HV135 - Về thời ông Kim Ngọc

Năm 1972, tôi được UBND tỉnh Vĩnh Phú quyết định điều động từ Phòng văn hóa thành phố Việt Trì về Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ tỉnh.

Hội được thành lập là nhờ có chủ trương của ông Kim Ngọc - Bí thư Tỉnh ủy. Miền Bắc lúc ấy mới chỉ có Hà Nội, Hải Phòng và vài tỉnh thành lập Hội Văn nghệ. Ông Kim Ngọc chủ trương lãnh đạo một tỉnh phải lãnh đạo toàn diện. Và ông thật sự quý mến văn nghệ sĩ, nhất là những người tài năng nổi tiếng. Ông còn hiểu kỹ tâm tính của giới văn nghệ sĩ. Ngày ấy do có sự động viên của ông Kim Ngọc, anh em văn nghệ chúng tôi tha hồ được hoạt động. Hội Văn nghệ Vĩnh Phú nhờ vậy đón được hầu hết văn nghệ sĩ nổi tiếng. Nhiều anh em thích đầu quân về hội như nhà văn Đặng Ái, nhà thơ Đào Vĩnh…

Bạn bè văn nghệ lên hội Vĩnh Phú có anh ở chơi cả tháng trời. Thời bao cấp rất khó khăn về đồng tiền bát gạo nhưng ông Kim Ngọc cho phép hội thoải mái tiếp khách. Có ông “nghệ sĩ” đến mức uống rượu say bét nhè, chửi bậy lung tung. Ông Kim Ngọc động viên chúng tôi: “Làm văn nghệ phải biết chiều nghệ sĩ”. Ban ngày đang giờ làm việc của hai cơ quan Tòa án, Kiểm lâm tỉnh ở cạnh hội, giữa sân cơ quan hội mà lại say rượu chửi bới lung tung còn “ăn nói phản động”. Cán bộ Tòa án, Kiểm lâm phản ánh sang Công an và lãnh đạo tỉnh. Ông Kim Ngọc xua tay nói: “Đừng chấp họ, đấy là rượu nói chứ không phải họ nói”. Một lần chúng tôi mời đoàn văn nghệ sĩ ở Trung ương lên Vĩnh Phú. Có mời Bí thư Tỉnh ủy sang ăn cơm cùng. Ca sĩ Trần Khánh uống rượu say nói lung tung, một ông văn nghệ vỗ vai bảo Trần Khánh là có mặt nhiều vị lãnh đạo tỉnh ở đây. Trần Khánh không những không thôi nói mà còn nói to hơn, sặc hơi rượu: “Lãnh đạo thì sợ à, tớ chửi cả họ thằng làm chính trị” khiến nhiều người ngơ ngác. Ông Kim Ngọc bảo chúng tôi đi lấy nước chanh và búp lá dong cho anh Trần Khánh uống giã rượu và ông nói với mọi người: “Tiếp khách văn nghệ thế mới vui chứ”. Chúng tôi thở phào. Có hôm chúng tôi đón nhà văn Nguyễn Tuân, sang báo cáo với ông Kim Ngọc. Ông biết tính nhà văn là người sành ăn, sành chơi nên chỉ thị cho chúng tôi phải đón được người giã giò giỏi nhất tỉnh lên làm giò tiếp nhà văn. Ông dặn chúng tôi khi đưa các nhà văn trở về Hà Nội nhớ rẽ vào nhà một anh chủ tịch xã ở Mê Linh đặt nấu cho bữa thịt chó đãi các nhà văn, vì anh chủ tịch ấy biết nấu thịt chó ngon nhất tỉnh. Ông muốn cho giới văn nghệ sĩ thủ đô biết Vĩnh Phú cũng là nơi biết ăn biết chơi.

Ngày ấy thời bao cấp khó khăn, Hội Văn nghệ lại thường xuyên phải tiếp khách sang, ông dặn chúng tôi khi khách về cần tặng khách bằng đặc sản địa phương như hồng Hạc Trì loại tiến vua, hoặc chè Hồng Đào. Chúng tôi băn khoăn, ông giải thích: Chút đặc sản địa phương tặng khách đừng nhầm lẫn đó là quà đút lót, mà là phát huy giá trị mến khách truyền thống của ông cha mà thôi.

