẽ ghé lại. Nhớ chuẩn bị đủ, nghe chưa?

- Dạ.

Tôi mua báo, trả tiền, ung dung dắt xe ra đường, đạp nổ và quanh co ít đoạn là bắt đầu phóng thật nhanh, không quay nhìn lại.

Sau ngày giải phóng, tôi có thăm hỏi, nhưng các anh em gần gũi không ai biết gã ở đâu.

Bỗng một người bạn trong nhóm cất lời:

- Tôi biết rất rõ. Gã đã quay về ngoài quê nhà rồi.

Một người phát biểu:

- Phải gửi thư đòi món nợ mà y đã quỵt. Ăn cắp của công, trốn tránh nhiệm vụ, không bị trừng phạt là may lắm rồi.

Ông Lê Cảnh Xuân rít một hơi thuốc du lịch Cửu Long, ôn tồn:

- Tôi nghĩ tất cả bọn xấu đối với cách mạng, nếu không bị hình phạt gì, thì từ giải phóng đến nay chắc sống với những day dứt và những buồn phiền. Thế cũng đã là sự trừng phạt rồi. Những kẻ chỉ biết đồng tiền, chỉ lo mạng sống, dẫu còn tồn tại trong cảnh dư thừa cũng đã tự loại mình ra khỏi dòng sống chính của toàn xã hội. Đó mới là sự trừng phạt nặng nề hơn hết. Bây giờ, nếu mà còn sống, Ba Hóa cũng đã già rồi. Nay mình đòi tiền, dẫu y có thừa để trả, cũng gây sợ hãi cho y và thúc đẩy y sớm tìm cái chết.

Uống ngụm nước trà nguội, ông Xuân nói tiếp:

- Có lẽ hôm nào ta gởi ít lời để hỏi thăm gã. Gián tiếp cho gã biết rằng không phải cách mạng lú lẫn quên hết tội lỗi gã đâu, nhưng vì muốn gã được sống yên lành trong những ngày tàn.

 

VŨ HẠNH