Ông Kim Ngọc dặn chúng tôi - những người lãnh đạo Hội Văn nghệ lúc ấy - phải biết rộng lượng, đoàn kết để tập hợp được đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh. Hội Văn nghệ tỉnh ngày ấy chỉ có ba bốn chục hội viên nhưng chất lượng cao. Không như ngày nay kết nạp ào ào, anh chủ tịch nào cũng muốn kết nạp “cánh hẩu” để có phiếu bầu cao tiếp tục được làm chủ tịch, được nhiều bổng lộc hơn người khác nên văn nghệ sĩ không còn sĩ khí để xã hội tôn trọng!

Chúng tôi cảm thấy sung sướng được ở trong Hội Văn nghệ dưới thời Bí thư Kim Ngọc, một người vừa hiểu biết vừa độ lượng, rất quan tâm đến sự phát triển phong trào văn nghệ địa phương. Ông cử ông Trần Quốc Phi - Phó chủ tịch phụ trách nội chính của Ủy ban tỉnh sang kiêm nhiệm phụ trách Hội Văn nghệ. Ông Phi trước đó là Trung đoàn trưởng, phụ trách đơn vị bộ đội giết chết một tên chỉ huy quân Tưởng, bị chúng kiện. Cụ Hồ phải cho xử tử vắng mặt Quốc Phi để nguôi lòng quân Tưởng, rồi ông Phi được đổi tên khác sang phụ trách Quốc doanh Phát hành phim và chiếu bóng. Vì ngày ấy chưa có xưởng phim truyện, nên Quốc doanh PHP-CB lãnh đạo cả việc xây dựng những bộ phim truyện đầu tiên. Từ Quốc doanh PHP-CB, ông Phi về làm Phó chủ tịch tỉnh Phú Thọ rồi chuyển về làm Phó chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc.

Khi hợp nhất Phú Thọ với tỉnh Vĩnh Phúc thành tỉnh Vĩnh Phú, vì ông Kim Ngọc - Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc được Trung ương quyết định làm Bí thư tỉnh Vĩnh Phú nên hầu hết cán bộ đầu ngành của tỉnh đều là người Vĩnh Phúc, Phú Thọ chỉ giữ chức phó. Cho nên ngấm ngầm cán bộ Phú Thọ tỏ ra bức bối. Họ bảo, “gió đông” thổi bạt “gió tây” (Vĩnh Phúc thuộc miền đông, Phú Thọ thuộc miền tây). Nhưng riêng tôi nghĩ khác, tôi thấy cán bộ Vĩnh Phúc có năng lực thật sự.

Dưới thời ông Kim Ngọc và ông Trần Quốc Phi tại vị, văn nghệ sĩ được quan tâm tự do sáng tác. Tiếng nói của Hội Văn nghệ được đề cao, hội có vị thế xứng đáng.

Ông Nguyễn Văn Mùi - nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục, trực tiếp làm Hiệu trưởng trường Lào - phàn nàn với chúng tôi về trường hợp nhà thơ Nguyễn Hà là người làm công tác rất khá, ông muốn đề nghị vào biên chế nhưng Sở Công an không đồng ý nên Ban tổ chức chính quyền không thể quyết định được. Vốn Nguyễn Hà là nhân viên sửa mo rát cho báo Nhân văn Giai phẩm. Anh nghe theo tiếng gọi lên miền tây để xây dựng đất nước. Trường Lào là nơi anh đến để lo khâu văn hóa văn nghệ cho ngôi trường quốc tế to vật vã lúc ấy. Phòng ở của Nguyễn Hà có treo bức tranh biểu tượng hoạt động văn hóa: tranh vẽ cái bảng pha màu của họa sĩ có cắm 3 cái bút lông. Cán bộ công an nằm vùng suy diễn đó là vẽ cái cờ tam tài, ba que biểu hiện Nguyễn Hà vốn có tư tưởng trông ngóng thực dân Pháp! Chúng tôi đến chụp ảnh bức tranh ấy rồi báo cáo với anh Quốc Phi. Anh Phi có ý kiến trước với Bí thư Kim Ngọc, nên cuộc xét biên chế năm ấy ý kiến phản biện của giới văn nghệ là xác đáng, và nhà thơ Nguyễn Hà được vào biên chế nhà nước.

Năm 1967, tôi đang dự trại sáng tác của Hội Nhà văn do nhà văn Lê Minh, con gái út của cụ Nguyễn Công Hoan, phụ trách. Bà Lê Minh đang phụ trách mảng văn hóa văn nghệ của báo Nhân dân, được dự hội nghị nông nghiệp toàn miền Bắc ở Nam Hà. Đi họp về, bà nói với tôi: “Ông Kim Ngọc - Bí thư Vĩnh Phú nhà cậu cứng đầu thật đấy. Lúc giải lao ngoài hành lang ông ấy nói với ông Tố Hữu: ‘Làm ruộng không giống như cách các anh làm thơ đâu anh Tố Hữu ạ’. Tớ thấy ông Tố Hữu trầm mặt rồi quay đi”.

Dạo ấy chúng tôi mời Viện Bảo tàng Mỹ thuật lên thăm hội và mời ông Kim Ngọc sang tiếp cơm. Viện Bảo tàng Mỹ thuật giới thiệu một bộ tranh đẹp của Bảo tàng Dresden do Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức phiên ra một bản tặng Chính phủ ta nhân kỷ niệm Quốc khánh nước ta. Trong số tranh tặng có bức Vệ nữ thiu thiu ngủ của họa sĩ bậc thầy Ý Giorgione. Vì là tranh khỏa thân nên Hà Tây, Hải Phòng mang về mới thử treo đã bị quần chúng phản đối, lại trả lại. Anh Quốc Phi hội ý ngay với anh Kim Ngọc rồi quay sang tôi nói: “Cậu phụ trách tổ triển lãm lưu động này, cần giới thiệu cho quần chúng hiểu cái đẹp ở tranh khỏa thân khác với sự lõa lồ dung tục”.

Chúng tôi tổ chức triển lãm mỗi nơi một tuần. Từ thị xã Phúc Yên rồi lên thị xã Vĩnh Yên. Ở Vĩnh Yên, bị một anh Thị ủy viên mệnh danh Đảng chống phổ biến sự đồi trụy. Chúng tôi giải thích nhưng anh ta không nghe. Chúng tôi báo cáo lại với anh Quốc Phi. Anh Phi nhìn chằm chằm vào anh Thị ủy viên, hỏi:

- Cậu học lớp mấy rồi?

- Cháu học lớp 6 ạ.

- Không được, phải học nữa đi. Học cho đến khi biết phân biệt cái đẹp khác với cái xấu như thế nào.

Phòng tranh của chúng tôi lúc nào cũng nườm nượp người vào xem. Chúng tôi phải giải thích những cái đẹp mà họa sĩ thể hiện trong tranh. Thời Phục hưng ở Ý, giới hội họa vẽ nhiều tranh khỏa thân để tuyên chiến với những luật hà khắc của Giáo hội. Họ khẳng định cái đẹp của con người là vĩnh hằng, con người mới là chủ thể của thế giới. Giáo dân ở Vĩnh Yên xem xong, có người quá khích nghĩ rằng treo bức tranh này là chống lại nhà thờ, họ bàn bạc lấy cắp để thủ tiêu tác phẩm mỹ thuật đó. May có người dân nghe được, báo cho công an biết. Thế là chúng tôi có thêm lực lượng bảo vệ triển lãm. Tối tối, tôi với họa sĩ Hoàng Hữu phải gỡ bức tranh đem về nhà dân. Chúng tôi ngủ phải ôm bức tranh như ôm người đẹp ở giữa.

Khi lên Việt Trì triển lãm, chúng tôi bị một bà cán bộ phụ nữ Nhà máy Dệt chất vấn:

- Các đồng chí treo cái đồng chí khỏa thân này nhằm mục đích gì?

Chúng tôi lại phải rát họng để giải thích. Các ông lãnh đạo tỉnh người Phú Thọ đến xem không nói gì, nhưng tôi biết họ không thoải mái, thậm chí xem tranh mà cứ phải nhìn trộm. Có lúc chúng tôi giải thích:

- Giorgione là họa sĩ cung đình bậc thầy ở Ý. Ông được nhà vua vô cùng kính trọng. Có hôm ông nằm ngửa vẽ lên trần, mỏi tay đánh rơi bút. Nhà vua vén hoàng bào cúi nhặt bút bị một quan đại thần tâu: “Bệ hạ không cần phải cúi mình nhặt bút cho kẻ tiện nhân đâu ạ!”. Nhà vua bèn mắng quan đại thần: “Ta có thể kiếm hàng trăm đại thần như ngươi, nhưng họa sĩ bậc thầy như Giorgione thì ta chỉ có một”.

Tôi nói theo văn bản thuyết minh, nhưng vẻ mặt của mấy ông lãnh đạo người Phú Thọ cho là tôi xỏ xiên họ.

Ông Bút Tre lúc ấy là Phó ban thường trực Ban tuyên giáo tỉnh lại cười phớ lớ cổ vũ:

- Các cậu làm tốt lắm. Xốc tới lên!

Rất buồn là sau đó ông Kim Ngọc bị Trung ương kiểm điểm ba ngày về sai lầm khoán hộ làm cho nông dân có tư tưởng làm giàu theo tư bản chủ nghĩa. Ông bị về hưu sớm. Phó bí thư Phú Thọ lên chức Bí thư. Đổi chiều “gió tây” thổi bạt “gió đông”. Trong nông nghiệp thì phát triển theo tư tưởng sách vở, giáo điều, nông dân làm ăn trễ nải chỉ cốt ghi công chấm điểm. Năng suất trong nông nghiệp quá thấp, mỗi ngày công chỉ được vài lạng thóc. Nuôi được con lợn không được mổ, thóc lúa, lợn gà được thu vét cấp cho chiến trường ăn no thắng giặc. Vườn tược, đất đai, ao hồ phải bỏ hoang. Vườn ông cha để lại nhưng tính nhân khẩu trong hộ đã được cấp 5 thước vuông rau xanh để cải thiện, ai cày cuốc tăng gia cải thiện ở đất vườn thừa tiêu chuẩn sẽ bị phạt è cổ. Cả cây vải, cây nhãn ra quả cũng không được ăn. Cả nước đói nhăn răng, nông thôn vào cuộc “cải tiến quản lý hợp tác xã” đợt mới, đưa hợp tác nhỏ lên hợp tác xã toàn xã. Trước có 200 cái cuốc nay gộp lại thành nghìn cái cuốc, thế là lớn và mạnh rồi.

Tỉnh ủy Vĩnh Phú xây dựng hai hợp tác xã (HTX) điển hình, trống dong cờ mở đưa Tỉnh ủy viên về làm Chủ nhiệm. Các ngành chuyên môn cử cán bộ xuống trực tiếp phụ trách đội thủy lợi, đội chăn nuôi, cán bộ văn hóa thông tin thì mang người và tiền của xuống đầu tư cho HTX. Ngành công nghiệp mang máy móc thiết bị đến trang bị để có kết quả, có bài học nhằm tuyên truyền là chính. Nhà văn nhà báo đều phải đếm cái “điển hình” để tuyên truyền… Tôi đến HTX điển hình Khải Xuân, gặp ông Tuân, Chủ nhiệm, phỏng vấn qua loa thành tích của Khải Xuân rồi không viết gì. Tôi lên huyện gặp ông Kiên, Bí thư Huyện ủy huyện Sông Lô, rồi xuống HTX Đại Đồng, một điển hình của huyện. Họ xây dựng HTX bằng nội lực của họ, không được Nhà nước đầu tư như Khải Xuân nhưng họ làm được nhiều việc có ý nghĩa lớn lao, bài học của họ có thể áp dụng đại trà.

Hôm tôi ở Đại Đồng, phóng viên buổi phát thanh nông thôn cũng đến Đại Đồng. Họ cũng từ Khải Xuân lên đây, không ca ngợi gì Khải Xuân. Trở về, họ phát bài về Đại Đồng 10 buổi sáng liền. Dịp ấy tôi cũng có bài ký Về Đại Đồng in báo Văn nghệ và phát ở chương trình bút ký Đài Tiếng nói Việt Nam. Đại Đồng được báo chí trung ương làm rùm beng, còn điển hình Khải Xuân của tỉnh chỉ có báo Vĩnh Phú tuyên truyền nên ảnh hưởng không lớn. Tôi bị một số văn nghệ sĩ, báo chí địa phương cô lập, coi là kẻ không tuyên truyền cho nhiệm vụ chính trị địa phương. Họa chăng là được ông Bút Tre cổ vũ.

Khi ấy Vĩnh Phú nổi lên một HTX điển hình ngoài mong muốn của lãnh đạo tỉnh nhưng cả nước đến tham quan - đó là HTX Hợp Thịnh, do ông Lê Bùi, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, xin về trực tiếp làm Bí thư kiêm Chủ nhiệm. Ông Bùi trước làm Trưởng ban nông nghiệp tỉnh. Ông là đồng tác giả với ông Kim Ngọc trong cơ chế khoán hộ. Ông Kim Ngọc phân công ông thôi phụ trách Ban nông nghiệp về làm Bí thư huyện Lập Thạch để thực hiện khoán hộ. Khi thấy khoán hộ có kết quả, nông dân trực tiếp làm chủ mảnh ruộng của mình, năng suất lên, sản lượng cao, người người phấn khởi nhưng mọi người còn phải làm chui, giấu không cho cán bộ “miền tây” thấy. Kết quả rực rỡ ở Lập Thạch được bí mật phổ biến cho các huyện “miền đông” làm theo. Nhưng việc động trời ấy làm sao giấu được những người cán bộ Phú Thọ luôn bám sát theo dõi thấy cót lúa của nhà dân đầy hơn. Nhà nào cũng nuôi lợn gà, đóng góp cho chiến trường thừa mức quy định. Họ báo cáo lên Trung ương là Kim Ngọc sai lầm trong chỉ đạo nông nghiệp, rằng ông có tư tưởng tư sản, khuyến khích máu tư hữu của nông dân. Ông bị kiểm điểm, bị nghỉ hưu. Ông Lê Bùi cũng bị kiểm điểm, bị điều sang giúp nước bạn Lào. Hai ba năm sau trở về, ông xin với Thường vụ tỉnh cho về củng cố hợp tác xã ở quê. Tỉnh vui lòng cho ông đi nhưng không ngờ lại thả hổ về rừng. Trước hết ông củng cố được một Đảng bộ vững mạnh. Ông muốn cho mọi người thấy chỉ có HTX Hợp Thịnh của ông mới tiến được lên xã hội chủ nghĩa. Bác Hồ nói: “Muốn có chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”. Nhưng muốn có nền kinh tế quản lý tập trung và sản phẩm phân phối được công bằng, phải chống tư tưởng quan liêu. Quan liêu sinh ra hống hách, xa dân và tham ô tham nhũng. Cả nước lan tràn câu ca: “Mỗi người làm việc bằng hai - để cho chủ nhiệm mua đài, mua xe”.

Vì trở về quản lý HTX theo chế độ tập trung quan liêu bao cấp, nên các huyện Vĩnh Phúc cũng như các tỉnh khác nông dân lại lâm nạn đói vàng mắt. Hải Phòng và một số tỉnh khác lại bí mật làm chui khoán hộ theo kiểu ông Kim Ngọc. Họ không dám nói khoán hộ mà nói khoán quản: hộ tự quản lý lao động, tự quản lý diện tích, quản lý sản lượng. Cuối vụ trừ số thóc được giữ lại theo mức công lao động, còn lại gánh nộp cho HTX. Cuối cùng do sức ép của quần chúng, Trung ương buộc phải nghĩ lại, sửa sai, ra Chỉ thị 100 cho các HTX nông nghiệp toàn quốc được khoán quản. Người ta vẫn kiêng từ khoán hộ. Nhưng nông dân toàn quốc mong muốn ông Kim Ngọc được phong là Anh hùng lao động. Ông được đúc tượng vàng trong lòng người dân cả nước.

Trở về Hợp Thịnh, ông Bùi không làm theo Chỉ thị 100. Hàng nghìn mẫu ruộng chiêm khê mùa thối được ông hợp đồng với ngành thủy nông thủy lợi cải tạo đồng ruộng, kết quả sản lượng được chia theo phần trăm. Ông ký hợp đồng với các Viện lúa, Viện ngô sông Bôi, đưa đồng ruộng từ 1 vụ lên 3 vụ. Được hẳn một vụ ngô đông. Dân Hợp Thịnh hết đói, trẻ em được đi học, được bao cấp bữa ăn, được uống sữa đậu nành. Viện dinh dưỡng được mời về làm chuyên gia chăm sóc sức khỏe cho người dân. Riêng HTX vận tải có 30 đầu xe tải lo đủ yêu cầu vận tải của người dân. Đoàn chèo của Hợp Thịnh về mọi mặt không thua kém gì một đoàn văn công chuyên nghiệp được Nhà hát chèo Trung ương đỡ đầu.

Ông Bùi muốn xuất bản một tập đặc san khổ lớn in màu mà ngày ấy còn là sự hiếm hoi. Ông cử người về Hội Nhà văn nhờ ông Hữu Thỉnh, đồng hương, giúp đỡ. Ông Hữu Thỉnh bảo về gặp Nguyễn Hữu Nhàn, phụ trách Phòng xuất bản về giúp. Tôi chỉ cử một người ở nhà trực phòng, còn lại 10 người đổ quân xuống Hợp Thịnh. Ngày ấy nhà văn, nhà báo của tỉnh sợ lãnh đạo tỉnh riềng, không dám đến Hợp Thịnh.

Ông ra điều kiện với tôi:

- Bác phải làm cho Hợp Thịnh một cuốn đặc san kiểu mẫu khá hơn mọi cuốn đặc san của tỉnh.

Tôi trình bày ý tưởng thiết kế quy mô tập đặc san. Tên đặc san định chọn là “Hợp Thịnh đất gọi chim về”.

- Vì sao bác đặt tên như thế?

- Vì Hợp Thịnh đang hút cả nước về tham quan học tập. Các nhà khoa học nông nghiệp, các Bộ, các ngành đều về đây. Cả những HTX ở miền tây của tỉnh không có chủ trương của huyện, của tỉnh gần như khắp các huyện thành thị đều về đây tham quan. Hôm qua Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến nói với em “Về đây tớ mới thấy có cộng sản”.

Sách Đất gọi chim về in đẹp trang trọng do một họa sĩ tài năng của phòng tôi thực hiện. Nhờ làm sách này mà Nhà xuất bản Văn hóa, Văn học biết đến. Sau đó anh luôn được họ mời vẽ bìa, minh họa và vẽ truyện tranh cho các nhà xuất bản. Tôi còn viết những bài báo và viết hẳn một cuốn tiểu thuyết Làng Cói Hạ để ca ngợi Hợp Thịnh. Anh Hoặc và anh Tô Chánh, Phó văn phòng Tỉnh ủy, khoe với tôi: “Vui quá bác Nhàn ạ, hôm trước ông Phó bí thư đến phòng tôi hỏi: Các cậu có biết nhân vật Lão Rán trong Làng Cói Hạ lão Nhàn nó viết về ông D…, Phó chủ tịch tỉnh không? Hôm sau lại chính ông D… đến bảo: Các cậu có biết lão Nhàn nó viết về ông Phó bí thư nhưng đặt tên là ông Rán không?”. Họ muốn mượn tay nhau để diệt tôi. Hồn nhiên nhất là ông Ủy viên Ban thường vụ, Chủ tịch HĐND tỉnh, khiển trách anh Phó giám đốc Sở Văn hóa là mất cảnh giác, lơ là để cho các hiệu sách bán sách Làng Cói Hạ ca ngợi Hợp Thịnh. Anh Giám đốc thanh minh: “Nhà xuất bản của Trung ương trực tiếp phát hành, chúng tôi không có quyền ngăn cấm đâu ạ”.

Sau đó tách tỉnh, các cơ sở công nghiệp như Nhà máy Supe, Nhà máy giấy Bãi Bằng, các nhà máy chè đều xây dựng trên đất Phú Thọ. Vĩnh Phúc là vùng đồng bằng vựa lúa, dăm bảy năm sau họ vươn lên thành tỉnh công nghiệp có thu nhập cao thuộc tốp đầu cả nước. Phú Thọ toàn những ông lãnh đạo cổ lỗ như thế, đương nhiên chỉ làm cho tỉnh nghèo đói đứng trong tốp thấp của cả nước. May là vài ba năm nay, ông Hoàng Dân Mạc cùng những trí thức trẻ có tài được bầu vào Ban lãnh đạo tỉnh, họ đang dần dần thay máu cho Phú Thọ bắt đầu nhúc nhắc chuyển mình.

Thiết tưởng ta đừng quên tấm gương ông Kim Ngọc, một con người suốt đời tận tâm với dân với nước cho dù có lúc cuộc đời ông bị cấp trên hiểu sai, phải ngậm bao cay đắng trước khi bước sang thế giới bên kia.

NGUYỄN HỮU NHÀN